Phong tục đón Tét cổ truyền của người Việt (Minh Kim)

Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành rất nhiều nét đẹp trong đời sống mang tính nhân văn sâu sắc và đậm đà bản sắc. Tết cổ truyền chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp xuân về, chúng tôi khảo cứu trong sách xưa để giới thiệu đến quý độc giả Tạp chí một số phong tục đẹp trong dịp Tết.

Chữ Tết có người cho là do chữ Tiết (thời tiết) mà ra. Trong một năm có nhiều “Tết” và Tết Nguyên đán (có nghĩa buổi sáng đầu tiên) là quan trọng hơn cả vì nó mở đầu cho một năm. Cũng như các dân tộc khác, người dân Việt, mỗi khi mùa xuân về lại vui chơi để tống cựu nghinh tân, đón một mùa xuân tươi đẹp huy hoàng. Tết không chỉ bắt đầu năm mới, mà còn là thời điểm để vạn vật đều đổi mới: thời gian, thiên nhiên, con người và ngay cả đến những vật vô tri. Tất cả đều có vẻ đặc biệt khi mùa xuân tới, người thì nét mặt rạng rỡ hơn, nhà cửa đồ vật đều mang vẻ mới mẻ hơn để nghênh tiếp tân xuân. Hầu hết mọi công việc, lo toan, phiền muộn… đều được giải quyết ngay trước tất niên, hoặc là tạm gác lại trong mấy ngày Tết.

Trong thời gian Tết, gia đình đoàn tụ vui tươi đón mùa xuân mới với những cành hoa mai, đào, thủy tiên… thi nhau đua nở, những món quà Tết, những bữa cơm gia đình quây quần sum họp. Ngày Tết còn là ngày mà mọi người dù sang hay hèn, dù thành thị hay thôn quê đều vui vẻ, hoan hỷ.

Chuẩn bị đón Tết

Từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu lan tỏa khắp mọi ngõ ngách. Một trong những dấu hiệu đầu tiên là ngoài chợ hàng hóa trưng bày nhiều hơn. Trong các cửa hàng tạp hóa đã thấy bánh mứt xuất hiện với màu sắc rực rỡ, hình thức phong phú, hấp dẫn. Trong các cửa hàng vải vóc, quần áo, giày dép, hàng hóa chất đầy, thu hút sự chú ý của các cô cậu tuổi “bẻ gãy sừng trâu” vốn thường quan tâm đến thời trang ngày Tết.

Một nỗi rạo rực vô hình len lỏi vào tâm thức mỗi người khiến cho nhịp sống càng lúc càng ráo riết, cấp bách hơn. Khắp nơi đều toát lên không khí sửa soạn đón Tết. Người ta sơn phết lại nhà cửa, trang hoàng bàn thờ gia tiên, đánh bóng lại bộ lư đồng, quét dọn trong sân ngoài ngõ…. Cùng với cái đẹp, nhà nhà đều chuẩn bị gạo nếp gói bánh chưng, bánh tét và làm các loại mứt: mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt tắc… Nếu miền Bắc có thịt lợn nấu đông, miền Trung có thịt heo ngâm nước mắm, thì miền Nam không thể thiếu nồi thịt heo kho tàu, khi ăn kèm thêm dĩa dưa giá. Thật không thể kể hết món ăn đặc sắc ngày Tết của người dân ba miền.

Tết đến, ai cũng muốn nhà mình phải sạch đẹp từ trong ra ngoài, đồng thời thể hiện sự no đủ, sung túc. Chỉ một số rất ít người đang lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thì mới không màng tới việc chuẩn bị đón Tết, còn hầu như mọi người đều có chung tâm trạng náo nức mỗi khi Tết đến xuân về.

Xuân nơi cửa Thiền

Người xuất gia vốn không phân biệt ngày xuân với ngày thường, nhưng vì tùy thuận chúng sanh nên cũng quét dọn trong ngoài, trang hoàng chánh điện chuẩn bị đón xuân. Trước sân chùa có dựng một cây nêu, trên cây nêu có ngọn phướn, chiếc khánh sành lủng lẳng, chạm vào nêu vang leng keng và một bó vàng.

Ngoài ra, trước sân chùa, ngoài cửa tam quan còn có rắc vôi bột vẽ cung tên để đuổi ma quỷ. Việc trồng cây nêu trước chùa có liên quan đến sự tích: “Ngày xưa, có thời quỷ dữ lộng hành quấy nhiễu dân gian. Dân gian bèn kêu cứu với Bụt. Bụt hiện xuống bắt quỷ nhốt lại. Quỷ van xin được tha. Bụt ra điều kiện: Từ nay về sau hễ thấy nơi nào có trồng cây nêu và rắc vôi bột thì đó là đất Phật, quỷ không được quấy nhiễu”. Từ đó, mỗi độ Tết đến, trong chùa cũng như ngoài dân đều trồng nêu và rắc vôi bột.

Tục lệ ngày 30 Tết

Ngày 30 (hoặc 29 nếu tháng thiếu) Tết là ngày cuối cùng của năm. Người ta tranh thủ làm những việc còn dang dở để trước ngày Tết mọi việc phải xong. Càng về chiều dường như mọi người đều tập trung quây quần trong nhà, ngoài đường vắng bóng người, thỉnh thoảng một vài chiếc xe vội vã về nhà.

 

Trên sông nước trong khoang thuyền chở vội
Giữa bọn người về Tết chuyện ba hoa
Một lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói
Mắt mơ màng theo tiếng pháo xa xa

(Anh Thơ)

Trong ngày này có nhiều tục lệ hiện nay vẫn còn và có những tục lệ chỉ còn là vang bóng một thời.

Rước ông bà về ăn Tết: Người Việt chúng ta luôn thờ phụng tổ tiên, vì cho rằng tổ tiên luôn gần gũi con cháu, nhất là trong những thời khắc vui buồn của gia đình. Tết cũng là dịp để gia tiên về với con cháu. Trước Tết vài ngày, chủ nhà mang vàng hương tới các ngôi mộ khấn mời hương linh tổ tiên về vui Tết. Nhân dịp này, người ta đắp lại và nhổ hết cỏ dại mọc trên mộ. Đây là một dịp để con cháu chăm sóc phần mộ gia tiên, vì quanh năm bận rộn, ít có dịp thăm viếng.

Chiều ba mươi Tết, con cháu sum họp đông đủ. Bàn thờ gia tiên trang hoàng rực rỡ. Mân cỗ bày những món ăn cổ truyền lẫn nhiều loại bánh trái đủ màu sắc và hương vị thơm tho. Chủ nhà ăn mặc chỉnh tề, con cháu thành kính vây quanh. Gia chủ thắp ba nén hương, cung kính vái lạy trước bàn thờ mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Nét đẹp này không mấy dân tộc có được như Việt Nam.

Súc sắc súc sẻ

Tối ba mươi Tết, ngày xưa tại các làng xã miền Bắc, những trẻ em nghèo họp nhau lại từng bọn, rủ nhau đi chúc Tết. Mỗi bọn cầm một chiếc ống đựng tiền, đến trước cửa từng nhà, vừa lắc ống đựng tiền vừa hát:

Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho chúng tôi vào.
Bước lên giường cao,
Thấy đôi rồng ấp;
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu;
Bước ra đằng sau,
Thấy nhà ngói lợp;
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn cầm;
Ông sống một trăm,
Linh năm tuổi lẻ,
Vợ ông sinh đẻ,
Những con tốt lành,
Những con như tranh,
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối,
Tôi đối một câu.

Đối rằng:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.

Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát trong lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau câu hát đầy lời chúc tụng trên, nhà nào cũng lì xì các em một số tiền.

Đón giao thừa

Giao thừa là giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đêm ba mươi Tết, mọi người thức đợi giây phút giao thừa thiêng liêng. Trong lúc này, có nhà còn đang nấu nồi bánh chưng và trẻ con quây quần quanh bếp ấm chờ nồi bánh chín. Trên bàn thờ nhà nào cũng khói hương nghi ngút với đèn nến soi tỏ hoa trái, đồ thờ,… Giờ phút giao thừa, mọi người hồi hộp chờ đợi với bao niềm hy vọng, năm cũ sẽ ở lại cùng với tất cả mọi sự không may và năm mới đến sẽ mang theo những điều tốt lành.

Tống cựu nghinh tân

Giây phút thiêng liêng chờ đợi đã tới! Đến giờ giao thừa, từ đình, chùa cho đến nhà dân đều cúng lễ trừ tịch. Trừ tịch là giây phút cuối cùng của năm cũ và cũng sắp là giây phút đầu tiên của năm mới. Cúng trừ tịch là để bỏ đi hết những điều xấu của năm cũ và để đón những điều mới mẻ tốt đẹp của năm mới. Lễ trừ tịch còn có tên là lễ giao thừa, vì cử hành vào đúng lúc giao thừa. Đây cũng là lễ tống cựu nghinh tân. Giờ phút này, tiếng chuông, tiếng trống vang lên khắp nơi như để xua đi những điều xui xẻo trong năm qua và tưng bừng chào đón những điều tốt đẹp năm mới.

Đi lễ chùa đêm ba mươi Tết

Sau giờ phút thiêng liêng đón giao thừa ở nhà, mọi người đổ ra đường đi lễ chùa. Sân chùa giờ đây tuy đông đúc nhưng vẫn trang nghiêm thành kính. Trên chánh điện đèn đuốc sáng trưng, mùi hương trầm lan tỏa ra tận cổng chùa tạo nên không khí vừa linh thiêng vừa ấm cúng. Mọi người đem hương đèn đến chùa để nguyện cầu một năm mới sung túc an bình cho bản thân và gia đình.

Sau khi thắp hương hết các bàn thờ Phật và Bồ Tát, mọi người đến hái lộc để cầu một năm mới an khang thịnh vượng. Cây lộc được chế tác từ một cây mai có nhiều cành, trên cành mai nhà chùa treo rất nhiều bao lì xì đỏ thắm, trong bao lì xì thường có một tờ tiền mới, một món quà nhỏ như xâu chuỗi hay tượng Phật Bà và thiệp chúc xuân nhỏ có ghi một câu Phật ngôn…. Việc lễ chùa đầu năm tạo cho người ta niềm tin: cuộc sống luôn thay đổi “hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai”. Với niềm tin như vậy, con người mới có đủ nghị lực vượt qua bao khó khăn để xây dựng cuộc sống phồn vinh và vươn tới những giá trị tốt đẹp của kiếp người.

Tục lệ ngày Tết Nguyên đán

Mùng Một Tết là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán mở đầu năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.

Chúc Tết

Sớm mùng Một Tết, nhà nhà lo cúng gia tiên. Sau buổi cúng, con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ. Các cụ ăn mặc tươm tất, ngồi giữa nhà nhận quà của con cháu kèm theo lời chúc tụng trang trọng. Con cháu chúc Tết các cụ xong, các cụ chúc Tết lại con cháu những điều tốt đẹp tùy theo nghề nghiệp, hoàn cảnh từng đứa, nào là nhất bản vạn lợi, Vạn sự như ý hay Sớm sinh con trai… Và các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu bằng tiền mừng tuổi.

Suốt trong mấy ngày Tết, các thành viên trong gia đình cư xử với nhau bằng nụ cười và sự tha thứ. Những khác biệt, tị hiềm năm cũ được bỏ qua không nhắc lại trong ngày Tết. Mọi người trong xóm gặp nhau đều chúc lời tốt đẹp cho nhau. Từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười và những câu chúc tốt đẹp. Bao nhiêu phiền muộn lo âu được tạm thời xếp vào quá khứ.

Mừng tuổi (lì xì)

Ở miền Nam, mừng tuổi cho trẻ con gọi là lì xì. Lì xì phiên âm từ tiếng Quảng Đông (Trung Hoa) có nghĩa là lợi thì, tức một món tiền nhỏ mở hàng lấy hên cho người được lì xì. Người ta mừng tuổi bằng cách tặng tiền. Tiền được cho vào những bao giấy lớn nhỏ màu đỏ, với niềm tin tiền mừng tuổi sẽ sinh sôi nảy nở suốt năm, đem lại tài lộc cho người được mừng tuổi. Ngoài việc mừng tuổi bằng tiền, người ta còn chúc tụng nhau bằng lời:

Các cô gái đội vàng hương ôm váy
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua.

(Anh Thơ)

Tục khai bút ngày xuân

Ngày xưa, các ông đồ, văn nhân thi sĩ thường chọn ngày giờ tốt để khai bút bằng cách làm một bài thơ hoặc viết đôi câu đối. Thơ hoặc câu đối này, làm xong có khách tới chúc Tết, các ông mang ra đọc cho nhau nghe rồi cùng ngâm vịnh. Các học trò, nhân ngày Tết, cũng chọn giờ hoàng đạo khai bút để cầu học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt. Sau đây xin trích lại một bài thơ khai bút của một thầy giáo trường làng xưa:

Mồng một tháng kiến dần,
Cảnh sắc một màu xuân.
Cỏ hoa đà mừng mặt,
Mưa móc nhẹ đưa chân.
Lớn khôn hơn một tuổi,
Mạnh giỏi chúc hai thân.
Học hành ta tấn tới,
Thi đỗ cũng có phần.

Phong tục trong ngày Tết còn rất nhiều như: tục gánh nước đầu xuân, kiêng quét nhà, chơi tranh Tết, viết câu đối, chơi hoa ngày Tết,… Và tùy theo phong tục tập quán mỗi địa phương, nét đẹp ngày Tết của nước ta phong phú không sao kể hết. Những thuần phong mỹ tục của dân ta luôn phát triển và đổi mới phù hợp với đời sống hiện đại. Vì vậy, có nhiều phong tục hiện đã không còn hoặc được cải biên ít nhiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *