Trần Trọng Kim với việc nghiên cứu Phật học (Chánh Chi)

[voice]

Học giả Trần Trọng Kim xuất thân từ một gia đình nhiều đời theo nghiệp khoa cử ở làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (nay là Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Phụ thân của ông là Trần Bá Huân tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp.

TRẦN TRỌNG KIM MỘT HỌC GIẢ HÀNH ĐỘNG THỜI THUỘC ĐỊA 

Về hành trạng của Trần Trọng Kim không nhiều tài liệu nhắc đến. Ông có một quyển hồi ký Một cơn gió bụi được xuất bản năm 1969 ở Sài Gòn nhưng chỉ đề cập chi tiết một giai đoạn hoạt động chính trị đầy sóng gió trong cuộc đời từ năm 1944 đến 1949. Hành trạng thuở thiếu thời cũng như quá trình hàm thụ tri thức để trở thành một học giả lớn lại không được đề cập. Tuy nhiên năm 1943, nhà văn Lê Thanh xuất bản một ấn phẩm ghi lại các cuộc phỏng vấn với nhiều nhà văn, học giả nổi tiếng đương thời như: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Đào Duy Anh, … [1]. Qua cuộc phỏng vấn này, phần nào hành trạng về cuộc đời Trần Trọng Kim từ thuở lập thân đến lúc thành danh được chính ông hé lộ.

Theo đó, như phần lớn những người cùng thế hệ, ông được hàm thụ nền giáo dục Hán học từ nhỏ ở gia đình. Gia biến ập tới, ông một mình ra Nam Định theo học trường Pháp – Việt trong hai năm 1897-1899 và tại trường Thông Ngôn đến năm 1903. Nếu là một thanh niên an phận, Trần Trọng Kim có thể tiếp tục con đường thông ngôn tại tỉnh lỵ Ninh Bình nhưng ông lại lựa chọn một hướng đi khác. Lúc ông về Ninh Bình làm thông ngôn cũng là lúc phong trào Duy Tân nổ ra khắp Trung Nam Bắc. Dưới cuộc vận động canh tân của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Trần Chánh Chiếu,… một làn sóng kêu gọi thanh niên chú trọng thực nghiệp, tránh cái học “vinh thân phì gia” đã trở nên hủ lậu. Được Nguyễn Văn Vĩnh giúp đỡ, năm 1905, ông giả dạng thành thợ khảm theo tàu sang Pháp tham dự đấu xảo ở Marseille. Sang Pháp, Trần Trọng Kim theo học tại trường tư thục ở Bourg-Saint-Andéol, tỉnh Ardèche sau đó lên Lyon học tập. Đến năm 1908, ông xin được học bổng vào học tại trường Thuộc địa ở Paris rồi sau đó là trường Tiểu học Sư phạm (Ecole nor male des Instituteurs) ở Melun.

Năm 1911, Trần Trọng Kim về nước bắt đầu con đường sư phạm của mình ở trường Bảo hộ rồi vào làm việc tại trường Hậu bổ. Đến năm 1919, trường Hậu bổ bị giải thế ông được chuyển sang trường Sư phạm. Đến năm 1921, Trần Trọng Kim trở thành Thanh tra các trường tiểu học. Đến năm 1931, ông về dạy tại trường Sư phạm Thực hành Hàng Than đến năm 1933 thì giữ vị trí Giám đốc các trường tiểu học nam Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Con đường giáo chức và sư phạm của Trần Trọng Kim dừng lại ở đây.

Tuy nhiên thành tựu lớn nhất của Trần Trọng Kim, khẳng định tên tuổi của ông lại là trên phương diện một học giả. Khi Nguyễn Văn Vĩnh lập tờ Đông Dương tạp chí, Trần Trọng Kim đã tham gia viết các chuyên mục về văn học, xã hội. Cơ duyên này đã tạo điều kiện cho ông hợp tác với Shneider cho ra tờ Học báo năm 1915. Dưới sự điều hành của Trần Trọng Kim, Học báo từ một tờ báo tư nhân lại chuyển thành tờ báo nhà nước do Nha Học chính Bắc kỳ quản lý, phục vụ hoạt động giáo dục của chính quyền thuộc địa. Năm 1920, sau 4 năm khởi thảo, Trần Trọng Kim hoàn thành và xuất bản quyển Việt Nam sử lược ở nhà in Trung Bắc Tân văn (Hà Nội). Từ đây, độ chín muồi của một học giả uyên nguyên, kiêm cả Tây học và Hán học như Trần Trọng Kim đạt tới đỉnh cao.

Ở Trần Trọng Kim có sự kết hợp hết sức hài hòa giữa hai nhân danh: giáo chức người Việt cao cấp của nền học chính Bắc kỳ và tư cách một học giả. Sự kết hợp này tạo thuận lợi cho ông khi cùng một số đồng nghiệp như Đặng Đình Phúc, Nguyễn Văn Ngọc, Bùi Kỷ, Nguyễn Quang Oánh, … biên soạn sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ phục vụ nền giáo dục tiểu học chỉ trong hai năm 1924-1926. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sư phạm, Trần Trọng Kim còn gây sự bất ngờ cho học giới đương thời khi cho ra đời các công trình nghiên cứu mang tính hiện đại trong thời buổi Tây học về Nho giáo, Đạo giáo và cả Phật giáo… Trong phần trả lời phỏng vấn Lê Thanh, Trần Trọng Kim còn cho biết có kế hoạch biên soạn Vũ trụ đại quan, Việt Nam từ điển, Hán Việt từ điển, Pháp – Việt từ điển… [2].

Qua đó, chúng ta có thể thấy sự năng động và hoạt động không ngơi nghỉ của Trần Trọng Kim trong buổi đầu hình thành nền quốc học theo văn minh phương Tây. Những bước đi dù còn những hạn chế nhưng đã thể hiện tính tiên phong, theo khuynh hướng khoa học phương Tây. Trong số những nghiên cứu của ông, Phật giáo là một chủ đề lớn được Trần Trọng Kim quan tâm.

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ PHẬT HỌC CỦA TRẦN TRỌNG KIM TRONG BỐI CẢNH CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở BẮC KỲ

Đầu thế kỷ XX, một làn sóng chấn hưng Phật giáo lan tỏa khắp thế giới. Cư sĩ David Hewavitarane về sau là Đại đức Dharmapala là người đi tiên phong trong việc trùng tu Phật tích, mong muốn biến Bồ Đề Đạo tràng (Buddhist Gaya) trở thành một thánh địa Phật giáo như Jerusalem với Hồi giáo và Công giáo; cải cách Phật học ở Ấn Độ và quảng bá Phật giáo sang phương Tây [3]. Cuộc vận động của Dharmapala nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới, cả phương Tây lẫn phương Đông. Năm 1889, Dharmapala có chuyến thuyết giảng kéo dài 3 tháng rưỡi ở Nhật Bản. Liên tục các chuyến thuyết giảng, giao lưu Phật học của Dharmapala ở Nhật Bản được diễn ra trong các năm 1893, 1903, 1913 [4]. Ở Trung Quốc, Dương Nhân Sơn được Dharmapala mời viết bài cộng tác cùng tạp chí của tổ chức Maha Bodhi Society [5]. Dương Nhân Sơn chính là người kêu gọi thành lập Kỳ hoàn Tinh xá và kêu gọi Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử nghiên cứu Phật học qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện năm 1912 ở Vũ Xương, Vũ Hán và nguyệt san Hải triều âm năm 1918. Hải triều âm là tạp chí có nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam đương thời.

Trong khi đó ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, làn sóng Duy Tân do nhóm trí thức Nho học cấp tiến đã diễn ra trên nhiều phương diện, tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa và tư tưởng. Chữ Quốc ngữ được vận động để trở thành “chữ viết” chính thức, thay thế cho chữ Hán. Đồng thời, chính quyền thực dân Pháp đã từng bước thay thế nền giáo dục Nho học cổ truyền bằng Tây học, Hán tự từng bước bị xóa bỏ. Do đó, việc dịch kinh sách nhà Phật từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ cũng như truyền bá Phật học bằng Quốc ngữ cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu đối với Phật giáo đương thời. Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều tôn giáo, tín ngưỡng mới ra đời, nhất là ở Nam bộ, một bộ phận tu sĩ Phật giáo cảm thấy cần phải chấn hưng Phật giáo, quay về với kinh điển của nhà Phật. Các tổ chức chấn hưng Phật giáo ra đời lần lượt ở Nam kỳ, Trung kỳ và muộn nhất ở Bắc kỳ.

Bên cạnh các lý do về vấn đề chuyển ngữ, tuần báo Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc kỳ còn nêu rõ những nguyên nhân cấp thiết cho công cuộc chấn hưng Phật giáo: “Chúng tôi biết thế, mà lại thấy đạo ấy ở xứ ta ngày nay có phần mỗi ngày một suy đồi, cái lòng thị dục của nhân chúng càng ngày càng bốc mạnh lên, đến nỗi phần nhiều vẫn theo đạo Phật mà không hiểu rõ cái uyên nguyên của đạo Phật là thế nào, để cho sự mê tín che lấp cái Phật tính sáng suốt ở trong lòng người ta” [6].

Phật giáo với đạo lý của mình gần gũi với tâm tình của người Việt nên trở thành phổ thông với giới bình dân. Nhưng cũng vì tính “phổ thông” này giáo lý của Phật cũng dần mất đi sự uyên nguyên, bác học của đạo pháp: “Tại là phổ thông cho nên ai đã nương nhờ cửa Phật thì thật dạ quy y, mà ai chưa biết cửa Phật cũng hầu hết tỏ lòng tôn kính. Song cũng tại là phổ thông quá, mà chỉ phổ thông về mặt sùng bái về mặt phụng sự, cho nên nói đến đạo Phật thì ai cũng biết đạo Phật là đạo từ bi, để cho người đời cầu nguyện, để mong được tế độ, đạo Phật là đạo dạy thuyết nhân quả, là từ bi, thế nào là tế độ, thế nào là nhân quả để khuyên người đổi ác làm thiện; mà giá có hỏi thế nào là từ bi, thế nào là tế độ, thế nào là nhân quả, thì ít người hiểu rõ, mà nếu có hiểu thì cũng chỉ là hiểu một cách đơn sơ đại lược mà thôi” [7].

Vì vậy có thể thấy, việc tìm về với các giáo nghĩa sâu xa của Phật giáo hay như Bùi Kỷ cho rằng cần “hiểu rõ tôn chỉ chân chính và thiết thực của đạo Phật” đã được Hội Phật giáo Bắc kỳ chú trọng. Một Ban Khảo cứu gồm 30 người được Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập vào đầu năm 1935. Và người được tin cậy lãnh xướng việc này không ai khác ngoài Trần Trọng Kim. Ban Khảo cứu này của Hội Phật giáo Bắc kỳ quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu hàm thụ cả Tây học và Nho học có tiếng ở Bắc kỳ như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Nguyễn Thiện Chính, Lê Toại, Nguyễn Trọng Thuật,… Hoạt động của Ban Khảo cứu được nêu ra khá rõ ràng từ khi thành lập là “bàn cử người đi diễn thuyết, khởi thảo các kinh sách giản dị để cho mọi người đều hiểu cả” và “sắp đặt ra tập kỷ yếu” của Hội Phật giáo Bắc kỳ mà sau này là tạp chí Đuốc tuệ [8]. Trên cả hai phương diện diễn thuyết và khởi thảo kinh sách như tôn chỉ của Ban Khảo cứu, Trần Trọng Kim đều cho thấy sự nhiệt thành và năng lực hoạt động của mình.

Được thành lập từ tháng 1/1935, chiều ngày 18/3/1935 tại chùa Quán sứ, trên cương vị Trưởng Ban Khảo cứu của Hội Phật giáo Bắc kỳ, Trần Trọng Kim đã có bài diễn thuyết đầu tiên với chủ đề “Đạo Phật với cuộc nhân sinh” [9]. Ngoài phần dẫn nhập về Hội Phật giáo Bắc kỳ, lịch sử Phật giáo Việt Nam, cốt yếu của giáo lý nhà Phật, Trần Trọng Kim đi thẳng vào sự quan yếu của Phật giáo với cuộc nhân sinh: “Người ta ở đời chỉ có hai con đường là mê với ngộ. Mê thì rồi mỗi ngày một tối tăm lại, ngộ thì rồi càng ngày càng sáng tỏ ra. Đạo Phật nói tóm lại chỉ có mấy lời, mục đích là “chuyển mê khai ngộ” [10].

Ông cho rằng giáo nghĩa Phật pháp rất có lợi cho “sự tiến thủ của người đời”: “Đạo ấy có thể gây thành ra được nhiều cái đức tính: như là đối với người và vật, thì có lòng nhân từ; đối với công việc thì rất dũng mãnh; đối với tư tưởng thì rất sáng suốt; đối với sự tín ngưỡng thì không mê hoặc, đối với cuộc đời thì rất trọng sự hòa bình. Đối với toàn thể cuộc nhân sinh, đạo Phật lại có cái thần lực rất linh diệu là làm cho người ta đỡ được bao nhiêu những nỗi khổ não trong long.… Ngờ đâu danh với lợi ở đời đều là những ảo ảnh làm mồi nhử ta vào đống lửa nồng mà hun đốt ta mãi. Ta nhờ có đạo Phật làm cho ta tỉnh ra, thấy rõ được cái thực cái giả, thì dù ta có hăng hái mà làm việc đời để trả nợ đời, ta cũng không say đắm ở những sự hư vọng nó ràng buộc được ra, mà lúc nào ta cũng ung dung tự do để điều khiển được cái tâm thần của ta và trừ bỏ hết thảy những điều phiền não” [11].

Trong bài diễn thuyết “Quan niệm về cuộc nhân sinh” một năm sau vào ngày 18/1/1936 ở Hội quán Hội Trí Tri Nam Định, Trần Trọng Kim càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ của đạo Phật với nhân sinh khi đối chiếu Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo. Ông cho rằng Đạo giáo vốn lấy sự “thanh tĩnh vô vi” làm trọng nên người theo Đạo chỉ cần tìm thấy Đạo không cần quan tâm đến mọi thứ ở trên đời. Cho nên đối với nhân sinh, Trần Trọng Kim cho rằng Đạo giáo là một học thuyết “yếm thế” [12]. Còn với Nho giáo, theo Trần Trọng Kim, học thuyết này chú trọng đến tính xử thế theo lẽ điều hòa ở trong thế gian nên mới đặt ra tôn ti trật tự để người đời làm theo. Cho nên Nho giáo hợp với thời bình, với một lối cứ tuân theo trật tự đã có sẵn ít có sự thay đổi nên “việc tiến thủ của văn hóa Nho giáo rất chậm” [13]. Còn với Phật giáo, Trần Trọng Kim cho rằng tôn giáo này luôn khuyên con người hướng đến sự vận động, tiến hóa. Dù Phật giáo cũng đặt con người trong cái vô cùng vô tận của vũ trụ nhưng con người trong Phật giáo luôn là con người hành động, hành động để thoát khỏi bể khổ, để đạt đến sự giác ngộ giải thoát. “Thành thử Phật giáo không có cái tính cách ỷ lại thần quyền, là chỉ cốt tự mình cố tìm lấy sự giải thoát của mình. Ta muốn giải thoát thì phải lấy trí tuệ mà hiểu biết sự biến hóa bởi đâu mà ra. Hễ ta biết được cái gốc sự biến hóa, thì ta có thể ra được ngoài sự biến hóa” [14].

Ở bài diễn thuyết này, một học giả Tây học như Trần Trọng Kim cũng đặt ra vấn đề tôn giáo trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đang phát triển. Quan điểm song hành giữa tôn giáo và khoa học đã được Trần Trọng Kim đề cập rất rõ ràng và sâu sắc. Từ thập niên 1930, một trí thức Tây học, am tường cả cựu học lẫn tân học như Trần Trọng Kim đã chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa khoa học và tôn giáo. Khoa học dù có phát triển, làm thay đổi đời sống vật chất của con người nhưng “chỉ vẫy vùng được trong cái phạm vi tương đối mà thôi, tức là chỉ mở rộng được cái biết về đường vật chất, chứ không lên tới chỗ hình nhi thượng, để giải quyết được cái vấn đề sinh tử là cái vấn đề nó cứ luẩn quẩn ở trong tâm thần của ta” [15]. Vì vậy tôn giáo vẫn phải đồng hành đối với cuộc nhân sinh.

Có thể thấy, trong hai bài diễn thuyết về Phật giáo và quan niệm về nhân sinh của Trần Trọng Kim đã phản ánh khá rõ quan điểm của học giả họ Trần về vai trò của Phật giáo, đặc biệt là trong bối cảnh chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930 ở Việt Nam. Góc nhìn biện chứng này của Trần Trọng Kim rất phù hợp với một xã hội nặng tính phương Đông đang dần thoát thai tiếp cận với các giá trị văn minh Tây như Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Thậm chí quan điểm này còn có giá trị cho đến tận ngày nay, khi cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo vẫn còn đang tiếp diễn.

Bên cạnh chủ đề này, Trần Trọng Kim dày công nghiên cứu về Phật giáo và Phật học thể hiện qua các bài diễn thuyết, công trình sau [16]:

– Thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo, diễn thuyết ngày 11/01/1936 tại chùa Quán Sứ.

– Phật lục, công trình xuất bản năm 1940 ở nhà in Lê Thăng, Hà Nội.

– Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, bài viết in trong tập kỷ yếu của Hội Khai trí Tiến Đức, số 1 năm 1940.

– Phật giáo thuở xưa và phật giáo ngày nay, nhà xuất bản Tân Việt in năm 1953.

 – Phật giáo Tiểu thặng và Đại thặng, bài diễn thuyết, chưa rõ năm ra đời [17].

– Lăng ca kinh trích giảng, nhà xuất bản Tân Việt in năm 1964.

Các bài diễn thuyết công trình này phần lớn theo đúng tôn chỉ của Ban Khảo cứu của Hội Phật giáo Bắc kỳ là đem kiến thức nhà Phật biên soạn thành sách phổ thông để hoằng dương giáo nghĩa trong xã hội. Dù là sách phổ thông trí thức nhưng đặt trong bối cảnh ra đời của chúng vào lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang được khởi xướng sẽ thấy được sự thiết thực của các công trình này của Trần Trọng Kim.

Hiện nay, do tài liệu phần nhiều tản mát, chúng ta cũng chưa có cái nhìn toàn cảnh hay biết hết những trước tác của Trần Trọng Kim về Phật giáo cũng như Phật học. Nhưng với những gì còn lại, có thể thấy, với cương vị người tham gia trực tiếp vào công việc của Hội Phật giáo Bắc kỳ, đặc biệt với vị trí Trưởng Ban Khảo cứu, Trần Trọng Kim đã có những đóng góp hết sức tích cực trong hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trên cả hai phương diện diễn thuyết và khảo cứu. Không chỉ là dừng lại ở việc giới thuyết, phổ biến những tri thức phổ thông về Phật giáo những quan điểm về Phật giáo của Trần Trọng Kim trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa có ý nghĩa hiện thực hết sức quan trọng. Nó phản ánh quá trình tiếp nhận và phản ứng phái sinh ở giới trí thức thuộc địa của thế hệ Trần Trọng Kim khi dung hòa hai khuynh hướng cựu học và tân học. Những quan điểm này của Trần Trọng Kim không những có giá trị với thời đại của ông mà còn có ý nghĩa với hiện thực đời sống xã hội hiện nay, khi xã hội hiện đại vẫn phải đương đầu những thách thức mà chỉ có tôn giáo và đức tin giải quyết được.

 

Chú thích:

[1] Xem thêm Lê Thanh (1943), Cuộc phỏng vấn các nhà văn, Nxb Đời mới, Hà Nội.
[2] Lê Thanh (1943), Cuộc phỏng vấn các nhà văn, Nxb Đời Mới, Hà Nội, tr.7-29
[3] Amunugama, S. (1985). Anagarika Dharmapala (1864-1933) and the transformation of Sinhala Buddhist organization in a colonial setting. Social Science Information, 24 (4), p.69.
[4] Maria Moritz (2016), “The Empire of Righteousness”: Anagarika Dharmapala and His Vision of Buddhist Asianism (c. 1900)”, Asianisms: Regionalist Interactions and Asian Integration, NUS Press, p.35.
[5] Tạp chí này có nhiều tên gọi cho những giai đoạn khác nhau như:

– The Journal of the Maha-Bodhi Society (1892-1900);

– Maha-Bodhi and the United Buddhist World (1901-1923);

– Maha-Bodhi (từ 1924).

[6] Hội Phật giáo Bắc kỳ (1935), Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 1, Mai 1935, tNhà in Trung Bắc Tân văn, tr.7
[7] Bùi Kỷ (1936), “Tôn chỉ đạo Phật”, Đuốc tuệ, số 7, ngày 27/01/1936, tr.4
[8] Hà thành ngọ báo, số 2266, ngày 19/3/1935, tr.2.
[9] Hà thành ngọ báo, số 2266, ngày 19/3/1935, tr.2. Bài viết này được in lại trong tuyển tập 3 tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim năm 1958 với tên gọi là “Phật giáo đối vối cuộc nhân sinh”.
[10] Trần Trọng Kim (1958), Phật giáo trong 3 bài diễn thuyết, Nxb Tân Việt, tr.37.
[11] Trần Trọng Kim (1958), Phật giáo trong 3 bài diễn thuyết, Nxb Tân Việt, tr.35-36.
[12] Trần Trọng Kim (1936), Quan niệm về cuộc nhân sinh, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.7.
[13] Trần Trọng Kim (1936), Quan niệm về cuộc nhân sinh, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.8.
[14] Trần Trọng Kim (1936), Quan niệm về cuộc nhân sinh, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.9.
[15] Trần Trọng Kim (1936), Quan niệm về cuộc nhân sinh, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.12.
[16] Ngoài ra, Tân Việt còn giới thiệu quyển Pháp bảo đàn kinh ghi là Trần Trọng Kim dịch nhưng chưa tìm thấy bản in.
[17] Bài diễn thuyết được tác giả ghi chú là “làm xong nhưng chưa đọc”, không rõ năm soạn thảo, được in chung trong quyển Phật giáo trong 3 bài diễn thuyết của nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn năm 1958.

 

2 thoughts on “Trần Trọng Kim với việc nghiên cứu Phật học (Chánh Chi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *