Tìm hiểu tinh thần nhẫn nhục trong Phật giáo (Thích Nữ Diệu Dương)

Nhẫn là một đức tính quý báu của con người, là liều thuốc chữa trị căn bệnh sân hận của nhân loại, vì chỉ một niệm sân nổi lên thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra, bởi một đớm lửa sân, có thể đốt sạch rừng công đức. Do vậy, trong đời sống hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với những nghịch cảnh của thiên nhiên hay của con người, trước những cảnh quan đó, chúng ta phải làm sao để cuộc sống được an vui và hạnh phúc? Phật giáo đã dạy chúng ta phải biết nhẫn nhục, vì chỉ có phương pháp nhẫn nhục mới là sức mạnh để giúp cho con người vượt lên trên tất cả. Trong phạm vi bài viết, người viết đề cập đến hai góc độ của tinh thần nhẫn nhục trong truyền thống Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nguyên thủy.

TINH THẦN NHẪN NHỤC THEO PHẬT GIÁO BẮC TÔNG

Nhẫn nhục tiếng Phạn gọi là Ksanti, dịch âm là Sạn Đề, nghĩa là nhận lãnh mọi sự khinh khi, nhục mạ, não hại mà không giận tức. Theo Phật giáo, nhẫn nhục đúng chánh pháp là dứt sự tranh cãi tức giận, đem tình thương và trí tuệ cảm hóa người khác mà không phải dùng đến bạo lực. Khái niệm “nhẫn nhục” chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại Thừa, gắn liền với tinh thần và hình ảnh Bồ tát đạo. Nhẫn nhục là một trong sáu pháp Ba-la-mật thành tựu Bồ tát đạo để tế độ chúng sanh không cùng tận. Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có nói: “Bồ tát nhẫn chịu tất cả điều ác, với chúng sanh, tâm bình đẳng, chẳng lay động như chốn đại địa” [1]. Thật vậy, đất ngoài sức mạnh còn có đức bao dung, che chở và tha thứ cho tất cả mọi loài chúng sanh đang sinh hoạt trên đất; tâm Bồ tát cũng thế, ngoài “tự hành” còn phải “hóa tha”, tức là chính mình tu tâm từ, bi, hỷ, xả còn phải dưỡng tánh bình đẳng vị tha rồi ngay đó đem nguồn an lạc đến cho người khác. Vì thế Bồ tát luôn lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp độ sinh, như trong Kinh Phạm Võng có nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ mẹ ta, ta đời đời thọ sinh ở nơi họ” [2]. Khi quán chiếu như thế chúng ta sẽ thấy rằng Bồ tát xem tất cả những kẻ oán người thân đều bình đẳng, không có tâm phân biệt mà những ai có duyên đều cứu khổ ban vui cho họ. 

Lại nữa, trong kinh Kim Cang Phật nói tiền thân Ngài là một vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật, Ngài dạy: “Tu Bồ Ðề! Về quá khứ, ta làm vị Tiên nhơn tu hạnh nhẫn nhục đến 500 đời, bị vua Ca Lợi cắt xẻo thân thể từng đoạn, nhưng ta không sân hận; vì ta không còn chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả” [3]. Như thế ở thời quá khứ, Đức Thế Tôn đã 500 đời là tiên tu hạnh nhẫn nhục, khi đối diện với việc Ca Lợi Vương cắt đứt thân thể Ngài vẫn có thể nhẫn nhục không sinh tâm sân hận, vì thế, công đức nhẫn nhục thật không thể nghĩ bàn. Trong Kinh Pháp Hoa có nói: “Bồ tát Thường Bất Khinh thấy người thì lễ lạy, miệng còn nói: Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tuy nhiên lễ lạy người, song Tỳ kheo tăng thượng mạn đánh Ngài, mắng Ngài, Ngài cũng chẳng thay đổi. Ở nơi xa xa đảnh lễ họ, còn nói: Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tỳ Kheo tăng thượng mạn muốn đánh Ngài thì Ngài đứng dậy chạy” [4]. Như vậy, nhẫn nhục là sức mạnh, mà sức mạnh đây chính là sức mạnh làm chủ bản thân mình, vì một khi thực hiện được hạnh nhẫn nhục, chứng tỏ một năng lực tu tập hùng mạnh, nhờ năng lực đó, mới có thể kiểm soát tâm mình. Vì “chiến thắng bản thân mình là chiến công oanh liệt nhất” [5]. Tinh thần nhẫn nhục trong kinh điển Đại Thừa đã đưa tinh thần Bồ tát đạo đi vào đời làm phương tiện để cứu độ chúng sanh. Trong cuộc sống đời thường, sự nhẫn nhục chẳng những tạo sức mạnh cho một chúng sanh vượt qua mọi khó khăn để đạt đến quả vị tối hậu, nó còn có sức mạnh cảm hóa lớn lao đối với người khác. Do vậy, nhẫn là nghị lực mạnh mẽ của ý chí và sự hiểu biết, nên khi Bồ tát tu hành như thế thì không bị hoàn cảnh bên ngoài cản trở chí nguyện độ sanh của mình. Do đó, nhờ sự nhẫn nại vô hạn, nên nội tâm không bị thay đổi, giữ vững ý nguyện ban đầu, đây chính là công năng tu tập hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật vậy.

Theo Phật giáo, nhẫn nhục đúng chánh pháp là dứt sự tranh cãi tức giận, đem tình thương và trí tuệ cảm hóa người khác mà không phải dùng đến bạo lực. Khái niệm “nhẫn nhục” chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại Thừa.

SỰ KHAM NHẪN TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Trong Phật giáo Nguyên Thủy không dùng từ “nhẫn nhục”, mà dùng khái niệm “kham nhẫn” hay “nhẫn nại”. Bởi vì thời nguyên thủy, chúng tăng sống trong rừng núi không nhà cửa, bị muỗi mòng cắn đốt, thời tiết nóng lạnh thất thường,… cho nên Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình là hãy nên kham nhẫn để tu tập: “Này các Tỳ kheo! Có Tỳ kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi muỗi, sức nóng của mặt trời… kham nhẫn với lời mạ lỵ, phỉ báng… Này các Tỳ kheo! Nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên… Này các Tỳ kheo! Các lậu hoặc này phải do kham nhẫn đoạn trừ” [6]. Hay trong Kinh Lậu Tận Đức Phật nói về nhẫn như sau: “Tỳ kheo lại phải chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được” [7].

Tinh thần kham nhẫn được Đức Phật đề cập đó là sự chịu đựng, nhẫn nại về cái lạnh, nóng, đói, khát, nhục mạ… Có thể phân chúng thành hai loại kham nhẫn đó là kham nhẫn thế gian và kham nhẫn xuất thế gian. Nếu như có thể nhẫn chịu sự đói khát, lạnh nóng, khổ vui, đây gọi là kham nhẫn thế gian, và sự kham nhẫn này không ai có thể tránh khỏi, bởi vì tất cả mọi người đều cùng chung sống trong một không gian, nên thời tiết có nóng, lạnh gì thì mọi người đều cùng chịu chung vậy. Nhất là những vị Tỳ kheo thời Đức Phật sống trong rừng núi, không nhà cửa, nên thật khó tránh khỏi khí hậu khắc nghiệt của thời tiết Ấn Ðộ bấy giờ. Trước đời sống như vậy, chỉ có lòng kham nhẫn mới có thể làm giảm bớt đi sự đau khổ về mặt tâm lý của con người. Còn nếu như có thể kham nhẫn thọ: Tín, giới, thí, nghe pháp, trí huệ, chánh kiến không sai lầm, nhẫn thọ Phật, Pháp, Tăng, nhẫn thọ sự nhục mạ, đánh đập, chửi rủa, việc ác, tham, sân, si,… Tất cả đều có thể nhẫn thọ, đây gọi là sự kham nhẫn xuất thế gian. Sự kham nhẫn này thuộc về mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, nhất là một xã hội không bình đẳng như xã hội Ấn Ðộ cổ đại. Trong các mối quan hệ giữa người với người cũng thật khó tránh khỏi sự bất đồng ý kiến, bởi “chín người mười ý”, cùng một vấn đề nhưng với người này là tốt, người kia là không tốt, thậm chí đến bà con thân tộc như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái… là những người thân thiết nhất mà cũng rất khó tránh khỏi sự bất hòa ấy. Do vậy, sống trong cuộc đời này chỉ có thái độ kham nhẫn mới có thể làm giảm bớt đi sự buồn phiền về mặt tâm lý mà thôi. Ðây chính là ý nghĩa lời khuyên về sự kham nhẫn mà Đức Phật đã dạy chúng ta.

Trong Phật giáo Nguyên Thủy không dùng danh từ “nhẫn nhục”, mà dùng khái niệm “kham nhẫn” hay “nhẫn nại”. Bởi vì thời nguyên thủy, chúng Tăng sống trong rừng núi không nhà cửa, bị muỗi mòng cắn đốt, thời tiết nóng lạnh thất thường,…
(Ảnh: vedepphatphap.vn)

Những hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên không thể khắc chế được, hay sự bất bình giữa con người với con người, con người với xã hội là điều không thể tránh khỏi, cần phải kham nhẫn mới có thể giảm bớt những khổ đau về mặt tâm lý trước cuộc sống. Vì vậy để có thể sống kham nhẫn, chúng ta cần ý thức sâu sắc rằng phải tu tập giảm bớt ngã chấp cho đến phá bỏ hoàn toàn ngã chấp, vì chấp ngã là hàng rào kiên cố, luôn ngăn cản chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện. Cho nên, nhẫn nhục được Ðức Phật hình tượng hóa một cách sâu sắc, để gợi nhắc chúng ta cần thực tập hạnh nhẫn nhục một cách miên mật và liên tục cho đến rốt ráo, vì chỉ một niệm không tỉnh giác, chúng ta không thể nhẫn nhịn được và để cho cơn giận nổi lên, tác hại, vô số ác nghiệp sẽ theo đó kéo đến rất nhanh. Kết quả là một đốm lửa sân sẽ dễ dàng thiêu sạch một rừng công đức vậy.

Như vậy, để cuộc sống luôn an vui hạnh phúc, thành tựu, phải lấy kham nhẫn làm đầu, tu nhẫn nhục làm gốc. Nhờ có nhẫn nhục mà gia đình được sum họp, bạn hữu tương thân, đồng bào đoàn kết, thế giới hòa bình; nhờ có nhẫn nhục mà sự nghiệp nâng cao, người người quý trọng, đạo quả viên thành. Cho nên, nó là nền tảng căn bản của Bồ tát hạnh trong quá trình hóa độ chúng sanh. Vì thế, đối với chúng ta những người tu hành cần phải học nhẫn nhục, học nhẫn từ những cảnh khổ, cảnh vui, cảnh khắc nghiệt mưa, gió, nóng, lạnh của thiên nhiên,… tất cả đều phải nhẫn chịu, có như vậy thì sự tu hành chúng ta mới mong sớm lên quả vị giải thoát. 

 

Chú thích:

* SC. Thích Nữ Diệu Hương: Học viên thạc sĩ khoa Triết học, khóa II.

[1] Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật, tỳ kheo Thích Minh Định dịch, tr.264.

[2] Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, HT Thích Trí Quang Việt dịch.

[3] Giảng giải kinh Bát Nhã, TT. Thích Hạnh Bình- Quán Như dịch, Nxb Phương Đông, tr.133.

[4] Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.479.

[5] Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn (số 103), HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, 2012, tr.55.

[6] Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Trung Bộ Kinh I), HT. Thích Minh Châu dịch, tr.27.

[7] Kinh Lậu Tận, Phẩm Bảy Pháp (Trung A Hàm), HT. Thích Tuệ Sỹ dịch.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật, tỳ kheo Thích Minh Định dịch.

2. Kinh Lậu Tận, Phẩm Bảy Pháp (Trung A Hàm), HT. Thích Tuệ Sỹ dịch.

3. Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới, HT Thích Trí Quang Việt dịch.

4. Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn (số 103), HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, 2012.

5. Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012.

6. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Trung Bộ Kinh I), HT. Thích Minh Châu dịch.

7. Giảng giải kinh Bát Nhã, TT. Thích Hạnh Bình- Quán Như dịch, Nxb Phương Đông.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *