Kính thưa quý độc giả!
Với những câu tục ngữ như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Tôn sư trọng đạo” từ lâu đã trở thành truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt. Trải qua bao thăng trầm thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay, truyền thống ấy vẫn là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.
Dù là một tôn giáo nhưng Đạo Phật cũng không nằm ngoài truyền thống tốt đẹp ấy. Đối với những người con Phật, bên cạnh tình thầy trò ở thế gian, còn có ân nghĩa của thầy dạy đạo – Người dìu dắt, hướng dẫn phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sanh tử, trao cho Giới thân – Huệ mạng bất sanh bất diệt. Với tâm nguyện “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, những bậc Ân sư còn cho ta con đường hướng thượng không chỉ trong đời này mà cả đời sau đều được hạnh phúc, an vui.
Có thể nói, dù xã hội phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm căn chúng đệ tử. Nhằm tôn vinh những người thầy nhân dịp đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 378 với chủ đề “Thắp lên ánh sáng” như lời tri ân sâu sắc.
Nghề giáo tạo ra những con người tri thức, có đạo đức và tài năng cống hiến cho xã hội. Dù thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, như nhà giáo Chu Văn An – Người thầy đạo cao đức trọng đã nói: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Vì thế “Tôn sư” không chỉ là tôn trọng người thầy mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, của văn minh và tiến bộ.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo