Nhìn lại hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội của Phật giáo tỉnh Kiên Giang (2017-2022) (Huệ Tánh)

KHÁI QUÁT CHUNG TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO TỈNH KIÊN GIANG (2017-2022)

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 15 huyện, thành phố cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… với nhiều tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Cao Đài, Tin Lành và một số tín ngưỡng dân gian khác. Trong đó, Phật giáo là tôn giáo quy tụ số lượng tín đồ đông nhất, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết các tôn giáo bạn và đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng phát triển giàu đẹp.

Trong bối cảnh 36 năm đổi mới của đất nước và 41 năm phát triển đạo pháp trong lòng dân tộc, trước những thời cơ thuận lợi và thách thức, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Kiên Giang khóa IX nhiệm kỳ 2017-2022 không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính đạo, cải cách phương thức tổ chức điều hành Phật sự và quản lý hành chánh. Có thể nói, thời gian năm năm của khóa IX, uy tín của Giáo hội tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, Tăng Ni, Phật tử ngày càng gắn bó, tin tưởng vào mục tiêu xương minh đạo pháp và phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Trong nhiệm kỳ hoạt động Phật sự (2017-2022), nhờ vào tinh thần đoàn kết hoà hợp, dân chủ, trí tuệ tập thể và sự đồng tình ủng hộ của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, chính quyền và Mặt trận các cấp, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang đạt được nhiều thành tựu hoạt động Phật sự quan trọng, đáp ứng tốt nhu cầu và nguyện vọng của các thành viên GHPGVN, các Tự viện và Tăng Ni, Phật tử, phù hợp với sự phát triển toàn diện của Giáo hội trong thời kỳ hội nhập phát triển của đất nước. Với sự hoạt động tích cực của Ban Trị sự, nhất là công tác vận động từ thiện nhân đạo, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cho đến nay, tập thể Ban Trị sự Phật giáo tỉnh được vinh dự đón nhận Bằng khen của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nhờ chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chức năng, góp phần kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của các tôn giáo trong tỉnh nói chung và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang nói riêng. Từ khi Nghị quyết 24/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời, đã xác định “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới…”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã thiết lập hành lang pháp lý để quản lý, phát triển công tác tôn giáo ở nước ta trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Chính sách pháp luật của Nhà nước đã mở ra triển vọng cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, riêng đối với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang là sự thuận lợi trong việc thực hiện các hoạt động Phật sự một cách hữu hiệu và kịp thời đáp ứng nhu cầu quần chúng có số đông tín ngưỡng tu học theo Phật giáo. Nhờ đó, đã hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự của Giáo hội cấp trên giao phó, phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, hoạt động hữu hiệu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là thành viên tiêu biểu tích cực dưới mái nhà chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Phật giáo – một tôn giáo có lịch sử trên 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc – đã, đang và sẽ chung tay góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội…

Trong nhiệm kỳ IX (2017-2022) BTS Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã thành tựu được một số công tác Phật sự tiêu biểu như sau:

1. Quy chế làm việc, hội họp và sinh hoạt Tăng sự

Trong nhiệm kỳ qua, thành công lớn nhất trong công tác tổ chức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang chính là xây dựng được tinh thần trách nhiệm đoàn kết nội bộ và các hệ phái, tạo được sự đồng thuận của tập thể Tăng Ni, Phật tử nên đã hoàn thành xuất sắc nhiều công tác Phật sự mà Nghị quyết Đại hội Phật giáo khóa IX đã đề ra. Để đạt được điều đó là nhờ vào việc Ban trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế hoạt động của Ban Thường trực Ban Trị sự và quy định cụ thể về chế độ tham gia hội họp và bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Thường trực, Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, thành phố và trụ trì các tự viện.

Có thể nói, thời gian năm năm của khóa IX, uy tín của Giáo hội tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, Tăng Ni, Phật tử ngày càng gắn bó, tin tưởng vào mục tiêu xương minh đạo pháp và phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. (Ảnh: Minh Triết)

Hàng tháng, Ban Thường trực Ban Trị sự tổ chức họp định kỳ vào sáng ngày 25 dương lịch để kiểm tra hoạt động Phật sự tháng qua, thống nhất về chủ trương và các chương trình làm việc của tháng kế tiếp. Sau khi Thường trực Ban Trị sự thống nhất thì Ban Thư ký Ban Trị sự chịu trách nhiệm lập kế hoạch triển khai các chương trình của Thường trực Ban Trị sự đã thông qua, giữa hai kỳ họp thì Trưởng ban, Phó trưởng ban Thường trực cùng Ban Thư ký của Giáo hội tỉnh trực tiếp xử lý, những việc lớn ngoài trách nhiệm đã được Ban Thường trực Ban Trị sự phân công thì báo cáo xin ý kiến tập thể Thường trực Ban Trị sự tại kỳ họp định kỳ hàng tháng gần nhất.

Hàng tháng tổ chức họp sinh hoạt Tăng sự vào ngày mùng hai âm lịch. Tham dự có chư Tôn đức Tăng, Ni trụ trì trong toàn tỉnh. Cuộc họp nhằm phổ biến và triển khai các văn bản của Trung ương Giáo hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thông báo các chương trình phối họp của Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, tại buổi họp Tăng sự này còn báo cáo các công tác Phật sự trong tháng qua và triển khai các công tác Phật sự tháng tới mà Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã thông qua tại kỳ họp Thường trực định kỳ hàng tháng.

Qua đó, chư Tôn đức Tăng, Ni trụ trì các tòng lâm, tự viện trong tỉnh nắm bắt kịp thời những thông tin Phật sự cần thiết và phổ biến đến các Phật tử tại tự viện thực hiện đúng chủ trương của Giáo hội, cũng như phương hướng hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đề ra. Nội quy, quy chế và chế độ họp lệ định kỳ như thế này đã trở thành một nề nếp sinh hoạt truyền thống và đạt được những kết quả rất khả quan. Đồng thời, nhằm để đánh giá về kết quả thực hiện công tác Phật sự và tinh thần trách nhiệm đối với Giáo hội đã phân công, tập thể Ban Trị sự đã thống nhất đề ra các tiêu chí để đánh giá hoạt động Phật sự của từng thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự, các Ban Trị sự Phật giáo huyện, thành phố và các tự viện trong tỉnh theo các tiêu chí đã quy định.

2. Công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ

Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt, tu học theo đúng Hiến chương GHPGVN, pháp luật Nhà nước, nâng cao trình độ Phật pháp và nắm bắt những thông tin, từ năm 2012 đến nay, hàng năm Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều mở khoá bồi dưỡng trụ trì. Hầu hết chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì trong toàn tỉnh đều tham dự đầy đủ. Riêng năm 2020 và 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên các khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì, các buổi họp dành cho trụ trì không tổ chức trực tiếp. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã thay vào đó là tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Ngoài công tác bồi dưỡng trụ trì hàng năm cho chư Tôn đức Tăng, Ni trụ trì các tự viện trong tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh còn mở các khoá như: Khoá tin học văn phòng và nghiệp vụ báo chí – thư ký cho các vị thư ký các Ban Trị sự Phật giáo huyện, thành phố; phối hợp Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ mở khoá phổ biến kiến thức quốc phòng và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp cùng trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đào tạo cử nhân chuyên ngành Tôn giáo học tại chùa Phật Quang (TP Rạch Giá) dành cho chư Tăng, Ni tỉnh nhà (đã có trên 70 vị tốt nghiệp cử nhân) và đến nay đã có nhiều vị đã tiếp tục theo học các chương trình cao học và tiến sĩ.

Trong nhiệm kỳ qua, thành công lớn nhất trong công tác tổ chức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang chính là xây dựng được tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tạo được sự đồng thuận của tập thể Tăng Ni, Phật tử. Trong ảnh là khóa “Thất nhựt giáo giới” của chư Tăng, Ni Phật giáo tỉnh với sự quang lâm giáo giới của HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
(Ảnh: Minh Triết)

3. Bổ nhiệm các Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện và các ban, ngành trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh

Trong 15 huyện, thành phố đã bổ nhiệm được 14 Ban Trị sự (riêng huyện Kiên Hải hồ sơ đã gửi, đang chờ kết quả của các cơ quan hữu quan). Đến nay, đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện, thành phố. Mỗi Ban Trị sự có từ 15 đến 21 thành viên để điều hành công tác Phật sự tại Phật giáo huyện, từng bước đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, đồng thời đã hoàn thiện hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cấp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi trong xu thế phát triển và hoàn thành mọi công tác Phật sự.

Nhằm hỗ trợ công tác cho Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Thường trực Ban Trị sự đã hoàn tất việc thành lập các ban/ngành trực thuộc với cơ cấu nhân sự gồm đầy đủ các thành phần của các hệ phái Phật giáo. Mỗi ban/ngành trực thuộc có trung bình từ 15 đến 25 thành viên, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, quyền và lợi ích chung của các hệ phái Phật giáo, luôn xem GHPGVN là ngôi nhà chung. Vì vậy, sự hoạt động tích cực của các ban/ngành đã làm nên bức tranh nhiều màu sắc sinh động của các mặt hoạt động Phật sự và tạo nên những thành tựu Phật sự quan trọng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang khóa IX.

4. Tham gia các cơ quan dân cử và mặt trận, đoàn thể

Là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã giới thiệu những Tăng, Ni ưu tú, tiêu biểu, có uy tín và năng lực ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân, tham gia Ủy ban MTTQVN, Hội đồng Nhân dân các cấp, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị, Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo… Các Đại biểu Phật giáo đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân. Đồng thời đã tạo nên sự vận động các tự, viện Tăng Ni, Phật tử phát huy truyền thống đoàn kết hoà hợp nội bộ Phật giáo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện hữu hiệu phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” góp phần làm tốt đời đẹp đạo, xứng đáng là thành viên trung kiên của Giáo hội, vừa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người con Phật, vừa làm tốt trách nhiệm, bổn phận của người công dân.

5. Công tác hỗ trợ hệ phái Phật giáo Nam tông

Trong nhiệm kỳ IX, GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã tổ chức các khóa thi tốt nghiệp tiểu học Pali và Kinh luận giới. Được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, một số sách giáo khoa chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 5 đã được phân bổ, cấp phát phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tại các chùa; tổ chức các lễ hội truyền thống, các lớp học Pali, song ngữ. Chính quyền các cấp còn hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước cấp tỉnh và các huyện, thành phố. Ngoài ra, đã trùng tu, xây dựng tháp 4 Sư liệt sĩ, di tích chùa Phật Lớn, chùa Xẻo Cạn, chùa Tổng Quản, đồng thời xây mới và sửa chữa các lò hỏa táng với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng.

6. Học tập, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phổ biến các văn kiện của Trung ương GHPGVN

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, các tự viện, Tăng Ni, Phật tử đã tập trung tư duy, trí tuệ góp ý sửa đổi các văn kiện như: Góp ý dự thảo quản lý tiền công đức và nhiều văn bản pháp luật Nhà nước… Bên cạnh đó, thông qua các khóa An cư Kiết Hạ, Thất nhựt Giáo giới – Kiết đông, khoá bồi dưỡng trụ trì, khoá bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, Thường trực Ban Trị sự đã mời các cơ quan Nhà nước và báo cáo viên đến trình bày chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và thông tin thời sự.

Chư Tôn đức Tăng vân tập về chùa Tam Bảo – Văn phòng Ban Trị sự tỉnh làm lễ Bố-tát An cư Kiết hạ nhằm trau dồi Giới – Định – Tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội.
(Ảnh: Minh Triết)

Nhằm tuân thủ sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, đồng thời để mọi hoạt động Phật sự theo đúng chánh pháp và những quy định của Hiến chương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã phổ biến và triển khai học tập Hiến chương, Nội quy các ban/ngành/viện trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Nghị quyết, Chương trình hoạt động và các văn kiện khác của Trung ương Giáo hội đến các thành viên Ban Trị sự, các Ban ngành trực thuộc, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, các tự viện, Tăng Ni, Phật tử. Từ đó, mọi hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, các ban/ngành trực thuộc, Ban Trị sự Phật giáo huyện, thành phố sinh hoạt và tu học của các tự viện, Tăng Ni, Phật tử đều đi vào nề nếp và ổn định.

7. Củng cố và phát huy sức mạnh Tăng đoàn và hoằng pháp – truyền thông

Nhằm trau dồi Giới – Định – Tuệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội. Hàng năm, từ ngày 16-22/10 âm lịch, GHPGVN tỉnh Kiên Giang đều tổ chức khóa tu “Thất nhựt Giáo giới – Kiết Đông” dành cho tất cả Tăng, Ni trụ trì trong toàn tỉnh tại 2 trú xứ do Giáo hội tổ chức (1 điểm dành cho chư Tăng và 1 điểm dành cho chư Ni).

Trong tuần lễ Kiết đông “Thất nhựt giáo giới,” tất cả hành giả đều cấm túc an cư, tắt hết điện thoại, không liên lạc, không tiếp khách. Chư Tăng Ni tập trung tu tập với 3 nội dung chính: Nghe giáo giới từ chư vị Hòa thượng Giáo phẩm, sám hối, lạy Phật và tọa thiền. Đây là dịp để chư Tăng, Ni trụ trì cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, trau dồi giới đức, nương tựa Tăng thân tu hành, biết nhìn lại mình, nỗ lực vững vàng trên bước đường nhập thế hoằng dương lợi sanh.

Để hướng dẫn Phật tử tu học đúng chánh pháp, Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh đã đến thuyết giảng Phật pháp tại các đạo tràng tu học trong tỉnh như: Đạo tràng Bát quan trai, Đạo tràng niệm Phật, khóa tu một ngày An Lạc, các lớp giáo lý, Đạo tràng Dược Sư… tại các tự, viện với số lượng từ 60 – 700 Phật tử tham dự thính pháp và tu học. Các khoá hoằng pháp viên dành cho Phật tử tiêu biểu trong tỉnh quy tụ từ 800-1.000 người tham dự mỗi năm tổ chức 2 khóa (riêng năm 2020-2021 do dịch bệnh COVID-19 nên không tổ chức).

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thông tin – Truyền thông đã tuyên truyền chủ trương, kế hoạch hoạt động của Giáo hội một cách hiệu quả, đặc biệt là Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019; phối hợp với Ban Biên tập Phật Sự Online tổ chức tuyên truyền trực tuyến hàng trăm cuộc tại các khóa học và các khóa lễ trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức 7 khóa tập huấn nghiệp vụ báo chí và truyền thông; truyền thông thông tin trung thực, chính xác và chính thống về Phật giáo đến cộng đồng xã hội.

Trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện theo tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Thông tin – Truyền thông đã hỗ trợ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo các huyện, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 trong toàn tỉnh bằng hình thức Hội nghị suy cử nhân sự trực tuyến. Nhiều hình thức giảng pháp, tu học trực tuyến (hàng ngày, hàng tuần) đã được triển khai và đã đạt được hiệu quả tốt đẹp. Đặc biệt, mỗi ngày chư Tăng, Ni giảng sư đều giảng pháp trực tuyến trên kênh Phật sự Online và Hoằng pháp Online, lan tỏa trên mạng xã hội Facebook và Youtube, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người.

8. Công tác trùng tu tôn tạo

Trong 5 năm qua, việc trùng tu, xây dựng mới các tự viện trong toàn tỉnh với tổng kinh phí vận động đóng góp cúng dường của Phật tử trong và ngoài nước trên 180 tỷ đồng. Riêng Phật giáo Nam Tông Khmer đã xây mới 1 tàng kinh cát, 24 chánh điện, 23 giảng đường, 20 tăng xá, 9 cổng, hàng rào chùa, 9 nhà bếp, 6 ngôi bảo tháp, 23 đài hỏa táng và một số công trình phụ trợ khác, trong đó có 8 chùa tổ chức Kiết giới Sima chánh điện.

9. Công tác từ thiện xã hội

Đây là một trong những hoạt động nổi bật đã có những đóng góp tích cực cụ thể trong hoạt động từ thiện nhân đạo góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nhiều công trình từ thiện phúc lợi xã hội khác. Trung tâm Từ Thiện xã hội Phật Quang là cơ sở từ thiện của Phật giáo Kiên Giang do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn sáng lập và làm Giám đốc, tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đến nay đã đi vào hoạt động được 20 năm. Xuyên suốt trong 20 năm qua đã nuôi dạy nội trú miễn phí toàn phần cho hàng ngàn lượt trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 80 trẻ em, các em đang học từ lớp 1 đến lớp 12 và có 4 em đang học cao đẳng, đại học. Từ ngày 1/1/2013, Trung tâm đã mở thêm nhà trẻ Nhân Ái Phật Quang nuôi dạy bán trú cho 120 trẻ em từ 13 tháng tuổi đến 5 tuổi ở cấp học mẫu giáo thuộc đối tượng con em nhà nghèo, nuôi dạy các em miễn phí toàn phần từ sáng đến chiều để tạo điều kiện cho cha mẹ có cơ hội làm ăn vượt khó thoát nghèo. Trong nhiệm kỳ, Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang đã hỗ trợ trên 600 hộ gia đình nghèo có cơ hội gởi con vào TTTTXH Phật Quang và nhà trẻ Nhân Ái Phật Quang để có cơ hội đi làm ăn  thoát nghèo. Kinh phí nuôi dạy, điều hành và duy tu cơ sở vật chất trong 5 năm trên 11 tỷ đồng. Vào ngày 27/11/2020, Sư cô Thích Nữ Huệ Tánh – Phó Giám đốc Thường trực đại diện Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang – đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen tại Hội nghị tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã vận động các tự, viện, tịnh xá, tịnh thất trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng nhiều phong trào và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như: Đóng góp mua vaccine phòng dịch, hỗ trợ gạo và tịnh tài, hỗ trợ thực phẩm tại khu cách ly, thuốc, vật tư y tế, bếp ăn cho các chốt phòng chống dịch… Trong thời gian giãn cách xã hội, đã có 20 vị Tăng, Ni tham gia cùng đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Tổng số tiền Phật giáo Kiên Giang vận động quyên góp trong phòng chống dịch COVID-19 là hơn 18 tỷ.

Ngoài ra, Ban còn tích cực vận động tài chính, thực phẩm cứu trợ nhân đạo cho đồng bào cả nước gặp khó khăn khi xảy ra thiên tai bão lũ và trong cuộc sống, hưởng ứng các chương trình đóng góp quỹ “Ngày vì người nghèo”, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo hàng năm, ủng hộ bếp cháo từ thiện, hốt thuốc nam miễn phí, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà an cư lạc nghiệp… do chính quyền và Mặt trận các cấp phát động. Trong 5 năm qua, bằng những việc làm thiết thực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã vận động từ thiện tổng cộng là: 370 tỷ 207 triệu đồng.

10. Phật giáo tỉnh Kiên Giang với công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thành phố, Tăng Ni, Phật tử đã tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn khu dân cư, xây dựng chùa cảnh văn hóa, ủng hộ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu; tích cực trong các mặt hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ đồng bào các tỉnh vùng sâu, vùng xa; tham gia xây dựng trường lớp tại vùng sâu vùng xa, đắp lộ, xây cầu giao thông nông thôn, khoan giếng nước sạch. Nổi bật nhất là bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện được các tự viện, các nhóm Phật tử thực hiện thường xuyên; động viên con em gia đình Phật tử thi hành nghĩa vụ quân sự, làm tròn bổn phận công dân đối với đất nước và xã hội.

Tăng, Ni và Phật tử trong tỉnh luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình, gương người tốt việc tốt. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện có nhiều biện pháp sáng tạo hữu hiệu đạt nhiều kết quả thiết thực qua 2 chương trình ký kết phối hợp thực hiện giữa Giáo hội tỉnh với MTTQVN tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về chương trình “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” và ký kết phối hợp với Công an tỉnh về chương trình “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua đã tuyên truyền vận động tất cả chư Tăng, Ni trụ trì các cơ sở thờ tự của Phật giáo đã treo cờ nước thường xuyên đạt 100/100. 

Nhìn chung, chư Tôn đức Tăng, Ni lãnh đạo Giáo hội tỉnh nhà đều thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm của mình, đại diện tiếng nói của Tăng, Ni, Phật tử, là cầu nối rất quan trọng giữa các cấp Giáo hội với Đảng, Nhà nước, tham dự đầy đủ các cuộc họp, Hội nghị do các sở, ban ngành tổ chức, tham gia phát biểu ý kiến đóng góp thiết thực mang lại hiệu quả cao trong công tác tôn giáo và dân tộc.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG NHIỆM KỲ

Một là, luôn phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ trong mọi công tác Phật sự, từ đó tạo thành động lực, thống nhất ý chí để hoàn thành các mặt Phật sự quan trọng được giao.

Hai là, thực hiện tốt quy chế làm việc, chế độ hội họp hàng tháng, định kỳ triển khai các Phật sự trọng tâm, từ đó các thành viên Ban Trị sự và Tăng Ni quán triệt thực hiện tốt mọi Chủ trương, Nghị quyết của Giáo hội các cấp. Nhất là tổ chức tốt khóa Kiết đông Thất Nhựt Giáo Giới mỗi năm để thúc liễm tu học, trao đổi Phật sự trên tinh thần lục hòa cộng trụ.

Ba là, phát huy tinh thần chỉ đạo của các cấp Giáo hội, đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban ngành đoàn thể để từ đó làm tốt công tác tuyên truyền ý nghĩa nhân đạo từ thiện, vận động sự đồng tình ủng hộ của Tăng Ni, Phật tử, các nhà hảo tâm, các vị mạnh thường quân chung sức chung lòng tham gia làm tốt công tác từ thiện xã hội, cũng như các mô hình dân vận khéo mà trong nhiệm kỳ qua đạt được những chỉ tiêu từ thiện đã đề cập. 

Bốn là, tiếp cận và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong công tác hoằng pháp lợi sanh, từ đó tạo thuận lợi trong điều hành công tác Phật sự và truyền bá Phật pháp cũng như đáp ứng nhu cầu tu học, nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử và các giai tầng trong xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *