Trong số những áng thi văn mang đậm hơi hướng thiền lý được truyền tụng từ Trung Quốc đến Việt Nam, không thể không kể đến thi tác “Thuyền Tử hòa thượng bát trạo ca” 船子和尚撥棹歌 do Thiền sư Đức Thành sáng tác. Dù mượn lối cổ phong để diễn tả thiền ý song với lối viết phóng túng, không câu nệ vận bộ, lại ý nghĩa cao thâm, tác phẩm đã diễn đạt một cách đầy đủ các triết lý trong quan niệm thiền học thông qua cách thức mượn việc câu cá làm phương tiện ẩn dụ. Thông qua tác phẩm, người đọc không chỉ miên man trong thế giới Thiền tông, lạc hồn vào cảnh giới cao siêu thoát tục của một bậc chân tu mà còn cảm ngộ được những giá trị đạo đức thuần thành mang tinh thần triết luận cực cao, từ đó đề ra cho bản thân phương thức tu tập, suy nghĩ và tư duy đúng với chuẩn mực Phật đạo, trau mài tâm tướng để dần tiệm cận với sự giác ngộ vĩnh hằng.
1. KHÁI LƯỢC VỀ TIẾU SỬ CỦA THIỀN SƯ ĐỨC THÀNH
Thuyền Tử Đức Thành – Cao tăng cuối thời Đường, sống vào khoảng giữa đời Đường Trinh Nguyên đến Khai Thành, quê tổ ở Toại Ninh Tứ Xuyên, nối pháp của Dược Sơn Duy Nghiễm Thiền sư – môn đệ của Thạch Đầu Hi Thiên. Thạch Đầu Hi Thiên là đệ tử đắc pháp duy nhất của Thanh Nguyên Hành Tư. Thanh Nguyên Hành Tư là đệ tử hàng đầu của Lục Tổ Huệ Năng. Tương truyền, Đức Thành thiền sư ẩn cư ở bờ sông Hoa Đình (nay thuộc huyện Tùng Giang, Thượng Hải), người đời xưng ông là Thuyền Tử Hòa thượng. Trong các quyển như: “Tổ Đường Tập” quyển thứ 5, “Cảnh Đức truyện đăng lục” quyển 14, “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 4 và “Tục cao tăng truyện” đều có ghi chép về ông. Đường Hàm Thông năm thứ 10 , Pháp Nhẫn tự được xây dựng bên bờ sông nơi Thuyền Tử Hòa thượng lật thuyền mà hóa và còn được gọi là Thuyền Tử đạo tràng.
Lục Tổ Huệ Năng có 33 môn đồ, trong đó 5 vị có sức ảnh hướng lớn đến Phật giáo sau này. Một trong năm vị là Thanh Nguyên Hành Tư, từ pháp mạch của vị này sinh ra Tông Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn. Thanh Nguyên Hành Tư có một đệ tử đắc pháp (pháp tự) duy nhất là Thạch Đầu Hi Thiên. Đệ tử xuất sắc của Thạch Đầu Hi Thiên thiền sư có 3 vị danh tiếng nhất, trong đó phải kể đến Dược Sơn Duy Nghiễm thiền sư. Mà Thuyền Tử Đức Thành thiền sư chính là pháp tự của Dược Sơn Duy Nghiễm.
Thuyền Tử Hòa thượng tiết tháo cao khiết, độ lượng bất quần; thọ pháp từ Lễ Châu Dược Sơn Hoằng Đạo Nghiễm Thiền sư, học đạo 30 năm. Sau khi rời Dược Sơn, ông trôi dạt trên một con thuyền, ở giữa Tùng Giang và Chu Kinh, đưa đón mấy vạn lượt người qua lại, giăng câu múa chèo, tùy duyên độ thế, người đời không biết sự thâm cao của ông, gọi ông là Thuyền Tử Hòa thượng. Có một ngày gặp Giáp Sơn Thiền Sư (Thiện Hội) ở Chu Kinh, một hỏi một đáp, nói chuyện hợp nhau, Thuyền Tử cao hứng nói rằng: “Câu hết dòng sông, mới gặp Kim Lân (cá chép vàng)”, rồi truyền thọ cho Thiện Hội tất cả Phật lý tâm đắc một đời, sau lật thuyền mà chết. Chùa Pháp Nhận ở Chu Kinh có dựng điện thờ Thuyền Tử Hòa thượng, cũng gọi là Thuyền Tử đạo tràng. Trong “Cảnh Đức Truyện Đăng lục”, “Ngũ đăng hội nguyên”, “Tục cao tăng truyện” đều có tiểu truyện (truyện giản lược và ngắn ) về ông. Trước tác có Bát trạo ca 39 bài. Trong “Pháp Uyển Châu lâm” và “Nghệ lâm Phật sơn” đều có dẫn thơ ca của ông, đồng thời có một quyển “Thuyền Tử cơ duyên”. Lã Ích Nhu thời Tống khắc đá ở chùa Phong Kinh Hải Hội. Cú pháp của bài thơ có phần giống với “Ngư phụ từ” của Trương Chí Hòa đời Đường, nội dung nhiều ngâm vịnh về đời sống của ngư phủ, thông qua đó là ngụ ý huyền lý của nhà Phật, đến thời Nguyên – Minh đều có bản khắc.
Môn hạ của đại thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm thời Đường có 3 thầy xuất sắc trong Thiền môn. Họ là Đạo Ngô Viên Trí, Vân Nham Đàm Thạnh và Thuyền Tử Đức Thành. Sau khi ba người đắc pháp, vâng lệnh thầy đi các núi hoằng dương Phật pháp. Lúc chia tay thầy, Đức Thành nói với hai vị sư huynh đệ còn lại là, mọi người nên mỗi người một phương, xây dựng Tông chỉ Dược Sơn. Tính thích tiêu dao tự tại, chỉ thích sơn thủy, ngoài ra không có bản lãnh nào. Đức Thành sau khi đến Hoa Đình, Tú Châu, thì đưa đò ở trên sông, không ai biết lai lịch của ông, nên gọi là Thuyền Tử Hòa thượng.
Đạo Ngộ đến làm trụ trì của Kinh Khẩu tử, có một Thiền tăng pháp danh Thiện Hội đến tham học. Đạo Ngộ hỏi ông ta vài câu, ông ta liền có thể lấy lời kinh Phật mà trả lời, Đạo Ngộ cười. Thiện Hội liền hỏi: “Tôi nói gì sai sao? Đây đều là được giảng trên Kinh Phật cả mà. Hy vọng Hòa thượng từ bi, vui lòng chỉ dạy cho”. Đạo Ngộ nhìn ra đây là một Tăng nhân lanh lợi, liền nói: “Người hãy đến Hoa Đình ở Tú Châu, tìm Thuyền Tử Hòa thượng đi”.
Thiện Hội sau khi tìm đến chỗ Đức Thành, bị Thuyền Tử Hòa thượng 3 lần đánh rớt xuống sông, trong lúc chìm nổi lặn hụp đột nghiên đại ngộ: “Hữu Vô bất nhị, Khởi lạc bất nhị, nhất thiết đối lập, vô bất như thử” (Có và không đều không phải hai thứ khác nhau, Chìm nổi cũng vậy, mọi thứ đối lập trên đời, đều như vậy). Trước khi chia tay, Thuyền Tử hòa thượng nói rằng: “Ngươi lần này đi, nên ẩn thân không còn tung tin, khi không còn tung tích thì đừng ẩn thân. Ba mươi năm ta ở Dược Sơn chỉ hiểu được điều này”. Ông nói đến chính là “Bất nhị pháp môn”. Chỉ khi hiểu “Bất nhị”, mới thật sự bước vào cõi Phật.
Thiên Hội lên bờ, đi về phía trước, không ngừng quay đầu về phía sau, dường như còn có điều nghi hoặc. Thuyền Tử Hòa thượng đứng ở mũi thuyền hét lớn: “Hòa thượng!” Đợi Thiện Hội quay đầu lại, ông nghiêng lật thuyền, rơi xuống nước tự chìm chết. Ông dùng sinh mạng của mình để nói với Thiện Hội một điều, đừng điên đảo vọng tưởng, đừng có bất cứ hoài nghi. Thiền ngộ chân chính, chính là sinh mệnh, cũng như sống chết “bất nhị”. Ông lấy sinh mệnh của mình để cho Thiện Hội thấy cái gì là “Niết Bàn Tịch Tĩnh”. Thiện Hội không quay đầu lại nữa, đi thẳng đến Giáp Sơn ở thượng du, trở thành một đại sư có nhiều đệ tử.
Tác phẩm của Thuyền Tử thiền sư hiện nay chỉ còn có một thi tác cổ phong Thuyền Tử hòa thượng bát trạo ca với ý niệm thiền lý cao siêu. Hiện nay vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt.
2. VỀ THI TÁC THUYỀN TỬ HÒA THƯỢNG BÁT TRẠO CA 船子和尚撥棹
2.1 Đôi nét về lịch sử tác phẩm
Thuyền Tử hòa thượng bát trạo ca 船子和尚撥棹歌 nghĩa là Bài ca chèo thuyền của Hòa thượng Thuyền Tử vốn là một bài cổ phong theo thể điệu ca hành, sau được người đời chia thành 39 bài tương ứng với 39 đoạn khúc hợp với mỗi một ý niệm thiền học. Tác phẩm mượn chuyện câu cá để ngụ ý Phật học. Tác giả hóa thân thành ngư phủ, tâm hồn tiêu sái, khí tiết thanh cao, lấy việc đi câu làm nền tảng thiền lý, mượn chuyện khi gặp trên biển mà ngụ ý Phật đạo. Xuyên suốt bài ca đều thể hiện cái nhìn giác ngộ và cảm quan thiền học sâu sắc của tác giả, mỗi một đoạn thơ lại chứa đựng một triết lý đạt ngộ sâu xa mà không phải ai cũng có thể hiểu thấu triệt. Với vốn kiến thức ít ỏi về thiền học, tôi xin mượn thiền học làm nền tảng, diễn giảng đại lược các vấn đề thuộc phạm trù của giáo lý Thiền tông thông qua các phép ẩn dụ mà tác giả đã liệt kê ra đây, ngõ hầu giúp người đọc hiểu rõ hơn các ý niệm Phật học tinh giản nhưng hữu ích cho con đường tu tập về sau.
2.2 Phiên dịch Thuyền Tử hòa thượng bát trạo ca 船子和尚撥棹歌
1. 有一魚兮偉莫裁,混虛包納信奇哉,能變化,吐風雷,下線何曾釣得來。
Hữu nhất ngư hề vĩ mạc tài, hỗn hư bao nạp tín kỳ tai, năng biến hoá, thổ phong lôi, hạ tuyến hà tằng điếu đắc lai.
[Dịch] Có một con cá chừ to lớn chớ giết hại, có thể dung chứa cả hư không hỗn độn thật kì lạ thay, có thể biến hóa, hô gió gọi sấm, chưa từng có ai thả mồi câu mà câu được nó lên cả.
2. 千尺絲綸直下垂,一波才動萬波隨,夜靜水寒魚不食,滿船空載月明歸。
Thiên xích ty luân trực hạ thuỳ, nhất ba tài động vạn ba tuỳ, dạ tĩnh thuỷ hàn ngư bất thực, mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.
[Dịch] Nghìn thước dây tơ thả xuống dòng nước/ Một làn sóng động kéo vạn làn sóng khác động theo/ Đêm im, nước lạnh, cá chẳng cắn câu/ Thuyền không trở về chở đầy cả một thuyền trăng.
3. 莫學他家弄釣船,海風起也不知邊,風拍岸,浪掀天,不易安排得帖然。
Mạc học tha gia lộng điếu thuyền, hải phong khởi dã bất tri biên, phong phách ngạn, lãng hiên thiên, bất dị an bài đắc thiếp nhiên.
[Dịch] Chớ học theo người khác khua lắc thuyền câu/ Gió trên biển nổi lên thật chẳng biết đâu là bờ/ Gió vỗ vách, sóng vọt lên tới trời/ Không dễ để điều khiển sao cho thuận buồm yên ổn.
4. 大釣何曾離釣求,拋竿卷線卻成愁,法卓卓,樂悠悠,自是遲疑不下鈎。
Đại điếu hà tằng ly điếu cầu, phao can quyển tuyến khước thành sầu, pháp trác trác, nhạc du du, tự thị trì nghi bất hạ câu.
[Dịch] Cần câu lớn chưa từng rời miếng mồi ngon nơi lưỡi câu/ Vứt bỏ cán đi, gói ghém dây câu lại là liền sầu tủi buồn bã/ Các pháp cao siêu đằng đẵng/ Niềm vui thì dạt dào mênh mông/ Cớ sao lại tự mình trì trệ bám chấp không chịu buông lưỡi câu.
5. 別人只看採芙蓉,香氣長粘繞指風,兩岸映,一船紅,何曾解染得虛空。
Biệt nhân chỉ khán thái phù dung [1], hương khí trưởng niêm nhiễu chỉ phong, lưỡng ngạn ánh, nhất thuyền hồng, hà tằng giải nhiễm đắc hư không.
[Dịch] Người khác chỉ nhìn thấy ta hái hoa phù dung/ Hương thơm ngào ngạt bao quanh hướng về ngọn gió kia/ Hai bờ óng ánh/ Một con thuyền đỏ ửng/ Chưa từng có ai chịu gột rửa nhơ nhuốc để trở về với hư không.
6. 靜不須禪動即禪,斷雲孤鶴兩蕭然,煙浦畔,月川前,槁木形骸在一船。
Tĩnh bất tu thiền động tức thiền, đoạn vân cô hạc lưỡng tiêu nhiên, yên phố bạn, nguyệt xuyên tiền, cảo mộc hình hài tại nhất thuyền.
[Dịch] Tĩnh tại rồi thì chẳng cần thiền, tâm động thì mới cần thiền/ Hạc lẻ mây đơn trông se sắt tiêu điều/ Khói tỏa bên bờ cửa biển/ Trăng lên ở phía trước dòng sông/ Chợt thấy bóng dáng một cành củi khô nằm dựa bên một chiếc thuyền con.
7. 莫道無修 便不修,菩提痴坐若為求,勤作棹,慧為舟,這個男兒始徹頭。
Mạc đạo vô tu [2] tiện bất tu, bồ đề si toạ nhược vi cầu, cần tác trạo, tuệ vi chu, giá cá nam nhi thuỷ triệt đầu.
[Dịch] Chớ nên nói vô tu là không tu/ Bồ đề nếu ngồi yên mà cầu được/ Xem cần mẫn làm chèo/ Trí tuệ làm thuyền/ Ấy là người nam nhi vừa mới xuất đầu lộ diện.
8. 水色春光處處新,本來不俗不同塵,着氣力,用精神,莫作虛生浪死人。
Thuỷ sắc xuân quang xứ xứ tân, bản lai bất tục bất đồng trần, trước khí lực, dụng tinh thần, mạc tác hư sinh lãng tử nhân.
[Dịch] Ánh sáng mùa xuân cùng với sắc nước long lanh đâu đâu cũng đều mới mẻ thanh tân/ Vốn dĩ những thứ ấy chẳng phải là tục chẳng giống cõi trần/ Hiển lộ khí lực/ Vận dụng tinh thần/ Cho nên chớ làm người sống vô giá trị, đầu đường xó chợ.
9. 獨倚蘭橈入遠灘,江花漠漠水漫漫,空釣線,渡腥羶[3],那得凡魚總上竿。
Độc ỷ lan kiêu nhập viễn than, giang hoa mạc mạc thuỷ mạn mạn, không điếu tuyến, độ tinh thiên, na đắc phàm ngư tổng thượng can.
[Dịch] Một mình ngồi tựa lan can đi vào vùng bến nước xa xôi/ Hoa sông mờ mịt nước chảy mênh mông/ Khuyết dây câu/ Băng qua mùi hôi tanh bẩn thỉu/ Thì phàm các thứ cá trên đời đều nằm hết lên trên sào câu.
10. 揚卻雲蓬進卻船,一竿雲影一潭煙,既擲網,又拋筌,莫教倒被釣絲牽。
Dương khước vân bồng tiến khước thuyền, nhất can vân ảnh nhất đàm yên, ký trịch võng, hựu phao thuyên, mạc giáo đảo bị điếu ty khiên.
[Dịch] Vén cỏ bồng chốn làng mây tiến vào trong thuyền/ Một phiến bóng mây một đầm khói tỏa/ Bèn ném lưới/ Lại thả nơm/ Chớ để mình ngã dây câu móc vào.
11. 蒼苔滑淨坐忘機,截眼寒雲葉葉飛,戴箬笠,掛蓑衣,別無歸處是吾歸。
Thương đài hoạt tịnh toạ vong cơ, tiệt nhãn hàn vân diệp diệp phi, đới nhược lạp, quải thoa y, biệt vô quy xứ thị ngô quy.
[Dịch] Rêu xanh trơn truột mướt mát gần như quên mất chuyện thế tục/ Chớp mắt nhìn áng mây lạnh từng lá bay lả tả/ Đội nón tre/ Khoác áo tơi/ Cái nơi chẳng có lối về chính là nơi ta về.
12. 外卻形骸放卻情,蕭然孤坐一船輕,圓月上,四方明,不是奇人不易行。
Ngoại khước hình hài phóng khước tình, tiêu nhiên cô toạ nhất thuyền khinh, viên nguyệt thượng, tứ phương minh, bất thị kỳ nhân bất dị hành.
[Dịch] Bên ngoài là hình hài, còn cái phát tiết ra ngoài là tình cảm/ Một mình ngồi trên chiếc thuyền nhẹ tiêu điều vắng vẻ/ Trăng tròn nhú lên cao/ Bốn phương sáng rực rỡ/ Nếu chẳng phải là người kì tài giỏi giắn thì không dễ dàng đi được.
13. 世知我懶一何嗔,宇宙船中不管身,烈香飲,落花茵,祖師元是個閒人。
Thế tri ngã lãn nhất hà sân, vũ trụ thuyền trung bất quản thân, liệt hương ẩm, lạc hoa nhân, tổ sư nguyên thị cá gian nhân.
[Dịch] Người đời biết ta lười nên có biết bao người quở trách ta/ Trong thuyền vũ trụ này chẳng kể thân mình/ Khát thì nốc bầu hương nồng/ Mỏi thì ngồi đệm hoa rơi/ Tổ sư ta vốn là người nhàn nhã như vậy.
14. 都大無心罔象[4]間,此中那許是非關,山卓卓,水潺潺,忙者自忙閒者閒。
Đô đại vô tâm Võng Tượng gian, thử trung na hứa thị phi quan, sơn trác trác, thuỷ sàn sàn, mang giả tự mang gian giả gian.
[Dịch] Trong lòng Võng Tượng tinh thần vô tâm bao quát rộng lớn/ Ở trong ấy có lẽ chẳng có cửa ải chắn trở/ Núi sừng sững/ Nước róc rách/ Người bận thì tự bận, người nhàn thì tự nhàn.
15. 鼓棹高歌自適情,音稀和寡[5]出囂塵,清風起,浪元平,也且隨流逐勢行。
Cổ trạo cao ca tự thích tình, âm hi hoà quả xuất hiêu trần, thanh phong khởi, lãng nguyên bình, dã thả tuỳ lưu trục thế hành.
[Dịch] Khua chèo cao giọng hát ca tự mình cảm thấy thích chi/ Âm thanh trong trẻo ít người hòa giọng được thoát thai khỏi nơi trần ai nhốn nháo/ Gió mát nổi lên/ Sóng trào bình nguyên/ Lại thuận theo dòng mà dâng cao.
16. 浪宕從來水國間,高歌龜枕看遙山,紅蓼岸,白蘋灣,肯被蘭橈使不閒。
Lãng đãng thung lai thuỷ quốc gian, cao ca quy chẩm khán dao sơn, hồng liệu ngạn, bạch tần loan, khẳng bị lan kiêu sử bất gian.
[Dịch] Trong vùng nước sâu xưa nay trôi lãng đãng/ Có kẻ kê gối rùa cao giọng hát ca ngắm nhìn núi xa/ Bên bờ núi rau đắng đỏ tươi/ Cạnh vịnh nước rau tần trắng phau/ Lại bị chiếc chèo lan khua quẩy khiến cho lòng bất nhàn.
17. 一葉虛舟一副竿,瞭然無事坐煙灘,忘得喪,任悲歡,卻教人喚有多端。
Nhất diệp hư chu nhất phó can, liễu nhiên vô sự toạ yên than, vong đắc táng, nhậm bi hoan, khước giáo nhân hoán hữu đa đoan.
[Dịch] Một phiến thuyền không một bộ sào/ Lòng sáng vô sự ngồi bên bờ nước khỏi lan/ Quên đi lẽ được mất/ Bỏ mặc sự bi hoan/ Nhưng lại bị người rêu là kẻ đa đoan mưu chước.
18. 一任孤舟正又斜,乾坤何路指津涯,拋歲月,卧煙霞,在處江山便是家。
Nhất nhậm cô chu chính hựu tà, càn khôn hà lộ chỉ tân nhai, phao tuế nguyệt, ngoạ yên hà, tại xứ giang sơn tiện thị gia.
[Dịch] Một mảnh thuyền côi thẳng rồi lại xiêu/ Càn khôn là lối nào, chỉ thấy bến nước bờ sông/ Bỏ đi ngày tháng/ Nằm giữa ráng trời/ Xem chốn sông núi xa xôi là nhà của mình.
19. 愚迷未識主人翁,終日孜孜恨不同,到彼岸,出樊籠,元來只是舊時公。
Ngu mê vị thức chủ nhân ông, chung nhật tư tư hận bất đồng, đáo bỉ ngạn, xuất phiền lung, nguyên lai chỉ thị cựu thì công.
[Dịch] Ông chủ nhân là người u mê chưa tỏ ngộ/ Suốt ngày không ngớt niềm uất hận/ (Ngày nọ) Đến bờ bên kia/ Ra khỏi chiếc lồng giậu/ Hóa ra chỉ là một kẻ của thời trước (trước đây).
20. 古釣先生鶴髮垂,穿波出浪不曾疑,心蕩蕩,笑怡怡,長道無人畫得伊。
Cổ Điếu tiên sinh hạc phát thuỳ, xuyên ba xuất lãng bất tằng nghi, tâm đãng đãng, tiếu di di, trường đạo vô nhân hoạch đắc y.
[Dịch] Tiên sinh Cổ Điếu (Chiếc cần câu cũ) tóc hạc rủ xuống/ Băng sóng đáp nước chưa từng chùn bước/ Lòng rộng thênh thang/ Cười vui khoái trá/ Đường xa chẳng thấy ai họa lại được ông.
21. 一片江雲倐忽開,翳空朗日若為哉,適消散,又徘徊,試問本從何處來。
Nhất phiến giang vân thúc hốt khai, ế không lãng nhật nhược vi tai, thích tiêu tán, hựu bồi hồi, thí vấn bản thung hà xứ lai.
[Dịch] Một phiến mây hiện ra chớp nhoáng trên sông/ Thể như muốn ẩn vào hư không nấp vào vầng dương sáng sủa/ Vừa mới tiêu tán, lại lưỡng lự chần chừ/ Thử hỏi xưa nay đâu là chốn về.
22. 不妨輪線不妨鈎,只要鈎輪得自由,擲即擲,收即收,無蹤無跡樂悠悠。
Bất phương luân tuyến bất phương câu, chỉ yếu câu luân đắc tự do, trịch tức trịch, thu tức thu, vô tung vô tích nhạc du du.
[Dịch] Chẳng ngại tơ quấn chẳng ngại câu/ Chỉ cần câu xoay vòng nắm được sự tự do/ Ném thì ném/ Thu thì thu/ Chẳng có dấu tích niềm vui dằng dặc bất tận.
23. 釣下俄逢赤水珠,光明圓澈等清虛,靜即出,覓還無,不在鱺龍[6]不在魚。
Điếu hạ nga phùng Xích Thuỷ châu, quang minh viên triệt đẳng thanh hư, tĩnh tức xuất, mịch hoàn vô, bất tại Ly Long bất tại ngư.
[Dịch] Dưới cần nghiêng vớ được ngọc Xích Thủy (ngọc đen)/ Quang minh tròn vạnh ngang với thanh hư (đạo huyền vi)/ Lúc tĩnh thì trồi lên/ Nhưng tìm thì chẳng có/ Không nằm ở trong miệng loại Li Long cũng chẳng nằm trong bụng cá.
24. 卧海拏雲勢莫知,優遊何處不相宜,香象[7]子,大龍兒,甚麼波濤颺得伊。
Ngoạ hải nã vân thế mạc tri, ưu du hà xứ bất tương nghi, Hương Tượng tử, Đại Long nhi, thậm ma ba đào dương đắc y.
[Dịch] Nằm giữa biển vọt trời mây thế nào chẳng biết/ Ngao du tự tại nơi nào chẳng hợp/ Ngài Hương Tượng, con Đại Long/ Đâu ngọn ba đào nào dâng cao được tới những người ấy.
25. 雖募求魚不食魚,網壺蓬戶本空無,在世界,作凡夫,知聞只是個毗盧[8]。
Tuy mộ cầu ngư bất thực ngư, võng hồ bồng hộ bản không vô, tại thế giới, tác phàm phu, tri văn chỉ thị cá bì lô.
[Dịch] Tuy mong bắt được cá nhưng không ăn cá/ Nhà tranh bầu cá vốn chẳng có gì/ Ở trong thế giới này/ Làm kẻ phàm phu/ Người nghe được biết được (chỉ người trí tuệ) chỉ có ngài Tỳ Lô.
26. 香餌針頭也不無,向來只是釣名魚,波沃日,浪涵虛,萬象籮籠號有餘。
Hương nhị châm đầu dã bất vô, hướng lai chỉ thị điếu danh ngư, ba ốc nhật, lãng hàm hư, vạn tượng la lung hiệu hữu dư.
[Dịch] Mồi thơm câu sắc cũng không phải không có/ Xưa nay chỉ muốn câu được cá hiếm cá quý/ Sóng vọt trời/ Sóng chứa hư không/ Vạn vật nếu cho vào lồng vẫn còn dư.
27. 乾坤為舸月為蓬,一屏雲山一罨風,身放蕩,性靈空,何妨南北與西東。
Càn khôn vi khả nguyệt vi bồng, nhất bình vân sơn nhất yểm phong, thân phóng đãng, tính linh không, hà phương nam bắc dữ tây đông.
[Dịch] Càn khôn là thuyền cả, trăng là tóc bồng/ Một bức núi mây một màn gió/ Thân như phóng đãng/ Tính tựa trời cao/ Có gì phải ngại Nam Bắc hay Đông Tây.
28. 終日江頭理棹間,忽然失濟若為還,灘急急,水潺潺,爭把浮生作等閒。
Chung nhật giang đầu lý trạo gian, hốt nhiên thất tế nhược vi hoàn, than cấp cấp, thuỷ sàn sàn, tranh bả phù sinh tác đẳng gian.
[Dịch] Trọn ngày xuôi chèo ở đầu sông/ Đột nhiên chưa qua được bờ bên kia đã phải quay lại/ Bến nước chảy gấp gấp/ Nước bể chảy xiên xiết/ Tranh lấy kiếp phù sinh chỉ để làm kẻ bình thường.
29. 有鶴翱翔四海風,往來蹤跡在虛空,圖不得,算何窮,日月還教沒此中。
Hữu hạc ngao tường tứ hải phong, vãng lai tung tích tại hư không, đồ bất đắc, toán hà cùng, nhật nguyệt hoàn giáo một thử trung.
[Dịch] Kìa cánh hạc bay lượn trong bốn bể/ Xưa nay tung tích đều nằm ở hư không/ Tính chẳng đẳng/ Toán chẳng cùng/ Nhật nguyệt quần xoay lặn mất trong chốn này.
30. 釣頭曾未曲些些,靜向江濱度歲華,酌山茗,折蘆花,誰言埋沒在煙霞。
Điếu đầu tằng vị khúc ta ta, tĩnh hướng giang tân độ tuế hoa, chước sơn minh, chiết lô hoa, thuỳ ngôn mai một tại yên hà.
[Dịch] Kìa lưỡi câu thẳng chưa từng uốn bẻ/ Lặng nhìn bến sông đã trải bao mùa/ Rót trà ngon trên núi/ Bẻ ngắt ngọn bông lau/ Ai người nói rằng đời vùi chôn trong khói lam ráng chiều (ý nói người đời cười chê ta sống đời ẩn cư, vùi mình nơi heo hút).
31. 吾自無心無事間,此心只有水雲關,攜釣竹,混塵寰,喧靜都來離又閒。
Ngô tự vô tâm vô sự gian, thử tâm chỉ hữu thuỷ vân quan, huề điếu trúc, hỗn trần hoàn, huyên tĩnh đô lai ly hựu gian.
[Dịch] Tự ta vô tâm trong cõi vô sự/ Tâm này chỉ có cửa mây nước mà thôi/ Dắt cần trúc/ Khuấy hồng trần/ Tĩnh náo lũ lượt kéo tới, bỏ đi hết thì liền nhàn thôi.
32. 晴川清瀨水橫流,蕭灑元同不繫舟,長自在,恣優遊,將心隨逐幾時休。
Tình xuyên thanh lai thuỷ hoành lưu, tiêu sái nguyên đồng bất hệ chu, trưởng tự tại, tứ ưu du, tướng tâm tuỳ trục kỷ thì hưu.
[Dịch] Đồng quang, thác lặng, nước chảy ngang/ Tấm lòng tiêu sái như thuyền không buộc/ Thường tự tại, mặc tiêu diêu/ Mang tâm theo đuổi (chấp trước) thì biết khi nào dừng.
33. 歐冶 [9],銑鋒價最高,海中收得用吹毛,龍鳳繞,鬼神號,不見全牛可下刀。[10]
Âu Dã tiển phong giá tối cao, hải trung thu đắc dụng xuy mao, long phượng nhiễu, quỷ thần hiệu, bất kiến toàn ngưu khả hạ đao.
[Dịch] Lưỡi gươm Âu Dã giá cao vời/ Ta nhặt được dưới lòng bể chỉ dùng để phủi lông thôi/ Long phụng quây quần/ Quỷ thần gào thét/ Không thấy cả trâu mới xuống dao được.
34. 動靜由來兩本空,誰教日月強施功,波渺渺,霧濛濛,卻成江上隱雲中。
Động tĩnh do lai lưỡng bản không, thuỳ giáo nhật nguyệt cường thi công, ba diêu diêu, vụ mông mông, khước thành giang thượng ẩn vân trung.
[Dịch] Tĩnh động xưa nay vốn là không/ Ai rằng nhật nguyệt đòi tranh công/ Sóng dằng dặc/ Sương mịt mờ/ Lại tỏa trên dòng sông ẩn vào trong mây.
35. 問我生涯只是船,子孫各自睹機緣,不由地,不由天,除卻蓑衣無可傳。
Vấn ngã sinh nhai chỉ thị thuyền, tử tôn các tự đổ cơ duyên, bất do địa, bất do thiên, trừ khước thoa y vô khả truyện.
[Dịch] Có người hỏi ta kiếp người chỉ là con thuyền/ Con cháu từng người âu cũng chỉ là cơ duyên/ Không phải từ đất, cũng chẳng phải do trời/ Ngoài manh áo rách thì chẳng có gì để truyền lại.
36. 媚俗無機獨任真,何須洗耳[11]復澄神[12],雲與月,友兼親,敢向浮漚任此身。
Mị tục vô cơ độc nhậm chân, hà tu tẩy nhĩ phục trừng thần, vân dữ nguyệt, hữu kiêm thân, cảm hướng phù ẩu nhậm thử thân.
[Dịch] Hùa theo thế tục chẳng có điểm dừng chi bằng tự mình nghe theo tự nhiên/ Hà tất gì phải rửa tai rồi lắng thần (tập trung)/ Xem mây và trăng/ Là bạn bè với người thân/ Mới dám để mặc thân này cho bọt nước.
37. 逐塊追歡[13]不識休,津樑混不掛心頭,霜葉落,岸花秋,卻教漁父為人愁。
Trục khối truy hoan bất thức hưu, tân lương hỗn bất quải tâm đầu, sương diệp lạc, ngạn hoa thu, khước giáo ngư phụ vi nhân sầu.
[Dịch] Tìm vui chẳng biết dừng như con chó đuổi theo hòn đất/ Bờ bến cuồn cuộn nhưng lòng không lo nghĩ/ Lá rơi trong sương/ Hoa thu bên bờ/ Lại khiến cho người ngư phụ vì người mà sầu khổ.
38. 二十年來江上游,水清魚見不吞鈎,釣竿斫盡重栽竹,不計工程得便休。
Nhị thập niên lai giang thượng du, thuỷ thanh ngư kiến bất thôn câu, điếu can chước tận trùng tài trúc, bất kế công trình đắc tiện hưu.
[Dịch] Lênh đênh trên dòng sông đã chừng hai mươi năm nay/ Nước trong thấy cả cá nhưng cá không đớp mồi câu/ Cán câu gãy đứt hết rồi thì lại trông thêm cây trúc/ Chẳng kể công lao, bắt được cá mới thôi.
39. 三十餘年坐釣台,鈎頭往往得黃能[14],錦鱗不遇虛勞力,收取絲綸歸去來。
Tam thập dư niên toạ điếu đài, câu đầu vãng vãng đắc hoàng năng, cẩm lân bất ngộ hư lao lực, thu thủ ty luân quy khứ lai.
[Dịch] Đã ba mươi năm nay ngồi trên bệ câu/ Đầu cần câu thường hay câu được Hoàng Năng/ Chẳng gặp được loài cá quý nên làm hao tốn sức lực/ Cho nên bèn thâu dọn tơ câu rồi quay trở về. [15]
2.3. Đại nghĩa Thiền tông từ Phất trạo ca
Phất trạo ca chứa đựng kho tàng triết luận thiền tông được ẩn dụ dưới không gian mênh mông của biển cả, trong khoảng thời gian vô lượng của đời người và tiềm tàng bằng hình thức “điếu ngư” (câu cá). Thực tế, biểu tượng “điếu ngư” là một biểu tượng văn hóa lâu đời được lý giải bằng nhiều cách khác nhau qua lăng kính triết học của từng giới thuyết cổ đại. Nếu như với Nho giáo, “điếu ngư” mang ý niệm như một sự chờ thời của bậc sĩ phu, điển hình với hình tượng Khương Tử Nha với cần câu không lưỡi cách ba thước nước thì với Lão giáo hoặc Phật giáo, hình tượng “điếu ngư” lại nồng nã tinh thần “tiêu sái”, thể hiện thái độ vô tâm và ung dung trước những biến thiên của lịch sử. Cũng theo dòng cảm khái đó, Thiền sư Đức Thành đã phóng chiếu hình tượng, mượn “ngư” làm tâm, mượn “thuyền” làm thân, mượn “điếu” làm phương tiện để người đọc có những thể nghiệm tầng bậc và phân lớp trong quá trình lĩnh hội thiền học.
Thiền học thực chất là một phương pháp tu hành đối nghịch với khuynh hướng “triết lý hóa”, chủ yếu tập trung nhấn mạnh vào việc chứng ngộ Phật tánh tự thể thông qua thực tiễn tu tập và thực chứng. Với tôn chỉ “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (教外別傳,不立文字,直指人心,見性成佛 – Truyền giáo pháp ngoài kinh điển, Không lập văn tự, Chỉ thẳng vào lòng người, Thấy chân tánh để thành phật), Thiền học thường song hành với các học thuyết như “vạn pháp nơi tự tánh”, “vạn pháp đều hiện từ trong tự tánh, tất cả các pháp nơi tự tánh, gọi là pháp thân thanh tịnh”, “tự tánh pháp thân”, “tự tánh thường thanh tịnh”, “Bát Nhã luôn tồn tại, không lìa tự tánh”, “Phật là tự tánh làm”… Cũng chính vì vậy mà với thiền học, các bậc trưởng lão thường thể nghiệm với đệ tử qua phương thức “đốn ngộ”, tức lập tức giác ngộ bằng hành động kỳ lạ và trái với bình thường để khiến người tham học được ngộ như đánh, hét, mắng chửi, dựng phất tử… hoặc thông qua hỏi đáp mà khai ngộ. Đó là quá trình soi xét vào tâm thức của người tham học rồi từ đó đưa ra những phương thức chỉ dạy phù hợp làm sao để người đó ngộ. Các công án liên quan đến thiền học đa phần đều hướng đến giác ngộ tâm, do đó để điều phục được tâm và lĩnh hội được thiền, đòi hỏi người tham học phải là người có đủ căn đủ duyên mới có thể hiểu được.
Với Phất trạo ca, quan niệm thiền học được diễn hành theo trật tự như sau: Nhận thức vô thường – Bất cầu bất tranh, Không còn bám chấp – Quy ẩn (Mặc thế giới và Tự thân nhàn) – Tu hành điều phục tâm (Biểu hiện qua hình tượng “điếu ngư”) – Chứng đắc, về với cõi “không”.
Toàn văn thi tác được mô phỏng trong một không gian mênh mông với điểm nhấn là chiếc thuyền độc mộc đơn sơ điểm xuyết hình tượng một vị Thuyền Tử vô tâm đương thả dây câu chờ cá đớp mồi. Trong quá trình diễn đạt triết lý, thiền sư hầu như đã thiền hóa hết thảy các vật tượng bình thường, biến chúng trở thành công cụ triết luận cao siêu cho sở học bản thân. Mỗi một đoạn thơ đều ẩn chứa một sát na giá trị phật luận tinh vi, đại để như câu “lưỡng ngạn ánh, nhất thuyền hồng” 两岸映,一船紅 (Hai bờ sáng rỡ, Một chiếc thuyền đỏ ửng) vốn dĩ chỉ là một câu thơ mô tả cảnh tượng bình thường nhưng phá nhãn nhìn sâu vào bổn thể, lại không chỉ đơn giản là vật cảnh tầm thường. “Lưỡng ngạn” là đại diện cho hai bờ mê – giác. “Nhất thuyền” là đại diện cho thân người trôi nổi giữa hai bờ “tỉnh”, “ngộ”. “Lưỡng ngạn ánh” ý chỉ tính hấp dẫn của hai cảnh giới tuy nhiên một bờ thực là bờ tỉnh còn một bờ ảo là bờ mê. “Nhất thuyền hồng” vừa ám chỉ nhân trần vừa trực chỉ tính lưỡng cực trong tâm thức con người: Vừa mê đắm nhưng cũng vừa có khả năng giác ngộ và cái chấp mắc ở đây là sự lưỡng lự của con người khi đứng giữa đôi bờ siêu thực. Đó là lý do tại sao ở câu kết, thiền sư lại bảo “hà tằng giải nhiễm đắc hư không” (何曾解染得虛空 – Chưa từng có ai chịu gột rửa nhơ nhuốc để về với hư không) vừa là lời than nhưng cũng vừa là lời nhắc, lời thúc con người mau mắn trở về với “bổn lai diện mục”.
Điểm đặc biệt trong tác phẩm không chỉ nằm ở những giá trị triết luận của Phật giáo mà còn nằm ở sự đan xen hài hòa và cân đối giữa Đạo giáo và Phật giáo. Các hình tượng đạo Lão như: Võng Tượng, Li Long, Âu Dã Tử, Bào Đinh… đặt song hành với các hình tượng đạo Phật như: Hương Tượng, Tì Lô, Cuồng cẩu trục khối… với ý niệm như sự tương hỗ một loạt các giá trị cao siêu và sái lạc. Đại để trong Đạo giáo, thay vì hình thành một cách điển hình khái niệm “tánh không” thì lại đề ra biểu tượng về “Đạo”. Trong chương mở đầu của Đạo Đức kinh, Lão Tử nói rằng: “Đạo nói được không phải là Đạo thường, Danh gọi được không phải là Danh thường. Cái Vô Danh là khởi đầu của Trời Đất, Cái Hữu Danh là mẹ của muôn vật”. “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật”, nghĩa là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Muôn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau như vậy có thể nói Đạo bao chứa cả càn khôn, bao quát cả vũ trụ và không có vật gì nằm ngoài khỏi quỹ đạo của Đạo. Cách để quay trở về với Đạo là “thuận kỳ tự nhiên” 順其自然 (Thuận theo tự nhiên) tức là quay về bổn nguyên, với cái tự nhiên vô nhị nguyên, đó là lý do Đạo giáo không lấy cuộc đời làm lạc thú, xem việc sống như một nghĩa vụ, không yếm thế, không lạc quan, và xem cái chết là một việc phục tùng theo lẽ tự nhiên nhất định. Còn với Phật giáo, cái cao nhất là “không” và cái bao chứa tối thượng nhất là “tâm”. Trong Duy thức tông, tâm được phân tích rất sâu, trong đó có A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna, còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm thức. Theo quan điểm này, toàn bộ pháp giới chính là “tâm thanh tịnh”.
Do đó tâm thức đối với Phật giáo giống như một cái bao lớn, chứa đựng mọi chủng tử tốt – xấu của con người và cái quan trọng nhất trong tu tập tức là làm sao để có thể điều phục được tâm, để tâm đạt được cảnh giới thanh tịnh và chứng được cái gọi là “tánh không”. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Tâm lượng rộng lớn, giống như hư không… hư không có thể dung chứa tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đất đai sông núi, tất cả cỏ cây…”, “tự tánh thường thanh tịnh, mặt trời mặt trăng thường chiếu sáng, do mây mù che phủ mà trên sáng dưới tối, không thể thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Bỗng một cơn gió mạnh thổi đến, cuốn hết mây mù, sâm la vạn tượng, cùng lúc hiển bày ra. Con người tánh thanh tịnh, giống như trời xanh, tuệ như mặt trời, trí như mặt trăng, trí tuệ thường sáng. Do đắm trước cảnh bên ngoài, mây mù vọng niệm che phủ, tự tánh không thể sáng. Cho nên gặp được bậc thiện tri thức chỉ rõ pháp đúng đắn, thổi đi mê vọng, trong ngoài đều thấu triệt, từ trong tự tánh, vạn pháp đều hiển bày. Tất cả các pháp tại nơi tâm, gọi là pháp thân thanh tịnh” [16].
Do đó, cách để thực hành và tu tập tâm thức theo triết lý Phật giáo nằm ở pháp môn “minh tâm kiến tánh” 明心見性. Vì chủ trương mọi người đều có tự tánh, Phật tánh, tức là mọi người đều có bản thể chân như. Chính vì thể yêu cầu con người tìm cầu Phật tánh, tìm cầu chân như ngay trong tâm mình chính là phương thức ngộ đạo của thiền tức cho rằng “tự tâm đốn hiện chân như bản tánh”. Chung quy, luận điểm của thiền sư Thuyền Tử đã cho thấy được phương thức tu hành rõ ràng trong quá trình tìm về với chơn như bổn tánh, quy về cảnh giới hư không bất loạn.
3. KẾT LUẬN
Phất trạo ca không chỉ là một áng thơ đơn thuần tả cảnh sinh hoạt của ngài Thuyền Tử hay phong vị nhân sinh của cuộc sống ngư phủ nói riêng mà còn là bài học triết luận sâu sắc về thiền học với các giá trị thâm sâu mà khó có thể lý giải được bằng lời. Y theo hệ quy chiếu “bất lập văn tự”, nếu không tự “dĩ tâm” để thể nghiệm các tầng sâu triết lý trong tác phẩm thì không thể nào thấu triết một cách minh bạch và đường bệ các giá trị thậm sâu mà thiền sư Đức Thành truyền thừa lại cho thế hệ hậu nhân sau này. Chung quy những hình tượng, biểu tượng mà tác giả để lại không chỉ mang sức gợi thật lớn mà còn cho người đọc thấy được những thể nghiệm tự tánh tự thân với phương châm “dĩ thân truyền pháp”. Các giá trị thiền học cho đến về sau thông qua Phất trạo ca nếu không thể chuyển hóa bằng phương thức thực tập tu hành thì những con chữ cứng cỏi trên trang giấy thực cũng chỉ là những lời nói phiếm không hơn về thế sự. Do đó đọc Phất trạo ca là để ngẫm, để nghiền, để thực hành chứ không chỉ để thỏa cơn hứng thú thi ca nhất thời mà thôi.
Nguyễn Thanh Lộc
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Phù dung 芙蓉: Chỉ hoa sen nổi trên mặt nước
[2] Vô tu 無修 ý chỉ pháp môn vô tu chi tu 無修之修. Trong Ngự Tuyển Ngữ Lục (御選語錄, 卍Tục Tạng Kinh Vol. 68, No. 1319) quyển 7 có đoạn: “Khả dĩ phổ độc diệu chi thần quang, viên huyễn hữu chi vạn hạnh, sở vị vô thành chi thành, vô tu chi tu” (可以普獨耀之神光、圓幻有之萬行、所為無成之成、不修之修, có thể riêng tỏa sáng ấy thần quang, tròn giả huyễn ấy muôn hạnh, đó gọi không thành mà thành, không tu mà tu). Ý chỉ cái tu chí cao, không tu cầu ngoại vật hay đạt được phước hữu lậu mà là tu vô cầu để đạt được trạng thái niết bàn, giải thoát.
[3] Tinh chiên 腥羶: Chỉ mùi hôi thối của cá thịt bị ươn. Có nguồn gốc từ sách Bào Phác Tử抱朴子, thiên Minh Bản 明本 của Cát Hồng葛洪 đời Tấn có câu: “山林之中非有道也,而為道者必入山林,誠欲遠彼腥羶,而即此清浄也” (Sơn lâm chi trung phi hữu đạo dã, nhi vi đạo giả tất nhập sơn lâm, thành dục viễn bỉ tinh chiên, nhi tức thử thanh tịnh dã – Trong rừng núi chẳng có đường đi, mà nơi có đường thì ắt dẫn vào trong rừng núi, thực muốn băng qua vùng tinh chiên xa xôi đó, thì tâm ắt phải thanh tịnh).
[4] Tượng Võng 象罔 hoặc Võng Tượng 罔象 Chỉ những người vô tâm, vô hình tích, trích từ sách Trang Tử, thiên Thiên Địa: “Vua Hoàng Đế đi chơi ở phía bắc Xích Thuỷ (dòng sông đỏ), leo lên núi Côn Lôn, khi định quay về phương nam thì thấy mất viên ngọc đen (tượng trưng đạo huyền vi), sai Trí (tượng trưng cho trí tuệ) tìm mà không thấy, lại sai Li Chu (tượng trung cho sự tinh mắt) tìm mà cũng không thấy, lại sai Khiết Cấu (tượng trưng cho sự biện luận) tìm mà cũng không thấy. Sau cùng sai Tượng Võng (tượng trưng cho sự vô tâm) thì thấy. Hoàng Đế bảo: “Tượng Võng mà tìm nó được thì lạ thật!”.
[5] Âm hi hòa quả 音稀和寡 hay Hi âm hòa quả 稀音和寡 chỉ âm thanh phát ra trong trẻo, ít người có thể hòa giọng lại được. Điển tích dẫn từ sách Đối Sở Vương vấn: “客有歌于郢中者,其始曰《下里、《巴人》,國中屬而和者數千人;其為《陽阿》、《白雪》,國中屬而和者不過數十人;引商刻羽,雜以流徵,國中屬而和者不過數人而已。是其曲彌高,其和彌寡。” (Khách có người làm nghề ca hát trong đất Trình, ban đầu hát các khúc “Hạ lí”, “Ba nhân”, người trong nước thuộc mà hòa giọng cùng anh ta được có vài nghìn người; kế đến là khúc “Dương a”, “Bạch tuyết”, người trong nước thuộc mà hòa giọng cùng anh ta được không quá vài chục người, lại dẫn cung thương, khắc cung vũ, hòa hợp lại để cung chủy dạt dào, người trong nước thuộc mà hòa giọng cùng anh ta được không quá vài người. Khúc ca ấy cao nhã thanh khiết, nhưng người họa lại được nó thì thực ít).
[6] Li long 鱺龍: Là một con rồng đen trong truyền thuyết, có nguồn gốc từ sách Trang Tử, chương Liệt ngự khấu 列御寇: “Một người lại bái kiến vua Tống, được ân tứ mười cổ xe, đánh mười cổ xe đó lại khoe Trang Tử, Trang Tử bảo: “Trên bờ Hoàng Hà có một gia đình nghèo, sống nhờ nghề đan cỏ ngải. Một hôm một người con lặn xuống vực, vớt được một viên ngọc châu đáng giá ngàn vàng. Người cha bảo con: “Lấy một phiến đá đập bể nó đi! Một viên ngọc đáng giá ngàn vàng tất phải ở dưới cằm một con rồng đen trong một vực sâu chín đợt. Con lấy được nó chắc là trong khi con rồng đó ngủ; nó tỉnh dậy thì còn gì là đời con nữa!”.
[7] Hương Tượng 香象 hay còn gọi là Hương tượng độ hà 香象渡河 Hương tượng qua sông, chân nó đặt tận đáy nước, ví dụ người nghe giáo pháp, chứng được chỗ sâu xa. Trong các kinh luận thường nói về 3 con thú qua sông là thỏ, ngựa, hương tượng, để ví dụ chỗ chứng đắc có sâu, nông khác nhau khi nghe giáo pháp. Chẳng hạn như thỏ qua sông thì nổi, ngựa qua sông thì chìm phân nửa thân, còn hương tượng qua sông thì chân giẫm đến đáy nước. Người thời nay cũng cho rằng bình luận văn chương đến chỗ thấu triệt, gọi là Hương tượng độ hà. Hương Tượng còn chỉ một vị bồ tát gọi là Càn Đà Ha Trú (乾陀呵晝), Kiện Đà Ha Ta (健陀訶娑); ý dịch là Hương Tượng (香象), hay Hương Huệ (香惠), Xích Sắc (赤色), Bất Khả Tức (不可息), Bất Hưu Tức (不休息), là một trong 16 vị Đại Bồ Tát trong thời hiền kiếp. Bồ Tát này được liệt vị ở phương đàn ngoại viện của Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼荼羅), là Bồ Tát đứng đầu trong bốn vị ở Nam Phương, mật hiệu là Đại Lực Kim Cang (大力金剛) hoặc Hộ Giới Kim Cang (護界金剛). Trong Chú Duy Ma Cật Kinh (注維摩詰經, Taisho No. 1775) quyển 1, Ngài La Thập (羅什) chú thích tên Bồ Tát Hương Tượng rằng: “Thanh hương tượng dã, thân xuất hương phong, Bồ Tát thân hương phong diệc như thử dã” (青香象也、身出香風、菩薩身香風亦如此也, con voi Thanh Hương, thân nó tỏa ra gió hương thơm, thân Bồ Tát cũng tỏa gió hương thơm như vậy). Bồ Tát này trú tại núi Hương Tụ (香聚) ở phương Bắc mà thuyết pháp. Cho nên Hương có nghĩa là biến cùng khắp không có gì trở ngại. Tượng có nghĩa là bước chân có sức mạnh lớn. Hai từ này hợp lại với nhau có nghĩa là các hạnh quả mãn. Về hình tượng của vị Bồ Tát này, thân Ngài màu trắng, ngồi trên hoa sen, tay phải đặt trước ngực, trên tay cầm hoa sen, trên cành hoa sen có lò hương. Tay trái đặt trên đầu gối. Vị này thường thấy trong các kinh điển Đại Thừa như Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Kinh (小品般若波羅蜜經) quyển 9, Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經) quyển thượng, A Di Đà Kinh (阿彌陀經),…
[8] Tỳ lô hay “Bì Lư” 毗盧 tên một vị Phật. Cũng gọi là “Biến Nhất Thiết Xứ” 遍一切處, “Đại Nhật” 大日, “Lô Xá Na” 盧舍那, “Quang Minh Biến Chiếu” 光明遍照, “Già Na” 遮那.
[9] Âu Dã Tử (歐冶子) là một thợ rèn kiếm Trung Quốc người nước Việt sống vào cuối thời Xuân Thu. Âu Dã Tử được coi là một trong những thợ rèn kiếm huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc.
[10] Câu này lấy ý từ điển tích Mục vô toàn ngưu 目無全牛 trong thiên Dưỡng sinh chủ 養生主 của Trang Tử: “Bào Đinh của vua Văn Huệ làm nghề mổ bò, hai tay hắn nắm con vật, đưa vai ra thúc nó, rồi hai chân bấm vào đất, hai đầu gối ghì chặt nó. Hắn đưa lưỡi dao cắt xoẹt xoẹt, phát những âm thanh có tiết tấu y như khúc “tang lâm” và bản nhạc “kinh thủ”. Vua Văn Huệ khen: “Giỏi! Nghệ thuật của nhà ngươi sao mà cao tới mức đó được?” Hắn đặt lưỡi dao xuống đáp: “Thần nhờ thích cái Đạo, nên nghệ thuật mới tiến được. Hồi mới học nghề mổ bò, thần chỉ thấy con bò thôi. Ba năm sau, thần không thấy con bò nữa. Lúc này thần dùng tinh thần hơn là dùng mắt. Cảm quan ngưng lại, chỉ còn tâm thần là hoạt động. Thần biết cơ cấu thiên nhiên của con bò, chỉ lách lưỡi dao vào những chỗ kẽ trong thân thể nó, không đụng tới kinh lạc, gân, bắp thịt của nó, huống hồ là tới những xương lớn. Một người đồ tể giỏi một năm mới làm cùn một con dao, vì chỉ cắt thịt mà thôi. Một đồ tể tầm thường cứ mỗi tháng là cùn một con dao vì phải chặt vào xương. Con dao này đây, thần dùng đã mười chín năm rồi, đã mổ mấy nghìn con bò mà lưỡi còn bén như mới mài. Khớp xương nào cũng có kẽ, mà lưỡi dao thì mỏng. Biết đưa những lưỡi thật mỏng ấy vào những kẽ ấy thì thấy dễ dàng như đưa vào chỗ không. Vì vậy, dùng mười chín năm rồi mà lưỡi dao của thần vẫn bén như mới mài. Mỗi khi gặp một khớp xương, thần thấy khó khăn, thần nín thở, nhìn cho kĩ, chầm chậm đưa lưỡi dao thật nhẹ tay, khớp xương rời ra dễ dàng như bùn rơi xuống đất. Rồi thần cầm dao, ngửng lên, nhìn bốn bên, khoan khoái, chùi dao, đút nó vào vỏ.” Vua Văn Huệ bảo: “Lời tên bếp đó thật hay, nghe rồi ta hiểu được phép dưỡng sinh.”
[11] Tẩy nhĩ: Theo Cao Sĩ Truyện (高士傳), phần Sào Phủ của Hoàng Phủ Mật (皇甫謐, 215-282) nhà Tấn cho biết rằng: “Sào Phủ giả, Nghiêu thời ẩn nhân dã; sơn cư bất doanh lợi thế; niên lão, dĩ thọ vi sào nhi tẩm kỳ thượng, cố thời nhân hiệu viết Sào Phủ (巢父者、堯時隱人也、山居不營世利、年老、以樹爲巢而寢其上、故時人號曰巢父, Sào Phủ là ẩn sĩ dưới thời nhà Nghiêu; ông sống trong núi, không màng đến danh lợi trần thế; đến tuổi già ông lấy cây cao làm tổ mà ngủ trên đó, cho nên người đương thời gọi là Sào Phủ).” Ông đã từng từ chối ngôi vị Thiên tử của nhà Nghiêu. Câu chuyện ông dắt trâu lên uống nước ở dòng phía trên trong khi Hứa Do rửa tai ở dòng phía dưới đã trở thành điển cố nổi tiếng, xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, thi ca,… Như trong Lâm Tuyền Lão Nhân Bình Xướng Đầu Tử Thanh Hòa Thượng Tụng Cổ Không Cốc Tập (林泉老人評唱投子青和尚頌古空谷集) có câu: “Hứa Do tẩy nhĩ, Sào Phủ khiên ngưu, phất tích thành ngấn, dục ẩn di lộ (許由洗耳、巢父牽牛、拂跡成痕、欲隱彌露, Hứa Do rửa tai, Sào Phủ dắt trâu, chùi dấu thành vết, muốn giấu càng lộ).”
[12] Trừng thần hay Trừng thần li hình 澄神离形 chỉ sự tập trung cao độ để làm một việc nào đó. Trích từ sách Đại đồng thư 大同書:“Ngô triêu tịch ủng thư ư thị, phủ độc ngưỡng tư, trừng thần li hình, quy đối thê nhi, chấp nhiên nhược phi nhân” (吾朝夕擁書於是,俯讀仰思,澄神離形,歸對妻兒,慹然若非人。 – Ta đêm ngày cầm sách ngồi ở đó, cúi xuống là đọc, ngẩng đầu là nghĩ, lắng thần rời cả hình tướng, về đứng trước mặt vợ con mà ngơ ngẩn như chẳng thấy người).
[13] Cũng gọi Cuồng cẩu trục khối. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Con chó đuổi theo cục đất. Hàn lô là một giống chó nổi tiếng ở nước Hàn trong thời đại Chiến quốc. Nếu ném cục đất trước nó, nó sẽ tưởng lầm là thức ăn được, rồi cứ đuổi theo. Trong Thiền lâm, từ ngữ này được dùng để chỉ cho người không tự tìm hiểu tâm tính của mình, mà chỉ miệt mài giải thích, phân tích từng lời nói, câu văn trong các kinh điển, để mong thấu suốt chân tướng của các pháp. Như thế chỉ uổng công phí sức, chứ chẳng được lợi ích gì.
[14] Hoàng Năng 黄能 hay còn gọi là Hoàng hùng 黄熊: Một loài vật lớn trong truyền thuyết. Trích từ sách Quốc Ngữ國語, chương Tấn Ngữ Bát 晉語八: “Tích giả Cổn vi đế mệnh, cức chi ư Vũ Sơn, hóa vi Hoàng Năng dĩ nhập Vũ Uyên (昔者鯀違帝命,殛之於羽山,化為黃能以入於羽淵。- Ngày xưa Cổn (Cha của Hạ Vũ) làm tránh mệnh vua, bị giết ở núi Vũ, sau hóa thành Hoàng Năng trốn vào vực Vũ).
[15] Dịch từ trang https://baike.baidu.hk/item/船子和尚拔棹歌/12459850.
[16] Trích xuất từ trang http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/kinhphapbaodan/3302-batnha.