Tóm tắt: Giáo lý Duyên khởi là nền tảng của triết học Phật giáo, do đó luôn là tâm điểm của những nghiên cứu về sự uyên nguyên của đạo Phật. Bài viết khảo cứu nội dung, ý nghĩa và đặc tính của Duyên khởi dựa trên một số kinh văn tiêu biểu trong kho tàng kinh điển Phật giáo. Từ đó, nhận chân giá trị vô cùng to lớn của Duyên khởi, xem đây là chìa khóa để giải thích và cải tạo thân tâm mỗi chúng ta trên đạo lộ giác ngộ.
Từ khóa: Duyên khởi, Ngã luận thủ, Triết học Phật giáo.
DẪN NHẬP
Nói đến đạo Phật là nói đến đạo của từ bi và trí tuệ. Giáo lí đạo Phật như một hệ thống sông, suối, mạch nước ngầm… làm mềm mại, tươi nhuận, sung mãn vạn vật từ đất liền ra đến biển cả. Hòa vào tinh thần nhất quán đó, giáo lý Duyên khởi trong kho tàng Pháp bảo của Đức Thế Tôn đã trở thành sợi chỉ đỏ xâu kết mọi giáo lý, khiến những lời vàng ngọc của bậc Thiện Thệ trong suốt 45 năm hành đạo là một tổng thể bất khả phân ly. Chính giáo lý này đã có lúc khai triển, có lúc quy nạp để nói lên sự thật mọi hiện hữu của pháp giới là biến dịch không ngừng, hàm chứa khổ đau và không có tự ngã. Đặt mình giữa mọi mối tương tác, liên quan với vũ trụ, người học Phật cần phải hiểu rõ hơn về ý nghĩa, đặc tính và tầm quan trọng của giáo lý này để chỉnh đốn lại những giá trị hiện thực đang bị bóp méo. Đồng thời từ đó, mỗi ngày ta bớt đi chút tham lam, nhỏ mọn, lắng dịu dần cơn phẫn nộ hờn ghen và bớt đồng nhất mình trong những quan kiến mập mờ, không sáng tỏ.
TỔNG QUÁT VỀ DUYÊN KHỞI
Giữa khi nhân loại đang chìm ngập trong hố sâu của ngã chấp, duyên sinh vô ngã ắt không phải là tiếng nói mang ý nghĩa cứu tinh bởi các đấng tối cao. Vì lợi ích giải thoát, Đức Thế Tôn đã trình bày Duyên khởi dưới dạng thức mười hai chi phần nhân duyên và tinh túy chính là định lý: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sanh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt” [1].
Thuyết Duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda, pi. paṭiccasamuppāda) được gọi là Nhân duyên sinh, cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên. Duyên khởi là giáo lý căn bản, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Đức Phật. Nói dễ hiểu là khi tiếp nhận một điều kiện, nó phát sinh ra một hiện tượng của pháp. Qua đó, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, dệt nên thế giới hữu tình và vô tình. Thuận theo dòng lưu chuyển ấy, chúng sanh hữu tình trôi lăn trong luân hồi (saṃsāra). Ngược lại, với sự quán triệt hoàn diệt thì sớm có thể khép kín được ngục tù khổ đau sanh tử.
Ý NGHĨA CỦA DUYÊN KHỞI
Vận dụng tất cả các khái niệm dù trừu tượng hay được hiển bày, giáo lý Duyên khởi đã thức tỉnh chúng ta rằng: Vạn vật không thể chối bỏ, chạy trốn nhau nếu đó là một chuỗi các kết nối được gắn kết, thi thiết bởi các hạng mục xoay quanh 12 mắt xích. Đâu đó giữa vòng pháp luật, con người có thể lợi dụng kẽ hở luật pháp (lách luật) nhưng dưới con mắt của đạo lý duyên sinh nghiệp báo, không ai có thể khoét vách, đào tường, vượt khỏi tầm kiểm soát của luân lý.
Trong khi nhấn mạnh quá trình sinh diệt của các pháp được nhìn nhận dưới mô thức: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sanh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt” [2], người học Phật không thể xem đó là một tương tác máy móc. Duyên khởi không có nghĩa hễ có trong thì có đục, có phạm pháp thì có luật pháp, có luật pháp thì có phạm pháp, mà với điều kiện này thì con người, sự việc đó trong sạch, với điều kiện kia thì con người, sự việc kia ô nhiễm. Lý Duyên khởi không đề cập đến sự phát sinh do tương phản mà đây là sự tương quan bình đẳng, là sự thay đổi của một pháp khi tiếp nhận một yếu tố nào đó. Công thức này còn trình bày mối tương quan mang tính nhân và quả, đặc biệt là tính chất nhân quả đồng thời không phải trước hay sau. Tính chất nhân quả đồng thời này được trình bày qua câu đầu với hai mệnh đề: một là viết câu theo vị trí chuyển đổi, nói tới mặt luân chuyển của Duyên khởi; hai là tính tồn tại của nhân và quả.“Do cái này sinh nên cái kia sinh” [3] là mệnh đề theo điều kiện mà ở đó mô tả tính tất yếu giữa nhân và quả, giữa các duyên tiếp nhận và hiện tượng phát sinh. Chính vì có sự tương ứng giữa nhân và quả nên con người không thể nào chấp nhận những thành quả với lối tư duy lệch lạc rằng: nấu cát thành cơm được. Như vậy, với điều kiện và tính tất yếu giữa nhân và quả trong định lý này, nó sẽ phủ nhận tính chất vô nhân. Do đó, tính chất ấy được gọi là pháp trụ.
“Cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt” [4] trình bày về phương diện xuất thế, về quán hoàn diệt. Điều đó cho thấy tính chất của Duyên khởi không phải mô tả một cá thể này sinh ra một cá thể khác, một ngã thể sinh ra một ngã thể, như: cha tôi sinh ra tôi, vị thần sanh ra tôi… Tính chất của Duyên khởi là pháp không tự nó sinh ra cũng không do một pháp khác sinh ra. Pháp là một hợp thể, là một sự biến đổi theo điều kiện mà nó tiếp nhận. Như ngũ uẩn là một hợp thể, một ngày mình tiếp nhận bao nhiêu hoàn cảnh, đối tượng… là bấy nhiêu lần mình xuất hiện với bộ dạng, cung cách ứng xử khác nhau. Như vậy, Duyên khởi đã trình bày sự biến đổi của ngũ uẩn theo điều kiện, không phải trình bày theo sự phát sinh của một pháp từ một pháp khác. Điều đó chứng tỏ, pháp không do tha sinh, không do tha tự sinh.
Và để giải thích rõ ràng hơn về những khổ đau của con người từ đâu sinh diệt, Đức Thế Tôn đã dạy: “Ở đây, này Ananda, Tỳ kheo biết như sau: “Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sinh, cái kia sinh. Nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc… sầu, bi, khổ, ưu, não” [5]. Trong chuỗi mắt xích này hiện hữu vô số pháp, mỗi pháp khi tiếp nhận điều kiện sẽ sinh tồn hay hoại diệt tùy theo sự biến đổi về điều kiện của nó. Song, Duyên khởi được Đức Thế Tôn nhắc đi nhắc lại ở rất nhiều kinh điển, về số lượng các chi phần được triển khai có khác, nhưng sẽ không có một sự cao thấp, chênh lệch, sai biệt nào về mặt giải thoát. Như trong A Hàm mặc dù giới thiệu mười hai chi phần nhưng thực chất chỉ khai triển mười chi, điển hình là bản Kinh Đại Duyên Phương Tiện không liệt kê chi vô minh và hành. Một số kinh hệ Pali khai triển chín chi, tức bỏ thêm phần lục nhập và một số khác nữa thì đề cập đầy đủ 12 chi. Và để hiểu rõ ràng hơn, người học nên tìm hiểu cả mười hai chi phần này.
Trước hết là chi phần Vô minh: Tức không hiểu rõ Tứ Thánh đế, mù mờ về duyên sinh vô ngã, không như lý tác ý, thường say đắm dục lạc đời sống mà bản chất của nó thực sự là khổ đau. Nhưng vô minh không phải là nguyên nhân đầu tiên, càng không phải là nguyên nhân duy nhất. Nói bằng ngôn ngữ đời thường thì vô minh là ngu dốt, là không sáng. Trong dòng năng lượng liên tục của nghiệp nếu nhận lấy một bọt nước của nghiệp làm bản thân, ngã sở của mình đó là vô minh, là dại khờ. Theo đó, mọi hoạt động diễn ra nên gọi là “hành”. Trong kinh phân chia thành 3 loại hành: Phước hành, phi phước hành và bất động hành.
Phước hành: những hoạt động đem lại kết quả của nhân thiên. Phi phước hành: những cái hành đem lại sự đau khổ phi phước của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bất động hành là những hành của thiện quả đưa tới tâm bất động của sắc giới và vô sắc giới. Nói ngắn gọn, hành là tất cả những hành động thiện hay bất thiện được biểu hiện bằng thân, khẩu, ý mà đem lại phản ứng. Hành trong sạch đưa đến tái sanh tốt. Vô minh và hành thuộc về kiếp sống quá khứ.
Còn “thức” là yếu tố đầu tiên của kiếp sống hiện tại, là mô thức đời sống do hành đem lại. Tâm hay thức cũng là pháp hữu vi, do đó tâm không thể trường tồn, bất biến. Từ nơi mô thức này tiếp tục phát triển ra danh sắc, lục nhập, phát triển ra những cơ quan, những giác quan tiếp nhận điều kiện để có sự giao tiếp. Ở đó, danh sắc và thức tương quan lẫn nhau, làm nhân, làm điều kiện cho nhau mà luân chuyển, dòng sóng này chính là tính chất luân chuyển của Duyên khởi khi hình thành thế gian. Đó là giới hạn giữa thức và danh sắc. Vật lý, tâm lý là cơ sở để tiếp nhận duyên. Khi tiếp nhận duyên với xúc thì nó có cảm thọ khổ, sướng, không khổ không sướng. Còn vai trò của ái, thủ, hữu là quyết định tính chất của thức, danh sắc, lục nhập, cũng như xúc và thọ. Ái là tham dục, tham hưởng thụ và tình dục. Từ thọ có tham ái, từ thọ có tiếp xúc. Từ tiếp xúc mà khởi lên ưa, ghét; thích hay không thích. Và chính sự lựa chọn này mà truy đuổi theo đối tượng được lựa chọn để đạt được cái mình mong muốn. Tuy nhiên, ái chỉ là một tâm lí phát sinh ra do con người khởi lên thích chứ chưa nắm bắt, chưa chạy theo đối tượng. Thủ là truy bắt đối tượng theo cái ái của mình. Sự truy bắt đối tượng, đeo đuổi đối tượng, hoạt động đó được định hình dưới 4 lớp nghĩa: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Truy bắt theo dục thủ là truy bắt theo những ham muốn vật chất. Kiến thủ là chạy theo những quan điểm về đời sống của tôi, tôi thấy như thế này, tôi thấy như thế khác, rồi hình thành đời sống theo cách của riêng tôi. Giới cấm thủ là hành động theo những điều sai trái, không phù hợp lý nhân quả và cho rằng làm theo chúng sẽ đạt được đời sống thanh tịnh quả. Ngã luận thủ là chấp lấy những danh từ dùng để kí hiệu các sự vật được cho là tôi, là của tôi.
Tất cả những chấp thủ này đều để lại năng lượng của nghiệp và dần tích lũy thành các kinh nghiệm về đời sống của tôi. Năng lượng của một hoạt động để lại gọi là hữu. Năng lượng này dẫn tới sinh. Kết sinh thức là năng lượng một đời sống mới của mình. Một dạng năng lượng này khi thể nhập vào đời sống hiện tại của mình nó sinh ra già, chết, được gọi là nhân hay hoặc.
Từ đó cho thấy, tính chất Duyên khởi về mặt thế gian là khi con người ta mới bắt đầu chấp thủ thì đời sống được hỗ tương lẫn nhau giữa thức và danh sắc. Tính chất luân hồi có điều kiện là khi mình chấp thủ trước vào một cái gì để có hoạt động, bây giờ đời sống của mình không thoát được. Đức Phật dạy: “A-nan, Ta do lẽ đó, biết thức do danh sắc; duyên danh sắc mà có thức. Nghĩa của Ta là ở đó. Vậy nên, danh sắc duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu bi khổ não, tập thành một đại khổ ấm. Này Anan, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ, trong giới hạn ấy là sự thích ứng, trong giới hạn ấy là hạn lượng, trong giới hạn ấy là sự phô diễn, trong giới hạn ấy là trí quán, trong giới hạn ấy là chúng sanh”[6].
CÁC LOẠI DUYÊN KHỞI
Ngoài cách liệt kê 10 duyên hay 9 duyên, Đức Phật còn chia Duyên khởi làm 3 loại: Duyên khởi 5 chi, Duyên khởi 7 chi, Duyên khởi 10 chi. Duyên khởi 5 chi gồm: thủ, ái, hữu và sinh, lão tử để mô tả hiện tượng đời sống luôn xung đột, đấu tranh khốc liệt lẫn nhau trong hiện tại của con người. Duyên khởi 7 chi mô tả sự hình thành đời sống con người do dựa vào việc chấp thủ 2 yếu tố tưởng và thọ. Duyên khởi 7 chi bắt đầu từ xúc, do xúc mà có thọ, duyên nơi thọ mà có ái thủ. Duyên khởi 10 chi bắt đầu từ thức tới lão tử. Loại duyên khởi này mô tả đời sống tuần hoàn của chúng sanh qua hoặc, nghiệp, khổ. Các chi phần vô minh, ái, thủ thuộc tâm lý “hoặc”; các chi phần hành, hữu thuộc “nghiệp” và các chi phần còn lại thuộc tâm lý “khổ”.
Ngoài ra, với sự phát triển của hệ thống tư tưởng Đại Thừa Phật giáo, giáo lý Duyên khởi được cách tân, nhập thế sâu sắc nhằm khai triển cho mọi tầng lớp tín đồ, tăng lữ dễ tiếp thu nguồn giáo lý uyên áo, sâu màu của đạo Phật cũng như vạch ra con đường tu tập giải thoát cho mọi hành giả. Thế nên, Duyên khởi đã phát triển thành A-lại-da Duyên khởi, Chân như Duyên khởi, Pháp giới Duyên khởi, Lục đại Duyên khởi, Thực tại Duyên khởi… Chính sự vươn mình này của Duyên khởi trong thế giới thực tại cho thấy đây là một tổng thể bất phân, đạt đến tầm khế thời, khế lý, khế cơ thúc đẩy mọi quan điểm tư duy, nhận thức vào thực trạng duyên sanh vô ngã. Để rồi, giữa những ngổn ngang và rối ren của kiếp sống, duyên sinh vô ngã chính là chiếc chìa khóa vạn năng tháo gỡ mọi bế tắc tư tưởng về nhân sinh và vũ trụ.
ĐẶC TÍNH DUYÊN KHỞI
Thông qua tất cả sự hiển bày, lý Duyên khởi cho thấy: Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sinh. Sự sinh diệt của một pháp thực ra chỉ là sự có mặt hay hoại diệt của nhơn duyên sinh ra nó. Nói rõ hơn là các pháp không có thật sinh hay thật diệt. Chính Đức Thế Tôn từng nói: “Pháp Duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị”. Ngài dạy: “Duyên vô minh, này các Tỳ kheo, có các hành,… Như vậy, này các Tỳ kheo , ở đây là như tánh, bất hư vọng tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỳ kheo, đây gọi là Duyên khởi”. Về bốn danh từ nói về lý Duyên khởi ở trên, được Tập Sớ giải thích như sau: lý duyên sinh này trú như vậy, không có một sanh, già, chết,… nào không có duyên sinh (Paccaya). Do duyên nên có các pháp khởi lên, tồn tại, do vậy nên gọi là Pháp trú tánh ấy (Dhammatthitata). Các duyên ra lệnh hay an trú các pháp, do vậy được gọi là pháp quyết định tánh. Các duyên của sanh già… là các duyên đặc biệt gọi là y duyên tánh. Thế nào là duyên sinh pháp (hay pháp do duyên sinh)? Gọi là duyên sinh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường [7]. Căn cứ vào sự xác nhận này, cho thấy: Duyên khởi là Phật tính đối với tất cả loài hữu tình và là pháp tính đối với tất cả chúng vô tình. Nhưng dù Duyên khởi được biểu hiện trong hình thức nào, pháp ấy vẫn có tính thường trú, tính quyết định và tính y duyên. Trước hết, Duyên khởi là nguyên lý có tính thường trú. Nghĩa là tất cả pháp trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều do duyên mà khởi. Không mặc định các pháp ở bất cứ khung nẹp nào về không gian và thời gian, pháp vốn là pháp nhĩ như thị, pháp vốn là Duyên khởi, nên tính Duyên khởi là tính thường trú của tất cả pháp.
Không dừng lại ở đó, nguyên lý Duyên khởi còn có tính cách quyết định sự hiện hữu và không hiện hữu của tất cả pháp. Nếu đủ duyên thì các pháp sinh khởi; không đủ duyên thì các pháp tán loạn. Song, đặc tính Duyên khởi mà chúng ta dễ nhận biết nhất là pháp có tính y tha hay y duyên, tức là sự nương tựa, hỗ tương, tác động qua lại lẫn nhau để sinh thành và hoại diệt. Chính đặc tính này đã khẳng định bản chất các pháp không bao giờ có sự tồn tại độc lập, riêng lẻ. Như khi ái, thủ, hay vô minh tồn tại thì toàn bộ khổ uẩn tập khởi. Con đường tập khởi này là sinh tử, gọi là tà đạo. Khi tham ái, chấp thủ, hay vô minh đoạn diệt, toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Con đường đoạn diệt này là chánh đạo.
Mặt khác, Duyên khởi trong thực tại là một hiện tượng trùng trùng. Một pháp tập khởi chính là pháp giới tập khởi. Đây là ý nghĩa của một là tất cả, tất cả là một. Nội hàm của nguyên lý ấy đồng nghĩa với duyên sinh và vô ngã, nó thoát ly mọi tướng trạng, mọi tư duy, ngôn ngữ. Qua đó cho thấy, tất cả pháp là Duyên khởi nên không có tự tính, bất định tính. Vì không có tự tính cho nên vô ngã, như vậy càng không có thần ngã nào gọi là bất biến và vĩnh cửu và càng không có một đấng sáng tạo nào có thể cứu rỗi, áp đặt hoặc ban bố cho con người những đặc ân nằm ngoài vòng vận hành của nghiệp cảm Duyên khởi.
Dưới ánh sáng của chân lý này, mọi người có thể tu tập, có thể cải tạo, chuyển đổi từ ngu đến trí, từ khổ đến vui, từ phàm tục đến thánh thiện. Tóm lại, trong tất cả mọi tướng trạng, không một ngã tướng nào độc lập sinh hay độc lập diệt. Và cũng chính lý do này mà ta không thể xây dựng các chủ thuyết dựa trên căn bản ngã tính. Duyên khởi nói lên sự thật vô ngã và phủ nhận tự ngã. Vì vô ngã tính mà các tính được thành lập. Chính giáo lý vô ngã này là nấc thang xua tan đi mọi chấp trước về sự sinh diệt thường, vô thường, có-không, khứ-lai… của các pháp. Do đó, khi được đặt mình trong khuôn khổ của nhân sinh quan vũ trụ, bằng sự soi rọi của thực tế duyên sinh thì không có một câu trả lời hay câu hỏi nào thích đáng về nguyên nhân đầu tiên với bản chất của các pháp. Ta đều xem xét sự vật, hiện tượng trong mối tương quan với các khách thể khác.
Kết luận
Duyên khởi là giáo lý được chư Phật trong quá khứ, hay Đức Thích Ca trong hiện tại cho đến chư Phật vị lai sau đều do quan sát, chiêm nghiệm về lý Duyên khởi mà thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Mặc cho lịch sử đã qua, hiện tại đang là, hay tương lai sắp đến, chân lý ấy vẫn thường trụ, bất biến giữa thế gian. Ở đó, các pháp hữu vi, vô vi; tâm lý hay vật lý, đạo hay đời… tất cả đều vận hành không ngoài đạo lý Duyên khởi. Nói cách khác, tất cả giáo lý Phật giáo dù trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chung quy cũng chỉ để mô tả về chân lý Duyên khởi. Ý nghĩa đó cho thấy Duyên khởi là kết tinh của suối nguồn giáo lý đạo Phật. Thấu triệt Duyên khởi là thấu triệt được quá trình sinh diệt của các pháp.
Thông qua đó, ta thấy rõ tính chất thường trú, quyết định, y tha nơi vạn vật chính là như thật tánh, như thị tánh, chơn thật tánh, bất hư vọng tánh. Hành giả tu học theo giáo lý này sẽ sớm nhận chân được sự vô thường biến dị của các pháp, sớm vượt ra khỏi những quan kiến sai lầm chia cắt thực tại bằng những suy tư, đánh giá hời hợt rằng các pháp tồn tại độc lập. Đồng thời cho thấy con người có thể cải tạo thân tâm họ:
“Bần tiện không vì sanh
Phạm Chí không vì sanh
Do hành thành bần tiện
Do hành thành phạm chí”.
Chú thích:
[1], [2], [3], [4], Đại tạng Kinh Việt Nam Nam truyền, Tập 2, Kinh Trung bộ (2012), Nxb. Tôn giáo, tr.325-326.
[5] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2017), Trung Bộ II, Kinh Đa Giới.
[6] HT. Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A Hàm, Kinh Đại duyên phương tiện, https://thuvienhoasen.org/a11200/13-kinh-dai-duyen-phuong-tien.
[7] Thích Chơn Thiện (2016), Phật học khái luận, Nxb. Hồng Đức, tr.174.
Tài liệu tham khảo:
1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2018), Trung Bộ II, Nxb. Tôn giáo, TP HCM.
2. HT. Thích Minh Châu(dịch, 2017), Tương Ưng Bộ II, Nxb. Tôn giáo, TP HCM.
3. HT.Thích Minh Châu (dịch, 2018), Tiểu Bộ I, Nxb. Tôn giáo, TP HCM.
4. https://thuvienhoasen.org/a11200/13-kinh-dai-duyen-phuong-tien
5. Tâm Minh Lê Đình Thám (2012), Phật học thường thức, Nxb. Hồng Đức.
6. Thích Chơn Thiện (2016), Phật học khái luận, Nxb. Hồng Đức.
7. Ban Hoằng pháp TW (2003), Phật học cơ bản (tập 2), Nxb. Tôn giáo.
Thank you for any otber informatiive weeb site. Where epse may jus I
gett that type oof info writgen iin sujch ann ideal manner?
I have a venture tyat I aam simply now workming on, aand I have bbeen oon thee glance ouut for such information.