Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tục “Thí giàn” ở Nam Bộ (SC. Thích Nữ Thánh Nhã)

Tóm tắt: Phật giáo theo chân những di dân khẩn hoang miền Nam từ thế kỷ XVII đến vùng đất Nam bộ ngày nay. Do đó, ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân Nam bộ khá rõ nét, trong đó có tục Thí giàn của người dân Nam bộ. Qua việc khảo cứu về tục Thí giàn và văn hóa Phật giáo dân gian, tác giả cho thấy những nét tiếp biến văn hóa của Phật giáo trong tục lệ này.

Từ khóa: Nam bộ, thí giàn, Phật giáo Nam bộ

Thí giàn là một lễ tục lâu đời, thường được tổ chức vào dịp giữa tháng Bảy âm lịch (vào ngày 14, 15,16 tháng Bảy) và phổ biến nhiều ở các tỉnh thành Nam bộ như: Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh,… (Ảnh: sưu tầm)

Là một vùng đất đa tộc người, nơi đất lành chim đậu của di dân người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác, Nam bộ được xem là vùng đất có nhiều tín ngưỡng phong phú, đa dạng nhất của Việt Nam. Trong đó, tục Thí giàn gắn liền với Phật giáo được đánh giá như một ngày hội lớn của người dân Nam bộ.

ĐÔI NÉT VỀ TỤC THÍ GIẢN Ở NAM BỘ

Thí giàn là một lễ tục lâu đời, thường được tổ chức vào dịp giữa tháng Bảy âm lịch (vào ngày 14, 15,16 tháng Bảy) và phổ biến nhiều ở các tỉnh thành Nam bộ như: Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh,… Dân gian còn gọi tục thí giàn là ngày “xá tội vong nhân” hay lễ “cúng cô hồn”. Tiến sĩ Trần Thuận trong Vài nét Nam bộ lịch sử văn hóa [1] cho rằng tục này gắn liền với hai tích truyện có trong Phật giáo Đại thừa: Chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ và chuyện ngài Anan gặp quỷ đói. Đặc biệt, trong câu chuyện ngài Anan gặp quỷ đói có chi tiết ngài Anan thỉnh ý Đức Phật cho quỷ đói ăn và được Phật cho bài chú “cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni” nên tục cúng cô hồn còn gọi là “thả quỷ miệng lửa” hay “phóng diệm khẩu”. Dần dần, theo sự chuyển biến của thời gian, câu chuyện cũng được hiểu theo một nghĩa khác thành tha tội cho những người đã chết (xá tội vong nhân) hay bá thí cho những vong hồn không nơi nương tựa (cô hồn) [2].

Cũng từ ảnh hưởng Phật giáo trong hai câu chuyện trên mà vào dịp rằm tháng bảy, hầu hết các gia đình người Việt Nam luôn có hai mâm cơm, một cho ông bà và người thân đã mất tại bàn thờ gia tiên, một cho những người khuất mặt được bày biện ở ngoài sân nhà hay trước cửa nhà. Mâm cơm cúng ông bà được người Việt quan niệm rằng thân bằng, quyến thuộc đã mất của gia đình sẽ trở về trong ngày này nên ngoài hương, đăng, hoa quả thì lễ vật còn nhiều thứ làm bằng giấy (đồ mã) tượng trưng cho quần áo, nhà, xe, tiền… theo cách hiểu người cõi dương cần gì thì người âm cũng cần như thế (Âm – Dương nhất lý). Theo đó, mâm lễ cúng cô hồn cũng được bày biện các lễ vật tương tự và được miêu tả như sau: “Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Đồ lễ đặt trên một các mẹt, hoặc cái nong tùy theo nhiều hay ít và thường gồm có cháo hoa […] Đồ mã thường là những quần áo cắt nhỏ, thành từng xấp. Quần áo tuy cắt nhỏ, nhưng tục tin rằng, xuống cõi âm, sẽ biến để các “âm hồn” vừa mặc” [3]. Sau khi cúng tế, khấn vái xong đồ cúng sẽ được gia chủ bá thí cho người khác, thường là trẻ con để tượng trưng cho những cô hồn đến lấy. Riêng vàng mã sẽ được đốt cho người chết được hưởng. Vì hình thức đốt vàng mã giống với Trung Hoa nên nhiều người cho rằng ngày lễ này ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nhưng thực chất phong tục này thuộc về nền văn hiến Việt [4].

Tục thí giàn không chỉ diễn ra tại tư gia, các cơ sở kinh doanh, xí nghiệp, chợ… mà lớn nhất là trong các đình, chùa, miếu với cúng đình, cúng chùa. Ở miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn (trước đây) còn gọi là lễ Tống ôn, lễ cúng dành riêng cho cô hồn ở miếu thờ cô hồn, ngôi miếu mà đối tượng được thờ ở chính điện là Tiêu Diện Đại sĩ [5]. Ở các lễ này thường quy tụ số lượng lớn người tham gia nên phẩm vật và các nghi lễ cũng vì vậy mà được chuẩn bị bài bản, quy mô hơn. Điều này được miêu tả như sau: “Lễ cúng tại đình, chùa, cầu, quán tổ chức có quy mô hơn, có khi cũng đặt đàn làm chay như lễ Kỳ an lúc cuối xuân đầu hạ […] Khi cúng xong, những người nghèo đem liễn tới xin cháo, các mục đồng và trẻ con xô nhau vào cướp những hoa quả bánh trái, tục gọi là cướp cháo” [6]. Sau khi cúng xong, các phẩm vật sẽ bá thí cho mọi người. Và vì đông người lấy phẩm vật nên thường xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh phần nhau ngay trên mâm cúng. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến trên mọi miền đất nước nhưng trong Nam thường gắn với giàn lễ, nên gọi là Thí giàn hay Giựt giàn.

Ở đây, từ “Giàn” trong “Thí giàn” hay “Giựt giàn” cần được hiểu rằng không phải là lễ cúng “Giàng” như đồng bào các dân tộc miền cao như một số nguồn giải thích. Bởi lẽ mục đích, nội dung cũng như cách thức thể hiện không liên quan gì đến Giàng, một vị thần được tôn sùng của người dân bản cao. Thật ra, từ “Giàn” (tháp hay cộ, cỗ) xuất phát từ việc người ta sắp xếp các lễ vật cúng dường lên các giàn cây thay cho tháp nhỏ trong các buổi cúng thí lớn tại chùa hay đình miếu. Và “Giựt giàn” diễn ra sau khi cúng xong mọi người sẽ tự giành phẩm vật cho mình, phần nhiều là trẻ con sẽ tranh nhau giành giựt lấy các món như bánh, kẹo, trái cây,… Vì lẽ đó mà tục này còn gọi là “cướp giàn”.

Tương tự, từ “Vàng” trong “Giựt vàng” cũng xuất phát từ thực tế là chiếc thẻ màu vàng làm từ gỗ hoặc tre được sơn màu vàng do ban tổ chức của chùa hay đình miếu chuẩn bị, không phải là vàng bằng giấy (vàng mã) bày biện trên mâm cúng. Bởi, trên mỗi chiếc thẻ vàng ban tổ chức sẽ đánh số tương ứng với số được ghi trên tháp, trên giàn. Và thay vì tranh vật cúng, mọi người sẽ cố gắng mà tranh lấy thẻ vàng, thẻ đụn (thẻ đặc biệt dành cho người may mắn nhất) để đổi lấy phần phẩm vật trên tháp hoặc trên giàn tương xứng với thẻ mà mình giật được. Gọi tục “Giựt vàng” là do đây vậy. 

Từ sự phân tích trên, ta thấy tục “thí giàn” hay “giựt giàn” vẫn được dùng để chỉ một loại hình tín ngưỡng dân gian của người dân Nam bộ đã có từ rất lâu. Do đó, tục “thí giàn” luôn được xem là một nét văn hóa đặc sắc, đầy tính nhân văn của người Việt nói chung và người dân Nam bộ nói riêng.

TỤC THÍ GIÀN VÀ LỄ HỘI VU LAN

Tục thí giàn (lễ Xá tội vong nhân hay lễ cúng cô hồn) thường tổ chức trùng với lễ Vu lan Thắng hội của Phật giáo (ngày rằm tháng bảy âm lịch) nên thường bị nhầm lẫn hai lễ này là một. Sự nhầm lẫn này theo các chuyên gia văn hóa là “do sự giao thoa giữa các nền văn hóa, sự pha trộn giữa đông tây, giữa tín ngưỡng và phong tục truyền thống” [7]. Thực ra, lễ Thí giàn và lễ Vu lan tuy có một số tương đồng về mặt ý nghĩa nhưng lại khác nhau về nguồn gốc, xuất xứ của phong tục, nghi lễ. 

Theo nghiên cứu thì lễ hội Vu lan đã tồn tại đến 1500 năm tại Trung Quốc [8] và được biết đến qua hai bản kinh “Vu Lan” và “Báo hiếu công ơn cha mẹ” với nội dung nhắc đến công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và phương cách đền đáp công ơn cha mẹ theo quan điểm của Phật giáo Bắc tông. Hòa thượng Thích Trí Quảng giải thích thêm rằng: “ngày rằm tháng Bảy là ngày mưa dầm gió bấc khiến người ta dễ liên tưởng đến tất cả vong linh đang bị đói lạnh, hoặc khổ đau trong những cảnh giới siêu hình. Vì thế, Phật giáo Trung Hoa đã khéo kết hợp ngày rằm tháng 7 với mùa Vu lan theo Kinh Vu lan bồn và cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng Phật giáo Bắc tông” [9]. Từ đây, việc cầu siêu bạt độ cho hương linh vào ngày rằm tháng 7 ở các chùa Việt Nam được dân chúng chấp nhận, tin theo và lưu truyền cho đến tận ngày nay. 

Như vậy có thể thấy ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân, lễ Vu Lan báo hiếu và lễ cúng cô hồn trong văn hóa dân gian đã có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cả ba đều mang màu sắc tín ngưỡng Phật giáo của người dân Việt trong đời sống sinh hoạt tâm linh. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, Phật giáo không ghi nhận có lễ cúng cô hồn hay tháng cô hồn như một số nhận xét chưa chính xác.

LỄ THÍ GIÀN VÀ CÁCH THỨC THỂ HIỆN

Lễ thí giàn là một trong những lễ hội mang giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, và cũng như nhiều lễ hội khác, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần “Lễ” luôn gắn với nhu cầu tâm linh như: cầu, cúng, rước, tụng, lạy,… bằng sự trang trọng mang tính suy nghiệm, hướng về những người đã mất và cầu cho họ được siêu thoát, không chịu cảnh thiếu thốn, khổ đau. Phần “Hội” trong “thí giàn” thường tổ chức rất đông vui với những cảnh giành phần lễ phẩm trên các tháp, các giàn để giải tỏa tâm lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cộng đồng [10]. Tục thí giàn thường được diễn ra khá đa dạng và phong phú về loại hình cũng như quy mô tổ chức. Nói theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh thì lễ cúng cô hồn (lễ thí giàn) là tín ngưỡng được truyền miệng nên không có quy định hay quy tắc cụ thể nào về cách thức thực hiện [11]. Do vậy, tục thí giàn có nhiều dị bản, áp dụng cho nhiều vùng miền với các phong tục khác nhau. Từ quy mô nhỏ như gia đình, cơ sở kinh doanh, buôn bán… chỉ cần vài mâm, khay, thậm chí tấm giấy báo cũng có thể bày biện lễ phẩm mang ra cúng. Cho đến quy mô lớn như: Đình, chùa, am, miếu, nhà thờ tổ nghề… được tổ chức bài bản, chu đáo hơn. Chẳng hạn như Lễ hội Miếu Ông Bổn ở Bình Dương thường diễn ra vào mùa xuân (ngày 2 tháng Giêng âm lịch) và mùa thu (ngày 4 tháng 7 âm lịch). Với ý nghĩa mang lòng biết ơn đến cội nguồn (Ông Bổn), tôn trọng vùng đất mình sinh sống cũng như mong được các vị tổ nghề phù hộ nên người dân thường tổ chức rất long trọng, thu hút hàng trăm người tham dự được miêu tả lại như sau: “Chương trình lễ hội bao gồm có các nghi thức cúng tế theo Đạo giáo do các thầy pháp chuyên nghiệp đảm trách. Kế đó là lễ rước kiệu các vị thần, kéo dài suốt đêm với hàng chục cây số bao quanh khu vực dân cư, không khí hết sức tưng bừng, náo nhiệt và hoành tráng. Trong lễ hội còn có hát Hồ Quảng, múa cù, múa lân sư rồng, đặc biệt là múa hẩu thu hút đông đảo người xem” [12]. Như vậy, tục thí giàn sẽ được bắt đầu sau nghi thức cầu cúng với lời cầu nguyện xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trong Vài nét Nam bộ lịch sử và văn hóa [13] cũng kể lại nhiều lễ thí giàn và cách thức thực hiện ở nhiều nơi như: Nhà máy, xí nghiệp, xưởng hiệu thì đổ nhiều tấn khoai, sắn, bánh trái,… trước cửa hiệu để cúng và cho mọi người “giựt giàn”. Các tiểu thương ở chợ buôn bán nhỏ lẻ thì không đợi đến rằm tháng Bảy mới cúng mà có thể là trước hoặc sau đó vài hôm. Hay các chủ tàu, xe với quan niệm các oan hồn lẩn quẩn nơi họ xảy ra tai nạn (thường là ngã ba, ngã tư đường) cho nên họ thường bày cúng long trọng vào ngày rằm tháng bảy nhằm khấn vái, xin các oan hồn đừng quấy phá công việc làm ăn của họ. Ở một số địa phương Nam Bộ, lễ thí giàn còn gắn liền với lễ cúng “cháo ghế” [14] như sau: “Mọi người khi cúng cháo tin rằng các cô hồn những cô nhi yêu vong, những người chết đường chết chợ, những người chết không ai biết, không ai cúng giỗ sẽ tới phối hưởng lễ cúng làm phúc trong ngày “xá tội vong nhân” này” [15]. Qua đây, có thể thấy, dân gian quan niệm bên cạnh việc cúng dường cho người thân đã khuất thì người dân còn tưởng đến các vong hồn không siêu thoát. Họ thành tâm mong những vong hồn côi cúc, không chốn được thoát cảnh đói khát.

Tóm lại, lễ thí giàn và cách thức thực hiện tuy đa dạng, phong phú nhưng đều mang ý nghĩa tâm linh và giá trị nhân văn của người Việt Nam. Đây là truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy các mặt tích cực trong việc thể hiện ra đời sống xã hội ngày nay.

TỤC THÍ GIÀN – TÍNH NHÂN VĂN VÀ GIÁ TRỊ TÂM LINH PHẬT GIÁO

Đề cao báo Hiếu và làm phúc bố thí

Từ sự phân tích trên ta thấy, tục Thí giàn không những mang đậm màu sắc tín ngưỡng Phật giáo của người Việt mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc đề cao hiếu đạo và làm phúc bố thí. Với xuất phát điểm là sự thành tâm hướng về nguồn cội, ông bà tổ tiên nên thí giàn được xem như sợi dây vô hình gắn kết sự giao cảm giữa người sống và người đã khuất. Niềm tin vào sự hiếu thảo, năng lượng tu tập của sự thiện lành sẽ tạo ra phước báo gửi đến người thân thoát khỏi cảnh khổ đau, đói lạnh. Thế nên, trong những ngày tháng Bảy các gia đình thường đến chùa tổ chức trai Tăng, trai phạn hoặc sắm sanh lễ vật rồi thỉnh chư Tăng đến nhà tụng kinh, cầu nguyện với quan niệm rằng năng lực của mười phương Tăng có thể cứu độ vong linh của người thân đã mất. Trong Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ hội hè cũng ghi lại rằng: “Theo tín ngưỡng, ta thường cho ngày rằm tháng Bảy là ngày “vong nhân xá tội” […] những gia đình có người mới mất, cũng nhân dịp này mời tăng ni tới làm chay tụng kinh ” [16]. Đây được xem là một trong những hành động thể hiện lòng tri ân và báo ân của người con hiếu đạo đúng như lời Phật dạy trong Kinh Trung bộ về việc cúng tế cho người đã khuất như sau: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, có các loài hóa sanh … là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y” [17].

Tinh thần hiếu đạo của Phật giáo được thể hiện trên cả hai phương diện: vật chất và tinh thần. Khi sanh tiền thì người con hiếu phải biết phụng dưỡng và hướng cha mẹ làm những điều thiện lành. Đến khi thác, sự hiếu đễ của con cháu nằm nơi việc tu dưỡng, vun bồi phước đức cho chính mình và hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ nương nhờ. Điều này được ghi lại trong kinh như sau: “Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” [18a]. Vậy nên, việc cúng tế, thí giàn được Phật giáo xem như nét đẹp của văn hóa truyền thống và được vận dụng như phương tiện chuyển tải những thông điệp mang tính xây dựng nhân cách con người về chữ hiếu và làm phúc bố thí. Bởi, nếu giáo lý Phật về mặt triết học, giáo lý và lý luận tâm linh giúp con người giác ngộ thì nghi lễ các khoa cúng thí thực, và đàn chẩn tế cô hồn có thể được xem là con đường tôn giáo tín ngưỡng, một sự quan tâm thiết thực cho sự khổ đau và mất mát của con người trong đời sống hằng ngày. Điều này luôn phù hợp với tâm tư nguyện vọng của quần chúng người Việt khi thấm nhuần tinh thần báo ân và tri ân của Phật giáo, nhất là những bậc có công sinh thành dưỡng dục. 

Từ quan điểm Phật giáo cho rằng mang thân người thì chắc hẳn luôn có những mối liên hệ về nguồn cội của mình như trong Kinh Trung Bộ [18b] nói muốn có thân người cần phải có ba sự hòa hợp, hai trong ba yếu tố đó chính là của cha và của mẹ. Đức Phật còn khẳng định như sau: “Này các Tỳ kheo, có rất ít chúng sanh được tái sanh làm người! Có rất nhiều chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài người” [19]. Thế nên, để có được địa vị của bậc chân nhân thì phải biết ơn và nhớ ơn bậc sanh thành dưỡng dục. Do vậy mà tục thí giàn theo quan điểm của Phật giáo trong việc đề cao hiếu đạo luôn được tiếp nhận một cách tự nhiên và trở thành lễ hội tâm linh của đại đa số người Việt. 

Phật giáo luôn khích lệ văn hóa đền ơn và biết ơn, con người làm việc thiện để đền trả “tứ ân” trong đời, đó là: hiếu đạo với chư tăng; hiếu kính với cha mẹ, thầy cô; ơn Tổ quốc; ơn đồng loại, chứ không phải là những kiêng kỵ trong tháng cô hồn. Đối với các Phật tử tại gia, ngày này được xem như biểu tượng của đạo hiếu. Đạo hiếu phải được áp dụng hàng ngày, hàng giờ nhưng để lấy biểu tượng và cho mọi người nhớ thì Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh vào ngày rằm tháng 7. Cho nên 2 ngày này không nên gọi nhầm là ngày cô hồn hay ngày cúng cô hồn. Đó là ngày Phật tử nhắc nhở, đánh giá mình về hạnh hiếu, phụng dưỡng vật chất, phụng dưỡng tinh thần, phát triển đạo đức, lập nghiệp chân chính, quan tâm đến cha mẹ, biết chăm lo cho gia đình, góp phần phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, những tác phẩm văn hoá nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống như vở Chèo: Mục Liên báo ân, Tuồng: Ban sắc xá cách, Cải lương: Mục Liên – Thanh Đề, v.v… Đặc biệt “đàn tràng” hay “đàn trai” của phong tục “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân” của người Việt với “Đàn tràng Vu lan” trong Phật giáo ngoài ý nghĩa giá trị trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam, mang tính tôn giáo và các sinh hoạt nghi lễ tâm linh của người Việt còn truyền tải nhiều giá trị đạo đức cần phải có của con người. Như thượng tọa Thích Minh Hiền nói: “Tâm thức của người xem nằm trong vùng thăng hoa của nghệ thuật, cung kính chư Phật, chí hiếu Mẹ Cha, từ ái với chúng sinh, sửa mình quy thiện, tâm ấy tức Phật tính, là tỉnh thức, là Giác…” [20]. Trong các tác phẩm như: Bảo đường ca, Triệu linh thần, Văn thỉnh thập loại cô hồn, Kế hạnh thập ân, Chèo thuyền ca cách v.v… cho ta thấy không chỉ về nét đẹp sinh hoạt văn hoá tâm linh nằm trong chuỗi các nghi thức hàng năm của tín ngưỡng Phật giáo mà còn cho ta phần nào cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của phong tục từ thế hệ cha ông truyền đến tận ngày nay.

Tóm lại, mặc dù theo thời gian đã xuất hiện những  “biến thể” và dị biệt trong câu chuyện gốc nhưng ý nghĩa trong việc thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với ông bà cha mẹ, đề cao báo hiếu và làm phúc bố thí luôn được người Việt trân trọng, giữ gìn.

Tục thí giàn gắn với tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo

Từ giá trị nhân văn trong việc đề cao chữ hiếu và làm phúc bố thí ta thấy ý nghĩa tâm linh còn là tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo. Tinh thần này được thể hiện đối với người đang sống khi quan niệm rằng các linh hồn dù có gây ra lỗi lầm, phải chịu trừng phạt nơi âm ty địa ngục đi chăng nửa thì cũng cần có một ngày được xá tội. Vậy nên tục lệ thí đàn, xá tội vong nhân ở Việt Nam và các nước thuộc khu vực Á Đông đều xuất phát từ ý nghĩa thâm sâu của đạo Phật, với những mong cuộc đời càng thêm ý nghĩa tốt đẹp.

Tuy cơ sở đạo đức trong triết lý Phật giáo khởi nguồn từ lý thuyết nhân quả nghiệp báo, được hiểu là ai làm người ấy chịu, dù cho thâm tình máu mủ như cha mẹ với con cái cũng không thể gánh tội cho nhau “cha không cứu được con/ Hay bà con cứu nhau” [21]. Nhưng Phật giáo cũng chỉ ra rằng từ nhân đến quả là cả quá trình dài với sự tham gia của vô số nhân duyên chẳng hạn như trong Thanh tịnh đạo [22] đã chứng minh rằng nếu con người nỗ lực tạo ra nhiều duyên tốt đều có cơ hội chuyển hóa thay đổi quả xấu ở hiện tại và cả vị lai. Cho nên, cứu độ theo Phật giáo là chuyển hóa, khích lệ, cứu giúp một phần khổ đau của chúng sanh, trong đó có ông bà cha mẹ của mình bằng việc hồi hướng công đức là việc làm cần thiết của người con chí hiếu. 

Từ việc nhớ tưởng và bày tỏ tấm lòng hiếu thảo thông qua việc tổ chức cúng dường, tế tự, làm phúc, bố thí,… được xem là trách nhiệm và nghĩa vụ cần làm. Điều này không chỉ phù hợp với đạo lý làm người mà hơn thế, Đức Phật còn nhắc nhớ đến muôn loài chúng sanh. Tình thương yêu của Phật giáo không dừng lại ở việc dạy con cháu hiếu thảo ông bà cha mẹ thông qua hình thức cúng thí mà còn dạy về tính chất và những phẩm vật dùng để cúng tế không nên chuyên chở sự khổ đau thêm cho các chúng sanh như: “Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn … này Ba-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh” [23]. Từ đây, cho ta thấy vấn đề cúng cái gì? cúng như thế nào? để cả người sống lẫn người mất trọn vẹn công đức chính là mục đích mà đạo Phật hướng đến. Vậy nên, đạo Phật luôn nhấn mạnh đến hai phần lý và sự trong việc cúng tế, điều này được Hòa thượng Trí Quang ghi lại rất rõ trong tác phẩm Để hiểu đàn chẩn tế [24]. Vậy nên, việc cúng thí là điều cần thiết nhưng phải thật sự mang lại những giá trị an lạc, hạnh phúc và thể hiện được tính nhân văn của con người. 

Tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến việc thí giàn trong vấn đề giáo hóa con người về hiếu đạo mà còn hướng con người đến đạo lý tương thân, tương ái. Người dân Việt Nam không chỉ nghĩ đến ông bà, tổ tiên mình trong những ngày tháng Bảy mà còn thương tưởng đến những vong linh không nơi nương tựa nên luôn dành một mâm để cúng cho những “cô hồn”. Trong tác phẩm Sa Đéc xưa còn miêu tả lại việc thí giàn như sau: “Chẳng những dâng lễ cúng người đã khuất mặt, sau đàn chay có dàn thí thực, trên giàn cao có chư thiện tín đem dâng cúng nhiều cỗ bánh, trái cây, thực phẩm chưng bày rất đẹp, sau khi cúng xong thì hiến dâng bá tánh. Ban trị sự còn lo mặt xã hội, có tặng gạo cho những người nghèo. Đó cũng là điều đáng được tán dương” [25]. Từ sự miêu tả này cho ta thấy tục thí giàn hay cúng thí còn mang tính giúp đỡ, sẻ chia; đậm chất nhân văn tương trợ lẫn nhau trong truyền thống văn hóa người Việt Nam. Cho nên lễ cúng thí diễn ra trong các nghi thức của Phật giáo, bao giờ cũng là chúc nguyện và hồi hướng cho cả tín chủ đến cúng lẫn tha nhân. Đây được xem là phương cách thể hiện lòng thương yêu đối với chúng sanh đang chịu cảnh đau khổ, đói khát mà không có nơi nương tựa. Đức Phật dạy rằng: “có những lậu hoặc phải do thọ dụng đoạn trừ” [26]. Sự đói khổ trong các cõi kém phước như cõi ngạ quỷ trong năm cảnh giới [27] là những lậu hoặc có thể được đoạn trừ bởi tế tự đúng pháp.

THAY LỜI KẾT

Từ đây có thể thấy tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo đã ảnh hưởng đến tục thí giàn của người dân Việt. Người Việt hiểu rằng thí giàn không chỉ là bá thí thức ăn cho người đang sống mà còn là sự ban bố tình thương yêu đến với muôn loài. Nói cách khác thì sự thấu cảm, chia sẻ thức ăn hay việc hồi hướng công đức để cứu độ người thân và các loài ngạ quỷ, cô hồn được xem là phương thức biểu đạt tình người của người dân Việt Nam. Và theo lời nhận định của Thượng tọa Thích Chúc Phú thì “việc mở ra một phương cách tế tự vừa thanh khiết, vừa đơn sơ vừa mang tính bảo hộ sự sống, đã khẳng định tính nhân văn trong quan điểm tế tự của Đức Phật” [28]. Làm được như vậy thì việc cúng thí càng thêm ý nghĩa bởi sự chuyên chở tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo.

 

 

Chú thích:

* SC. Thích Nữ Thánh Nhã – Thế danh là Đặng Huỳnh Mỹ Trang, Học viên Cao học khóa V tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP. Hồ Chí Minh)[1] Trần Thuận, Vài nét Nam bộ lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, TP. HCM, 2020, tr.258.

[2] Theo Tân Việt, 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.198. 

[3] Toan Ánh, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ hội hè, Nxb. Đồng Tháp, 1997, tr.141.

[4] Vũ Phượng, Rằm tháng 7: Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một? Nguồn: https://thanhnien.vn.

[5] Huỳnh Ngọc trảng, Sự hỗn dung văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ở Nam bộ, nguồn: https://giacngo.vn.

[6] Sđd, tr.141.

[7] Vũ Phượng, Rằm tháng 7: Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một? nguồn: https://thanhnien.vn.

[8] Thích Hạnh Chơn, Vì sao lễ hội vu lan trở thành lễ hội trong cộng đồng người Việt?, Báo Giác Ngộ, số 293, 2020.

[9] Thích Trí Quảng, Cầu siêu bạt độ, Báo Giác Ngộ, số 293, 2020.

[10] Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian ở Nam bộ, Nxb. Văn hóa thông tin, 2003, tr.44.

[11] Tuyết Liên, Mâm cúng cô hồn đơn giản và nghi thức cúng đúng cách của người Việt, nguồn: https://quavang.vn.

[12] http://dulichbinhduong.org.vn/du-lich/binh-duong-le-hoi-mieu-ong-bon/ct

[13] Trần Thuận, Vài nét Nam bộ lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, 2020, tr.267 – 275.

[14] Trần Thuận, Vài nét Nam bộ lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, 2020, tr.268.

[15] Toan Ánh (1997), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ hội hè, Nxb. Đồng Tháp, tr.141

[16] Toan Ánh, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ hội hè, Nxb. Đồng Tháp, 1997, tr.140.

[17] Kinh Trung bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.402.

[18a], [18b] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 1996, tr.236.

[19], [20] Bạch Tùng Lâm, Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân – Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn, nguồn: https://giacngo.vn.

[21] Kinh Tiểu Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.455.

[22] Bhadanta Cariya Buddhaghosa, Thanh Tịnh đạo, tập 2, TN. Trí Hải (dịch), Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.895.

[23] Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 1996, tr.382 – 383.

[24] Trí Quang, Để hiểu đàn chẩn tế, Nxb. Tổng hợp TP HCM, 2013, tr.53.

[25] Huỳnh Minh, Sa Đéc xưa, Nxb. Thanh niên, TP HCM, 2001, tr.157.

[26] Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.25.

[27] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.661.

[28] Thích Chúc Phú, Biện Chính Phật Học, tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.72.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Trung bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012.

2. Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013.

3. Kinh Tiểu Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015.

4. Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 1996.

5. Bhadanta Cariya Buddhaghosa, Thanh Tịnh đạo, tập 2, TN. Trí Hải (dịch), Nxb. Tôn Giáo, 2011.

6. Bạch Tùng Lâm, Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân – Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn, nguồn: https://giacngo.vn.

7. Chúc Phú, Biện Chính Phật Học, tập 3, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018.

8. Nguyễn Thanh Điệp, Tháng cô hồn và những quan niệm sai lầm, nguồn: http://news.zing.vn.

9. Huỳnh Minh, Sa Đéc xưa, Nxb. Thanh niên, TP HCM, 2001.

10. Huỳnh Ngọc Trảng, Sự hỗn dung văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ở Nam bộ, nguồn: https://giacngo.vn.

11. Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian ở Nam bộ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2003.

12. Tuyết Liên, Mâm cúng cô hồn đơn giản và nghi thức cúng đúng cách của người Việt, nguồn: https://quavang.vn.

13. Thích Hạnh Chơn, Vì sao lễ hội vu lan trở thành lễ hội trong cộng đồng người Việt? Báo Giác Ngộ, số 293, 2020.

14. Trí Quang, Để hiểu đàn chẩn tế, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2013.

15. Toàn Ánh, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết lễ hội hè, Nxb. Đồng Tháp, 1997.

16. Trần Thuận, Vài nét Nam bộ lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, 2020.

17. Tân Việt, 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.

18. Thích Trí Quảng, Cầu siêu bạt độ, Báo Giác Ngộ, số 293, 2020.

19. Vũ Phượng, Rằm tháng 7: Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một? Nguồn: https://thanhnien.vn.