Tổ đình Chúc Thánh (Hội An – Quảng Nam) và giá trị tư liệu khảo cổ cần được bảo tồn, phát huy (TS.Đào Vĩnh Hợp – ThS.Võ Thị Ánh Tuyết)

              1. Khái lược về sự ra đời của Tổ đình Chúc Thánh

            Hội An (Quảng Nam) vốn là một thương cảng quan trọng của Đông Nam Á trong các thế kỷ XV–XIX. Thế kỷ XVII, Hội An có “Phố Nhật”, “Phố Khách” hay “Đường nhân phố” của thương nhân Trung Hoa cùng với “Nhật Bản phố” của thương nhân Nhật Bản. Người Việt quen gọi là Hai phố: “Phố Nhật”, “Phố Tàu”. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho thấy vai trò quan trọng của cảng thị Hội An và sự có mặt của người Hoa tại đây: “Những hóa–vật được sản xuất từ các phủ Thăng–hoa, Điện–bàn, Qui–nhân, Quảng–nghĩa, Bình–khang cùng dinh–sở Nha–trang, chỗ thì người ta chuyên–chở hàng–hóa bằng thuyền theo đường thủy, hay chở bằng ngựa theo đường bộ, đều đổ xô dồn về phố cổ Hội–an cả. Ở nơi đây, vì các khách buôn Trung Quốc đều tới mua hàng đưa về Tàu, nên buổi trước hàng hóa rất nhiều, dẫu có 100 chiếc thuyền lớn chuyên chở hàng hóa trong một lúc cũng không thể chở hết được”(1). Vào thời kỳ Đàng Trong, cũng là lúc đô thị – thương cảng Hội An tồn tại và cực thịnh, tại phố cảng này đã phát triển mạnh mẽ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, thương mại. Do vậy, Phật giáo ở Hội An hình thành và phát triển từ khá sớm.

            Cùng với trào lưu truyền bá Phật giáo vào Việt Nam, đến cuối thế kỷ XVII, theo lời mời từ chúa Nguyễn, các nhà sư Trung Hoa đã đến Đàng Trong để mở giới đàn truyền bá Phật pháp. Sau khi giới đàn kết thúc, họ đã tỏa đi các nơi để truyền Phật đạo. Trong số đó, Thiền sư Minh Hải và Thiền sư Minh Lượng đã đến Hội An.

            Riêng về Tổ sư Minh Hải (1670-1746), tên tục gia là Lương Thế Ân, hiệu là Pháp Bảo. Ngài quê làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Năm Ất Hợi (1695), Ngài theo phái đoàn của Ngài Thạch Liêm sang tham dự giới đàn Thiền Lâm – Huế. Sau đó, Ngài vào Hội An, đến làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Tân An, thành phố Hội An). Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, Tổ Minh Hải đã khai sơn chùa Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa lập nên “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh”. Như vậy, có thể thấy Thiền sư Minh Hải là người đã khai sơn chùa Chúc Thánh, đồng thời còn có công truyền bá và lập nên hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, Đàng Trong, vào cuối thế kỷ XVII. Ông chính là vị Sơ Tổ của dòng Lâm Tế Chúc Thánh.

            Chùa Chúc Thánh tên dân gian là Chùa Khoai, tam quan và các di vật chữ Hán cho biết di tích có tên chữ là “祝 聖 寺” Chúc Thánh tự. Di tích hiện tọa lạc tại số 104 đường Tôn Đức Thắng, phường Tân An, thành phố Hội An, cách trung tâm thành phố chừng 1,5km về phía Bắc.

            2. Giá trị khảo cổ học của Tổ đình Chúc Thánh

            2.1. Đặc điểm kiến trúc cổ

            Chùa xoay mặt về hướng Tây Nam, tọa lạc trên một khu đất cao thoáng đãng được bao bọc xung quanh gần như bởi khu nghĩa địa và nhà ở của các hộ dân cư. Nền chùa được xây dựng trên với diện tích hơn 10.000m2 (chiều rộng 130m và chiều sâu 100m). Hiện tại, khuôn viên chùa được bao bọc bởi một lớp hàng rào bằng cây dày độ khoảng trên 2m.

            Nguyên lúc ban sơ chùa chỉ là một ngôi thảo am (am bằng tranh). Qua thời gian, chùa được xây dựng theo kiến trúc mỹ thuật kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại, trong và ngoài nước, mà tiêu biểu là kiến trúc Trung Hoa và Việt Nam. Kiến trúc chùa theo kiểu “tiền công hậu quốc” liên hoàn, đăng đối, gồm các hạng mục: tiền đường, chính điện, hậu tổ, nhà Đông – nhà Tây và các hạng mục phụ khác. Các gian đều thông nối với nhau, thuận lợi cho tất cả sinh hoạt tôn giáo của chùa. Vật liệu xây dựng phần lớn bằng vôi, gạch, gỗ, đá, ciment. Mái chùa lợp ngói âm dương. Nóc mái là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, trang trí các đề tài rồng, phụng hay các tích của nhà Phật. Sự hiện hữu đồng thời của vì kèo “chồng rường giả thủ” (phong cách Hoa) ở gian tiền đường bên cạnh vì kèo “cột trốn kẻ chuyền” (phong cách Việt) ở gian chính diện một cách cân đối, hợp lý là đặc trưng phổ biến trong kiến trúc cổ Hội An. Hiện di tích còn cổng tam quan cũ cổ kính, trên cổng đề 5 chữ “勅 賜 祝 聖 寺 門” Sắc tứ Chúc Thánh tự môn và đôi câu đối ở 2 bên.

            Nội thất chùa được trang trí bằng hoành phi, liễn đối, nghệ thuật chạm khắc trên gỗ khá đặc sắc với nhiều mô típ hoa văn phong phú như hình cá chép, giao long, dơi, hoa lá,…

            2.2. Di vật cổ tiêu biểu

            Song hành cùng các kiến trúc cổ, Tổ đình Chúc Thánh hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, khá đa dạng với các tượng thờ cổ, bi ký, tư liệu kinh sách… Một số cổ vật tiêu biểu như:

            Hệ thống tượng thờ, bài vị: Đều có thể xem như những tác phẩm nghệ thuật. Trong đó có nhiều tượng lớn, chạm trổ cầu kỳ, một số pho tượng như: Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, Phật A di Đà, Phật Thích Ca, Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, A Nan, Ca Diếp, Quan Âm Chuẩn Đề, Hộ pháp Vi Đà, Tiêu diện Đại Sĩ, Địa Tạng Vương,… Các tượng hầu hết được tạo tác bằng hợp chất, sơn son thép vàng, cao từ 0,3 – 1,6m. Gian Hậu Tổ còn có nhiều bài vị bằng gỗ. Đây cũng là những tiêu phẩm chạm khắc với nhiều hoa văn sinh động như rồng, mặt trời, mây, phụng, dơi, hoa sen, mai, cúc, các loại hồi văn, v.v.

            Hoành phi: Chính điện và nhà Hậu Tổ treo nhiều hoành phi, liễn đối, tuy nhiều di vật có niên đại muộn: từ nửa cuối thế kỷ XX. Nhà Hậu Tổ còn treo Bài kệ truyền thừa pháp danh của Thiền sư Minh Hải bằng Hán văn. Đáng chú ý, có bức hoành treo tại chính điện chùa mang nội dung: “勅 賜 祝 聖 寺” Sắc tứ: Chúc Thánh tự; Lạc khoản ghi: “啟 定 五 年 庚 申 仲 春”, Khải Định ngũ niên Canh Thân trọng xuân, [Năm Canh Thân, Khải Định thứ 5 – 1920].

            Chuông cổ: Chính điện và nhà Hậu Tổ di tích hiện có chuông, trống, khánh, mõ,… Trong đó có chuông đồng “祝 聖 寺” Chúc Thánh Tự, niên đại cuối thế kỷ XIX. Chuông ghi nội dung:

            天 運 甲 午 年 正 月 吉 旦 日 鑄 造.

            Thiên vận Giáp Ngọ niên, chính nguyệt cát đán nhật khiêm tạo.

            [Chuông được tạo đúc vào ngày tốt tháng Giêng năm Giáp Ngọ – 1894].

            Tư liệu mộc bản: Cùng với các chùa thuộc dòng thiền Lâm Tế khác tại Hội An như Phước Lâm, Vạn Đức, Chúc Thánh còn lưu giữ mộc bản (ván khắc) có giá trị về mặt lịch sử và học thuật liên quan đến quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong, Việt Nam, tinh thần tu học của chư Tăng nơi chốn Tổ từ trước đến nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy chùa Chúc Thánh – tổ đình của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã từng là nơi in ấn, phát hành kinh điển của dòng Lâm Tế Chúc Thánh nhiều nhất xứ Đàng Trong. Bấy giờ, vì số lượng mộc bản in kinh quá lớn nên trụ trì chùa phải cho lập thêm một kiến trúc bên cạnh tổ đình để chứa bản in và chuyên ấn tống kinh điển của nhà Phật. Trải qua thời gian và đặc biệt là ảnh hưởng bởi chiến tranh mà hiện nay số lượng mộc bản của chùa còn lại rất ít, chỉ trên 10 bản in với nội dung bộ kinh Quan Âm Phổ Môn. Tài liệu mộc bản sưu tầm tại chùa Chúc Thánh mang nội dung “Đại thừa Diệu pháp liên hoa kinh Phổ Môn, Lâm Tế chính tông, Bỉnh Thỉnh Ca Như Lai di giáo đệ tử và tồn nghi”, hiện đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (tại Đà Lạt) nghiên cứu và công bố.

            Thông qua tư liệu mộc bản cho thấy bấy giờ tại vùng đất Hội An đã in ấn và phổ biến nhiều loại kinh điển của Phật giáo, trong đó có nhiều bản được khắc từ Trung Hoa và vận chuyển sang, số khác do các thợ địa phương khắc ván. Loại chữ được khắc chủ yếu trên các mộc bản là chữ Hán, số ít bản được khắc bằng chữ Phạn (Sanskrit). Đây chính là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật Phật giáo.

            2.3. Tháp mộ và mộ cổ trong khuôn viên

            Xung quanh vườn chùa có các tháp, bia tháp của Tổ khai sơn cùng các vị Hòa thượng, Thượng tọa, chư Tăng trong môn phái… đã quá cố. Trong số đó, nổi bật nhất là Tháp của Tổ sư Minh Hải, cao trên 10m, gồm 7 tầng. Những tháp khác cao 5 tầng, 3 tầng hay 1 tầng, một số tháp đã được trùng tu hay hư hại chỉ còn lại phần bia.

            Phía trước khu tháp mộ còn có mộ song thân của Tổ Minh Hải là ông Lương Đôn Hậu và bà Trần Thục Thận. Song mộ khắc niên hiệu: “同 安” Đồng An giống tháp mộ Tổ sư Minh Hải. Chữ” 同 安” Đồng An tức huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Đây vốn là quê hương của Tổ sư Minh Hải. Tháp mộ các thiền sư được xây dựng trong khuôn viên các chùa cũng góp phần làm phong phú đặc điểm kiến trúc của loại hình mộ cổ ở Hội An.

            2.4. Thư viện chùa và bi ký

            Nhà Tây (thư viện chùa Chúc Thánh) tọa lạc ở về phía Tây Bắc của chùa. Đây là một trong những công trình kiến trúc có niên đại sớm và còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý tồn tại cho đến ngày nay.

            Hai bên tường phía trong thư viện còn lưu giữ 09 bia đá: 03 bia ở tường phía bên tả và 06 bia ở tường phía bên hữu. Trong số đó, văn bia ở vị trí thứ 2 (bia nằm giữa) được gắn trên tường bên tả thư viện tính từ hiên vào mang đặc điểm và giá trị đặc biệt. Hiện trạng bia được bảo tồn khá tốt. Bia nằm cách mặt nền của thư viện 58cm. Bia có hình dạng hình chữ nhật với kích thước: cao 122 cm, rộng 82cm, được vát góc ở đầu 2 bên: mỗi bên 10cm. Bia được tạo tác từ chất liệu sa thạch trắng xám nên bề mặt khá phẳng. Bia không có hoa văn trang trí. Phần chữ ở mặt bia được khắc sâu, đều nét theo kiểu khải thư, với kích cỡ: chữ lớn cỡ: 2,2cm x 2,2cm, chữ nhỏ cỡ 1,2cm x 1,2cm). Toàn bộ phần chữ của bia được sơn lại màu đỏ. Bản rập lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An có ký hiệu 21.7.131. Một phần văn bia thể hiện nội dung xây dựng và trùng tu di tích Chùa Chúc Thánh như sau:

            Nguyên văn:

            祝 聖 寺 其 南 州 諸 山 均 稱 祖 庭 焉 .追 昔 明 朝 景 泰 甲 子 年 福 建 省 泉 洲 府 同 安 縣 明 海 和 尚 祖師 振 錫 南 來 營 成 本 寺 五 尊 七 派 永 久 以 流 芳 .花 甲 幾 經 相 傳 而 歷  世 .遞 於 紹 治 乙 巳 ,嗣 德 己 丑 ,號 貫 通 和 尚 平 定 省 人 幾 番 修 補 ,功 德 不 可 思 議 .成 泰 壬 辰 號 廣 圓 住 持 維 川 縣,人 再 整 規 模 堂 宇 依 然 增 壯. 成 泰 甲 午 年 正 寺 號 證 道 維 川 縣 人, 副 寺 廣 達 維 川 縣 人 同 居 整 焉. 嗣 而 維 新 辛 亥 號 普寶 住 持 夲 師 洒 八 方 之  水 流 爲 大, 合 千 燈 之 光 混 成 一 色…

            Phiên âm: [Trùng tu Chúc Thánh tự]

            Chúc Thánh tự kỳ Nam châu chư sơn quân xưng tổ đình yên. Truy tích Minh Triều Cảnh Thái, Giáp Tý niên, Phước Kiến tỉnh, Tuyền Châu Phủ, Đồng An huyện Minh Hải Hòa thượng tổ sư chấn tích Nam lai doanh thành bản tự ngũ tôn thất phái vĩnh cửu dĩ lưu phương. Hoa giáp cơ kinh tương truyền nhi lịch thế. Đệ ư Thiệu Trị Ất Tỵ, Tự Đức Kỷ Dậu, hiệu Quán Thông hòa thượng (Bình Định tỉnh nhân) kỷ phiên tu bổ, công đức bát khả tư nghị. Thành Thái Nhâm Thìn hiệu Quảng Viên Trụ trì (Duy Xuyên huyện nhân) tái chỉnh quy mô đường vũ y nhiên tăng tráng. Thành Thái Giáp Ngọ niên Chánh tự hiệu Chứng Đạo (Duy Xuyên huyện nhân), Phó tự Quảng Đạt (Duy Xuyên huyện nhân) đồng cư chỉnh yên. Tự nhi Duy Tân Tân Hợi hiệu Phổ Bửu Trụ trì bổn sư sái bát phương chi thủy lưu vi đại xuyên, hợp thiên đăng chi quang hỗn thành nhất sắc…

            Dịch nghĩa: [Trùng tu chùa Chúc Thánh]

            Vùng Nam châu các sư, các chùa dều xưng chùa Chúc Ihánh là Tổ đình. Truy ra ngày xưa, năm Giáp Tý, đời Cảnh Thái, triều Minh [vị hòa thượng người quê] huyện Đồng An, phủ Triều Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) là Minh Hải, Tổ sư chống gậy sang Nam xây dựng nên chùa ta [có] năm ngành, bảy phái lưu mãi tiếng thơm. Hoa giáp mấy vòng trải truyền nhiều thế. Đến những năm Ất Tỵ đời Thiệu Trị, Kỷ Dậu đời Tự Đức (1845-1849) hòa thượng hiệu Quán Thông (quê Bình Định) mấy lần tu bổ, công đức nhiều khôn kể. [qua] năm Nhâm Thìn đời Thành Thái (1892) thầy Chánh tự hiệu Chứng Đạo (người huyện Duy Xuyên) cùng thầy Phó tự [là] Quảng Đạt (người huyện Duy Xuyên) tu chỉnh lại. Nối tiếp [năm] Tân Hợi đời Duy Tân (1911) [thầy] Trụ trì hiệu [là] Phổ Bửu, bồn sư góp nước tám phương làm sông lớn, tụ ngàn tia sáng nên ánh hào quang…

            Căn cứ vào nội dung chữ Hán trên văn bia: “… Duy Tân Ất Mão niên thu nguyệt cát nhật, đệ tử hiệu Thiện Quả phụng lập thạch” [Năm Duy Tân, Tân Mão, mùa thu ngày tốt (1915) đệ tử hiệu Thiện Quả kính lập bia]2, có thể kết luận bia được lập năm 1915.

            2.5. Về niên đại bia và quá trình trùng tu

            Chùa được Tổ sư Minh Hải xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Văn bia năm 1915 và các nguồn tư liệu khác đã cho biết chùa Chúc Thánh có lịch sử hơn 300 năm, chùa được Tổ sư Minh Hải xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII (năm 16843). Xà cò ở Thư viện khắc sự kiện thành lập chùa gắn với Tổ sư Minh Hải như sau:

            明 朝 景 泰 五 年 歲 次 甲 子 原 愊 建 省 泉 州 俯 同 安 縣 明 海 梁 祖 師 始 造.

            Minh triều Cảnh Thái ngũ niên, tuế thứ Giáp Tý, nguyên Phúc Kiến tỉnh, Tuyền châu phủ, Đồng An huyện, Minh Hải Hòa thượng Lương tổ sư thủy tạo.

            [Triều Minh, niên hiệu Cảnh Thái năm thứ 5, năm Giáp Tý (chùa này) do nguyên Lương tổ sư Minh Hải, người huyện Đồng An, phủ Triều Châu, tỉnh Phúc Kiến, khởi dựng ban đầu]. Xà cò có nhắc đến niên đại Cảnh Thái giống bi ký năm 1915 tại thư viện chùa. Tuy nhiên, Cảnh Thái (1454 hay 1744?) vẫn còn là giải thuyết khoa học cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn.

            Từ khi được tạo lập đến nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Cũng theo văn bia 1915 thì di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm: năm Ất Tỵ (1845), năm Kỷ Dậu (1849), năm Nhâm Thìn (1892). Ngoài ra, sau đó chùa trải qua thêm các lần trùng tu trong các năm Giáp Ngọ (1894), Tân Hợi (1911), Kỷ Tỵ (1929), Giáp Ngọ (1954)4. Những lần trùng tu lớn (đại trùng tu) vào năm 1956, năm 1964 và gần đây nhất là từ năm 2005 – 2008. Xà cò chính điện khắc rõ sự kiện này như sau:

            敕 賜 祝 聖 祖 亭 大 重 修 佛 曆 二 五 四 九 天 運 乙 酉 年 五 月 吉 日. 二 ○ ○ 五 宗 門 法 派 並 住 待 禪 同 愍 仝 愍 建.

            Sắc tứ Chúc Thánh tổ đình đại trùng tu, Phật lịch nhị ngũ tứ cửu, Thiên vận Ất Dậu niên ngũ nguyệt cát nhật. Nhị linh linh ngũ tông môn pháp phái tịnh trú đãi thiền đồng mẫn toàn lâu kiến.

            [Chùa Sắc tứ Tổ đình Chúc Thánh đại trùng tu vào ngày tốt tháng 5 năm 2549 Phật lịch, nhằm năm Thiên Vận Ất Dậu (2005). Năm 2005, tông môn pháp phái (chùa Chúc Thánh) kiến thiết toà thiền đường của chùa (chính điện)].

            3. Nhận định giá trị khảo cổ và đề xuất bảo tồn, phát huy

            3.1. Giá trị

            Theo thống kê, đến nay, tại thành phố Hội An có gần 30 cơ sở thờ tự theo hệ phái Bắc Tông và Nam Tông. Trong số đó có mười ngôi chùa thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Long Tuyền, Pháp Bảo, Viên Giác, An Lạc, Minh Giác, Bảo Thắng, thiền tự Bảo Châu, Long Thọ. Ba tổ đình chính của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là Tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức và Phước Lâm.

            Hội An là vùng đất Phật giáo hình thành và phát triển khá sớm. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cùng các kiến trúc cổ của dòng này ở Hội An đã có lịch sử trên dưới ba thế kỷ. Chùa Chúc Thánh được xem như là ngôi chùa Tổ của dòng thiền Lâm Tế ở Quảng Nam nên thường được gọi là Tổ đình Chúc Thánh. Qua bao thăng trầm của lịch sử cùng thách thức thời gian, tuy đến nay Tổ đình vẫn bảo tồn được đường nét kiến trúc cổ kính; nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị cùng hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng. Đây chính là kho tàng di sản văn hóa Phật giáo độc đáo của Hội An. Qua đó, phản ánh những nét văn hóa bản địa và giao lưu với bên ngoài, tạo nên nét độc đáo cho di sản. Tổ đình thuộc loại hình di tích kiến trúc tôn giáo có giá trị về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa mỹ thuật, kiến trúc… góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc chùa Phật ở Hội An. Cùng với hệ thống chùa, tịnh xá góp phần làm phong phú thêm loại hình tham quan du lịch của du khách khi đến với Hội An.

            Giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa tại tổ đình là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo ở Hội An nói riêng, Đàng Trong và khu vực nói chung. Từ đó, góp phần rất lớn cho việc nghiên cứu toàn cảnh bức tranh lịch sử Hội An, đặc biệt là sự tồn tại, phát triển và vai trò của đô thị – thương cảng Hội An thời kỳ trung – cận đại. Vào thời vàng son cực thịnh, tại phố cảng này đã phát triển mạnh mẽ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, thương mại, trong đó có Phật giáo. Bấy giờ, Hội An còn giữ vai trò là cửa ngõ quan trọng cho việc giao lưu, tiếp xúc văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam. Quá trình khởi dựng và trùng tu chùa phản ánh sự phát triển và biến động của vùng đất qua các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng, Tổ đình Chúc Thánh chính là ngôi chùa sớm nhất được biết đến vẫn lưu giữ nhiều di vật, tượng thờ, bia ký liên quan đến quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong(5).

            Với bề dày lịch sử có được, Chúc Thánh cũng là một trong những trung tâm sinh hoạt Phật giáo, góp phần làm phong phú thêm đời sống tôn giáo ở Hội An. Từ trước đến nay, chùa tổ chức những lễ lớn trong năm như: Vía Phật Đản sanh (15/4); Vía Quán Thế Âm (19/6); Vu Lan báo hiếu (15/7); Vía Đức Phật thành đạo (12/12). Bên cạnh đó, môn đồ còn tổ chức kỵ tổ các Thiền sư khai sơn có công trùng tu xây dựng chùa. Lễ tưởng niệm ngày viên tịch (mất) của vị tổ sư khai sơn chùa – Tổ sư Minh Hải được tổ chức lớn hằng năm vào ngày mồng 7 tháng 11 âm lịch. Hằng năm vào ngày này, Chư Tôn đức Tăng Ni hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh và Phật tử ở Hội An, Quảng Nam, cũng như ở một số tỉnh trong nước quy tụ về Tổ đình Chúc Thánh để cử hành lễ giỗ Tổ Minh Hải rất trọng thể. Đây là một trong những lễ hội Tôn giáo lớn ở Hội An. Các nghi lễ thờ cúng mang nhiều nét độc đáo cho thấy sự đa dạng về văn hóa – lễ hội của Hội An. Gắn liền với tổ đình, đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo (Phật giáo) cũng luôn được cộng đồng cư dân phố Hội trân quý và gìn giữ.

            Có thể thấy, sau khi phát tích tại Hội An với sự kiện Tổ Minh Hải xuất kệ truyền thừa và khai sơn chùa Chúc Thánh, thiền phái này đã nhanh chóng truyền bá rộng rãi và phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam Việt Nam và cả ở nước ngoài. Từ Chúc Thánh, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh được hình thành và phát triển. Trải qua 12 đời trụ trì, Tổ đình Chúc Thánh đóng vai trò quan trọng như một trung tâm sinh hoạt, truyền thừa và phát triển dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Chẳng những là địa chỉ gắn liền với hành trạng chư vị Tổ sư và cao Tăng, Tổ đình Chúc Thánh còn trở thành trung tâm giáo dục Phật học, nơi quy ngưỡng cho Tăng Ni, Phật tử đến xuất gia học đạo. Nhờ vậy, đạo pháp được truyền đi khắp mọi nơi khiến cho môn phái ngày càng phát triển. Bên cạnh những đóng góp đối với sự lịch sử Phật giáo Hội An và Quảng Nam, từ Chúc Thánh còn cho thấy vai trò của dòng tu Lâm Tế cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái này tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đóng vai trò hết sức đặc biệt.

            3.2. Đề xuất

            Trước nhất, cần ưu tiên tối đa cho công tác nghiên cứu khoa học; bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với di tích tổ đình.

            Theo Điều 1, Chương 1 của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 thì “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Điều 4 đã định nghĩa rõ hơn: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong đó, di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học6. Kiến trúc nói chung, trong đó có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, di vật… hiện còn lưu giữ cùng với lễ hội, hoạt động tâm linh tín ngưỡng,… tại Tổ đình Chúc Thánh đã chứng tỏ đây là một di sản văn hóa mang cả giá trị vật thể kết hợp phi vật thể.

            Trải qua nắng mưa của thời gian; bom đạn chiến tranh; tác động của đô thị hóa và nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau đã khiến cho di tích Tổ đình Chúc Thánh cũng đã và đang đứng trước tình trạng bị xuống cấp. Do vậy, cần đảm bảo hàng đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, di vật, chống mối mọt cho những cấu kiện kiến trúc đình đang bị xuống cấp, bảo vệ di vật,… Tuyên truyền vận động lẫn khơi dậy lòng tự hào của người dân địa phương để nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản từ chính cộng đồng. Tôn trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa tinh thần truyền thống của cộng đồng địa phương nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đặc biệt là ngành văn hóa, du lịch và nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhất là lễ hội thường niên diễn ra tại di tích.

            Công tác nghiên cứu khoa học về tổ đình và dòng Lâm Tế Chúc Thánh cần đẩy mạnh, thực hiện thật chu đáo và hết sức nghiêm túc gắn với với sự nhập cuộc của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu để nhằm để đánh giá đầy đủ, chuẩn xác hơn về các giá trị di sản. Từ đó, chẳng những hướng đến thu thập dữ liệu khoa học phục vụ công tác bảo tồn mà còn góp phần phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh di sản ra bên ngoài một cách rộng rãi qua nhiều loại hình phương tiện truyền thông như sách, báo, tạp chí, internet,… Nhờ vậy, sẽ nâng tầm giá trị di sản hơn nữa, đặc biệt là đối với hoạt động du lịch hiện nay, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững thành phố Hội An nói chung.

            Thứ hai, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cần gắn với hoạt động văn hóa và du lịch

            Điều 15, Chương 3 của Luật Du lịch đã định nghĩa rõ: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên tài nguyên du lịch văn hóa. Trong đó, tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch(7). Mặc dù di tích đã và đang được đầu tư tu bổ, khai thác để trở thành những điểm tham quan du lịch, tuy hiện nay số lượng du khách đến với các di tích này còn khá khiêm tốn.

            Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa từ khá sớm, năm 1991. Hiện nay, di tích được Giáo hội Phật giáo Quảng Nam quản lý(8). Trên đà phát triển toàn diện của thành phố Hội An hiện nay, đặc biệt là sự nổi trội của hoạt động du lịch, Tổ đình Chúc Thánh cần được bảo tồn và phát huy hơn bao giờ hết. Vốn là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của đất Quảng Nam một thời, với những giá trị đặc trưng, ngành văn hóa du lịch thành phố cần đưa Tổ đình Chúc Thánh cùng tất cả các di tích Chùa Phật giáo, đặc biệt là đã những di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh như: Chùa Quan Âm, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức, Chùa Chúc Thánh,… trở thành các điểm tham quan của du khách. Hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội tại di tích cần được duy trì, đồng thời gắn bó chặt chẽ với tham quan du lịch. Đặc biệt hơn cả là việc khai thác cho phát triển loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng với các mục đích sau(9):

DU LCH TN NGƯỠNG MỤC ĐCH CA DU KHCH
Tham quan Giải trí, nâng hiểu biết
Lễhội Vui chơi, nâng hiểu biết
Khám phá Tìm tòi, phát hiện, học tập kinh nghiệm
Nghiên cứu Cho đềtài nghiên cứu cánhân, tổchức
Tổng hợp Các mục đích trên
Khác Mục đích khác

            Di sản văn hóa Phật giáo Hội An nói chung, trong đó có Tổ đình Chúc Thánh cùng với các giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa độc đáo thực sự sẽ là tiềm năng tạo lực hút đối với ngành du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh… Từ đó, mang đến cho thành phố một loại hình du lịch mới độc đáo: du lịch di sản văn hóa.

            Cuối cùng, bảo tồn và phát huy di tích gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa Phật giáo và tổng thể Di sản Văn hóa Thế giới Hội An

            Lâm Tế Chúc Thánh là một dòng tu mang dấu ấn văn hóa đậm nét qua nhiều thời đại. Đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và Tổ đình Chúc Thánh đã có những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp, Dân tộc và Văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, để bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, các giá trị di sản văn hóa Phật giáo nói chung, trong đó có dòng Lâm Tế và Tổ đình Chúc Thánh rất cần được nghiên cứu chuyên sâu. Từ đó, nhằm có định hướng tôn tạo vàkhai thác tốt các giá trị di sản, đồng thời góp phần làm sáng tỏ đời sống văn hóa, tôn giáo của cư dân Hội An nói chung và sự phát triển của Phật giáo Hội An nói riêng.

            Ngoài ra, để phục vụ tốt cho công tác bảo tồn, phát huy, đặc biệt là việc gắn với hoạt động du lịch, cũng cần quan tâm đến những giải pháp tổng hợp như: yếu tố hạ tầng đô thị, môi trường cảnh quan, nhân lực, các chương trình quảng bá du lịch,… Đặc biệt là những chính sách đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế, chú trọng đến quyền lợi của người dân trong bảo tồn di sản gắn với hoạt động kinh tế du lịch, như, bao gồm cả người dân địa phương và du khách.

            Như vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Tổ đình Chúc Thánh cần gắn với phát triển du lịch cần thực hiện theo định hướng chiến lược: Bảo tồn di sản vững chắc và phát huy du lịch bền vững. Bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vốn có, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vừa phục vụdu khách vừa thực sựphục vụchính nhân dân sởtại. Để giải quyết được các vấn đề này, nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, nhất là phát huy ý thức trân quý di sản từ chính cộng đồng. Có như vậy mới góp phần vào sự nghiệp phát triển toàn diện kinh tế – văn hóa – du lịch của thành phố Hội An hiện tại vàcả tương lai. Đặc biệt là sự phát triển bền vững du lịch của thành phố. Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Phật giáo chính là góp phần quan trọng vào việc bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.

            Kết luận

            Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An cùng các kiến trúc cổ là minh chứng cho việc phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong.

            Chùa Chúc Thánh (Hội An – Quảng Nam) chính là Tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Từ nơi đây, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh được hình thành và phát triển khắp miền Trung, miền Nam nước ta và cả nước ngoài. Các kiến trúc cổ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An, mà tiêu biểu là Tổ đình Chúc Thánh, đã góp phần minh chứng cho vị trí quan trọng của Hội An trong quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong trước đây và Phật giáo Việt Nam sau này. Rõ ràng, với các giá trị lịch sử – văn hóa đặc biệt, nếu được bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt thì Tổ đình Chúc Thánh sẽ cùng với hệ thống di sản kiến trúc Phật giáo của thành phố sẽ trở thành những điểm du lịch văn hóa quan trọng, góp phần cho sự phát triển của Phật giáo tại Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.

 

 

 

            – Chú thích

  1. Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, Tập 2, (Lê Xuân Giáo dịch) (Sài Gòn: Ủy ban Dịch thuật – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, tr. 72-73.
  2. Ngô Đức Chí dịch nghĩa, xem Nhóm nghiên cứu Hội An, (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1: văn bia, tr.82,83.
  3. Ban Quản lý di tích Hội An, (1991), Lý lịch di tích chùa Chúc Thánh, Bản đánh máy hiện lưu tại Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
  4. Thích Đồng Mẫn, (2009), “Quá trình trùng tu chùa Chúc Thánh”, trong Kỷ yếu Lễ khánh thành Tổ đình Chúc Thánh, tr.43.
  5. Nguyễn Chí Trung, (2005), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An.
  6. Tìm hiểu Luật Di sản Văn hóa năm 2001, (2008), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.7-9.
  7. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Du Lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017, tr.7
  8. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, (2015), Di tích – danh thắng Hội An, Nxb. Đà Nẵng, tr.231, 246.
  9. Tham khảo Hoàng Ngọc Hùng (2016), “Khai thác loại hình du lịch tín ngưỡng tại Việt Nam” trong Kyếu Hội tho KH quốc tếCc loi hnh Du lch hiện đi, Nxb. ĐHQG. TP. HCM, tr. 260 – 261

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Quản lý di tích Hội An, (1991), Lý lịch di tích chùa Chúc Thánh, Bản đánh máy hiện lưu tại Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
  2. Hoàng Ngọc Hùng (2016), “Khai thác loại hình du lịch tín ngưỡng tại Việt Nam” trong Kyếu Hội tho KH quốc tếCc loi hnh Du lch hiện đại, Nxb. ĐHQG. TP. HCM, tr. 260-261.
  3. Lê Quý Đôn (1973), Phủ biên tạp lục, Tập 2, (Lê Xuân Giáo dịch – Sài Gòn: Ủy ban Dịch thuật – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa), tr. 72-73.
  4. Nguyễn Chí Trung, (2005), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An,
  5. Nhóm nghiên cứu Hội An, (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1: văn bia.
  6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Du Lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017.
  7. Thích Đồng Mẫn, (2009), “Quá trình trùng tu chùa Chúc Thánh”, trong Kỷ yếu Lễ khánh thành Tổ đình Chúc Thánh, tr.43-47.
  8. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông.
  9. Tìm hiểu Luật Di sản Văn hóa năm 2001, (2008), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.7-9.
  10. Ủy ban nhân dân thành phố Hội An, (2015), Di tích – danh thắng Hội An, Nxb. Đà Nẵng.