Phật giáo ở Hội An hình thành và phát triển từ rất sớm, đặc biệt là sự hình thành Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, gắn với sự kiện Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đời 34 dòng Lâm Tế khai sơn chùa Chúc Thánh ở Hội An vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Kế tiếp sau đó, nhiều ngôi chùa được các thiền sư khai sơn tại Hội An như chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, chùa Viên Giác, chùa Hải Tạng, chùa Kim Bửu, chùa Long Tuyền… trong đó một số ngôi chùa đã được ban sắc tứ dưới thời các vua nhà Nguyễn như chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Kim Bửu, chùa Long Tuyền. Trải qua những biến động của lịch sử, qua khảo sát thực địa, hiện chỉ còn 4 ngôi cổ tự đang lưu giữ các biển đề sắc tứ, các biển này được treo trang trọng tại chính điện của chùa.
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu những tấm biển sắc tứ được vua ban gắn liền với lịch sử của các ngôi chùa này(1).
1. Về việc xin biển sắc tứ và được ban biển sắc tứ
Trong quá trình khảo sát, sưu tầm chúng tôi tìm thấy 2 nguồn tư liệu ghi chép về việc xin biển sắc tứ và được vua ban biển sắc tứ cho các chùa ở Hội An.
Về việc ban biển sắc tứ cho chùa Phước Lâm: Theo Châu bản triều Nguyễn(2) cho biết việc Bộ Lễ tâu việc đoàn sư Đoàn Vĩnh Gia ở chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam xin biển sắc tứ như sau:
Ngày 15 tháng 9 năm Duy Tân thứ 4: Sư Đoàn Vĩnh Gia ở chùa Phước Lâm xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam bẩm nói chùa ấy tạo lập thiền lâm cổ tích ước hơn 100 năm tuổi nối đời phụng sự, khẩn cầu đề đạt thay, xin ban cho một tấm biển vàng sắc tứ để treo cho trang nghiêm Phật pháp.
Sau khi nhận được văn thư xin ban sắc tứ, Bộ Lễ đã giao cho tỉnh Quảng Nam xem xét và phúc trình: Tỉnh Quảng Nam cho biết (theo lời báo của Đoàn Vĩnh Gia khai) thì chùa này vốn được sáng lập từ trước, sau gặp cơn binh lửa Tây Sơn nên tan nát, tăng chúng thất lạc tứ tán cho đến khoảng niên hiệu Gia Long mới trở về trùng tu lại, nay đã hơn 100 năm phụng thờ theo quy tắc thiền lâm. Lại căn cứ Tổng lý sở tại khai nói thì sư tăng chùa này là người thành kính chay lạt thờ Phật không làm điều gì quấy. Tỉnh ấy đã xét thật và phúc như vậy.
Bộ Lễ đã tâu trình lên vua: Thần bộ phụng chiếu chùa này tuy là chùa tư nhưng đã nhiều đời giữ gìn hương lửa, sư chùa này cũng chay tịnh thờ Phật, đã được tỉnh ấy xét thật phúc rồi nên xin phụng ân chuẩn ban cho một tấm biển (trong khắc 3 chữ lớn Phước Lâm tự, bên tả khắc niên hiệu, bên hữu khắc 3 chữ phụng sắc tứ) nhưng do chùa ấy tự sắm lấy treo để bảo tồn cổ tích. Vậy kính tâu đợi chỉ tuân hành. Nội các thần phụng duyệt trình Phụ chính phủ thần hợp.
Phụng đối duyệt: Nội các thần Tạ Hàm ký, đương trực thần Đào Mẫn ký, khoa đạo thần Phạm Văn Nga ký. Thần Phạm Hoàn phụng thảo khảo. Thần Hoàng Côn, thần Mai Hữu Dực, thần Nguyễn Hiển Dĩnh, thần Nguyễn Trữu phụng duyệt.
Về việc ban biển sắc tứ cho chùa Chúc Thánh: Canh Thân năm Khải Định thứ 5 (1920), vào tháng 2(3): Ban biển ngạch cho chùa Chúc Thánh. Lúc đầu, quan tỉnh Quảng Nam tư cho Bộ Lễ nói sư các chùa trong tỉnh ấy cùng trình vào năm Bính Tý – Cảnh Thái thứ 7 nhà Minh Bắc quốc (năm Diên Ninh thứ 3 nhà Lê, 1456 Tây lịch) có Hòa thượng Lương Minh Hải Nam ở Phúc Kiến tới dựng chùa Chúc Thánh ở địa phận ở xã Cẩm Phô, qua hơn 300 năm tháp bia vẫn còn, trong thời gian ấy có vì cũ nên trùng tu, vẫn là một danh thắng trong tỉnh ấy. Xin chiểu việc gần đây xin ban cho biển ngạch để giữ vết xưa. Bộ theo lời tâu lên, bèn đặt biển ban cho (biển khắc ba chữ “Chúc Thánh tự”, hai bên khắc các chữ “Khải Định ngũ niên sắc tứ”).
Qua hai nguồn tư liệu này, có thể nhận thấy, sư các chùa đã có đơn trình lên quan tỉnh Quảng Nam để xin biển đề sắc tứ, và sau đó Bộ Lễ sẽ có tấu trình cho hoàng đế để y chuẩn nguyện vọng của các sư, và để được ban biển sắc tứ, chùa đó phải là một cổ tích xưa hoặc danh thắng nổi tiếng trong tỉnh, ngoài ra các sư trong chùa phải là người thành kính và giữ gìn chân lý của đạo Phật.
2. Về các ngôi chùa được ban sắc tứ
2.1. Chùa Phước Lâm
Chùa Phước Lâm hiện tọa lạc tại thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà. Chùa do Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm (1712-1796) khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII, khoảng năm 1736(4). Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm thế danh là Lê Hiển, người xã Bến Đền, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam xưa. Năm 10 tuổi, Thiền sư Thiệt Dinh thọ giáo làm đệ tử Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo. Đến năm 20 tuổi, thiền sư thọ giới cụ túc với pháp danh Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, nối pháp đời 35 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 2 của Thiền phái Chúc Thánh. Lúc đầu chùa là một thảo am nhỏ để tu tập thiền, đến đời thứ ba – trụ trì là hòa thượng Minh Giác cho xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa. Chùa trải qua các lần trùng tu vào các năm 1864, 1891, 1965…
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi:
勅 賜 福 林 寺
維 薪 四 年 九 月 二 十 五 日奉
Phiên âm:
Sắc tứ Phước Lâm tự
Duy Tân tứ niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật phụng.
Dịch nghĩa:
Sắc tứ chùa Phước Lâm
Ngày 25 tháng 9 năm Duy Tân thứ 4.
2.2. Chùa Chúc Thánh
Chùa Chúc Thánh hiện tọa lạc tại khối An Phong, phường Tân An, được xem là tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Chùa do Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) khai sơn vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Thiền sư thế danh là Lương Thế Ân, người làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm Mậu Ngọ (1678), thiền sư đến xuất gia tại chùa Báo Tư, tỉnh Phúc Kiến. Khi tròn 20 tuổi thiền sư thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế. Vào năm Ất Hợi (1695), thiền sư theo phái đoàn Hòa thượng Thạch Liêm sang tham dự giới đàn Thiền Lâm tại Huế. Sau khi tham dự giới đàn, thiền sư vào Hội An để đi thuyền về nước. Tại Hội An, thiền sư khai sơn chùa Chúc Thánh. Đồng thời, thiền sư xuất kệ truyền thừa lập Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Dòng thiền này còn có tên gọi khác là Thiền phái Minh Hải – Pháp Bảo. Ban đầu, chùa là một am nhỏ được xây bằng tranh tre, dần dần các đệ tử kế truyền của Tổ sư Minh Hải đã sửa chữa, mở rộng trở thành một ngôi chùa có không gian rộng lớn và kiến trúc bề thế như hiện nay.
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi:
勅 賜 祝 聖 寺
啟 定 五 年 庚 申 仲 春
Phiên âm:
Sắc tứ Chúc Thánh tự
Khải Định ngũ niên Canh Thân trọng xuân.
Dịch nghĩa:
Sắc tứ chùa Chúc Thánh
Canh Thân năm Khải Định thứ 5, tháng 2.
2.3. Chùa Long Tuyền
Chùa Long Tuyền hiện tọa lạc tại khối Hậu Xá, phường Thanh Hà. Theo các tài liệu cho biết, tổ khai sơn chùa là Thiền sư Ấn Nghiêm – Phổ Thoại (1875 – 1954). Thiền sư thế danh là Nguyễn Văn Thọ, người làng Kim Bồng, nay là xã Cẩm Kim. Năm Đinh Hợi (1887), khi vừa tròn 12 tuổi, thiền sư xuất gia với Tổ Chương Đạo – Quảng Viên tại chùa Chúc Thánh. Đến năm 20 tuổi, thiền sư thọ giới cụ túc với pháp danh Ấn Nghiêm, pháp tự Tổ Thân, hiệu Phổ Thoại, nối pháp đời 39 tông Lâm Tế và thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh.
Năm Kỷ Dậu (1909), được Phật tử hiến cúng khu đất tại ấp Hậu Xá, xã Thanh Hà, thiền sư lập một thảo am nhỏ lấy tên là Long Tuyền để tiện việc tu niệm. Từ đó, Thiền sư Phổ Thoại dần dần xây dựng Long Tuyền thành một ngôi chùa có quy mô lớn và bề thế như hiện nay.
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi:
敕 賜 龍 泉 寺
保 大 捌 年 玖 月 吉 日 造
Phiên âm:
Sắc tứ Long Tuyền tự
Bảo Đại bát niên cửu nguyệt cát nhật tạo
Dịch nghĩa:
Sắc tứ chùa Long Tuyền
Ngày tốt tháng 9 năm Bảo Đại thứ 8.
2.4. Chùa Kim Bửu
Chùa Kim Bửu hiện tọa lạc tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim. Chùa Kim Bửu là một trong những ngôi chùa làng có quy mô bề thế, có lối kiến trúc cổ xưa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Kim Bồng xưa, xã Cẩm Kim ngày nay. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII, do dân làng xây dựng nên và có tên là Bửu Kim tự(5), sau dân làng hiến cúng ngôi chùa cho hòa thượng Phổ Thoại – trụ trì chùa Long Tuyền. Hòa thượng Phổ Thoại đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa và đổi thành Kim Bửu tự.
Bức hoành hiện treo tại chính điện chùa ghi:
敕 賜 金 寶 寺
保 大 十 八 年 十 一 月 十 四 日
禮 工 部 恭 錄
Phiên âm:
Sắc tứ Kim Bửu tự
Bảo Đại thập bát niên thập nhất nguyệt thập tứ nhật
Lễ công bộ cung lục.
Dịch nghĩa:
Sắc tứ chùa Kim Bửu
Ngày 14 tháng 11 năm Bảo Đại thứ 18.
Bộ Công và bộ Lễ phụng lệnh sao chép.
Vài nhận xét
– Về niên đại: Qua thông tin ghi trên lạc khoản các bức hoành thì các chùa được ban sắc tứ vào thời các vua Nguyễn, trong đó tập trung vào thời các vua Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
– Trong các ngôi chùa được ban sắc tứ thì có 3 ngôi chùa là tổ đình gồm Chúc Thánh, Phước Lâm và Long Tuyền. Riêng chùa Kim Bửu là một trường hợp đặc biệt vì đây là một ngôi chùa làng. Điều này, chúng tôi vẫn chưa thể giải thích được vì sao chùa lại được ban sắc tứ, trong khi đó ở Hội An một số ngôi chùa làng hình thành khá sớm như chùa Hải Tạng(6), chùa Viên Giác(7)… lại không được ban sắc tứ.
– Trải qua những biến động của lịch sử, các ngôi chùa vẫn bảo tồn được những nét cổ kính, đặc biệt là các hoành phi, liễn đối, chuông, bia… được các thế hệ tăng ni của các chùa quan tâm giữ gìn. Sự hiện diện của các ngôi chùa cùng với việc bảo tồn những bức hoành phi cung cấp nhiều thông tin có giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật góp phần nghiên cứu lịch sử – văn hóa Hội An, đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung dưới thời các chúa Nguyễn, triều Nguyễn.
– Các ngôi chùa này đã được đưa vào danh mục bảo tồn, lập hồ sơ khoa học. Trong đó, các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia; chùa Kim Bửu được xếp hạng di tích cấp tỉnh; chùa Long Tuyền được đưa vào danh mục bảo vệ của thành phố Hội An. Hiện nay, các ngôi chùa này là điểm tham quan lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Đô thị cổ Hội An.
– Chú thích
- Bài viết được sự hỗ trợ về tư liệu do Đại đức Thích Như Tịnh cung cấp.
- Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 279.
- Đại đức Thích Như Tịnh – Trụ trì chùa Viên Giác cho biết: căn cứ vào bản chép tay tờ khai của trụ trì Phổ Minh và Tri sự Hoằng Thọ vào ngày 29/1 năm Khải Định thứ 7 (1922) ghi, năm 25 tuổi thiền sư ra kiến tạo chùa Phước Lâm, tính năm sinh của thiền sư là năm Nhâm Thìn (1712) đến năm thiền sư 25 tuổi là năm Bính Thìn (1736), nên đại đức cho rằng chùa được xây dựng vào năm này.
- Trong tập “Long Thơ Tịnh Độ” khắc in năm 1746 hiện do đại đức Thích Như Tịnh lưu giữ cho biết thời bấy giờ chùa có tên là “Bửu Kim tự”. Vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941), dân làng hiến cúng ngôi chùa cho Hòa thượng Phổ Thoại – Trụ trì chùa Long Tuyền. Hòa thượng đã đứng ra đại trùng tu ngôi chùa và đổi tên thành “Kim Bửu tự”.
- Chùa Hải Tạng hiện tọa lạc tại thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Theo văn bia lập năm Tự Đức nguyên niên (1848), chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách ngôi chùa hiện nay khoảng 200m về hướng Đông Bắc. Về sau do bị bão làm hư hại, đồng thời để thuận tiện cho nhân dân đến sinh hoạt lễ bái nên vào năm Tự Đức năm 1848, ngôi chùa được chuyển dời đến xây dựng ở vị trí hiện nay và được bảo tồn gần như nguyên vẹn nét cổ kính xưa.
- Chùa Viên Giác hiện tọa lạc tại số 34 Hùng Vương, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII, do dân làng Cẩm Phô kiến tạo, đặt tên là Cẩm Lý Tự, tọa lạc tại thôn Xuyên Trung, xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau do chiến tranh tàn phá, vào năm Gia Long thứ 13 (1814) chùa mới được trùng tu lại. Điều này được khẳng định qua lạc khoảng được khắc trên quả chuông xưa của chùa với nội dung như sau: 嘉 隆 十 三 年 啟 次 甲 戌 孟 夏 月 吉 日 敬 立 (Gia Long thập tam niên tuế thứ Giáp Tuất mạnh hạ nguyệt cát nhật kính lập), lạc khoản: 灵 藐 族 東 派 仝 造 鍾 奉 供 錦 里 寺 (Linh miễu tộc đông phái đồng tạo chung phụng cúng Cẩm Lý tự). Do khu vực thôn Xuyên Trung bị sạt lở, vào năm 1841 dân làng quyết định dời chùa đến vị trí như hiện nay, chùa được đổi tên thành Viên Giác Tự. Hiện nay trên cây xà cò chùa còn ghi rõ: 紹 治 元 年 啟 次 辛 丑 仲 夏 月 吉 日 (Thiệu Trị nguyên niên tuế thứ Tân Sửu trọng hạ nguyệt cát nhật), lạc khoản: 錦 鋪 社 員 職 本 社 並 東 西 貳 派 仝 重 (Cẩm Phô xã viên chức bổn xã tịnh đông tây nhị phái đồng trùng tạo).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1 – Văn bia, Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam ấn hành.
- Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư Thiền Đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông.
- Tống Quốc Hưng (2013), “Những thông tin mới về chùa Kim Bửu” đăng trên website: hoianheritage.net.