A. DẪN NHẬP
Đạo Phật hình thành từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca, tại đất nước Ấn Độ. Sau đó đạo Phật được truyền bá theo hai miền Nam bắc Ấn, hướng miền Nam được gọi là Phật giáo Nam truyền, hướng miền Bắc được gọi là Phật giáo Bắc truyền. Hướng miền Nam được truyền qua các nước Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia…rồi vào miền nam Việt nam. Hướng miền Bắc được truyền qua các nước vùng Trung Đông, vào Trung Quốc, rồi đến miền bắc Việt Nam.
Tại đất nước Việt Nam là nơi giao điểm của hai hướng truyền bá Phật giáo nên hình thành các nền văn hóa đa dạng tại đất nước hình chữ S. Điều này đã tạo nên nhiều màu sắc khác nhau cho Phật giáo. Khi đất nước hòa bình, Phật giáo cần phải có một tổ chức thống nhất cho sự phát triển bền vững. Nên các vị cao Tăng thời kỳ này đã có sự nhận định chung, cụ thể:
Hòa thượng Thích Trí Thủ khẳng định: “Con đường đó dù có nhiều thuận lợi vì có cùng một điểm chung, đó là nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, một sự thống nhất thực sự với trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng cũng vấp phải một vài sự khó khăn. Song, việc thống nhất Phật giáo Việt Nam không chỉ là nguyện vọng của toàn thể Phật giáo đồ, mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam. Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng, Ni và tín đồ Phật tử cả nước”.
Sau Đại hội Phật giáo Toàn quốc năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 1 được hình thành gồm 6 ban: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng ni, Ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ và Ban Văn hóa. Trong đó, Ban nghi lễ do Thượng tọa Kim Cương Tử làm Trưởng ban.
Phật giáo Sông Bé kế thừa tinh thần của Đại hội Phật giáo Toàn quốc năm 1981, đã được Hòa thượng Thích Trí Tấn tổ chức Đại hội Phật giáo Sông Bé vào năm 1983. Nhiệm kỳ 1 gồm có 15 Ủy viên, trong đó Thượng tọa Thích Quảng Viên làm Ủy viên Nghi lễ. Tiếp theo, Hòa thượng Thích Thiện Duyên đảm nhiệm Ban Nghi lễ từ nhiệm kỳ thứ 2 đến thứ 6, kế đến là Thượng tọa Thích Minh Chí, từ nhiệm kỳ 6 cho đến nay.
Đặc thù nghi lễ Phật giáo nói chung và Nghi lễ Phật giáo Bình Dương nói riêng là một trong những hình thức phổ biến đưa giáo lý Phật giáo thông hình thức này vào dân gian, nhất là đối với tính đồ Phật giáo. Hình thức này rất dễ tiếp cận vì có giai điệu, tiết tấu trầm bổng, lại đáp ứng nhu cầu đời sống hằng ngày của mọi người dân.
B. NỘI DUNG
Phật giáo có đặc tính thích nghi đến từng vùng miền, từng địa phương. Cụ thể khi Phật giáo truyền vào Việt Nam theo hai hướng khác nhau, tùy theo vùng miền mà có sự hòa nhập khác nhau. Đất nước Việt Nam có ba miền Nam, Trung, Bắc. Do đó, nét văn hóa mỗi miền có sự khác nhau. Khi Phật giáo được truyền vào mỗi miền đều có sự thích nghi văn hóa vùng miền đó. Phật giáo Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, trong đó nghi lễ Phật giáo Bình Dương được hình thành chính quy vào năm 1983, sau Đại hội Phật giáo Sông Bé lần thứ 1. Trước đó là sự hòa nhập thích nghi nét văn hóa đặc thù miền Nam nói chung và Sông Bé nói riêng, hình thành nghi lễ Phật giáo Sông Bé.
Những ngôi chùa cổ đầu tiên và nổi tiếng truyền bá văn hóa Phật giáo và hình thành nên nghi lễ Phật giáo tại tỉnh Sông Bé như: Chùa Núi Châu Thới (Dĩ An), Chùa Hưng Long (Tân Uyên), Chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một)… Trải qua các đời tổ sư, nhất là các bậc thầy về nghi lễ đã trao chuốt, chỉnh sửa và hình thành tính đặc thù của nghi lễ Bình Dương.
Bên cạnh đó, Ban nghi lễ Phật giáo Bình Dương cũng tham dự các đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam với các chủ đề như: “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, vào năm 2008. “Phật giáo góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc” tổ chức tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình, vào năm 2014. “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, tổ chức tại Chùa Tam Chúc, Hà Nam, năm 2019.
Ngoài ra, Ban nghi lễ Phật giáo Bình Dương còn tham dự các hội thảo khoa học về các vấn đề xã hội, bên cạnh Đại hội Vesak, như: Hòa bình thế giới, đạo đức xã hội, gia đình văn minh, công bằng xã hội… Từ đó, tiếp thu và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong hình ảnh nghi lễ của Ban, giáo dục tín đồ sống đúng tinh thần lời Phật dạy, xây dựng hình ảnh Phật giáo Bình Dương ngày càng vững chắc trong lòng xã hội, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam, luôn đồng hành cùng với đất nước trên con đường tiến đến xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Ban nghi lễ Phật giáo Bình Dương luôn luôn cập nhật và cải thiện hình ảnh của chính mình, luôn tiếp thu những ý kiến đề hình ảnh Ban nghi lễ ngày càng tốt đẹp hơn trong mắt của mọi người. Mỗi thành viên luôn tự ý thức học hỏi, rèn luyện bản thân để nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm trên con đường hoằng pháp lợi sanh bằng con đường nghi lễ. Đó cũng là cách đền đáp xứng đáng đến các bậc thầy trong nghi lễ, và cũng là góp phần xây dựng Phật giáo Bình Dương theo nếp sống văn hóa văn minh trong xã hội ngày nay.
Riêng các thành viên trong Ban, phải có trách nhiệm với Giáo hội Phật giáo Bình Dương nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, sinh hoạt đúng tinh thần của Hiến chương Phật giáo qui định. Bên cạnh đó, mỗi thành viên sinh hoạt tại tự viện phải phù hợp với từng địa phương, góp phần vào an sinh xã hội tại địa phương. Sao cho mỗi tự viện là ngọn cờ đầu trong nếp sống văn hóa, văn minh, đúng tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng đúng tinh thần chân lý của đạo Phật.
Xã hội ngày nay, các loại hình công nghệ phát triển, Tăng ni chúng ta phần lớn có tham gia sử dụng, vì đó là ứng dụng phổ biến làm cho mọi người trao đổi thông tin cho nhau một cách nhanh chóng, hầu như mọi người trên thế giới này đều sử dụng. Cụ thể như ứng dụng Facebook, Zalo, YouTube, Instagram… Các thành viên nghi lễ cũng nên biết cách sử dụng và quản lý vì mỗi thành viên chúng ta không tách rời xã hội. Đây là công cụ hữu hiệu để cho hình ảnh Phật giáo lan truyền nhanh nhất đến với mọi người. Quan trọng là bằng năng lực của chính mình thì hình ảnh được lan truyền mới có giá trị, còn ngược lại chỉ là hệ lụy cho Phật giáo, là gánh nặng cho xã hội. Cho nên chúng ta cần ý thức học hỏi và đúc kết kinh nghiệm để truyền tải giá trị đạo Phật từ thế giới mạng cho đến đời sống hằng ngày luôn có giá trị cao nhất.
Trăn trở của các huynh đệ trong Ban là các tự viện ngày nay, nhất là Tăng ni trẻ chưa được sự dạy dỗ nghiêm túc về nghi lễ thiền môn mà các Tổ sư dầy công xây dựng. Nhất là nhịp điệu trong hai thời công phu, chính là nền tảng để học nâng cao các nghi thức thiền môn như: Cung tiến giác linh, Mông Sơn, Du Già… Do đó, rất mong sự chỉ đạo của Ban Trị sự tỉnh để có sự điều chỉnh kịp thời cho các Tăng ni trẻ sau này.
C. TỔNG KẾT
Ban nghi lễ là một trong những Ban được quy định rõ ràng trong Hiến chương tại Đại Hội Phật Giáo toàn quốc năm 1981. Các tỉnh thành đều căn cứ Hiến chương này mà thành lập các Ủy viên Nghi lễ các tỉnh thành, sau đó từ Ủy viên nghi lễ thành lập Ban nghi lễ của tỉnh thành.
Nay nhân ngày kỷ niệm 40 Phật giáo tỉnh Bình Dương, Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Dương cố gắng phát huy giá trị nghi lễ truyền thống mà các tổ sư dầy công xây dựng. Ngoài ra, Ban nghi lễ sẽ cố gắng học hỏi, cập nhật kịp thời để nghi lễ truyền thống luôn có giá trị trong xã hội ngày nay và góp phần xây dựng đời sống xã hội văn minh hiện đại.
Cuối cùng, Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Dương, trực thuộc Ban trị sự tỉnh Bình Dương, tuân thủ hoạt động đúng qui định của Hiến chương và Ban trị sự, đúng với tinh thần “đạo pháp, dân tộc, xã hội chủ nghĩa” đạt đến tinh thần xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.