Phật giáo Sông Bé – Bình Dương là một bộ phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là một thành tố quan trọng và tích cực của tỉnh Bình Dương. Trước sự lớn mạnh và uy tín ngày càng tăng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như sự phát triển mọi mặt của tỉnh Bình Dương, nhờ đó mà Phật giáo Bình Dương chuyển biến tích cực và đã gặt hái những thành tựu hết sức khả quan, ngày càng tạo sự tin tưởng của chính quyền tỉnh và của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội.
Trải dài 10 nhiệm kỳ qua 40 năm hình thành, ổn định và phát triển, những thành tựu Phật sự của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương qua mỗi nhiệm kỳ như được nâng cao hơn cả về chất lượng Phật sự cũng như số lượng công việc, trước hết là nhờ tinh thần đoàn kết hòa hợp nhất quán, tinh thần dấn thân năng nỗ tích cực nhiệt thành trong mọi hoạt động Phật sự của toàn thể chư tôn đức giáo phẩm trong Ban Trị sự qua các nhiệm kỳ và toàn thể Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà xuyên suốt 40 năm qua.
Nhìn lại một chặng đường 40 năm của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, chúng ta sẽ thấy qua mỗi nhiệm kỳ, lớp đi sau sẽ có thuận lợi nhiều hơn vì được kế thừa nền tảng vững chắc mà thế hệ trước để lại, nhất là diện mạo huy hoàng xán lạn của Phật giáo Bình Dương có được như ngày hôm nay phải nói là thừa hưởng rất nhiều từ các bậc tiền bối đã một đời tận tâm tận lực vì sự nghiệp phát triển ngôi nhà Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhân kỷ niệm Phật giáo Sông Bé – Bình Dương 40 năm một chặng đường, trước hết chúng ta cùng nhau thành kính tưởng nhớ và tôn vinh tinh thần vị tha vô ngã của chư tôn đức qua các nhiệm kỳ đã viên tịch như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, Hòa thượng Thích Thiện Tràng, Hòa thượng Thích Quảng Viên, Hòa thượng Thích Nguyên Thành, Hòa thượng Thích Thiện An, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Hòa thượng Thích Nhuận Thanh, Hòa thượng Thích Tịch Chiếu,… Ni trưởng Như Thái, Ni Trưởng Như Huy, Ni sư Chơn Định, Ni sư Diệu Nghĩa, Ni sư Thành Liên và Ni trưởng Tập Liên, Ni sư Tắc Vạn, Ni sư Tắc Nhẫn,… chư vị đã có những cống hiến lớn lao trong việc tạo nền móng ổn định cho Phật giáo tỉnh nhà, cũng như đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Phật giáo Bình Dương qua từng giai đoạn lịch sử…
Ôn lại hoạt động Phật sự của Ban Trị sự tỉnh trong 10 nhiệm kỳ qua, trong phần tổng kết này, chúng tôi ghi nhận tóm tắc một số điểm nhấn nổi bật mang tính lịch sử ở một số lĩnh vực để chúng ta dễ dàng hình dung hơn về chiều sâu cũng như toàn cảnh bức tranh Phật giáo Sông Bé – Bình Dương.
Như chúng ta đã biết, mục tiêu tối thượng của tu sĩ Phật giáo là chân trời giác ngộ giải thoát, kế đến là nhập thế độ sanh, chính vì vậy, một khi nói đến Phật sự then chốt của hàng ngũ xuất gia, thì không thể không nhắc đến hai công tác quan trọng, đó là việc thực hiện an cư kiết hạ và tổ chức các Đại giới đàn.
Trước hết, chúng tôi xin nói đến điểm xuất phát về hoạt động tổ chức an cư kiết hạ của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương được khởi động trong trong nhiệm kỳ II (1987 – 1991). Trong nhiệm kỳ này, từ năm 1983 đến năm 1990, Tăng Ni Sông Bé chỉ kiết giới an cư tại chỗ ở tự viện, mỗi tháng hai ngày về trụ sở Tỉnh hội (chùa Hội Khánh) để bố tát và nghe giảng, cho đến năm 1991, trước khi vào mùa an cư cấm túc, khi đó Đại đức Thích Huệ Thông đã tác bạch đề xuất với Hòa thượng Thích Trí Tấn là nên mở khóa an cư cấm túc trong mùa an cư kiết hạ năm này, do xét thấy hoàn cảnh kinh tế xã hội và đời sống Phật tử còn rất nhiều khó khăn, nên Hòa thượng do dự, ngài cho rằng mở trường hạ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy sẽ không thể thực hiện được, Tăng sĩ quy tập về thì lấy gạo đâu mà nấu, lấy thực phẩm ở đâu mà duy trì trường hạ, chẳng lẽ nhập hạ nửa chừng rồi giải tán sao? Lúc bấy giờ Đại đức Thích Huệ Thông quyết tâm với chủ trương này nên phát biểu với Hòa thượng Trưởng ban rằng: “Con chỉ sợ chư Tăng không lo tu tập chứ không sợ thiếu gạo nấu, nếu chư Tăng giữ gìn giới luật, chấp hành thanh quy trường hạ, tinh tấn tu hành trong ba tháng an cư, con nghĩ Hộ pháp long thần phù trợ thì sẽ không thiếu gạo ăn”. Thấy Đại đức Huệ Thông tâm huyết như vậy, nên Hòa thượng Trưởng Ban đã đồng ý cho mở trường hạ an cư cấm túc.
Từ sự nỗ lực của Tỉnh hội, sự chỉ đạo của Hòa thượng Trí Tấn, nên Ban Thường trực Tỉnh hội đã mở được khóa an cư kiết hạ lần đầu tiên của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương tại Tổ đình Hội Khánh, trong mùa an cư này chỉ có 18 vị Tăng tham gia nhập hạ cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh và chư Ni có 20 vị an cư cấm túc tại chùa Giác Nguyên. Điều rất đáng phấn khởi, đúng như Đại đức Thích Huệ Thông tiên liệu trước đó là sau mùa an cư cấm túc năm 1991, thì chùa Hội Khánh (bên Tăng) và chùa Giác Nguyên (bên Ni) đều dư gạo và thực phẩm, qua đó cho thấy tầm nhìn xa và niềm tin vào chánh pháp của Đại đức Huệ Thông lúc bấy giờ hoàn toàn có cơ sở. Như vậy, kể từ ngày thành lập Giáo hội, thì đây là mùa kiết hạ cấm túc đầu tiên của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương; nếu tính từ mùa an cư cấm túc lần đầu tiên vào năm 1991, tức nhiệm kỳ II (1987-1991), số lượng chư Tăng nhập hạ chỉ có 18 vị Tăng, thì đến nhiệm kỳ X (2022-2027), tổng số thành viên cả Tăng lẫn Ni tham gia an cư kiết hạ cấm túc hằng năm đã lên đến con số trên 300 vị. Mặt khác tính từ mùa an cư cấm túc năm 1991 đến mùa an cư cấm túc năm 2022, Phật giáo Bình Dương đã trải qua 31 mùa an cư cấm túc đúng với truyền thống an cư của Phật giáo Bắc Tông và trở thành truyền thống sinh hoạt tu hành hằng năm của chư Tăng Ni Phật giáo Bình Dương. Như vậy lịch sử hình thành truyền thống cấm túc an cư của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương là xuất phát từ ý tưởng tâm huyết của Đại đức Huệ Thông, bên cạnh đó là sự đồng thuận của Thường trực Ban và sự chỉ đạo sâu sát của Hòa thượng Trưởng ban Thích Trí Tấn… Nhìn lại lịch trình từng bước phát triển trong sinh hoạt tu học của chư Tăng Ni ở Sông Bé – Bình Dương, từ việc tổ chức điều hành giám sát trong các khóa an cư cấm túc tại Tổ đình chùa Hội Khánh đến công tác tổ chức các Đại giới đàn từ năm 1991 trở đi cho đến nay chủ yếu đều do Hòa thượng Thích Huệ Thông đảm nhận gánh vác theo sự chỉ đạo của HT. Thích Trí Tấn và HT. Thích Minh Thiện.
Kế đến là nói về mục tiêu tối thượng thứ hai, đó là việc tổ chức các Đại giới đàn, trong suốt 10 nhiệm kỳ qua, từ Giới đàn lần thứ nhất do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tấn, Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội làm đàn đầu, được tổ chức vào ngày 23 tháng 08 năm 1988 tại Tổ đình chùa Hội Khánh, đến gần đây là Đại giới đàn Thiện An do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương làm Trưởng ban, tổ chức vào ngày 26 tháng 06 năm 2022 (tức ngày 27 tháng 05 năm Nhâm Dần) tại Tổ đình chùa Hội Khánh – Văn phòng Ban Trị sự tỉnh, thì Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã tổ chức thành công viên mãn tổng cộng 11 Đại giới đàn, đã truyền giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, Thứ xoa Ma na, Sa di, Sa di ni, cho khoảng 5.500 giới tử, riêng Bồ tát giới truyền trao cho hơn 5000 giới tử.
Đáng nói là từ Đại giới đàn Minh Tịnh lần thứ 8 tại Tổ đình Hội Khánh vào ngày 29- 31 tháng 03 năm 2013 trở đi, tức là các đại giới đàn từ Nhiệm kỳ VIII (2012-2017) đến nay truyền giới cho hàng ngàn giới tử thọ cụ túc giới, đều do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương làm Trưởng ban tổ chức, điều này cũng cho thấy, việc kế thừa sự nghiệp truyền đăng tục diệm của Phật giáo tỉnh nhà đã được Hòa thượng Thích Huệ Thông kế thừa phát huy từ Giới đàn đầu tiên 1988 mà hoà thượng đã tham gia làm Dẫn thỉnh sư.
Về lĩnh vực Giáo dục, ấn tượng nhất là việc Trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé được khởi công xây dựng vào ngày 27 tháng 04 năm 1995 được đặt trong khuôn viên chùa Hội Khánh và chánh thức khai giảng vào ngày 23 tháng 09 năm 1995 do Thượng tọa Thích Minh Thiện làm Hiệu trưởng và Thượng tọa Huệ Thông làm Phó Hiệu trưởng Học vụ. Đến năm 2011 Hoà thượng Thích Minh Thiện viên tịch, Thượng toạ Thích Huệ Thông đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh, đến năm 2016 do Thượng toạ Thích Chơn Phát làm Hiệu trưởng. Khóa học đầu tiên có tổng số Tăng Ni sinh theo học là 154 vị, trong đó Tăng sinh có 57 vị và Ni sinh có 97 vị… Về sau, Ban Tôn giáo của Chính phủ ra Quyết định số 14/QĐ-TGCP ký ngày 29 tháng 02 năm 2000 về việc cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đổi tên Trường Cơ bản Phật học thành Trường Trung cấp Phật học các Tỉnh, Thành phố trong cả nước, theo đó Trường Cơ bản Phật học Bình Dương được đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học Bình Dương, nhưng cho đến ngày 03 tháng 07 năm 2010 thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội mới có công văn số 233/CV-HĐTS, do Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương ký chính thức xác nhận danh xưng Trường Trung cấp Phật học Bình Dương để Ban Trị sự tiếp tục khai giảng khoá II, sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động, đến khi Hoà thượng Thích Huệ Thông đã xây dựng hoàn thành trung tâm Văn hoá Phật Nhập Niết-bàn để làm cơ sở cho trường. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương đến nay đã trải qua 06 khoá đào tạo trên 700 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp. các Tăng Ni sinh tốt nghiệp từ Trường TCPH Bình Dương có nhiều vị đến nay đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, nhiều vị đã có đóng góp vào công tác Phật sự ở các ngành các cấp giáo hội.
Điểm nổi bật hoạt động Phật sự trong lĩnh vực văn hóa trong 10 nhiệm kỳ qua, có thể nói rằng, việc tổ chức thành công các sự kiện văn hóa Phật giáo đều rất ấn tượng, nhưng nổi bật hơn cả đó là việc Ban Trị sự Tỉnh hội đăng cai cùng phối hợp với Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức thành công Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 tại Bình Dương từ ngày 09 đến ngày 13 tháng 3 năm 2011 với chủ đề: “Phật giáo đồng hành cùng Dân tộc”, đây là Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 quy mô và hoành tráng nhất trong cả nước từ trước đến nay… Và một sự kiện văn hóa nổi bật nữa, đó là vào ngày 01 tháng 05 năm 2014, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2014 tại chùa Hội An thành phố mới Bình Dương với sự có mặt hơn 30.000 Tăng Ni và Phật tử từ các nơi tề tựu về tham dự. Ban Văn hoá Phật giáo tỉnh cho ra đời Tập văn Hương Sen vào năm 2008 do TT. Thích Huệ Thông làm Tổng Biên tập, sau này đến nhiệm kỳ VIII (2012 – 2017) giao lại cho Đại đức Thích Bửu Minh chịu trách nhiệm, tập văn này xuất bản mỗi tháng 01 kỳ, với số lượng 1.200 cuốn, ngoài ra vào các ngày lễ lớn đặc biệt là báo Xuân xuất bản 2.500 cuốn mỗi kỳ. Tập văn này ra đời là món ăn tinh thần cung cấp những tư tưởng giáo lý và tin tức Phật sự của tỉnh nhà đến đông đảo Tăng Ni và Phật tử. Bên cạnh đó, việc Hòa thượng Thích Huệ Thông biên soạn 15 đầu sách đã được xuất bản và gần 200 bài tham luận đến thời điểm này, các bài tham luận đã được đăng vào các kỷ yếu của các Hội thảo khoa học, nội dung bao gồm các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghi lễ, giáo dục, Phật pháp và các chủ đề hội thảo thuộc các lĩnh vực xã hội từ trước đến nay như đã nêu cụ thể ở phần hoạt động Phật sự trong các nhiệm kỳ, điều này cũng đã nói lên thế mạnh nguồn tri thức của cá nhân Hòa thượng nói riêng và Phật giáo tỉnh Bình Dương nói chung.
Bên cạnh đó Hòa thượng Thích Huệ Thông cũng đã có nhiều chuyến công tác Phật sự và thuyết giảng giáo lý cho cộng đồng Phật tử ở hải ngoại như: Vào năm 2004 Hòa thượng Thích Huệ Thông đi thuyết pháp tại Úc; trong các năm 2005 – 2012 – 2019 Hòa thượng đã đi Mỹ gieo duyên và hoằng pháp, riêng trong năm 2015, Hòa thượng cùng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu làm Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ IV tại Thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, khai mạc vào ngày 24/10/1015, tại Diễn đàn này, Hòa thượng Thích Huệ Thông có bài tham luận “Khế lý – khế cơ trong tinh thần Phật giáo”. Vào năm 2018, Hòa thượng đi công tác Phật sự tại các nước Hungary, Cộng Hoà Séc, Ba Lan, Anh. Đáng nói là trong các năm 2015, 2017, 2018, Hòa thượng Huệ Thông đều được Trung ương Giáo hội cắt cử vào đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia Đại lễ Phật đản Vesak tại Trường Đại học Phật giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU, Wang Noi, Ayutthaya) Thái Lan. Đặc biệt, để chuẩn bị đăng cai đại lễ Vesak tại Việt Nam năm 2019, Hòa thượng Thích Huệ Thông được Trung ương Giáo hội cử tham gia đoàn Phật giáo Việt Nam làm việc nhiều lần với Ủy ban Quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (ICDV) tại Thái Lan. Ngoài ra, Hòa thượng còn đi công tác Phật sự và chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, Nepal, Myanma, SyLanka, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Trong phần tổng kết này, nếu nói đến mặt nổi bật của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương thì còn rất nhiều điều để liệt kê, nhưng do khuôn khổ giới hạn và tránh sự trùng lặp không cần thiết, nên ở đây chúng tôi chỉ nói thêm vài điều quan trọng trong công tác hành chánh của Phật giáo tỉnh nhà, mà chúng tôi cho rằng không thể thiếu sót trong phần tổng kết này.
Trước hết, việc Ban Trị sự Tỉnh hội đệ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành chức năng có liên quan xin được khắc dấu tròn cho 07 Ban Đại diện và 170 các cơ sở tự viện và cuối năm 2009, thì 07 Ban Đại diện và 170 cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đều chính thức sử dụng khuôn dấu tròn theo đúng tinh thần Thông bạch của Trung ương Giáo hội, tính đến cuối nhiệm kỳ 2012-2017, thì Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự 09 huyện thị, thành thuộc tỉnh và 196 cơ sở tự viện đều sở hữu khuôn con dấu ổn định và đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Kể từ thời điểm này trở về các nhiệm kỳ sau, việc được duyệt cấp khắc dấu tròn cho 12 Ban thuộc các lĩnh vực, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện thị và cơ sở tự viện sau khi được hợp thức hóa đã tiến triển hoàn thành đều khắp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, việc Ban Trị sự tỉnh lập hồ sơ xin cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương xét duyệt, điều này tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc lập thủ tục xin xây dựng tại các cơ sở tự viện, tính đến nay toàn tỉnh các cơ sở tự viện của Phật giáo Bình Dương đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ 100% trên toàn tỉnh; những kết quả này, có thể nói đây là một dấu ấn về công tác hành chánh trong sự nghiệp phát triển mang tính toàn diện của Phật giáo tỉnh nhà trong 40 năm qua.
Dấu ấn về nhân sự trên chặng đường 40 năm của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đó là sự thăng tiến vượt bật của Hòa thượng Thích Huệ Thông trên con đường gánh vác sứ mạng Tăng sai, nếu trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hòa thượng Thích Huệ Thông được Đại hội Toàn quốc suy cử vào Uỷ viên Thường trực HĐTS, đến giữa nhiệm kỳ 2012 – 2017, được suy cử vào Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng II TUGH, và nhiệm kỳ 2017 – 2022 được suy cử làm Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, thì đến nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng Thích Huệ Thông lại được Đại hội Toàn quốc suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiên Trưởng ban Pháp chế Trung ương, phải nói sự thăng tiến vượt bật này đích thực là một vinh dự rất lớn cho Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành Phật sự tại tỉnh nhà hanh thông với chủ trương và đường lối của Giáo hội… Ngoài ra, việc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh luôn xu hướng trẻ hóa nguồn nhân sự kế thừa có năng lực và phẩm hạng tốt nhằm nâng cao chất lượng và tiến độ công tác Phật sự cũng là những điểm nhấn quan trọng trên chặng đường phát triển của Phật giáo Bình Dương.
Ngoài ra việc Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội ban hành quyết định nâng tầm Ban đại diện Phật giáo cấp quận, huyện, thị lên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện thị được xem là một trong những yếu tố rất quan trọng để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp huyện thị phát huy tối đa khả năng và vai trò của mình trong việc điều hành, quản lý Tăng Ni tự viện và các nhiệm vụ trọng yếu khác Trung ương Giáo hội giao phó và đây cũng là dấu ấn trong sự nghiệp phát triển Phật giáo Sông Bé – Bình Dương trong chặng đường 40 năm hình thành và phát triển.
Việc thành lập Phân ban Ni giới tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho Ni giới góp phần vào sự ổn định, phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, kể từ khi thành lập Phân ban Ni giới tỉnh Bình Dương vào năm 2011 do Ni trưởng Thích nữ Như Huy làm Trưởng Phân ban, sau khi Ni trưởng Như Huy viên tịch vào năm 2019, Ban Trị sự có quyết định cử Ni trưởng Thích nữ Pháp Như làm Trưởng Phân ban. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 78 cơ sở tự viện ni và 387 chư ni.
Công tác từ thiện xã hội là một trong những điểm nổi bật của Phật giáo Bình Dương trong 10 nhiệm kỳ qua…. Từ nhiệm kỳ đầu do Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa phụ trách, đến Ni trưởng Pháp Như và hiện nay do Ni sư Thích nữ An Liên làm Trưởng ban. Công tác từ thiện của Phật giáo Bình Dương được tham gia trong nhiều lãnh vực, nhiều chuyến công tác từ thiện trong và ngoài tỉnh và các nước Lào, Campuchia… với tổng số tiền hàng chục tỷ cho mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, với sự tham gia của toàn hệ thống Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, con số từ thiện lên đến trên 350 tỷ đồng.
Ôn lại 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, tính từ ngày thành lập đến nay Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã trải qua 10 nhiệm kỳ, nhìn vào hoạt động Phật sự qua mỗi nhiệm kỳ sẽ thấy sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Phật giáo Bình Dương. Trong quá trình kể từ ngày thành lập đến nay, đã trải qua 10 nhiệm kỳ với 03 lần thay đổi lãnh đạo Ban Trị sự, ở đây chúng ta có thể nói là ba giai đoạn lịch sử lãnh đạo điều hành của Ban Trị sự tỉnh, nay lược ba giai đoạn như sau.
– Giai đoạn thứ nhất: Trong giai đoạn đầu từ nhiệm kỳ I (1983-1987) đến nhiệm kỳ IV (1994-1997), Hòa thượng Thích Trí Tấn làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội, ngài đã góp phần to lớn trong việc hình thành cơ cấu nhân sự tạo thế ổn định cho sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử trong tỉnh, có thể nói đây là nền tảng rất cơ bản và vô cùng quý giá để thế hệ kế thừa tiếp tục phát huy, đóng góp cho sự xương minh của Phật giáo tỉnh nhà. Trong giai đoạn đầu này, Thượng tọa Thích Minh Thiện và Thượng tọa Thích Huệ Thông được xem là những hạt nhân kế thừa nòng cốt, trong đó Thượng tọa Thích Minh Thiện tham gia Ban Trị sự ngay từ nhiệm kỳ đầu đã bộc lộ khả năng tổ chức từ thiện xã hội. Về Thượng tọa Thích Huệ Thông, dù chỉ tham gia Ban Đại Diện Phật giáo huyện Tân Uyên vào năm 1985 trong nhiệm kỳ I của Tỉnh hội và làm Phó Thư ký đầu nhiệm kỳ II của Tỉnh hội, nhưng Thượng tọa đã sớm thể hiện năng lực tổ chức và điều hành các Phật sự quan trọng như tổ chức giới đàn, an cư kiết hạ… Đến giữa nhiệm kỳ IV, vào ngày 13 tháng 12 năm Giáp Tuất (1995) Hòa thượng Thích Trí Tấn viên tịch, kế tục lãnh đạo và điều hành Tỉnh hội lúc này có Thượng tọa Thích Minh Thiện quyền Trưởng Ban và Thượng tọa Thích Huệ Thông vẫn tiếp tục vai trò Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký.
– Giai đoạn thứ hai, Hòa thượng Thích Minh Thiện làm Trưởng Ban Trị sự từ giữa nhiệm kỳ IV (1994-1997) đến tháng 10 năm 2011 tức gần cuối nhiệm kỳ VII (2007 – 2012) thì Hòa thượng Thích Minh Thiện viên tịch. Trong giai đoạn này, Thượng tọa Thích Minh Thiện có được sự thuận lợi lớn, thứ nhất là được kế thừa nền tảng rất căn bản từ các nhiệm kỳ trước mà bậc tiền nhiệm Hòa thượng Thích Trí Tấn dày công để lại; lợi thế thứ hai là bên cạnh Thượng tọa Thích Minh Thiện có một đội ngũ cộng sự có năng lực, nhiệt tình tham gia mọi hoạt động Phật sự như Thích Huệ Thông, Thượng tọa Thích Minh Thuấn, Thượng tọa Thích Minh Nghĩa, Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa. Trong đó phải kể đến vai trò rất quan trọng của Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa và Thượng tọa Thích Huệ Thông đã cùng với Thường trực Ban Trị sự lãnh đạo điều hành các Phật sự quan trọng diễn ra trong suốt thời kỳ này… Ngẫm lại trải qua 4 nhiệm kỳ, từ giữa nhiệm kỳ IV (1994 – 1997) đến tháng 10 nhiệm kỳ VII (2007-2012), quá trình 16 năm trong vai trò Trưởng Ban Trị sự, Hòa thượng Thích Minh Thiện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao phó, có thể nói hoạt động từ thiện xã hội là mặt mạnh mà Hòa thượng Thích Minh Thiện đã thể hiện trong suốt các nhiệm kỳ mà Hòa thượng làm Trưởng Ban.
– Giai đoạn thứ ba: Từ giữa nhiệm kỳ VII (2007 – 2012) đến nhiệm kỳ VIII (2012 – 2017) do Thượng tọa Thích Huệ Thông làm Quyền Trưởng ban sau khi Hòa thượng Thích Minh Thiện viên tịch và sau đó được Đại hội suy cử làm Trưởng Ban Trị sự tỉnh. Đây là giai đoạn Phật giáo Bình Dương phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước, đã làm tăng thêm ảnh hưởng của Phật giáo Bình Dương đối với Giáo hội Trung ương và chính quyền địa phương một cách rõ ràng. Có được điều này chính là nhờ vào nền tảng vốn có sẵn từ các vị Trưởng ban tiền nhiệm để lại và cũng là nhờ vào sự đồng tâm hiệp lực của chư tôn đức trong Ban Thường trực Tỉnh hội. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận, đó chính là nhờ năng lực và tâm huyết của Hòa thượng Thích Huệ Thông trong vai trò Trưởng Ban Trị sự đã tận tâm tận lực phục vụ Giáo hội, hoàn thành xuất sắc sứ mạng Tăng sai, có thể nói đây là giai đoạn mà cá nhân Hòa thượng Thích Huệ Thông có điều kiện bộc lộ hết tài năng và tâm huyết cống hiến vào sự nghiệp xương minh Phật giáo tỉnh nhà, và điều này đã được Hội đồng Trị sự ghi nhận và tín nhiệm rất cao, thể hiện bằng sự bổ nhiệm Hòa thượng vào các vị trí then chốt của Trung ương Giáo hội trong thời gian sau này… Nhìn lại 10 nhiệm kỳ trải dài qua 40 năm, chúng ta nhận thấy đều có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Huệ Thông với nhiều vị trí khác nhau trong Tỉnh hội, dù trong vai trò khiêm tốn bước đầu chỉ là Thư ký Ban Đại diện Phật giáo Tân Uyên (năm 1985) và sau đó là Phó Thư ký Thường Trực kiêm Hướng dẫn Gia đình Phật tử Tỉnh hội trong nhiệm kỳ II, đến Quyền Trưởng Ban rồi Trưởng Ban Trị Sự trong nhiệm kỳ VII đến nay, và nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế trung ương, dẫu trên cương vị nào Hòa thượng cũng đều thể hiện tinh thần khiêm cung hòa nhập, nhất là luôn hết lòng phục vụ Giáo hội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tăng sai.
Có thể khẳng định thành tựu 40 năm của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương ngoài sự đồng tâm hiệp lực, tinh tấn tu tập của tăng ni và sự đồng thuận của tín đồ Phật giáo, còn có sự chỉ đạo sâu sắc của chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp tỉnh Sông Bé – Bình Dương. Có thể nói đây là sự lãnh đạo nhuần nhiễn, biết kết hợp, biết hài hòa, biết vận dụng tinh thần khế lý – khế cơ mà các vị lãnh đạo Phật giáo Sông Bé – Bình Dương qua các thời kỳ đã thể hiện rõ nét để có được những thành tựu rực rỡ như hôm nay, đây là bài học quan trọng cho thế hệ kế thừa tiếp tục phát huy những gì mà các bậc tiền bối đã để lại.
Tóm lại, xuyên suốt chặng đường 40 năm hình thành ổn định và phát triển của Phật giáo Sông Bé – Bình Dương, một lần nữa chúng ta cần phải ghi nhận và trân trọng tinh thần đoàn kết hòa hợp, tính kỷ cương và trách nhiệm cao trong công tác Phật sự, cũng như năng lực sáng tạo và nhiệt huyết dấn thân của chư tôn đức giáo phẩm trong Ban Trị sự tỉnh và của Tăng Ni Phật tử tại tỉnh nhà, bởi vì đây chính là nền tảng và động cơ giúp cho Phật giáo Bình Dương trở nên huy hoàng xán lạn như thời đại ngày nay.
– Người viết xin được cảm ơn sự cộng tác của Đại đức Thích Huệ Nghiêm và bộ phận Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương.
– Chân thành cảm ơn Thượng tọa Thích Tắc An, Uỷ viên BTS Phật giáo tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Dầu Tiếng đã ủng hộ phần kinh phí để in ấn quyển sách này.