Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Bình Định (ĐĐ. Thích Nhật Tấn)

DẪN NHẬP
Trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được xem là dòng thiền tiên phong trong công cuộc dân tộc hóa Phật giáo đầu thế kỷ XIV. Tuy vậy, Phật giáo Việt Nam trải qua hơn 400 năm, mới có được cơ duyên này lần nữa với sự ra đời của dòng thiền Thiệt Diệu Liễu Quán (thiền phái Thuyền Tôn) vào đầu thế kỷ XVIII. Sự ra đời của thiền Liễu Quán chấm dứt “đêm dài”chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa.

Bình Định là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, một vùng đất địa linh nhân kiệt có truyền thống văn hóa lâu đời.

Có thể nói, từ lúc hình thành đến nay, thiền phái Liễu Quán là một trong các dòng thiền thành công nhất, với phạm vi ảnh hưởng và truyền thừa sâu rộng khắp các tỉnh thành ở trong nước cũng như hải ngoại. Ngoài Huế và Phú Yên, nơi được xem như chiếc nôi của dòng thiền Liễu Quán, Bình Định cũng là một trong số ít tỉnh thành, mà ở đó thiền phái Liễu Quán phát triển không kém gì hai trung tâm trên.

Nghiên cứu về thiền phái Liễu Quán tại Bình Định, trước đây cũng đã có học giả Nguyễn Thanh Hải và Võ Vinh Quý lưu tâm nghiên cứu qua bài viết: “Truyền thừa và phát triển kệ phái Liễu Quán tại Bình Định” in trong Kỷ yếu hội thảo Phật giáo và Văn học Bình Định (2018). Nội dung bài viết đề cập đến sự truyền thừa của Thiền Phái Liễu Quán tại Bình Định nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi truyền thừa tại tổ đình Long Khánh (Quy Nhơn). Tiếp nối tinh thần của hai tác giả, cùng với mong muốn phát triển đề tài này trên quy mô toàn tỉnh, người viết mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Phổ hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Bình Định”.

TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO BÌNH ĐỊNH
Bình Định là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, một vùng đất địa linh nhân kiệt có truyền thống văn hóa lâu đời. Trước khi sáp nhập vào lãnh thổ nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Nguyên xưa đời nhà Tần là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, đời nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, đời nhà Tùy (605) có tên là quận Lâm Ấp, đời nhà Đường (627) đổi tên thành Châu Lâm. Đến cuối năm Trinh Nguyên (785-803) đời Đường thì chính thức trở thành thành Đồ Bàn, Thị Nại của đất Chiêm Thành” [1].

Chánh pháp nhãn tạng chùa Tịnh Lâm.
(Ảnh: tác giả)

Năm Tân Hợi Hồng Đức thứ nhất (1471), Lê Thánh Tông lấy hai thành ấy và chia thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn trực thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Năm Nhâm Dần (1602), chúa Nguyễn Hoàng đổi tên thành phủ Quy Nhơn. Năm Tân Mão (1651), chúa Nguyễn Phúc Tần đổi tên thành phủ Quy Ninh. Năm Nhâm Tuất (1742), chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi về tên cũ là Quy Nhơn. Năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đổi tên thành dinh Bình Định, đến năm Mậu Thìn (1808) đổi thành trấn Bình Định.

Năm Ất Dậu (1885), Pháp đổi tên thành tỉnh Bình Định, cắt thêm hai vùng đất Gia Lai và Kon Tum vào địa phận. Năm Kỷ Hợi (1899) và năm Quý Sửu (1913), Pháp nhập Phú Yên vào Bình Định đổi tên thành tỉnh Bình Phú. Năm Canh Dần (1890), Phú Yên tách khỏi Bình Phú. Năm Bính Thìn (1976), Bình Định nhập Quảng Ngãi thành Nghĩa Bình, đến năm Kỷ Tỵ (1989), tách khỏi Nghĩa Bình và mang tên tỉnh Bình Định cho đến ngày nay.

Phật giáo du nhập vào vùng Bình Định xưa từ khi mảnh đất này còn chưa sáp nhập vào Đại Việt. Cụ thể, khi còn là lãnh thổ của các tiền quốc, thế kỷ thứ III TCN, Phật giáo Ấn Độ từ Hoa Thị Thành (Pataliputra) truyền vào vùng Đông Nam Á lục địa (Suvarnabhumi) qua phái đoàn truyền giáo của vua Asoka. Phật giáo Trung Hoa truyền vào vùng đất Bình Định (khi còn là đất Chiêm Thành) gần nhất được biết đến là thiền sư Thảo Đường (có tài liệu ghi Thảo Điền), thế hệ thứ 5 thiền phái Vân Môn [2].

Giai đoạn trì vì của chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), giáo sĩ thừa sai Borri [3] trong cuốn sách Xứ Đàng Trong, có ghi lại hình ảnh chư tăng xuất hiện trong đám tang quan tuần phủ Quy Nhơn: “khi những người quan trọng mất đi, dân chúng có tục lệ mời các onsaij, hay các nhà sư trong vùng đến,…” [4].

Trước khi tổ sư Siêu Bạch Nguyên Thiều mang dòng Lâm Tế Vạn Phong Thời Úy “chóng gậy” tại đất Quy Ninh năm Định Tỵ (1677) đời chúa Nguyễn Phúc Tần, đã có dấu ấn hoằng hóa của chư tổ sư dòng thiền Lâm Tế Trí Bản Đột Không như thiền sư Tánh Đề Đạo Nguyên tổ đình Quang Hoa (Tuy Phước), về sau thay Hoà thượng Nguyên Thiều trú trì tổ đình Thập Tháp. Tuy đặt chân hoằng hóa sau dòng Trí Bản nhưng nhánh Vạn Phong đã rất nhanh chóng đặt nền ảnh hưởng đến Phật giáo trên mảnh đất này. Từ tổ đình Thập Tháp, mạch pháp Vạn Phong không ngừng len lỏi trong nhân gian, nhiều ngôi tổ đình đã được dựng nên bởi các chư vị tổ sư xuất thân từ Thập Tháp, như tổ sư Minh Lượng Nguyệt Ân khai sơn chùa Phổ Bảo, tổ sư Tế Trí trú trì chùa Thiên Đức (Tuy Phước), tổ sư Liễu Hướng khai sơn chùa Thanh Quang (thôn Phò An, Xã Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) năm Mậu Thân (1788), Hoà thượng Ngộ Tâm khai sơn chùa Trúc Lâm (thôn Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) năm Tân Mùi (1871), Hoà thượng Chơn Luận Phước Huệ khai sơn chùa Phước Long (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) năm Đinh Dậu (1957)…

Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh truyền vào Bình Định muộn nhưng lại là nhánh truyền thừa mạnh nhất [5] của thiền phái Lâm Tế. Theo thượng tọa Như Tịnh, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định được truyền thừa và phát triển bởi pháp hệ của thiền sư Pháp Kiêm Luật Oai Minh Giác từ tổ đình Phước Lâm (Quảng Nam) truyền vào và pháp hệ của thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm từ tổ đình Từ Quang (Phú Yên) truyền ngược ra [6]. Nhánh thiền sư Pháp Kiêm truyền vào Bình Định qua thiền sư Toàn Định Vi Quang Bảo Tạng tại tổ đình Thắng Quang (Tam Quang) và Toàn Ý Vi Tri Phổ Huệ khai sơn chùa Phổ Bảo (Tuy Phước). Nhánh của thiền sư Pháp Chuyên truyền vào qua thiền sư Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên (1765-1844) khai sơn tổ đình Long Tường và thiền sư Toàn Tín Đức thành khai sơn tổ đình Khánh Lâm và tổ đình Thanh Long.

Thiền phái Liễu Quán là nhánh thiền Lâm Tế truyền muộn nhất vào Bình Định. Căn cứ theo Chánh pháp nhãn tạng lưu tại tổ đình Tịnh Lâm (Phù Cát), biết được thiền sư Tế Lập Ứng Am là đệ tử tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, khai sơn tổ đình Giác Nguyên, nhánh truyền này phát triển mạnh tại vùng Quy Nhơn,Tuy Phước, Phù Cát qua một số tổ đình như Tịnh Lâm, Long Khánh, Long Đa, Thiên Đức, Thiên Trúc, Tâm Ấn…

CỔ TỰ CHÂU LONG VÀ THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN TẠI BÌNH ĐỊNH
Thiền phái Liễu Quán truyền vào Bình Định tuy muộn hơn một số thiền phái khác của dòng Lâm Tế nhưng cũng nhanh chóng trở thành một trong ba nhánh truyền thừa lớn tại mảnh đất này. Năm Canh Thân (1740) [7], thiền sư Tế Lập [8] nối đời thứ 2 pháp kệ Liễu Quán, khai sơn chùa Giác Nguyên (An Nhơn), là vị đạo sư trác tích đầu tiên, đưa dòng thiền Liễu Quán truyền vào Bình Định.

Tổ đình Tịnh Lâm – (Ảnh: tác giả)

Hành trạng của thiền sư Tế Lập đến nay vẫn chưa tìm được nhiều thông tin cụ thể. Qua long vị và bia tháp [9] biết được, ngài húy Tế Lập, hiệu Ứng Am, thụy Minh Ngộ, khai sơn chùa thiền Giác Nguyên, chứng minh khai sơn chùa Châu Long (tiền thân chùa Tịnh Lâm) [10], tịch ngày 20/11, năm chưa rõ. Thiền sư Tế Lập không rõ bao nhiêu đệ tử, chỉ biết thiền sư Đại Ngộ khai sơn chùa Châu Long (thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) là đệ tử duy nhất truyền thừa pháp mạch của ngài tại Bình Định cho đến ngày nay.

Thiền sư Đại Ngộ, tự Chân Tâm thụy Minh Tánh [11], nối đời thứ 3 pháp kệ Liễu Quán, xuất gia từ nhỏ với tổ Ứng Am tại tổ đình Giác Nguyên. Để đền đáp ân đức của quê hương, năm Minh Mệnh thứ 9, Mậu Tý (1828), Thiền sư từ thảo am nhỏ của hai vị Thiền sư Tiên Biện và Tiên Đạt [12] đã kiến thiết một ngôi chùa lấy hiệu Châu Long [13]. Ngài có nhiều vị đệ tử, trong đó có hai vị xuất chúng là Hoà thượng Đạo Thụy Đức Lâm và Hoà thượng Đạo Tín Quang Huy trú trì chùa Thiên Thai ngoại (Huế).

Sau khi bổn sư quy tịch, Hoà thượng Đạo Thụy, nối pháp đời thứ 4 pháp kệ Liễu Quán, kế thế trú trì. Đương thời, khi bổn sư còn tại thế, là huynh trưởng, ngài phụ giúp thầy mình mở trường dạy kinh luật. Sau khi bổn sư về Tây, Hoà thượng tiếp tục hạnh nguyện ấy. Cũng nhờ vậy, tiếng lành bác học đa văn đồn xa, người mến đạo khắp nơi về tu học và trở thành môn nhân của Châu Long. Đương thời, ngài có rẩt nhiều đệ tử, xuất chúng nhất phải kể đến Hoà thượng Tánh Huệ Long Khánh về sau trú trì tổ đình Châu Long, Hoà thượng Tánh Thông Thiên Đạt khai sơn Chùa Bảo Phong (thôn Phương Thái, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), Hoà thượng Tánh Thành Thiên Ân [14] khai sơn Chùa Tịnh Quang (thôn Long Hậu, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát). Và còn nhiều vị danh đức trụ trì các chùa khác trong tỉnh. Hoà thượng Đạo Thụy tịch ngày 6 tháng 10 nhưng chưa rõ năm [15], đồ chúng dựng tháp ngài trong vườn chùa bên phải tháp tổ khai sơn.

Sau khi sư huynh viên tịch, pháp tôn còn nhỏ, pháp đệ Đạo Tín từ chùa Thiên Thai (ngoại) kinh đô Phú Xuân [16] về thay pháp huynh trú trì đời thứ 3 tổ đình Châu Long. Hoà thượng Đạo Tín tự Quang Huy thụy Minh Đức [17], nối đời thứ 4 pháp kệ Liễu Quán, viên tịch ngày 19 tháng Giêng, không rõ năm [18]. Môn đồ dựng tháp ngài phía trước bên phải chùa. Trưởng tử của pháp huynh là Tánh Huệ Long Khánh thay ngài kế thế trú trì.

Từ khi Hoà thượng Đạo Tín trú trì tổ đình Châu Long, nhánh thiền Liễu Quán bắt đầu phát triển khắp các huyện, xã trong toàn tỉnh qua hai nhánh truyền chính. Một là nhánh đệ tử ngài, Hoà thượng Tánh Tông Thiên Khánh trú trì chùa Long Khánh (Quy Nhơn) phát triển khu vực phía Nam qua các tổ đình Long Khánh, Long Đa, Long Thạnh, Thiên Đức, Tăng Quang,… Hai là nhánh Hoà thượng Tánh trí Thiên Hương, Hoà thượng Tánh Huệ Long Khánh trú trì chùa Châu Long (Phù Cát) phát triển khu vực phái Bắc qua các tổ đình: Tịnh Lâm, Long Sơn, Linh Phong…

PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN TẠI BÌNH ĐỊNH
Nhánh truyền thừa tại tổ đình Tịnh Lâm
Tổ đình Tịnh Lâm tọa lạc tại thôn Lộc Khánh, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tổ khai sơn là Hoà thượng đạo hiệu Đại Ngộ tự Chân Tâm, là ngôi chùa tổ lớn nhất của thiền phái Liễu Quán tại Bình Định, và là một trong ba chốn tổ lớn [19] có mạch truyền thừa xuyên suốt theo pháp kệ truyền thừa Liễu Quán, xứng đáng là chốn tổ đình của Phật giáo Bình Định. Thành Thái thứ 10, Mậu Tuất (1898), đời trú trì Hoà thượng Từ Mẫn, vua ban long ân sắc tứ và đổi hiệu chùa thành Tịnh Lâm, hỷ cúng hùng chung (hiện còn lưu tại chùa).

Sau khi tổ Đạo Tín Quang Huy viên tịch, truyền thừa thiền phái Liễu Quán từ tổ đình Châu Long bắt đầu truyền bá khắp nơi. Tổ đình Tịnh Lâm và Long Sơn, dưới sức ảnh hưởng của Hoà thượng Tánh Huệ Long Khánh và Tánh Trí Thiên Hương, sự truyền thừa ngày càng phát triển ở Bắc Phù Cát.

Riêng tại tổ đình Tịnh Lâm, đời thứ 7 kệ pháp Liễu Quán, Hoà thượng Thanh Chánh Từ Mẫn có nhiều đệ tử hàng chữ Trừng hành đạo khắp nơi như: Hoà thượng Trừng Chiếu Phổ Huệ kế thế tổ đình Tịnh Lâm, Hoà thượng Trừng Định Viên Quang trú trì chùa Long Sơn, Hoà thượng Trừng Tịnh Viên Minh trú trì chùa Linh Phong, Hoà thượng Trừng Châu Viên Long trú trì chùa Thiên Đức (Tuy Phước), Hoà thượng Trừng Thâm Viên Nghĩa trú trì chùa Quang Hoa (Tuy Phước), Hoà thượng Trừng Đức Phổ Nguyện trú trì chùa Giác Nguyên (An Nhơn), Hoà thượng Trừng Huy Phổ Nhãn (em ruột quốc sư Phước Huệ) phó tự chùa Thập Tháp, Hoà thượng Trừng Khải Phổ Minh chùa Bảo Lâm (Cát Tiến), Hoà thượng Trừng Tiên trú trì chùa Vĩnh Long. Đặc biệt, Hoà thượng Trừng Phước Huyền Ý là đệ tử ngũ giới của Hoà thượng Thanh Chánh, xuất gia với Hoà thượng Chơn Giám Trí Hải chùa Bích Liên thuộc nhánh truyền Chúc Thánh. Nhưng qua khảo sát thông tin, Hoà thượng có một đệ tử ni truyền theo pháp kệ Liễu Quán, trú trì chùa Linh Sơn (Nha Trang) là Ni trưởng Tâm Đăng và dòng này cũng đang phát triển khá mạnh tại vùng Nha Trang. Trong số đệ tử hàng chữ Trừng ở trên, chỉ một số có mạch pháp truyền thừa như Hoà thượng Trừng Chiếu Phổ Huệ, Hoà thượng Trừng Tịnh Viên Minh, Hoà thượng Trừng Khải Phổ Minh.

Mạch pháp của Hoà thượng Trừng Chiếu Phổ Huệ tại tổ đình Tịnh Lâm:
– Đời thứ 2: Tế Lập Ứng Am khai sơn tổ đình Giác Nguyên.
– Đời thứ 3: Đại Ngộ Chân Tâm khai sơn tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 4: Đạo Thụy Đức Lâm trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 5: Tánh Huệ Long Khánh trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 6: Hải Minh Vạn Phước trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 7: Thanh Chánh Từ Mẫn trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 8: Trừng Chiếu Phổ Huệ trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 9: Tâm Minh Huyền Giác trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 10: Nguyên Bích Hải Phương trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 11: Quảng Châu Trí Minh trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 12: Nhuận Quý trú trì tổ đình Tịnh Lâm.

Tổ đình Linh Phong tọa lạc tại thôn Phương Phi, xã Cát Tiến huyện Phù Cát. Khai cơ là tổ sư Tánh Ban Thiện Trì năm Nhâm Ngọ (1702), trải qua 12 đời trú trì truyền thừa và phát triển, đến đời trú trì thứ 8 là Hoà thượng Trừng Minh Viên Tịnh, kệ pháp Liễu Quán bắt đầu truyền thừa xuyên suốt đến ngày nay. Mạch pháp của Hoà thượng Trừng Minh tại tổ đình Linh Phong:
– Đời thứ 7: Thanh Chánh Từ Mẫn trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 8: Trừng Minh Viên Tịnh trú trì tổ đình Linh Phong.
– Đời thứ 9: Tâm Chánh Khắc Niệm trú trì tổ đình Linh Phong.
– Đời thứ 10: Nguyên Hiền Huệ Quang trú trì tổ đình Linh Phong.
– Đời thứ 11: Quảng Nghiêm Trí Hóa trú trì tổ đình Linh Phong.

Chùa Bảo Lâm tọa lạc tại thôn Trường Thạnh, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Khai sơn là Hoà thượng Trừng Khải Phổ Minh năm Ất Tỵ (1905). Mạch pháp của Hoà thượng tại chùa Bảo Lâm:
– Đời thứ 7: Thanh Chánh Từ Mẫn trú trì tổ đình Tịnh Lâm.
– Đời thứ 8: Trừng Khải Phổ Minh trú trì chùa Bảo Lâm.
– Đời thứ 9: Tâm Giác Pháp Nghiêm trú trì chùa Bảo Lâm.
– Đời thứ 10: Nguyên Thảo Phước Khánh trú trì chùa Bảo Lâm.
– Đời thứ 11: Quảng Trì trú trì chùa Bảo Lâm.

Tổ đình Long Sơn tọa lạc tại thôn Hòa Lộc, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát. Tổ khai sơn là đại sư Toàn Ứng Phổ Chiếu, nối đời Lâm Tế thứ 37, thế hệ thứ 4 kệ pháp Chúc Thánh, vào năm Canh Tý (1840). Hình thành cách đây gần 200 năm, đến nay đã trải 10 thế hệ trú trì kế thừa mạch pháp. Từ đời trú trì thứ 3, chùa bắt đầu mạch truyền thừa dòng Liễu Quán qua dấu ấn trác tích của Hoà thượng Tánh Trí Thiên Hương, nối đời thứ 5 kệ pháp Liễu Quán. Sự truyền thừa của tổ đình Long Sơn tuy vẫn duy trì theo mạch pháp Liễu Quán nhưng sự kế thừa luân chuyển theo đề cử của tông môn Tịnh Lâm và Long Khánh.

Mạch pháp Liễu Quán tại tổ đình Long Sơn truyền thừa như sau:
– Đời thứ 2: Tế Lập Ứng Am khai sơn chùa Giác Nguyên.
– Đời thứ 3: Đại Ngộ Chân Tâm khai sơn tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 4: Đạo Thụy Đức Lâm trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 5: Tánh Trí Thiên Hương trú trì tổ đình Long Sơn.
– Đời thứ 6: Hải Dẫn Vạn Thiện trú trì tổ đình Long Sơn.
– Đời thứ 7: Gia Bình (không rõ pháp danh) trú trì tổ đình Long Sơn.
– Đời thứ 8: Trừng Định Viên Quang (đệ tử Hoà thượng Thanh Chánh Từ Mẫn).
– Đời thứ 9: Tâm Khải Thông Khánh (đệ tử Hoà thượng Trừng Định Viên Quang).
– Đời thứ 10: Nguyên Duyên Huệ Tấn (đệ tử Hoà thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn).
– Đời thứ 11: Quảng Nhơn (đệ tử Hoà thượng Nguyên Phước-tổ đình Long Khánh).

Nhánh truyền thừa tại tổ đình Long Khánh
Tổ đình Long Khánh, một trong các ngôi cổ tự danh lam của Bình Định. Theo Đại Nam Nhất Thống chí, chùa thuộc thôn Cẩm Thượng, huyện Tuy Phước (nay thuộc Quy Nhơn): “Chùa Long Khánh: ở trên gò cát thôn Cẩm Thượng, huyện Tuy Phước, phia Tây cửa Thị Nại. Phía Tây ngôi chùa có đầm Ki. Chùa do Hoà thượng Nguyễn Trinh Tường làm năm Gia Long thứ 6 (1807)”[20]. Về tổ khai sơn, người viết Đại Nam nhất thống chí có lẽ nhầm lẫn là Hoà thượng Tịch Thọ thế danh Nguyễn Trinh Tường trùng tu tổ đình Long Khánh thành khai sơn. Thực ra, khai sơn tổ đình Long Khánh là thiền sư Hải Khiển hiệu Đức Sơn (1679-1741), nối dòng Lâm Tế Trí Bản Đột Không [21] đời thứ 36 (chưa rõ năm nào).

Nhánh truyền thiền phái Liễu Quán bắt đầu khởi mạch tại tổ đình Long Khánh là giai đoạn Hoà thượng Tánh Tông Thiên Khánh từ tổ đình Châu Long vào kế thế trú trì thay ngài Tịch Thọ đã hoằng hóa miền Nam. Thiền sư sinh năm Mậu Tý (1768), nối đời Lâm Tế thứ 39, thế hệ thứ 5 kệ phái-Liễu Quán. Ngài là đệ tử của thiền sư Đạo Tín Quang Huy trú trì tổ đình Tịnh Lâm. Khi ngài được bổ sứ trú trì tổ đình Long Khánh thì đã hơn 70 tuổi. Ngài có ba vị đệ tử xuất chúng, thay nhau kế thế trú trì tổ đình sau khi bổn sư viên tịch là Hoà thượng Hải Huệ Chánh Đạo, Hoà thượng Hải Khoát Chí Thanh, Hoà thượng Hải Hội Chánh Nguyên. Từ đây mạch pháp của Hoà thượng Chánh Nguyên tại tổ đình Long Khánh trực hệ như sau:
– Đời thứ 2: Tế Lập Ứng Am khai sơn chùa Giác Nguyên.
– Đời thứ 3: Đại Ngộ Chân Tâm khai sơn tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 4: Đạo Tín Quang Huy trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 5: Tánh Tông Thiên Khánh trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 6: Hải Hội Chánh Nguyên trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 7: Thanh Cần Quảng Diễn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 8: Trừng Chấn Chánh Nhơn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 9: Tâm Hoàn Huệ Long trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 10: Nguyên Phước Minh Đức trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 11: Quảng Duy trú trì tổ đình Long Khánh.

Ngoài trực hệ truyền thừa tại tổ đình Long Khánh, mạch truyền kệ pháp Liễu Quán còn phát triển tại một số tổ đình lớn khác như tổ đình Thiên Đức, tổ đình Thiên Trúc.

Tại tổ đình Thiên Đức tọa lạc tại thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chứng minh khai sơn là tổ Minh Giác Kỳ Phương (1682-1744) trú trì tổ đình Thập Tháp năm 1720 [22], với hơn 300 năm lịch sử truyền thừa và phát triển, trải 16 thế hệ Lâm Tế kế thế trú trì. Năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 14 (1834), giai đoạn Hoà thượng Minh Tánh Xuân Trường trú trì, chùa được ban sắc tứ.

Khởi nguyên kệ phái Liễu Quán đặt cơ sở tại tổ đình Thiên Đức là giai đoạn Hoà thượng Tâm Hóa Huệ Quang trú trì (1923-1937), thịnh nhất là giai đoạn Hoà thượng Tâm Tịnh Huệ Chiếu (1937-1964). Hoà thượng Huệ Chiếu (1895-1970), nối pháp kệ truyền thừa Liễu Quán đời thứ 9. Ngài có hơn 100 vị đệ tử [23], nổi danh nhất là Hoà thượng Nguyên Lưu Giác Tánh (1911-1987) kế thế tổ đình Thiên Đức, Hoà thượng Nguyên Uyên Giác Ngộ (1924-2010) trú trì chùa Thiên Trúc (Tuy Phước), chùa Bửu Thắng (Gia Lai), Hoà thượng Nguyên Dật Giác Thuyên trú trì chùa Vĩnh Lộc (Tây Sơn), Nguyên Trạch Giác Lâm (1929-2012) thường trú tổ đình Long Khánh. Tại tổ đình Thiên Đức, mạch pháp truyền thừa kệ pháp Liễu Quán của Hoà thượng Giác Tánh được xuyên suốt cho đến ngày nay:
– Đời thứ 4: Đạo Tín Quang Huy trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 5: Tánh Tông Thiên Khánh trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 6: Hải Hội Chánh Nguyên trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 7: Thanh Cần Quảng Diễn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 8: Trừng Chấn Chánh Nhơn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 9: Tâm Tịnh Huệ Chiếu trú trì tổ đình Hưng Long, tổ đình Thiên Đức.
– Đời thứ 10: Nguyên Lưu Giác Tánh trú trì tổ đình Hưng Long, tổ đình Thiên Đức.
– Đời thứ 11: Quảng Phước Thiện Nhơn trú trì tổ đình Thiên Đức.
– Đời thứ 12: Nhuận Trí trú trì tổ đình Thiên Đức.

Tổ đình Thiên Trúc tọa lạc tại thôn Thanh Trúc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Tổ khai sơn là tổ Chương Hải hiệu Thanh Nguyên nối đời 38 Lâm Tế, thế hệ thứ 5 kệ pháp Chúc Thánh. Từ đời trú trì thứ 6, Hoà thượng Nguyên Uyên Giác Ngộ, mạch truyền thừa Liễu Quán đặt nền móng tại đây. Và cho đến nay mạch truyền thừa Liễu Quán của Hoà thượng Giác Ngộ vẫn được duy trì và phát triển:
– Đời thứ 4: Đạo Tín Quang Huy trú trì tổ đình Châu Long.
– Đời thứ 5: Tánh Tông Thiên Khánh trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 6: Hải Hội Chánh Nguyên trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 7: Thanh Cần Quảng Diễn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 8: Trừng Chấn Chánh Nhơn trú trì tổ đình Long Khánh.
– Đời thứ 9: Tâm Tịnh Huệ Chiếu trú trì tổ đình Hưng Long, tổ đình Thiên Đức.
– Đời thứ 10: Nguyên Uyên Giác Ngộ trú trì tổ đình Thiên Trúc, tổ đình Bửu Thắng.
– Đời thứ 11: Quảng Cố Trí Huệ trú trì tổ đình Thiên Trúc.
– Đời thứ 12: Nhuận Toàn trú trì tổ đình Thiên Trúc.

Tế Lập Ứng Am khai sơn tổ đình Giác Nguyên.
(Ảnh: tác giả)

Nhánh truyền thừa tại tổ đình Tâm Ấn
Tâm Ấn là ngôi tổ đình lớn, là trụ sở chính của ni giới tại Bình Định, người sáng lập là Ni trưởng Tâm Hoa. Ni trưởng vốn người Cần Thơ, trưởng dưỡng trong gia đình thuần tín đạo Phật. Trước tập sự xuất gia với Hoà thượng Đạt Quang tại chùa Phước Long Sa Đéc (1932), sau được bổn sư gửi ra Huế làm đệ tử của Hoà thượng đệ nhất tăng thống Trừng Thông Tịnh Khiết trú trì tổ đình Tường Vân, được Hoà thượng ban cho pháp danh Tâm Hoa tự Diệu Liên. Thuở thiếu thời, Ni trưởng đi tham cầu học Phật khắp Trung Nam, là đồng học của nhiều danh tăng nổi tiếng như Hoà thượng Thiện Minh (Huế), Hoà thượng Trí Nghiêm (Phú Yên)… và đặc biệt là Hoà thượng Giác Tánh (Bình Định).

Xét thấy Bình Định là cái nôi Phật giáo lâu đời mà đến nay (1945) chưa có dấu chân hoằng hóa của chư ni, Hoà thượng Giác Tánh mời Ni trưởng về Bình Định hoằng pháp và được Ni trưởng đồng ý [24]. Ban đầu Ni trưởng lập chùa Sanh Liên [25] tại vùng An Nhơn, đến năm 1956 lập chùa Tâm Ấn tại Quy Nhơn. Từ đây, mạch truyền thừa Liễu Quán của ni giới Bình Định bắt đầu phát triển khắp vùng Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Vũng Tàu, hải ngoại. Ni trưởng Tâm Hoa có hơn 40 đệ tử, như: Ni trưởng Nguyên Dung Hạnh Thông trú trì chùa Linh Bửu (Vũng Tàu), Ni trưởng Nguyên Nhựt Hạnh Quang kế thế trú trì tổ đình Tâm Ấn, Ni trưởng Nguyên Chất Hạnh Trực trú trì chùa Sanh Liên, Ni trưởng Nguyên Quảng Hạnh Nguyện trú trì chùa Bửu Sơn (Gia Lai), Ni trưởng Nguyên Minh Hạnh Tâm trú trì chùa Phổ Hiền (Đà Nẵng)…

Mạch pháp truyền thừa của Ni trưởng Tâm Hoa tại tổ đình Tâm Ấn như sau:
– Đời thứ 2: Tế Ân Lưu Quang trú trì tổ đình Báo Quốc.
– Đời thứ 3: Đại Huệ Chiếu Nhiên trú trì tổ đình Thuyền Tôn.
– Đời thứ 4: Đạo Minh Phổ Tịnh trú trì tổ đình Thuyền Tôn.
– Đời thứ 5: Tánh Hoạt Huệ Cảnh trú trì tổ đình Tường Vân.
– Đời thứ 6: Hải Hội Toàn Linh Cơ trú trì tổ đình Tường Vân.
– Đời thứ 7: Thanh Thái Phước Chỉ trú trì tổ đình Tường Vân.
– Đời thứ 8: Trừng Thông Tịnh Khiết trú trì tổ đình Tường Vân.
– Đời thứ 9: Tâm Hoa Diệu Liên khai sơn tổ đình Tâm Ấn.
– Đời thứ 10: Nguyên Nhựt Hạnh Quang trú trì tổ đình Tâm Ấn.
– Đời thứ 11: Quảng Tường Minh Ý trú trì tổ đình Tâm Ấn.

KẾT LUẬN
Thiền phái Liễu Quán là một trong ba nhánh lớn của thiền phái Lâm Tế tại Bình Định. Tuy ra đời muộn nhưng đến nay tầm ảnh hưởng của thiền phái này đối với Phật giáo Bình Định là khá lớn với phạm vi trải rộng tại các tự viện, tổ đình tại Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Cùng với Thập Tháp và Sơn Long, với vị thế là tổ đình của dòng Liễu Quán tại Bình Định, Tịnh Lâm là ngôi cổ tự hiếm có duy trì được mạch truyền thừa xuyên suốt theo kệ phái Liễu Quán từ thế hệ lập tự đầu tiên với hàng chữ Đại đến hàng chữ Đức như hiện nay. Trong mỗi giai đoạn truyền thừa đều có những bậc danh tăng long tượng khéo lèo lái con thuyền Tịnh Lâm nói riêng và môn phong Liễu Quán nói chung ngày một quang đại hưng thịnh.

Chú thích:
* Đại đức Thích Nhật Tấn, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch, 2012), Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr.551.
[2] Thiền sư Vân Môn Văn Yến (864-949) khai sáng thiền phái Vân Môn tại Trung Hoa. Thiền Thảo Đường, năm Kỷ Dậu (1069), đã từng bị quân Đại Việt bắt nhầm về Thăng Long, sau đó thiền sư được vua Lý Thánh Tông phong làm quốc sư, trú trì chùa Khai Quốc, từ đó dòng thiền Vân Môn nhánh Thảo Đường bắt đầu phát triển tại nước ta.
[3] Cristoforo Borri (1583-1632), là giáo sĩ truyền giáo dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, có lưu trú tại đây 5 năm (1618-1622). Ông có xuất bản cuốn Xứ Đàng Trong xuất bản lần đầu năm 1631 bằng tiếng Ý và được trung tá Bonifacy, giảng viên môn lịch sử bản địa tại Đại học Hà Nội, thông tấn viên Viện Viễn Đông Bác cổ dịch và chú giải sang tiếng Pháp năm 1931.
[4] Cristoforo Borri (Thanh Thư dịch, 2021), Xứ Đàng Trong, Nxb. Hà Nội, tr.163.
[5] Dựa vào ý kiến chủ quan sau quá trình khảo sát thực địa hệ thống tự viện các thiền phái của Lâm Tế tại Bình Định.
[6] Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, Nxb. Đà Nẵng, tr.215.
[7] Căn cứ theo sách “Danh mục Tự viện – Tịnh xá – Tịnh thất – Niệm Phật đường tỉnh Bình Định” năm 2007 do Tỉnh hội Phật giáo Bình Định thực hiện.
[8] Hoà thượng Trừng Diệu trong tác phẩm “Thích song tổ ấn tập” có ghi nhầm pháp danh ngài là Tế Huyền.
[9] Truyền Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế, khai sơn An Nhơn Giác Nguyên tự, chứng minh khai sơn Tịnh Lâm tổ đình, húy Tế Lậm, hiệu Ứng Am, thụy Minh Ngộ tổ sư giác linh tòa.
[10] Tổ đình Châu Long vốn là ngôi chùa nhỏ, đến đời Hoà thượng Thanh Chánh Từ Mẫn được vua Thành Thái ban sắc tứ năm 1898 và đổi hiệu thành Tịnh Lâm như ngày nay.
[11] Ngài thế danh là Trần Minh Giác, người làng Chánh Lộc, nay là Thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng. Trên long vị tại tổ đường còn ghi: Lâm Tế chánh tông, tam thập thất đại, khai sơn Châu Long tự, đường thượng, thượng Chân hạ Tâm, húy Đại Ngộ, Thụy Minh Tánh, Lão Hoà thượng nghê tòa.
[12] Trú xứ tại Chùa Linh Sơn ở Thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn.
[13] Bảng hiệu Châu Long tự hiện còn treo tại chánh điện chùa.
[14] Căn cứ theo sử liệu chùa Tịnh Lâm, Hoà thượng Đạo Thụy có 3 vị đệ tử là Tánh Huệ Long Khánh, Tánh Thông Thiên Đạt, Tánh Thành Thiên Ân. Trong tư kiến chủ quan của chúng tôi cho rằng, Hoà thượng Thiên Đạt và Thiên Ân là để tử của Hoà thượng Đạo Tín, vì ngài có các đệ tử pháp hiệu chữ lót đều lấy Thiên như Tánh Trí Thiên Hương, Tánh Tông Thiên Khánh. Trong khi trưởng tử ngài Đạo Thụy lấy pháp hiệu chữ Long.
[15] Bia tháp ghi: Lâm tế tam thập bát thế, Tịnh Lâm Tổ sư Trụ trì, húy Đạo Thoại hiệu Đức Lâm Hoà thượng linh tháp.Phật lịch nhị thập ngũ tam thất niên, môn hạ đệ tử phụng tạo. Viên tịch Thập nguyệt sơ lục nhật.
[16] Căn cứ theo sử liệu tổ đình Tịnh Lâm, Hoà thượng Đạo Tín Quang Huy từng làm trú-trì chùa Thiên Thai ngoại tại Huế. Và tại Thiên Thai ngoại có thờ long vị tổ ngài: Trùng kiến Thiên Thai Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế thượng Quang hạ Huy hiệu Đạo Tín-thụy Minh Đức lão Hoà thượng miêu tòa.
[17] Long vị ghi tại tổ đường Tịnh Lâm: Tự Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Quang hạ Huy, húy Đạo Tín, Thụy Minh Đức Hoà thượng mạo tọa.Chánh nguyệt thập cửu nhật khứ.
[18] Long vị ngài tại tổ đường chùa Long Sơn (Phù Cát) có ghi rõ mất ngày 20 tháng giêng năm Bính Dần (1866).
[19] Ba tổ đình gồm Sơn Long dòng Chúc Thánh, Thập Tháp dòng Vạn Phong.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch) (2012), Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr.577.
[21] Thiền sư Trí Bản Đột Không (1381-1449), nối đời 25 Lâm Tế phái Dương Kỳ Phương Hội. Ngài biệt xuất dòng kệ: Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chơn như tánh hải, Tịch chiếu phổ thông, Tâm Nguyên Quảng Tục…
[22] Kỷ yếu tổ đình Thiên Đức
[23] Theo lời kể của Hoà thượng Quảng Ba, trong cuốn Hành lễ nghi thức Phật giáo xuất bản năm 1973, Hoà thượng Nguyên Trạch trong phần tựa có nhận mình là đệ tử thứ 112 của Hoà thượng Huệ Chiếu.
[24] Thông tin được chia sẻ từ Hoà thượng Thích Quảng Ba, đệ tử Tam quy Ngũ giới của Hoà thượng Giác Tánh.
[25] Năm 1960, Ni trưởng dời chùa Sanh Liên ra quốc lộ 19, nay thuộc thôn Nhơn Ái, xã Trung Hòa, thị xã An Nhơn.

Tài liệu tham khảo:
1. Cristoforo Borri (Thanh Thư dịch, 2021), Xứ Đàng Trong, Nxb. Hà Nội.
2. Thích Quảng Duy(2018), “Sơ lược quá trình hình thành và phát triển tổ đình Long Khánh”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo và văn học Bình Định, tập1, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.778-795.
3. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Thanh Hải,Võ Vinh Quý (2018), “Truyền thừa và phát triển kệ phái Liễu Quán tại Bình Định”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo và văn học Bình Định, tập1, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.197-213.
5. Thích Nữ Hồng Hạnh (2018), “Cuộc đời và đạo nghiệp của hai bậc tôn túc ni giới Bình Định”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo và văn học Bình Định, tập1, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.462-469.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (Hoàng Văn Lâu dịch, 2012), Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Lao động, Hà Nội.
7. Thích Nhuận Quý (2018), “Pháp sư Phổ Huệ (1871-1933) cuộc đời và đạo nghiệp”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo và văn học Bình Định, tập1, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.417-426.
8. Thích Quảng Thái (2022), Lịch sử Phật giáo Bình Định (giai đoạn 1975-2021), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
9. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP HCM.
10. Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, Nxb. Đà Nẵng.
11. Thích Như Tịnh (2021), “Lịch đại trú trì tổ đình Thập Tháp”, Tạp chí Liễu Quán số 23.
12. Đào Văn Trưởng (2018), “Phật giáo Bình Định dưới thời các chúa Nguyễn”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Phật giáo và văn học Bình Định, tập1, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.277-294.