Nhận Định Về Tam Pháp Ấn

Chúng ta phải làm thế nào để có thể quán thấy thật minh bạch năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) – tức là cả cái khối “thân xác-tâm thức” này gây ra mọi thứ khổ đau và căng thẳng – hầu giúp mình loại bỏ khỏi tâm thức mình mọi sự bám víu vào chúng? Tại sao các sinh viên y khoa hiểu biết thật rành rẽ về những gì bên trong cơ thể – như ruột, gan, thận – đến từng chi tiết một, thế nhưng không hề kinh tởm và tỉnh ngộ? Sao lại như vậy? Tại sao các người nhà quàn suốt ngày tẩn liệm xác chết nhưng không hề nhận biết được một chút gì khác sâu sắc hơn? Điều này chứng tỏ là có một thể loại hiểu biết sâu kín rất khó đạt được. Nếu nhìn vào các thứ ấy mà không phát huy được sự tỉnh thức và chú tâm sâu xa giúp mình quán thấy thật minh bạch những thứ ấy là gì, thì mình cũng chỉ sẽ trông thấy những gì bên ngoài. Sự hiểu biết hời hợt đó sẽ không thể thấm thật sâu vào nội tâm mình được, và tâm thức sẽ nắm bắt mọi thứ bám víu.

Trái lại, nếu tâm thức đạt được sự hiểu biết sâu sắc giúp mình buông bỏ những thứ bám víu vào thân xác và tâm thức, thì nó sẽ đạt được con đường và kết quả của con đường là đưa đến Niết-bàn. Chúng ta không cần biết rành rẽ từng chi tiết một của cơ thể như một bác sĩ giải phẫu hiện đại, mà chỉ cần hiểu thân xác mình gồm có bốn thành phần – đất, nước, gió, lửa – thêm vào đó là các thành phần không gian và trí thức. Nếu hiểu đúng được điều đó là cũng đủ; bấy nhiêu đó cũng thừa giúp chúng ta đạt được con đường và mang lại kết quả từ con đường. Trong khi đó, nhiều người khác dù biết rành rẽ từng chi tiết trên thân thể và thừa sức mổ xẻ một bệnh nhân, nhưng trên phương diện siêu nhiên thì họ lại chẳng đạt được một sự hiểu biết nào cả.

Vậy, chúng ta nên phân tích từng thành phần trên thân thể hầu giúp mình hiểu biết sâu xa hơn về những thứ ấy. Và nếu làm được như thế, thì mỗi khi có sự biến đổi trên thân xác (chẳng hạn như ốm đau hay khỏe mạnh, tật nguyền, già nua…) thì chúng ta cũng không quá bám víu vào những thứ ấy. Nếu không thì những sự bám víu của mình sẽ rất mạnh và dai dẳng, đưa mình đến những thể dạng hiện hữu khac trong chu kỳ tái sinh.

Hiện tại (được mang thân người và còn khỏe mạnh) là một dịp thuận lợi; vậy chúng ta cũng nên quan sát thân thể mình và tìm hiểu nó thật chi tiết. Hãy sử dụng năm đối tượng thiền quán căn bản: tóc, lông, móng, răng và da. Các bạn hãy quan sát chúng thật chăm chú, lần lượt từng thứ một. Không cần phải chú tâm vào cả năm thứ cùng một lúc. Nếu tập trung sự chú tâm vào tóc thì các bạn sẽ nhận biết là nó thuộc vào thành phần đất (thành phần cứng của cơ thể), chân tóc ngập trong máu và bạch huyết bên dưới lớp da. Nó chẳng có gì hấp dẫn trên phương diện màu sắc, mùi vị và chỗ nó đang tồn tại. Nếu phân tích và suy nghĩ theo cách đó thì chúng ta sẽ không bị chúng đánh lừa để xem đấy là “tóc của tôi”, “lông của tôi”, “móng của tôi”, “răng của tôi” và “da của tôi”.

Tất cả các thành phần của cơ thể đều được cấu tạo bởi đất hòa chung với nước, gió và lửa. Nếu chỉ đơn thuần là đất thì chúng không thể hiện hữu và tạo ra được gì cả, bởi vì mỗi thành phần của cơ thể đều phải gồm tất cả bốn thứ ấy thì chúng mới tạo ra được một thân thể. Ngoài ra lại còn có thêm hiện tượng tâm thần, tức tâm thức, giữ vai trò chỉ huy. Chúng là những thứ hiện ra đúng với quy luật thiên nhiên – tức là các hiện tượng vật lý và tâm thần hiện ra, đổi thay, rồi biến mất – thế nhưng chúng ta thì cứ nắm bắt lấy chúng và xem thân xác là “của mình”, các hiện tượng tâm thần (như tuy duy, xúc cảm) là “của mình”. Chúng ta tin rằng tất cả là của mình, nhất thiết là của mình. Vậy, nếu không biết suy nghĩ khi nhìn vào các thứ ấy hầu nhận thấy chúng đúng với bản chất của chúng, thì chúng ta sẽ tránh khỏi bám víu vào chúng.

Tóm lại, thiền định cũng chỉ là nhìn thấy minh bạch mọi sự vật đúng với chúng là như thế, nhưng không có nghĩa là cứ chuyển hết từ chủ đề này sang chủ đề khác, bởi vì đấy chỉ đơn giản là cách khiến mình chẳng học hỏi được gì cả. Thế nhưng bẩm tánh của mình, dưới sự chi phối của vô minh và ảo giác, thường khiến mình không chịu quán xét cẩn thận, mà chỉ tìm cách tạo ra thêm đủ mọi thứ vấn đề mang lại các khó khăn khác mà thôi, vì thế nên chúng ta liên tục suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia. Đấy là cách cho thấy tại sao chúng ta luôn sống trong tình trạng vô minh và dại dột.

Vậy thì tại sao lại cứ muốn tìm hiểu thật nhiều thứ? Chẳng qua là tại vì những thứ ấy phù hợp với sự thèm muốn của mình. Khi nào trông thấy minh bạch được các sự vật đúng với chúng chỉ là như thế, thì khi đó mới mong buông bỏ được mọi sự thèm muốn của mình, bởi vì sự thèm muốn luôn tìm cách che đậy không cho mình trông thấy hiện thực là gì. Những sự thèm muốn ấy biến đổi không ngừng, liên tục mang lại sự mới mẻ, và mỗi lần như thế thì lại giăng ra thêm các bẫy mới, khiến mình liên tục bị đánh lừa, và cuối cùng thì chỉ biết tìm hiểu và suy nghĩ về những thứ mang lại thêm hoang mang và khổ đau cho tâm thức mà thôi. Và đấy cũng là những gì mà sự thèm muốn cố tình tạo ra cho mình. Do đó mọi nỗ lực loại bỏ hoang mang và khổ đau cho tâm thức luôn là một hình thức đi ngược lại với sự thèm muốn.

Đấy là nguyên nhân tại sao tâm thức lại luôn tìm cách chuyển sang các thứ khác để tìm hiểu để rồi lại bị đánh lừa; và đấy cũng là nguyên nhân cho thấy tại sao tâm thức lại cứ liên tục nắm bắt hết thứ này đến thứ khác. Vậy, khi nào tâm thức không còn hiểu được chính nó nữa, thì các bạn phải phát huy một sự cố gắng đúng thật hầu nhận thấy những gì bên trong tâm thức không phải là “mình” và cũng không phải là “của mình”. Không nên để cho tâm thức mù tịt về sự hiểu biết sự thật ấy, và phải xem sự thật ấy như một quy luật bên trong chính mình. Nếu tâm thức không nắm vững được sự thật về khổ đau, vô thường, vô ngã bên trong chính nó thì nó sẽ không sao loại bỏ được khổ đau cho chính nó. Sự hiểu biết của nó chỉ là sự hiểu biết thường tình, và nó cũng chỉ biết bước theo con đường thường tình đó của thế giới. Nó không trông thấy được con đường và kết quả mang lại từ con đường hầu giúp nó đạt được Niết-bàn.

Chính đấy là chỗ khác biệt giữa những gì của thế giới thường tình và những gì thuộc thể dạng siêu nhiên. Nếu các bạn hiều được vô thường, sự bất toại nguyện (khổ đau) và vô ngã (không có cái tôi hay linh hồn) ở một cấp bậc sâu sắc nhất của chúng, thì đấy chính là thể dạng siêu nhiên. Nếu các bạn chưa thấu triệt được từng chi tiết thật tinh tế của chúng thì các bạn vẫn còn ở vào cấp bậc của thế giới thường tình.

Đức Phật đưa ra rất nhiều bài thuyết giảng nhưng Ngài luôn quay về với những gì trên đây. Nguyên tắc căn bản nhất trong việc tu tập là bốn nền tảng của sự tỉnh giác và Bốn Sự thật Cao quý (Tứ Diệu Đế), thế nhưng tất cả cũng chỉ xoay quanh các đặc tính vô thường, bất toại nguyện (khổ đau) và vô ngã. Dù có ra sức tìm hiểu thật nhiều nguyên lý thì cuối cùng mình vẫn không hiểu minh bạch được “sự thật” đúng với nó. Tóm lại, thay vì cố gắng tìm hiểu thật nhiều thì chỉ nên chú tâm tìm hiểu thật ít, cuối cùng nhất định các bạn sẽ đạt được một sự quán thấy sâu sắc và đúng đắn. Chỉ vì muốn biết thật nhiều nên người ta bị đánh lừa. Chúng ta chạy theo hết sự hiểu biết lầm lẫn này đến sự hiểu biết lầm lẫn khác, suy nghĩ đủ mọi thứ và dán lên cho chúng các nhãn hiệu đủ loại, trong khi đó nếu đạt được sự hiểu biết tập trung và chuyên biệt, thì sự hiểu biết ấy tất sẽ mang tính cách tuyệt đối. Sự hiểu biết này là sự hiểu biết thường xuyên hướng thẳng vào một thứ duy nhất. Không bắt buộc phải hiểu biết thật nhiều thứ, chỉ cần hiểu biết thật tường tận một thứ là cũng đủ, mọi thứ khác rồi cũng sẽ tập trung vào đấy.

Nguyên tác: Diff érentes façons de connaître, trích trong bản tiếng Pháp Savoir Lire Notre Esprit do nữ cư sĩ Jeanne Schut dịch, bản gốc tiếng Thái Lan được Thanissaro Bhikkhu dịch sang tiếng Anh với tựa đề Reading the Mind. Bản dịch tiếng Việt tham khảo cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

Tác giả: Nữ cư sĩ Kee Nanayon (1901-1978), thế danh Khaosuan-luang, là người Thái gốc Hoa, tự tu tập theo giáo huấn của Buddhadasa Bhikkhu thuộc truyền thống Tu trong rừng, Thái Lan.

Nguồn: http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/pdf/ kee/savoir_lire_esprit.pdf.

UPASIKA KEE NANAYON HOANG PHONG dịch

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *