Lễ Đôn Ta – Vu Lan báo hiếu của đồng bào dân tộc Khmer – Danh Út

Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Nam Bộ, lễ hội Đôn Ta được xem là một trong ba lễ hội lớn nhất gồm: Tết Chol Chhnăm Thmay (vào năm mới), Ok Ombok (Lễ cúng trăng) và Đôn Ta (Lễ cúng ông bà). Lễ Đôn Ta còn có tên gọi “Phchum ben”(lễ hội tụ cơm vắt) là lễ xá tội vong nhân của người Khmer cùng ý nghĩa với lễ Vu Lan của người Kinh (Phật giáo Bắc truyền), gắn liền với tích truyện vua Bình Sa Vương (Bimbisara).

Nguồn gốc nhân văn của ngày Lễ lớn Tương truyền thuở xưa ở Ấn Độ, các Ngạ quỷ thường khóc than hằng đêm, sự việc đã thấu đến tai vua và làm cho ngài băn khoăn trong lòng. Vua bèn đến bái kiến đức Phật để được hiểu rõ tường tận sự việc và đức Phật đã giải thích: “Ngạ quỷ đó vào thời điểm này được bọn cai ngục dưới âm cảnh thả về dương cảnh trong vòng 15 ngày, cho họ lên tìm đến người thân để có được miếng ăn thỏa cơn đói khát. Do không được người thân cúng kiến nên khóc la thảm thiết như vậy”.

Nghe xong, vua đã tổ chức cúng kiến cho Ngạ quỷ trong thời gian 15 ngày, từ đó tiếng kêu khóc than đã biến mất không còn xuất hiện. Lễ hội cúng cơm vắt được hình thành và duy trì trong Phật giáo cho đến nay. Được các chùa Khmer tổ chức hàng năm với mục đích cầu nguyện cho các chúng sanh trong cõi Ngạ quỷ. Người Khmer còn xem lễ hội Đôn Ta là lễ hội tụ phước báu nhằm ban phước cho những người khi sống làm điều ác khi chết đi họ tin rằng những người ấy sẽ bị sanh về cõi Ngạ qủy.

Vào mùa lễ Đôn Ta Phật tử thường gác lại công việc nhà cửa, vào chùa để nấu cơm làm thức ăn.

Trước là cúng dường chư Tăng sau là cúng cho những người quá cố nhằm tạo phước đức cho đời sau. Còn chư Tăng thì cầu siêu cho các vong nhân được siêu thoát, tái sinh kiếp khác hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong tiếng Khmer Đôn là Bà, Ta là Ông; Như vậy lễ hội Đôn Ta có nghĩa là lễ hội cúng Ông, Bà và người Khmer gọi là lễ hội “Sen Đôn Ta” (cúng Ông – Bà). Đây là lễ hội dân gian lớn thứ hai sau tết Chol Chhnăm Thmây. Lễ Đôn Ta của đồng bào dân tộc Khmer gắn liền với kinh sử, được ghi trong kinh chú giải ngạ quỷ sự hay Petakatha và trong Tam tạng kinh (quyển IV, trang 360) theo Phật giáo Nam tông Khmer.

Thông thường trong các ngày giỗ của gia đình, người ta chỉ cúng đích danh cho một người thân quá cố vào một ngày nhất định, chỉ có ngày Đôn Ta là cúng tất cả họ hàng thân tộc và những linh hồn lưu lạc. Do tính chất quan trọng của lễ Đôn Ta nên hằng năm người Khmer ai cũng tranh thủ làm nghĩa vụ của mình đối với ông bà, cha mẹ, những người thân đã quá cố, họ nghĩ rằng nếu không làm, người thân của họ nơi suối vàng sẽ gặp đói khổ.

Lễ hội Đôn Ta còn mang một ý nghĩa tích cực nữa là: Trong thời điểm này, con người phải tạ tội với trời đất, với nguồn nước mà trong một năm qua bản thân đã thải ra môi trường những chất bẩn làm cho môi trường đất, nước bị ô uế, dơ bẩn. Đây là một sự việc hết sức có ý nghĩa đối với xã hội chúng ta. Ý thức được tinh thần bảo vệ, gìn giữ môi trường sạch sẽ là trách nhiệm của mọi người, làm cho quê hương đất nước ta là nơi đáng sống.

Chùa Khmer trong ngày Lễ lớn ở nhiều chùa Khmer, từ ngàn xưa vào các dịp diễn ra lễ hội “Phchum ben”, thường chia ra thành 14 phiên cơm gọi là “Wên” trong một ngôi chùa được thực hiện trong tháng Phéc T’ro – bốt (tháng 8 âm lịch) kéo dài đến 15 ngày (từ 16 đến 30 tháng Phéc T’ro – bốt mới hoàn mãn cuộc lễ).

Các phiên đó nhà chùa tổ chức theo phiên, rơi vào ngày nào và thực hiện tuần tự theo quy định. Mỗi phiên cơm đều có cơm vắt trong tiếng Pali gọi là “Ben” tức cơm vắt để mang đến chùa “Vêr” (dâng) cho chư Tăng để hồi hướng phước báu đến những người thân đã quá vãng được gọi là “Đắc Ben” (Phiên cơm vắt). Những mâm “Ben” (mâm cơm vắt) thường có cơm nếp vắt to bằng một nắm tay, tuy nói là cơm nhưng trong đó còn có khoai củ nấu chín và cắt tròn như nắm cơm vắt, người ta cắm những lá cờ tam giác đủ màu xanh, vàng, đỏ, tím dán vào các ghim tre vót nhỏ để trang trí cho đẹp mắt. Khi đến chùa, Kru Achar hướng dẫn diễu hành xung quanh chánh điện ba vòng rồi tập trung vào chánh điện dâng Vêr cho chư Tăng để chư Tăng hồi hướng.

Người Khmer còn tổ chức rải cơm vắt (hay còn gọi là cúng cơm vắt) cho Ngạ quỷ, những người mang trong mình trọng tội khi còn sống ở trần gian mà không thể đến hưởng phước báu từ con cháu ở nơi trang trọng được, thủ tục này gọi là “Bos Bai Ben” (trong tiếng Khmer gọi là rải hay cúng cơm vắt, để cúng bố thí cho những vong linh vô chủ hay cô vong dân gian còn gọi là cô hồn, còn gọi là những linh hồn đơn độc là những vong linh bị thất lạc thân nhân, sống theo nghiệp căn không nơi nương tựa, không có ai làm phước bố thí hồi hướng phước lành, nên họ luôn bị đói khát lạnh lẽo, phải chịu mọi sự thống khổ).

Đến ngày cuối tháng, tức ngày 30 tháng 8 âm lịch, các phiên mang cơm vắt tập trung tại chùa cả 14 phiên, vẫn làm như các ngày trước nhưng lần này hội tụ đầy đủ các phiên nên gọi là “Phchum Ben” (Hội tụ cơm vắt), đó là tên chính của lễ hội này. Từng gia đình mang cơm, thức ăn mặn ngọt, nhang đèn, hoa quả cùng nhau thiết lễ trai tăng cúng dường đến chư tăng, ngày này gọi là “Thơ ngay phchum ben” tức là ngày giỗ hội. Chư Tăng chứng minh tụng kinh cầu an và cầu siêu cho những người đã quá vãng hưởng phước lành, thoát khỏi điều thống khổ hưởng phúc ba cõi: cõi người, cõi trời và niết bàn. Sau đó, chư Tăng và Phật tử hồi hướng phước báu đến thân quyến quá vãng và hoàn mãn.

Ở các chùa có lượng Phật tử ít, cách chia “Wên” (phiên) khiêm tốn hơn, có chùa chỉ chia 7 phiên nên chỉ tổ chức từ ngày 23 đến cuối tháng, đến ngày Phchum (hội tụ) vẫn tổ chức như các chùa khác.

Hiện nay, cách tổ chức của các chùa có sự hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện đầy đủ 14 phiên như các chùa có đông Phật tử, tức là chùa có Phật tử đông thừa sức gánh vác phiên của các chùa có lượng Phật tử ít hơn và trong nhận thức họ cho là được hưởng phước báu như nhau.

Lễ Đôn Ta của bà con người Khmer là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, Lễ này thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ. 

Tài Liệu Tham khảo:

– Tiếng Việt: Tỳ khưu Bửu Chơn (1962), Chuyện ngạ quỷ (Petakatha), Saigon.

– Tiếng Khmer:

1. Chhang Phan Sophon (2000) Lễ Hội cổ truyền Khmer, Phnom Pênh.

2. Các hạng Ngạ quỷ (phi nhơn) trong tín ngưỡng Khmer, Tiến sĩ Michel Tranet.

3. Lễ Kan Ben và Phchum Ben, khuyết danh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *