Buổi đầu của Phật giáo Nhật Bản (Hưng Trung)

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu Phật giáo Nhật Bản vẫn chưa thống nhất khi bàn về nguyên nhân làm cho Đạo Phật bén rễ vững chắc trong xã hội nước này. Quan điểm đa số học giới Nhật Bản cho rằng, đây chính là kết quả phát triển tất yếu của xã hội, bởi khi đó, xã hội nước Nhật đang trong giai đoạn hình thành và phát triển chế độ phong kiến. Trên thực tế, không chỉ Khổng giáo mới có những quan điểm phù hợp với nhu cầu xây dựng một chế độ quân chủ Trung ương tập quyền, mà Phật giáo ít nhiều cũng có những ảnh hưởng đến sự hình thành chế độ đó. Bởi Đạo Phật luôn chống lại sự tranh giành quyền lực của các thế lực chính trị khiến bách tính lầm than. Chính trị với sự ảnh hưởng của Phật giáo là một nền chính trị hòa bình.

SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO VÀO NƯỚC NHẬT THUỞ SƠ KỲ

Từ thế kỷ I Trước Công Nguyên, Phật giáo đã vượt qua khỏi biên giới Ấn Độ và mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang nhiều nước ở châu Á, trong đó có Nhật Bản. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ V, việc tiếp xúc giữa Nhật Bản với các vương triều trên bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc không chỉ mang kỹ thuật mới đến quốc gia này, mà còn truyền bá các giá trị từ nền văn minh Đại lục, trong đó có Phật giáo.

Đạo Phật chính thức được đón nhận ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI, theo nhiều tài liệu ghi nhận là năm 538. Từ đó trở đi, Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nền văn hóa xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, Đạo Phật ở Nhật Bản không phải là bản sao trực tiếp từ Phật giáo Ấn Độ, mà trước khi vào Nhật Bản Đạo Phật đã phát triển ở Trung Quốc và ở một mức độ nhất định, rồi được kế thừa và tiếp biến ở Triều Tiên. Khi du nhập vào Nhật Bản, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Đạo Phật đã được bản địa hóa cho phù hợp với trình độ nhận thức và để có thể kết hợp với một số tín ngưỡng bản địa nhằm thâm nhập một cách thuận lợi vào quần chúng nhân dân. Do sự tác động qua lại giữa Đạo Phật và các giá trị truyền thống Nhật Bản mà tôn giáo này đã trở thành một yếu tố kích thích các giá trị truyền thống phát triển và ngược lại, các giá trị truyền thống Nhật Bản đã làm cho Phật giáo mang sắc thái riêng của Thiền Nhật Bản (Zen).

Quyển cổ sử Nhật Bản Thư Kỷ (ra đời vào thế kỷ VIII) ghi lại những mô tả sớm nhất về Phật giáo nước Nhật. Theo đó, Soga no Umako nhận được quà tặng là bức tranh Phật từ hoàng triều Bách Tế (Triều Tiên) năm 584. Ông cho xây Pháp Hưng Tự (Hokoji 法興寺) ở Nara để thờ phượng bức tranh Phật ấy. Đây là chỉ dấu đầu tiên về Phật giáo ở Nhật Bản cuối thế kỷ VI. Để duy trì Phật sự, Umako mời vị cao Tăng tên Huệ Thiện (Ebin, 恵便) đến trụ trì và đào tạo ba vị Ni sư.

Thời đại Phật giáo đến quần đảo Nhật Bản cũng là thời kỳ định hình nên văn hóa cổ điển Nhật, sau này gọi là thời đại Phi Điểu (Asuka jidai, 飛鳥時代) trải dài từ năm 538 đến năm 710. Người Nhật tự gọi mình là Nhật Bản thay vì Oa quốc như thời đại Cổ Phần trước đó. Đặc điểm của thời kỳ này là chính quyền Đại Hòa (Yamato, 大和) chịu sự thao túng của các gia tộc lớn, như Mononobe, Soga và Nakatomi, song song với xu hướng xây dựng chế độ tập trung quyền lực vào tay Thiên Hoàng và người đứng đầu thế gia. Nhật Bản học hỏi cách tổ chức triều chính, văn hóa của nhà Tùy – Đường suốt thế kỷ VI – VII. Quan chế tổ chức theo Luật Lệnh (Ritsuryō, 律令) (tập hợp các cải cách hành chính cuối thế kỷ VII) gồm 12 cấp bậc với tám vị Thái Chánh Quan (Daijō-kan, 太政官) quản lãnh tám bộ: Trung Vụ Tỉnh (Nakatsukasa-shō, 中務省), Thức Bộ Tỉnh (Shikibu-shō, 式部省), Trị Bộ Tỉnh (Jibu-shō, 治部省), Dân Bộ Tỉnh (Minbu-shō, 民部省), Binh Bộ Tỉnh (Hyōbu-shō, 兵部省), Hình Bộ Tỉnh (Gyōbu-shō, 刑部省), Đại Tàng Tỉnh (Ōkura-shō, 大蔵省) và Cung Nội Tỉnh (Kunai-shō, 宮内省).

Chế độ tập trung quyền lực cơ bản hình thành vững chắc với quyền hành được tập trung. Triều đình học phép tô dung điệu của nhà Đường, tiến hành cải cách điền thổ ở khắp nước Nhật với các lệnh Ban Điền Thu Thụ Pháp từ nửa đầu thế kỷ VII. Về mặt tư tưởng, Thần đạo (Shinto) truyền thống của Nhật Bản tồn tại đồng thời với Nho giáo và Đạo giáo từ Trung Hoa. Phật giáo đã du nhập vào Nhật Bản trong bối cảnh thời đại như thế.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo ở giai đoạn này, người có công lớn nhất phải kể đến Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi, 聖徳太子) (574 – 622). Hậu thế xem ông là chính trị gia người Nhật đầu tiên thực sự hiểu được tư tưởng của đức Phật và đặt niềm tin sâu sắc vào Đạo Phật. Tháng 4 năm Suy Cổ thứ 12, Thánh Đức Thái Tử ban hành Thập thất điều Hiến pháp (Jūshichijō Kenpō, 十七条憲法), trong đó một mặt, ông dùng tư tưởng Phật giáo để chỉ đạo về tinh thần; mặt khác, lấy lý luận Nho gia làm cơ sở cho chính trị và cuối cùng lấy nguyên tắc của Pháp gia làm phương pháp thi hành. Các văn tự pháp điển từ thời kỳ này có ghi rằng: “Cần phải thành kính đối với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Đây là chung quy của tứ sinh, là cực tông của vạn quốc. Đời nào, người nào mà chẳng theo pháp ấy. Theo pháp ấy, con người ít lầm lỗi, tội ác có thể cải tạo, song nếu không quy Tam bảo thì lấy gì làm rõ thẳng cong”[1].

Triều đình Yamato đã gửi bốn đoàn sứ thần đến triều cống nhà Tùy, bên ngoài thì học tập văn minh Trung Hoa, bên trong thì nhiệt thành bảo hộ Phật giáo. Ông còn là người biên soạn các chú giải của kinh Pháp Hoa, kinh Thắng Man và kinh Duy Ma Cật [2].

Trong thời gian thái tử Shotoku cầm quyền đã có 46 ngôi chùa được xây dựng với hơn 1376 Tăng Ni, Phật tử tham gia hành đạo. Đặc biệt, từ năm 645 (khi “Chiếu thư” đầu tiên về phát triển Phật giáo được công bố) đến cuối thế kỷ thứ VII, cả nước đã có hơn 540 ngôi chùa với hơn 3363 Tăng Ni và Phật tử. Sau này, người ta đã tôn sùng thái tử Shotoku là Thánh Đức để ghi nhớ công đức lớn lao của ông.

CHẾ ĐỘ THI TUYỂN TĂNG SĨ THỜI TAIKA

Năm 645, mâu thuẫn trong hoàng triều Yamato lên đến đỉnh điểm, gia tộc Nakatomi cùng hoàng thân Naka – no – Oe (中大兄皇子) tiến hành một cuộc đảo chính. Liền ngay sau đó, các pháp điển cải cách được triều đình Yamato ban bố rộng khắp, sử sách gọi chung những cải cách ấy là Cải cách Taika.

Về mặt tôn giáo, từ năm 645 đến năm 701, triều đình từng bước nâng Phật giáo lên thành quốc giáo của Nhật Bản. Với số lượng Tăng, Ni, tự viện và cư sĩ ngày càng đông đảo, Văn Vũ Thiên hoàng (文武天皇) (697 – 707) định ra So – Ni Ryo (Tăng Ni Nghi Lễ) và Diên Hỷ Thức (Enghi – shiki, 延喜式) tổ chức Giáo hội Phật giáo trong vương quốc bấy giờ. Người xuất gia sẽ ghi danh vào tăng bạ do triều đình quản lý và một số vị có đủ phẩm hạnh, thông hiểu luật pháp sẽ được bổ nhiệm thành tăng quan với các cấp bậc, vị trí như Truyền đăng Đại pháp sư (dento dai – hoshi, 伝灯大法師), Pháp kiều (hokkyo, 法橋), Pháp nhãn (hogen, 法眼), Pháp ấn (hoin, 法印), Quốc sư (kokushi, 国師), Luật sư (risshi, 律師), Tăng đô (sozu, 僧都), Tăng chánh (sojo, 僧正).

Các vị tu sĩ sau khi ghi danh với triều đình sẽ được miễn thuế và nhiều trách nhiệm khác. Họ còn được cấp tiền cung dưỡng, nơi ở và y phục. Nếu phạm tội, pháp luật sẽ gia hình nhẹ hơn một bậc so với thường dân. Tuy nhiên họ phải chấp nhận một số quy định, ví như không được phép giảng pháp bên ngoài tự viện nếu người quản lý tự viện không cho phép; hoặc không chạm vào tử thi.

Điều kiện để triều đình công nhận một người là vị tu sĩ Phật giáo dựa trên kiến thức và phẩm hạnh tu tập của vị ấy. Ở thế kỷ VIII, người tham gia cuộc khảo hạch để đứng vào hàng ngũ Tăng già phải vượt qua kiến thức về kinh Pháp Hoa hoặc kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, cùng một số kiến thức Phật pháp quan trọng khác. Người đậu sẽ được xuất gia và trải qua thời gian thử thách (ngắn hay dài tùy quyết định của tự viện nhận vị ấy). Cuối cùng, họ được cấp một docho hoặc doen –  độ điệp, công nhận là vị Tăng sĩ chính thức của Phật giáo.

Bên cạnh các Tăng sĩ nhận độ điệp chính thức của triều đình, Nhật Bản còn có một số vị Tăng không tham gia tăng khảo song vẫn giảng pháp trong xã hội, tiêu biểu là sư Hành Cơ (Gyoki, 行基) (668-749). Ông là vị cao Tăng thời kỳ Nara gốc Triều Tiên xuất thân bần hàn. Năm 16 tuổi, ông xuất gia, đến đầu thế kỷ VIII ông tham gia khảo hạch Tăng và được công nhận là tu sĩ chính thức của tự viện Yakushiji. Thế nhưng sau đó sư Hành Cơ thoái lui khỏi tự viện này và bắt đầu giảng pháp trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt ở vùng Ki. Với tri thức uyên thâm và tài tổ chức của mình, ông giúp người dân xây dựng các công trình thủy lợi – cầu, cống và được người dân vùng Ki rất kính trọng. Sư còn tổ chức dạy Phật pháp cho nhiều người muốn thi tăng khảo, bất chấp lệnh cấm của triều đình. Đến đời Thiên hoàng Thánh Vũ (Shomu tenno, 聖武天皇) (724-749), vua mời sư Hành Cơ vào triều và giao việc tổ chức Tăng sự trong kinh đô. Ngài quyên góp và xây dựng 49 ngôi chùa trên khắp Nhật Bản bấy giờ. Dưới sức ảnh hưởng của Sư, triều đình dỡ bỏ quy định cấm giảng pháp ngoài tự viện, mở ra một chương mới trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Trong suốt mấy thế kỷ đầu của Phật giáo Nhật Bản, nhờ chế độ thi tuyển Tăng sĩ nghiêm chỉnh mà Tăng đoàn Phật giáo Nhật ngày càng phát triển, uy tín Phật giáo trong triều đình và chính trị gia tăng và trở thành hệ tư tưởng rất quan trọng trong xã hội bấy giờ.

 

Chú thích:

[1] http://www.duhaime.org/LawMuseum/LawArticle-1182/604-The-Seventeen-Article-Constitution-of-Japan.aspx.
[2] Kenji Matsuo (2007), A history of Japanese Buddhism, Global Oriental, p.19.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *