Trong mỗi giai đoạn lịch sử của Phật giáo nước nhà đều xuất hiện những bậc danh Tăng xuất chúng bi – trí vẹn toàn làm thạch trụ chốn tùng lâm và là chỗ nương tựa vững chắc cho các thế hệ kế thừa. Trong số đó phải kể đến Hòa thượng Thích Chí Thiền, bậc Tổ sư của Tổ đình Phi Lai, Ngài đã cùng chư Tôn thạc đức đương thời làm rạng ngời những trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Hòa thượng Thích Chí Thiền (1861-1933) một trong những bậc danh Tăng tiêu biểu ở vùng Tây Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, chốn Tổ Phi Lai, dưới sự lãnh đạo điều hành của tổ Chí Thiền, là một trong những cái nôi đào tạo Tăng tài nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Cùng với những đóng góp to lớn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ngay từ những năm 1930, Tổ đình Phi Lai cũng là nơi xuất phát các hoạt động cách mạng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Với mục đích tưởng niệm, tôn vinh công lao và nhận thức đúng đắn về vai trò của Tổ đình Phi Lai lẫn tổ Chí Thiền trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam và sự nghiệp phụng sự dân tộc ở thế kỷ XX, Môn phong Tổ đình Phi Lai phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Vai trò của Tổ đình Phi Lai và Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền với đạo pháp và dân tộc” nhằm đề xuất những định hướng đóng góp, xây dựng phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thế kỷ XXI. Trước hết, trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ tri ân công đức sâu dày của một bậc tiền nhân, học tập tiếp thu những kinh nghiệm quý báu qua quá trình Tổ dấn thân nhập thế, đồng thời ôn lại lịch sử một thời nhằm ghi nhận những công đức sâu dày của Ngài trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài.
Lịch sử chứng minh, từ chốn Tổ Phi Lai và sự truyền thừa của tổ Chí Thiền, đã sản sinh ra một thế hệ những bậc chân tu thạc đức kế tục sự nghiệp chấn hưng làm rạng danh Phật giáo Việt Nam. Qua đó, có thể nói, vai trò của Tổ đình Phi Lai và tổ Chí Thiền trong việc tham gia đào tạo Tăng tài trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX là vô cùng ý nghĩa và rất quan trọng đối với Phật giáo nước nhà. Những đóng góp trong việc xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những giá trị truyền đăng tục diệm thiêng liêng cao quý này không chỉ thể hiện sinh động ở thế kỷ XXI, mà sẽ được thắp sáng mãi muôn đời. Trên tinh thần này, chúng tôi mạo muội đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Tổ Chí Thiền – Tinh thần nhập thế qua thế hệ kế thừa”.
THÂN THẾ – ĐẠO NGHIỆP CỦA TỔ CHÍ THIỀN
Theo tư liệu về tổ Như Hiển – Chí Thiền của HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN (Pháp tôn Tổ Chí Thiền) và các tư liệu khác tại chốn Tổ Phi Lai, người viết xin tóm tắt đôi nét về hành trạng của Tổ. Xuất thân trong gia đình nhiều đời làm quan, ông nội là Hộ Quốc công Nguyễn Công Thành dưới triều Tự Đức, thân phụ là quan Tổng trấn Quảng Nam rất được lòng dân, lúc bấy giờ, Tổ tuy ở dinh Tổng trấn cùng thân phụ với nếp sống quyền quý, nhưng Ngài vốn bản tính hiền hậu hay giúp đỡ mọi người. Sau khi thân phụ qua đời, Tổ được thân mẫu tiếp tục cho học hành thành đạt.
Năm Mậu Dần (1878), Ngài được triều đình bổ dụng làm quan hậu bổ tại tỉnh Khánh Hòa, tại đây cùng người anh tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân chống thực dân Pháp. Sau khi phong trào thất bại, Ngài vào tỉnh Gia Định tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp.
Năm Tân Tỵ (1881), tại vùng đất mới nơi lánh nạn này, Ngài cảm nhận sâu sắc về đời sống vô thường, danh lợi là ảo mộng, chiêm nghiệm thực cảnh biển dâu, thống khổ sự đời, chí xuất trần bộc phát. Vào năm 1881, Ngài đến chùa Giác Viên (Chợ Lớn) xin xuất gia học đạo với tổ Phương Danh, húy Minh Mai [2], được Tổ thu nhận làm đệ tử đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thành, nhưng hiệu Chí Thành trùng tên ông nội của Ngài nên sau này Tổ đổi hiệu lại là Chí Thiền [3]. Sau khi xuất gia, Ngài được bổn sư giới thiệu đến học đạo và cầu pháp với tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân (sư huynh của ngài Minh Mai – Phương Danh).
Thời gian học đạo, Tổ nổi tiếng với hạnh kham nhẫn, trong suốt ba năm Tổ không quản ngại bất cứ công việc khó khăn nào từ nhỏ đến lớn, như sửa cầu, bồi lộ, cho đến bửa củi, gánh nước… Tại chùa Giác Viên, trong thời gian đầu, Tổ phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, rồi Ngài phát nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa. Trong các Phật sự, Tổ đã cùng thầy bổn sư xây dựng chùa Giác Sơn, khi chùa khánh thành, Tổ được cắt cử làm thủ tọa. Sau khi Hòa thượng trụ trì viên tịch vào năm Kỷ Hợi (1899), Ngài kiêm nhiệm trụ trì luôn chùa Giác Sơn.
Năm Canh Ngọ (1900), Tổ vào vùng núi Thất Sơn (An Giang) ẩn dật tu hành, thời gian này, ban đầu Tổ ở núi Cấm, sau đó được chư sơn môn cung thỉnh về trụ trì Tổ đình Phi Lai tại Châu Đốc. Lịch sử ghi nhận, khoảng thời gian này, chùa Phi Lai là một ngôi chùa vách đất, hoang sơ, khi về nhận trụ trì, Tổ đã cùng bổn đạo và hương chức địa phương khẩn hoang khu vực rộng lớn xung quanh chùa để thành lập nông trại làm ruộng. Từ đó, Ngài cùng bổn đạo ra sức tăng gia sản xuất để có tài vật xây dựng lại chùa khang trang và giúp đỡ người dân vùng biên giới trong những lúc khó khăn. Đáng kể là trong hai trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) và năm Đinh Mùi (1907) [4], Tổ đã đích thân quy nạp ghe thuyền, cùng với sự trợ giúp từ Nhân dân địa phương và bổn đạo đã vớt gần 50 xác người chết trôi, đem về chùa Phi Lai mai táng, làm lễ cầu siêu liên tiếp 49 ngày liền.
Nhờ đức hạnh từ bi cứu khổ và uy tín cũng như danh tiếng của Tổ, chùa Phi Lai trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Vào năm Quý Mão (1903) trong cuộc hội ngộ với nhà yêu nước Phan Bội Châu, Tổ căn dặn nhà chí sĩ rằng: “Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét”. Chỉ nội điều này thôi cũng đã cho chúng ta thấy tầm nhìn chiến lược cũng như tính cẩn trọng của Tổ trong các hoạt động yêu nước. Tiếp đến, vào tháng 2/1904, Tổ đã có cuộc gặp với hoàng thân Cường Để tại Quảng Nam, tại lần gặp đó Tổ trở vào Nam tích cực hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.
Vào năm Đinh Tỵ (1917), sau vụ ông Bảy Do – Chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt, vì Tổ ở gần núi Cấm nên chính quyền Pháp nghi ngờ Tổ có liên lạc với ông Bảy Do. Cùng với việc ngày càng được lòng tin của quần chúng nhân dân, nên Tổ đã bị mật thám bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) hơn 10 tháng trời. Nhưng sau đó chúng đã phóng thích vì không đủ chứng cớ buộc tội Ngài.
Nhờ đức độ uy tín và hạnh nguyện cứu khổ chúng sanh sâu dày, Tổ được người dân vùng biên giới, cả người Việt lẫn Khmer, kể cả các Tăng sĩ Nam tông, tất cả đều ngưỡng mộ kính nể Ngài. Vào năm 1930, khi phong trào Chấn hưng Phật giáo hình thành, ngay trong giai đoạn đầu, Tổ đã hoạt động rất tích cực và kêu gọi ủng hộ phong trào Chấn hưng Phật giáo cũng như mở nhiều lớp Gia giáo giảng dạy cho Tăng, Ni và chứng minh tham dự nhiều hoạt động Phật sự quan trọng lúc bấy giờ [5].
Trong giai đoạn 1925-1932, tổ Huệ Đăng nhiều lần liên hệ với các chí sĩ yêu nước và tiếp xúc với tổ Chí Thiền ở chùa Phi Lai (xã Tú Tề – Châu Đốc). Do cảm kính ý chí và tấm lòng yêu nước của tổ Huệ Đăng, nên khi sắp tịch, tổ Chí Thiền có bảo một số đệ tử nên theo tu học với tổ Huệ Đăng.
Vào năm Quý Dậu (1933), Tổ thọ bệnh và an dưỡng tại thiền sàng. Ngài ứng hẹn vào vía Phật nhập Niết bàn thì sẽ viên tịch, quả đúng như vậy, đến ngày Rằm tháng 2, sau khi dặn dò các đệ tử, Tổ chắp tay nói bài kệ:
Nhứt niệm viên quán tội tính không,
Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh
Rồi Tổ thâu thần an nhiên thị tịch, trụ thế 73 năm, hành đạo 52 năm, bảo tháp được xây dựng tôn thờ Tổ tại Tổ đình Phi Lai.
Nhìn lại hành trạng và đạo nghiệp của tổ Chí Thiền, chúng ta sẽ thấy, kể từ khi Ngài từ Quảng Nam vào xứ Nam kỳ ở tuổi 20, thuở đầu xuất gia hành đạo tại chùa Giác Viên (Chợ Lớn) cho đến lúc trụ tích chùa Phi Lai, trong khoảng mấy mươi năm đó, khi thì Tổ dấn thân cứu độ những người bị thiên tai ở Gò Công, khi thì ra tay giải nạn cho đồng bào trong trận lũ lụt kinh hoàng ở Châu Đốc. Đức hạnh từ bi của Ngài làm cảm động đến mười phương, vì vậy mà Tăng tục một vùng Nam kỳ rộng lớn, trong từ chư sơn thiền đức, ngoài đến thập phương đàn Việt, ai ai cũng khâm phục phẩm hạnh cao thượng và hành vi chánh đáng của Ngài.
Đặc biệt, cuộc đời của Tổ Chí Thiền, ngoài hành trạng dấn thân với bi nguyện cứu khổ cứu nạn chúng sanh và tích cực tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp như đã trình bày, thì nhờ trình độ học thức uyên thâm và đức độ sâu dày, Tổ đã cảm hóa không biết bao nhiêu người trở thành đệ tử Ngài, quy y theo Phật, xuất gia học đạo. Đáng lưu ý là thế hệ kế thừa Ngài đa phần đều là những bậc Tăng tài xuất chúng, đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam huy hoàng xán lạn.
DẤU ẤN VỀ SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO TĂNG TÀI CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM
“Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” chính là hoãi bão của bậc đại trượng phu xuất gia thoát ly tam giới. Và, tổ Như Hiển Chí Thiền là một trong số ít những bậc danh Tăng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ biểu hiện tâm huyết vun bồi đạo hạnh, đào tạo Tăng tài mà lịch sử Phật giáo Việt Nam lưu danh muôn thuở.
Tăng bảo là những người mang sứ mạng khai ngộ cho chúng sanh đang trầm luân trong khổ đau sinh tử quay về nương trú chánh pháp và hành trì chân lý giác ngộ giải thoát. Theo đó, các bậc chân tu thạc đức cũng chính là sứ giả Như Lai mang trên mình trọng trách tương truyền mạng mạch Phật pháp không ngừng thắp sáng ánh tuệ đăng trong dòng chảy đời sống thế nhân. Do nhận thức sâu sắc điều này, tổ Chí Thiền hiểu rất rõ: “Mỗi bước chân Tăng sĩ sẽ in trên đất tâm của mọi người sự an lạc và thảnh thơi; vậy nên, Tăng bảo đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng và bảo vệ ngôi nhà chánh pháp” [6]. Hơn nữa, Phật giáo có Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng; trong đó, Tăng bảo mang trong mình sứ mệnh “Duy trì mạng mạch Phật giáo”. Vì vậy, để Phật giáo trường tồn và phát triển, đào tạo Tăng tài chính là nhiệm vụ trọng tâm của Phật giáo mọi thời đại.
Lịch sử ghi nhận, ngay từ rất sớm, Tổ đã cho mở hai cơ sở đào tạo Tăng Ni ở chùa Phi Lai (An Giang) và chùa Giác Hoa (Bạc Liêu). Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang ghi rằng: “Tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, Thiền sư Chí Thành (Chí Thiền) quy tụ Tăng sĩ về giảng dạy hàng năm, dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho Ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học Ni tham dự” [7].
Trong quá trình thực hiện sứ mệnh nối dòng mạng mạch Phật pháp, theo thời gian, nhờ uy đức và đạo hạnh của Ngài mà chốn Tổ Phi Lai ngày càng vang xa. Do cảm kính đức trọng của Ngài, Tăng Ni nhiều nơi đã quy tụ về đạo tràng do Ngài sáng lập để tu học. Trong bài viết “Tổ đình Phi Lai nơi vun bồi đạo hạnh bậc thượng sĩ”, tác giả Thích Minh Ân ghi rằng: “Cảm phục ân đức sâu dày của tổ Chí Thiền, tứ phương Tăng tục đã quy tụ về dưới chân Ngài để cầu đạo, có cả người Việt, người Hoa và người Khmer, biến ngôi chùa Phi Lai trở thành chốn già lam sung túc, cuộc sống người dân quanh vùng có nhiều biến đổi tốt đẹp” [8]. Còn bài viết “Tổ đình Phi Lai – Dấu ấn chấn hưng Phật giáo vùng Tây Nam Bộ” đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổ đình Phi Lai, ghi nhận: “Trong thời gian hơn 60 năm thừa hành Phật sự, Hòa thượng đã quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên và hơn 40 Tăng Ni xuất gia, trở thành pháp khí cho đạo pháp, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội làm cho Tổ ấn trùng quang, đạo vàng phát triển, chúng sanh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo”.
Như vậy, từ chốn Tổ Phi Lai, tổ Chí Thiền đã góp phần khơi nguồn tuệ giác, hun đúc nên những thế hệ Tăng Ni tài danh kế tục sự nghiệp truyền đăng tục diệm cho các thế hệ nối tiếp sau này. Nhiều vị trong số đó đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Theo tài liệu của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, từ Tổ đình Phi Lai, nhiều thế hệ danh Tăng và Ni đã rất thành công trên con đường đạo nghiệp, về chư Tăng có Hòa thượng Hồng Pháp – Thiện Minh (Trưởng tử của tổ Chí Thiền, Ngài có biên soạn quyển Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai, Nhà in Xưa & Nay, Sài Gòn, xuất bản năm 1934, bản số hóa được lưu trữ ở website của Thư viện Quốc gia Pháp – Bibliothèque nationale de France); Hòa thượng Hồng Diệu – Thiện Đạo; Hòa thượng Hồng Nhẫn – Từ Nhơn (Đào Bá Nhẫn); Hòa thượng Hồng Nhơn – Từ Nhẫn; Hòa thượng Hồng Tôi – Thiện Tường; Hòa thượng Hồng Xứng – Thiện Quang; Hòa thượng Hồng Mão – Thiện Tâm; Hòa thượng Hồng Nở – Thiện Hoa [9] (tự Hoàn Tuyên); Hòa thượng Hồng Minh – Từ Hội (HT. Pháp Long); Hòa thượng Hồng Tông – Quảng Đạt; Hòa thượng Hồng Thông – Trí Châu; Hòa thượng Hồng Sáng – Thiện Quang; Hòa thượng Hồng Tòng – Thiện Tòng, tự Phổ Quảng; Hòa thượng Hồng Chương – Trí Đức (Y chỉ); Hòa thượng Hồng Trung – Thiện Tín (HT. Huệ Hải) [10]. Thế hệ Pháp tôn có HT. Lệ Huy – Thiện Nhơn (đương kim Chủ tịch HĐTS GHPGVN); chư Ni có các vị, như: Ni sư Hồng Từ – Diệu Nga; Ni sư Hồng Trung – Diệu Hậu; Ni sư Hồng Thọ – Diệu Tịnh (Pháp sư Ni đầu tiên của Ni giới Việt Nam thời kỳ chấn hưng); Ni sư Hồng Lầu – Diệu Tấn; Ni sư Hồng Tích – Diệu Kim; Ni sư Hồng Quý – Bửu Thanh; Ni sư Hồng Khoái – Bửu Chí; Ni sư Hồng Đắc…
Đáng nói là phần lớn chư vị Tăng, Ni được quy y và thế pháp, thọ giáo từ tổ Chí Thiền nêu trên đều trở thành bậc pháp khí lỗi lạc chốn tòng lâm. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, tổ Chí Thiền và các môn đệ của Ngài đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Nhìn ở góc độ truyền đăng tục diệm, có thể nói, công lao của tổ Chí Thiền đối với Phật giáo Việt Nam là vĩ đại, quý giá không thể nghĩ bàn.
Ngoài các bậc danh Tăng là đệ tử của Tổ, trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ xin nêu điển hình về chân dung và hành trạng của Hòa thượng Hồng Tòng, hiệu Thiện Tòng, một bậc danh Tăng thể hiện trọn vẹn hai đức tính Từ bi và Trí huệ của Đạo Phật từ sự truyền thừa của tổ Chí Thiền (Tổ đình Phi Lai cổ tự) và Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn (Tổ đình Hội Khánh Tự). Qua đó nói lên tinh thần nhập thế của tổ Chí Thiền và chư vị Tổ sư thông qua các thế hệ kế thừa.
HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN TÒNG, BẬC DANH TĂNG THỂ HIỆN TINH THẦN NHẬP THẾ ĐỒ SANH TỪ SỰ TRUYỀN THỪA CỦA TỔ CHÍ THIỀN VÀ TỔ TỪ VĂN
Thân thế và đạo nghiệp của HT. Thích Thiện Tòng (1891 – 1964)
Hòa thượng Thích Thiện Tòng, thế danh Nguyễn Văn Thung, sinh năm Tân Mão (1891) tại thôn Tân Long (nay là xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Nhựt và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Ngọt, gia đình có tám anh em, Ngài là người con thứ ba, người em thứ năm của Ngài cũng xuất gia pháp hiệu là Phổ Phú.
Thuở nhỏ, Ngài thông thuộc Tứ thư, Ngũ kinh. Năm Quý Mão (1903), Ngài được song thân dẫn đến chùa Khánh Quới xin cho Ngài quy y xuất gia với Hòa thượng Phước Chí (húy là Tâm Ba hoặc Tâm Bờ), được thầy bổn sư đặt pháp danh là Thiện Tòng, chẳng bao lâu Ngài đã nắm vững những quy tắc thiền môn và kiến thức Phật học cơ bản nhờ sẵn giỏi chữ Nho và bản tính thông minh…
Năm Ất Tỵ (1905), Hòa thượng Phước Chí viên tịch, Ngài đến cầu học với Hòa thượng thiền chủ Phước Minh ở Vũng Liêm, rồi qua Bằng Lắng (Vĩnh Long) cầu học với ngài Bửu Quang ở chùa Phước Sơn. Năm Kỷ Dậu (1909), Ngài đến an cư tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn) và thọ đại giới tại Trường hương này. Năm Tân Hợi (1911), Ngài đến an cư tại Tổ đình Đại Giác (Biên Hòa), năm Giáp Dần (1914) Ngài an cư tại chùa Long Phước (Vĩnh Long) và được cử làm Phó chúng thiền đường. Lúc bấy giờ ở Chợ Lớn có các vị cao Tăng như: Hòa thượng Chơn Hương (chùa Linh Nguyên), Hòa thượng Thanh Ẩn (chùa Sắc Tứ Từ Ân), Hòa thượng Hoan Hỷ (chùa Long Thạnh), Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải) khai đàn thuyết giáo, Ngài đã cùng một lúc tham học giáo lý nhiều nơi cho nên mỗi ngày Ngài phải lặn lội mười lăm, hai mươi cây số nắng mưa mà vẫn không sờn lòng thoái chí.
Mùa hè năm Quý Sửu (1913) Ngài an cư tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo (TP. Rạch Giá), Trường hương này có Hòa thượng Từ Văn (thường gọi Hòa thượng Cả) ở chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một) làm pháp sư, Ngài được cử làm Phó na thiền đường. Tại Trường hương này, Ngài thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và hết lòng cầu pháp nên được Hòa thượng Từ Văn quan tâm dạy dỗ. Sau khi mãn hạ, Hòa thượng Từ Văn đã bảo Ngài về chùa Hội Khánh để Hòa thượng dạy thêm kinh luật, nhân đó Ngài học thêm nghề thuốc với lương y Mai Hữu Thân với dụng ý mai sau cứu người. Lúc bấy giờ, tổ Từ Văn tin tưởng và chọn Ngài làm thị giả, nhất là trong những lúc Ngài được cùng theo tổ Từ Văn lui tới các già lam. Trong cách diễn đạt hay trình bày kiến giải mọi vấn đề, cả hai thầy trò đều rất tâm đắc nên tổ Từ Văn càng tin yêu Ngài hơn.
Trên bước đường vân du học đạo, Ngài đến cầu pháp tổ Phi Lai, được Tổ phú pháp cho pháp hiệu Phổ Quảng, pháp danh Hồng Tòng, nối đời thứ 40 dòng Lâm Tế Gia Phổ [11].
Mùa hè năm Bính Dần (1926), Trường hương mở tại chùa Hội Phước ở ấp Rạch Miễu, xã Tân Thạnh, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre), tổ Từ Văn được cung thỉnh làm pháp sư. Cũng trong năm này, Hòa thượng Từ Văn được ông bà Hội đồng Lương Khắc Minh ở Sài Gòn đến cung thỉnh về trụ trì chùa Trường Thạnh. Vì đây là ngôi chùa do ông bà đứng ra xây dựng, Hòa thượng Từ Văn đã nhận lời về làm trụ trì chùa Trường Thạnh. Từ đây, Ngài dốc lòng tôn tạo chùa Trường Thạnh trở thành một tòng lâm quy tụ Tăng tài như hoài bão của Ngài bấy lâu nay [12].
Năm Đinh Mẹo (1927), chùa Sắc Tứ Long Hoa ở Gò Vấp tổ chức Kiết hạ an cư, Hòa thượng chủ hương ở đây chuyên trì Kinh Pháp Hoa, có nghe Ngài thường giảng Kinh Pháp Hoa ở Trường hương chùa Hội Phước, nên Hòa thượng đã tìm đến tận chùa Trường Thạnh, nơi Ngài đang trụ trì mời ngài làm pháp sư. Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài về chùa Long Phước (Cai Lậy) lập chúc thọ Giới đàn để báo đáp công ơn chư Phật, thay mặt giới tử địa phương, cung thỉnh Hòa thượng Từ Văn đến chứng minh, Hòa thượng chùa Sắc Tứ Long Hoa làm Hòa thượng Đường đầu, sư đệ là Quảng Ân (chùa Linh Phước) làm Giáo thọ.
Lúc này phong trào Chấn hưng Phật giáo bộc phát mạnh mẽ khắp ba kỳ. Lúc Ngài giảng kinh ở Trường hương Gò Vấp, sư Thiện Chiếu có đến gặp và Ngài hứa sẽ tiếp tay trợ lực với chư vị để cổ xúy phong trào. Sau đó, Ngài khuyến khích nhiều Phật tử tham gia Hội Nam kỳ Phật học, vận động nhiều người tìm đọc Tạp chí Từ Bi Âm. Chùa Trường Thạnh lúc ấy còn nghèo, nhỏ hẹp nhưng lúc nào cũng đón tiếp những tâm hồn đầy nhiệt huyết đến bàn việc trùng hưng Phật pháp. sư Phổ Phú cũng đồng tình với anh mình nên thường mở những lớp học Phật tại chùa Long Phước, mời sư Thiện Chiếu đôi lần đến tận Long Phước để thuyết giảng giáo lý và các bài học yêu nước.
Phong trào Chấn hưng Phật giáo phát triển được vài năm thì bị tác động từ nhiều phía, đành tạm thời lắng dịu. Hòa thượng Khánh Hòa chuyển sang thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, sư Thiện Chiếu về chùa Hưng Long (Ngã bảy Sài Gòn) viết sách, còn Ngài thì trụ lại chùa Trường Thạnh mở các lớp giáo lý. Để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, nếu có ai hỏi về phong trào Chấn hưng Phật giáo thì Ngài khéo léo trả lời: “Hiện giờ trong giới Tăng già có người nhiều tài đức hơn tôi, tôi phần vì sức yếu tuổi già lại tài hèn đức mọn nên phải lựa đường mà đi, nếu mình không đủ sức quét nhà thì đừng xả rác”.
Tháng 10 năm Canh Thìn (1940), Ngài đứng ra trùng tu chùa Trường Thạnh, sau một biến cố nhiều rắc rối đến tận tai Thống đốc Nam kỳ. Nhưng cũng nhờ sự kiện đó, sau lần trùng tu này, chùa Trường Thạnh càng ngày càng đông đảo Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, học Phật và là một trong những cơ sở quan trọng của phong trào Việt Minh ở nội thành Sài Gòn.
Sau Cách mạng tháng Tám, Ngài chính thức trở thành cơ sở nội thành cho kháng chiến. Trong giai đoạn 1949-1950, phong trào Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh. Do theo yêu cầu kháng chiến, Hòa thượng Giác Ngộ (Ngã sáu) cùng nhiều vị khác tiến hành Đại hội thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng vào ngày Rằm tháng 2 năm Nhâm Thìn (1952). Ngài được tổ Đạt Thanh (Pháp chủ Tăng già Nam Việt, chứng minh Đạo sư tối cao của tổ chức Giáo hội Phật giáo Lục Hoà Tăng) và chư Tôn thiền đức công cử làm Đại Tăng trưởng (tương tự chức Tăng thống).
Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1959), Ngài đã 70 tuổi nhưng không ngại tuổi cao sức yếu mà vẫn khởi công trùng tu nâng cấp chùa Trường Thạnh thêm khang trang kiên cố [13]. Trong giai đoạn này, nhiều Tăng sĩ trong chùa Trường Thạnh nhờ sự giáo dục động viên của Ngài nên đã thoát ly theo kháng chiến, trong số đó có nhiều vị hy sinh. Biết cơ duyên hoằng hóa đã đến hồi viên mãn, sau khi để lại lời phú chúc hậu sự, khuya ngày 3 tháng 3 năm Giáp Thìn (tức ngày 24/4/1964), Ngài nhẹ nhàng viên tịch, thọ 74 tuổi đời, 50 tuổi đạo, bảo tháp Ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Giác Viên.
Hòa thượng Thích Thiện Tòng hấp thụ đức hạnh Từ bi từ sự truyền thừa của tổ Như Hiển – Chí Thiền và tinh thần trí tuệ của tổ Chơn Thanh – Từ Văn
Lúc sinh thời, tổ Chí Thiền đã thế độ được rất nhiều đệ tử, hàng đệ tử của Tổ về sau này đều là những bậc danh Tăng xuất chúng, tài năng lỗi lạc, làm rạng danh Phật giáo nước nhà, như: Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hồng Pháp, Hòa thượng Hồng Nhẫn… thế hệ Pháp tôn Hòa thượng Trí Tịnh – Nhựt Bình, Hoà thượng Lệ Huy – Thiện Nhơn, cũng như quý Trưởng lão Ni, như: Diệu Kim, Diệu Tịnh, Hải Ấn… Trong số đó, có Hòa thượng Thiện Tòng được xem là bậc danh Tăng thạc đức cùng một lúc hấp thụ cả hai đức tính ưu việt của Đạo Phật là Từ bi và Trí tuệ. Về đức tính Từ bi, Ngài được huân tập trọn vẹn từ tổ Chí Thiền. Nhìn vào đức hạnh của Hòa thượng Thích Thiện Tòng, chúng ta có thể thấy rõ tinh thần nhập thế của tổ Chí Thiền thông qua các thế hệ kế thừa.
Trên tinh thần “ôn cố tri tân”, khi nói đến tổ Chí Thiền, chắc hẳn mọi người đều tưởng nhớ đến một bậc cao Tăng thạc đức với tấm lòng một đời từ bi cứu khổ chúng sanh mà đạo hạnh của Ngài đã cảm động đến chư vị Hộ pháp thiện thần. Mọi tầng lớp dân chúng đều kính trọng ngưỡng mộ, cả đến các loài chim chóc muông thú cũng được thuần hóa thân thiện với Ngài. Thậm chí tại Tịnh Biên (Châu Đốc) thời bấy giờ là vùng đất đông người Khmer sinh sống, mà đạo hạnh của Tổ cũng được lan truyền qua tận xứ chùa Tháp (Campuchia) khiến các vị Sư Cả Lục chùa Tà Lạp ở Campuchia hiến cúng pho tượng Phật cổ bằng vàng để tôn trí tại chùa Phi Lai. Đây được xem là một bảo vật rất quý hiếm vào thời đó. Điều này càng chứng tỏ hành trạng của tổ Chí Thiền mang vào đời sống thế gian là một tấm lòng từ bi cứu khổ sâu dày vô tận. Và đức hạnh từ bi đó cũng đã được lịch sử tái hiện qua hành trạng của Hòa thượng Thích Thiện Tòng, một hậu duệ trong hàng đệ tử y chỉ của tổ Chí Thiền.
Mỗi nhân vật lịch sử đều gắn liền với những sự kiện nổi bật tạo nên ấn tượng khó phai mờ trong ký ức các thế hệ mai sau, nếu như đối với tổ Chí Thiền, khi nhắc đến trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) tại Gò Công và trận lũ lụt kinh hoàng diễn ra vào năm Đinh Mùi (1907) tại Châu Đốc, cùng với những công hạnh vị tha nhân ái mà Ngài suốt đời đã thể hiện như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, thì chúng ta mới hình dung ra đức hạnh từ bi cứu khổ chúng sanh của Tổ là không thể nghĩ bàn.
Nay nói đến đức hạnh từ bi mà Hòa thượng Thích Thiện Tòng trải lòng với đời sống trong bối cảnh xã hội thời chiến tranh loạn ly vốn ngổn ngang sự kiện chồng chéo lên nhau thì e cũng khó lột tả trọn vẹn. Tuy nhiên, trong nội dung này, chúng tôi xin tóm lược một vài nét chính nói lên đức hạnh từ bi cứu khổ của Ngài.
Ngay từ thời làm thị giả cho Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn tại Tổ đình chùa Hội Khánh vào năm Quý Sửu (1913), Ngài đã tự nguyện học thêm nghề thuốc với lương y Mai Hữu Thân nhằm cứu người khi gặp cơn hoạn nạn. Theo lời kể của chư sơn thiền đức, vào thời bấy giờ, tuy còn trẻ tuổi nhưng với những kiến thức y khoa về ngành đông dược đã học được, Ngài không quản ngày đêm, miễn là nghe có bà con hay bổn đạo bệnh hoạn nguy biến gì là Ngài tức tốc khăn gói tay nải lên đường cứu chữa cho bà con dẫu cho thời tiết nắng mưa vất vả. Cũng chính tấm lòng vị tha nhân ái hiếm có này mà Hòa thượng Từ Văn đã rất tin tưởng chọn Ngài làm thị giả. Về sau, trên bước đường tu học, Ngài may mắn được tổ Chí Thiền thâu nhận trao pháp, phú chúc pháp hiệu Phổ Quảng, pháp danh Hồng Tòng, nối đời thứ 40 dòng Lâm Tế, thì tấm lòng từ bi vị tha nhân ái của Ngài càng thể hiện sâu sắc hơn trong các hoạt động yêu nước của mình.
Quay lại thời gian xa hơn vào năm 1922, thời bấy giờ, Phật giáo Nam Bộ nói chung và Phật giáo Thủ Dầu Một nói riêng vào thời kỳ này dưới sự lãnh đạo điều hành của Hòa thượng Từ Văn đã tham gia Hội Lục Hòa Liên Xã rất nhiệt tình trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo cũng như các hoạt động yêu nước tại một vùng đất vốn trầm lắng bấy lâu nay. Giới Tăng già tham dự Hội Lục Hòa Liên Xã vào thời kỳ này có thể kể đến Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải), Hòa thượng Thiện Quới và Thiện Hương (chùa Hội Khánh), trong số đó có Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh) lúc bấy giờ Ngài 31 tuổi… Như chúng ta biết, Hội Lục Hòa Liên Xã chủ trương liên kết họp mặt chư Tôn đức Tăng già nhân ngày húy kỵ để bàn bạc tổ chức các hoạt động yêu nước. Trong những dịp này, Hòa thượng Thiện Tòng rất năng nỗ tham gia ý kiến nhằm hạn chế tối đa sự tổn thất cho tổ chức. Cùng với kiến thức uyên bác và nghề thuốc của mình, Ngài tận tình chăm lo sức khỏe cho chư vị cao niên, thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo những nơi Ngài đặt chân đến công tác Phật sự.
Phong trào Chấn hưng Phật giáo phát triển được vài năm thì bị tác động từ nhiều phía, đành tạm thời lắng dịu như trên đã trình bày. Ngài thì trụ lại tại chùa Trường Thạnh mở các lớp giáo lý. Với tấm lòng từ bi không ngằn mé, không sợ mọi hiểm nguy rình rập, Ngài đã biến chùa Trường Thạnh thành một trong những cơ sở quan trọng của phong trào Việt Minh ở nội thành Sài Gòn. Trong giai đoạn này, nhiều Tăng sĩ trong chùa đã thoát ly theo kháng chiến và hy sinh. Sau Cách mạng Tháng Tám, Ngài chính thức trở thành cơ sở nội thành cho kháng chiến, khoảng năm 1949 – 1950, phong trào Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, theo yêu cầu kháng chiến, Hòa thượng Giác Ngộ (tổ Đạt Thanh) cùng nhiều vị khác tiến hành Đại hội thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng vào ngày rằm tháng Hai năm Nhâm Thìn (1952) với chủ trương tu theo cung cách cổ truyền, kính ngưỡng trình độ uyên bác và đức hạnh từ bi phổ độ chúng sanh của Ngài nên Đại hội đã cung cử Ngài làm Đại Tăng trưởng (tương tự chức Tăng thống). Trong thời gian hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài đã đứng ra vận động quyên góp tài chánh, thuốc men, lương thực, giấy mực và các nhu yếu phẩm phục vụ các phong trào thi đua yêu nước rất tích cực…
Hòa thượng Thích Thiện Tòng hấp thụ đức hạnh Trí Tuệ từ sự truyền thừa của tổ Chơn Thinh – Từ Văn
Qua tinh thần nhập thế bằng trí tuệ, phương tiện thiện xảo của Hoà thượng Thiện Tòng đã thể hiện rất rõ hạnh nguyện và ý chỉ của tổ Từ Văn mà Hoà thượng Thiện Tòng đã hấp thụ tư tưởng này trong suốt thời gian làm thị giả cho tổ Từ Văn. Hình ảnh của Hoà thượng Thiện Tòng được thể hiện như sự hiện thân Từ bi – Trí tuệ của hai bậc Đại sĩ là tổ Chí Thiền và tổ Từ Văn.
Nói đến Hòa thượng Từ Văn là nói đến tầm nhìn sâu sắc trước thời cuộc và những cống hiến trí tuệ của Ngài cho Phật giáo tại Nam bộ thời bấy giờ. Trước tiên, điều đó sẽ được chứng minh qua việc Ngài cùng chư Tôn đức đứng ra tổ chức thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã [14] và sau đó cùng với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ Tịch) và nhà cách mạng yêu nước Phan Đình Viện thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh. Cả hai tổ chức này đều cùng chung mục đích chấn hưng Phật giáo và đóng góp cho các hoạt động yêu nước. Nói về trí tuệ mẫn tiệp của Ngài, nhân đây xin vắn tắt một giai thoại đáng nhớ, vào năm 1920, Hòa thượng sang Pháp làm sám chủ lễ cầu siêu tại TP. Marseille theo lời mời của nhà cầm quyền Pháp, tại cuộc lễ, có một vị chức sắc của nhà chức trách Pháp hỏi Hòa thượng sang đây với ai? Hòa thượng Từ Văn trả lời: “Tôi sang đây cùng với vợ con tôi”, người đó nói: “Hòa thượng có vợ con sao?” Hòa thượng trả lời: “Vợ con tôi tức là kim cang và Bồ đề” (kim cang thê, Bồ đề tử), dụng ý Hòa thượng muốn nói người tu phải có từ bi và trí tuệ, cuộc đối thoại đã làm cho nhà chức trách Pháp càng thêm kính nể. Sau khi đi Pháp về, nhà cầm quyền Pháp mặc nhiên công nhận Ngài như là một vị Tăng thống của Phật giáo Nam kỳ. Từ đây ở cương vị Tăng thống, Hòa thượng đóng vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, các vị chức sắc của nhà chức trách cũng như Tăng sĩ tín đồ đều gọi Ngài là Hòa thượng Cả [15] …
Nói về phẩm chất trí tuệ của Hòa thượng Từ Văn, lịch sử ghi nhận, ngay từ buổi đầu nhen nhóm phong trào Chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Từ Văn đã đứng ra mở lớp giáo lý Phật học và mở khóa luật, nhân đó đã giúp cho giới Tăng sĩ tinh thần cải tổ tự thân, làm nền tảng cho công cuộc xây dựng tổ chức Giáo hội. Năm Quý Sửu (1913) Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh Ngài làm pháp sư tại Trường hương chùa Tam Bảo, Rạch Giá; năm Nhâm Tuất; Năm 1919, Ngài làm Hoà thượng Đàn đầu tại Giới đàn Tổ đình Phước Hưng, Sa Đéc (1922) làm chủ kỳ thi tại Trường hương chùa Giác Lâm – Gia Định, năm Giáp Tý (1924) làm pháp sư chùa Chúc Thọ, giới đàn chùa Giác Thiên; năm Bính Dần (1926) làm pháp sư ở Trường hạ chùa Hội Phước (Mỹ Tho); năm Mậu Thìn (1928) làm chứng minh tại Trường hương chùa Long Phước; năm Canh Ngọ (1930) Ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng Đông và Tây Nam Bộ… Những kết quả từ công cuộc Chấn hưng Phật giáo đã giúp Phật giáo Nam Bộ hình thành nên một nền Phật học căn bản dựa trên cơ sở thành văn. Trong quá trình đào tạo Tăng tài, Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ kế thừa tài năng xuất chúng như: Hòa thượng Từ Tâm, Hòa thượng Quảng Nhu, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Mỹ Định, trong đó có Hòa thượng Thích Thiện Tòng là đệ tử y chỉ và từng một thời làm thị giả cho Ngài. Trong suốt quãng đời tu học, hoằng pháp lợi sanh, dấn thân vào các hoạt động yêu nước, Hòa thượng Thiện Tòng đã được hấp thụ và thấm nhuần phẩm chất trí tuệ tuyệt vời từ Hòa thượng Từ Văn.
Nội dung trên đây, chúng tôi lược nói phần nào về trí tuệ uyên thâm của Hòa thượng Từ Văn, qua phẩm chất trí tuệ của Hòa thượng Thích Thiện Tòng hấp thụ từ sự truyền thừa của Hòa thượng Từ Văn đã được Ngài thể hiện trong suốt quá trình hành đạo cũng như tham gia vào các hoạt động yêu nước.
Trước tiên, chúng tôi xin nói ngay rằng, Từ bi và Trí tuệ là hai phẩm chất cao quý của Đạo Phật và cũng là thuộc tính vốn tiềm tàng nơi người con Phật. Từ xưa tới nay, những bậc lãnh đạo Giáo hội trải qua các thời kỳ đều là những bậc danh tăng xuất chúng luôn hội đủ đức hạnh Từ bi và phẩm chất Trí tuệ. Có thể nói, nếu không hội đủ hai phẩm chất cao quý này thì e rằng khó có thể trở thành một nhà lãnh đạo trong tổ chức Phật giáo. Trong khi đó, nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy Hòa thượng Từ Văn được nhà cầm quyền pháp mặc nhiên công nhận là Ngài Tăng thống, chư Tôn đức các sơn môn pháp phái đều suy tôn Ngài là Hòa thượng Cả, hơn nữa bản thân Ngài là một trong số ít chư vị làm lãnh đạo Hội Lục Hòa Liên Xã và Hội Danh Dự Yêu Nước, tiếng tăm về tấm lòng từ bi đức độ và trí tuệ thông thái cũng như uy tín của Ngài vang dội khắp vùng đất Nam kỳ. Điều này đã chứng minh một cách thuyết phục về trí tuệ của Ngài.
Về Hòa thượng Thiện Tòng cũng vậy, chính nhờ đức hạnh từ bi vị tha nhân ái và nhất là phẩm chất thông minh trí tuệ tuyệt vời của Ngài mà chư Sơn thiền đức đã suy tôn Ngài vào ngôi vị Đại Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng. Nói thêm về phẩm chất trí tuệ của Hòa thượng Thiện Tòng, trong quá trình hoằng đạo, Ngài rất uyên thâm yếu chỉ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và thường thuyết giảng bộ kinh này tại các đạo tràng [16], nhất là giảng định kỳ tại Trường hương chùa Hội Phước. Tiếng tăm Ngài vang dội nên Hòa thượng chủ Trường hương chùa Sắc Tứ Long Hoa ở Gò Vấp đã thân hành đến tận chùa Trường Thạnh, nơi Ngài đang trụ trì để mời Ngài về làm pháp sư chủ giảng Trường hương này. Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Thiện Tòng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, Ngài là vị giáo phẩm đứng ra mở các lớp dạy giáo lý tại chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) dù trong điều kiện thiếu thốn và hết sức khó khăn nhưng vẫn quy tụ rất nhiều Tăng sĩ vùng Sài Gòn và Gia Định thời bấy giờ đến tham dự các khóa học. Qua đó nâng cao trình độ kiến thức Phật học cũng như góp phần đáng kể vào việc bảo vệ bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc.
Có thể nói, Hòa thượng Thiện Tòng là bậc cao Tăng thạc đức giàu lòng yêu nước và tâm huyết với sự nghiệp xương minh Phật pháp. Ngài là một trong số chư Tôn đức góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng cũng như định hướng cho sự phát triển của Phật giáo miền Đông Nam Bộ trong những thập niên giữa thế kỷ XX. Bằng tâm hạnh từ bi và phẩm chất thông minh trí tuệ của mình, Ngài đã dành trọn đời mình chăm lo hoằng dương Phật pháp, để lại cho hậu thế noi gương về tinh thần yêu nước, phụng sự đạo pháp, xứng danh bậc thạch trụ của thiền lâm. Ngoài Hoà thượng Thiện Tòng [17], còn có các vị đệ tử và pháp tôn nổi danh của Ngài như: HT. Hồng Nở – Thiện Hoa [18], HT. Nhựt Bình – Trí Tịnh [19], HT. Lệ Huy – Thiện Nhơn [20].
Ngày nay, đến Tổ đình Phi Lai chúng ta thấy một ngôi Tổ đình khang trang, xứng đáng với vai trò lịch sử của một ngôi Tổ đình, do HT. Thích Thiện Nhơn (Pháp tôn của Tổ) đứng ra tổ chức Đại trùng tu. Chốn Tổ Phi Lai sẽ là nơi hội tụ, lan toả những giá trị văn hoá, đạo đức và tính nhân văn của một bậc đại sĩ cả đời cống hiến cho đạo pháp, dân tộc bằng hạnh nguyện Bồ tát.
Tại Hội thảo này, chúng ta sẽ làm sáng tỏ hơn về hạnh nguyện và tinh thần nhập thế của Tổ sư Phi Lai cũng như tinh thần của thế hệ kế thừa tư tưởng của Ngài. Một lần nữa, tất cả chúng ta khẳng định vai trò của Tổ đình Phi Lai và của tổ Chí Thiền trong sự nghiệp phụng sự dân tộc và chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, nhất là vai trò của tổ Chí Thiền trong việc tham gia đào tạo Tăng tài góp phần tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam sau này. Chúng tôi một lần nữa khẳng định tổ Chí Thiền là bậc danh Tăng tiêu biểu thuộc hàng hy hữu của Phật giáo Nam Bộ từ trước đến nay, bằng chứng thuyết phục là trong suốt thời gian hơn 60 năm “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Ngài đã quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên và hơn 20 Tăng Ni xuất gia tu học, tất cả đều trở thành bậc pháp khí chốn tùng lâm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chấn hưng, phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho Tổ ấn quang huy, chúng sinh lợi lạc. Công đức hoằng hóa và đào tạo Tăng tài của Tổ sẽ mãi trường tồn thông qua các thế hệ kế thừa và một trong những nhân vật kế thừa tiêu biểu của tổ Chí Thiền, đó là Hòa thượng Thích Thiện Tòng như chúng tôi đã trình bày./.
Chú thích:
[1] Hòa thượng Tiến sĩ Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[2] Thích Vân Phong (2016), Tiểu sử Thiền sư Minh Mai: Tổ Minh Mai – Phương Danh trước khi xuất gia, Ngài tham gia vào Nghĩa quân của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân Trương Định, năm Tân Dậu (1861). Khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Định Tường, Ngài gia nhập kháng chiến do Võ Duy Dương lãnh đạo, được bổ nhiệm chức Lãnh binh… Sau đó, Ngài lánh nạn vào chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) cầu xin xuất gia với tổ Tiên Giác – Hải Tịnh, được Tổ gửi cho học đạo với sư huynh Minh Khiêm – Hoằng Ân.
[3] Theo Từ Bi Âm [1932] tổ Chí Thiền xuất gia với tổ Minh Mai – Phương Danh chùa Giác Viên. “Giác Diên [Viên] chùa Phật gần đây, Kỳ – Hoàng hiệu thất của thầy Phương – Danh, lạy thầy quyết dạ về lành, cúi xin thế độ dạ đành tu thân, con nay quyết chí đoạn trần, cúi xin Sư-phụ muôn phần đoái thương” [Thiện Minh, 1934, tr.4].
[4] [Thiện Minh 1934, tr.13]: “Lê dân gặp lúc thảm sầu,/ Nước lên quá lẹ khỏi đầu mái hiên,/ Đại-đức truyền bảo dọn thuyền,… Rao cho dân chúng hay đều,/ Thuyền ông Đại-đức ra kêu rước về,/ Ở đây sợ nổi canh khuya,/ Gió dông bất trắc mau lia lên thuyền… Mấy trăm nhơn số chay trường,/ Vào chùa cứ việc dưa tương mà dần…”. [Từ Bi Âm, 1932, tr.40] “hao biết bao nhiêu là nhơn mạng, kẻ chết trôi chẳng ai chôn, người còn sống không chốn dựa”.
[5] Với chí nguyện muốn “hoằng pháp lợi sanh” của Tổ, nhằm mục đích “chuyển cái tư tưởng điên đảo của người đời mà đem về cái cảnh giới vô vi thanh tịnh” [Từ Bi Âm, 1933, tr.44]. Hơn nữa, Tổ sư rất chú ý và quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo Tăng, Ni. Theo Nguyễn Lang, “tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, Thiền sư Chí Thành quy tụ Tăng sĩ về giảng dạy hàng năm. Dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho Ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học Ni tham dự”. Theo Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng thì trong sự nghiệp hoằng pháp, tổ Phi Lai là một “Pháp sư nổi danh”.
[6] Thích Nữ Liên Thuận (2022), Tăng Bảo là mạng mạch của Phật pháp, ttps://tapchivanhoaphatgiao.com.
[7] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.756-757.
[8] Thích Minh Ân (2019), Tổ đình Phi Lai nơi vun bồi đạo hạnh bậc thượng sĩ, https://www.phattuvietnam.net/…; Duyên Khởi (2020), Phi Lai Cổ Tự – Nơi xuất thân của những bậc thượng sĩ, https://chuaminhdao.vn…
[9] Hoà thượng Hồng Nở – Thiện Hoa là bậc danh Tăng của thế kỷ XX, Ngài là Viện trưởng Viện Hoá đạo, Ngài đã để lại nhiều tác phẩm quan trọng cho thế hệ sau này, trong đó có bộ Phật học Phổ thông, là một công trình tư liệu giảng dạy cho Tăng Ni và Phật tử.
[10] Thích Minh Ân (2019), Tổ đình Phi Lai nơi vun bồi đạo hạnh bậc thượng sĩ, Sđd.
[11] Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ, TP HCM.
[12] Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ, TP HCM.
[13] Chùa Trường Thạnh từng là Trị sở – Văn phòng Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng – Lục Hoà Phật tử.
[14] Nét đặc thù của Lục Hòa Liên Xã, thứ nhất là lợi dụng ngày kỵ Tổ để thành lập hội thông qua đó triển khai các hoạt động đẩy mạnh công cuộc Chấn hưng Phật giáo; thứ hai là nêu cao tinh thần yêu nước, khích lệ các hoạt động yêu nước cho Tăng Ni Phật tử; thứ ba là đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các tông môn, hệ phái tại các ngôi già lam ở Nam bộ, nhờ đó mà đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo và tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước tại các tỉnh thành.
[15] Ý nói là bậc giáo phẩm đứng đầu Phật giáo, vì lúc này tổ chức Phật giáo tại Việt Nam chưa có dang xưng Tăng Thống trên văn bản hành chánh, các giấy tờ chứng nhận Hoà thượng Từ Văn của nhà cầm quyền pháp đều gọi Ngài là Hoà thượng Cả.
[16] Theo Hoà thượng Từ Nhơn, Phó chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Ngài đã kể lại rất nhiều giai thoại về sự uyên bác của HT. Thiện Tòng, mà chúng tôi đã trực tiếp nghe tại các buổi sinh hoạt của Giáo hội tổ chức trước mùa An cư Kiết Hạ hằng năm. Cũng theo HT. Từ Nhơn, Ngài được HT. Thiện Tòng dìu dắt, hướng dẫn để trở thành một vị giảng sư trẻ thời bấy giờ.
[17] Đại Tăng trưởng (Tăng Thống GHPG Lục Hoà Tăng Việt Nam năm 1952).
[18] Viện trưởng Viện Hoá đạo GHPGVN Thống Nhất, giai đoạn 1966 – 1973.
[19] Chủ tịch HĐTS GHPGVN, giai đoạn 1984 – 2014.
[20] Chủ tịch HĐTS GHPGVN, từ năm 2014 đến nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Từ Bi Âm 16 (1932), Tiểu sử của Hòa thượng chùa Phi Lai, trong Từ Bi Âm, tr.40-43.
2. Từ Bi Âm số 32 (1933), “Đám tang rất long trọng của ngài Chí Thiền: Hòa thượng chùa Phi Lai”, 1933, tr.38-44.
3. Thích Minh Ân (2019), Tổ đình Phi Lai nơi vun bồi đạo hạnh bậc thượng sĩ, https://www.phattuvietnam.net/…;
4. Thích Minh Ân (2020), Tổ đình Phi Lai: Huyền tích, Phật tích và di tích kiến trúc văn hoá độc đáo, Tạp chí Văn hoá Phật giáo.
5. Thích Đồng Bổn (2009), Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Thích Đồng Bổn (biên soạn) (2017), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
7. Tạp chí Từ Quang, Hội Phật học Nam Việt.
8. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
9. Thiện Minh (1934), Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai: Nhà in Xưa & Nay, Sài Gòn.
10. Thích Thiện Nhơn (2018), Tiểu sử tổ Như Hiển – Chí Thiền
11. Thích Thiện Nhơn (2018), Những Đóa Hoa Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
12. Thích Thiện Nhơn (2019), Hương đạo ngát đời, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
13. Thích Trí Quảng (2011), Khai Thị, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
14. Duyên Khởi (2020), Phi Lai Cổ Tự – Nơi xuất thân của những bậc thượng sĩ, https://chuaminhdao.vn…
15. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ, TP. HCM.
16. Thích Huệ Thông (2019), Lịch sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ, TP. HCM.
17. Thích Nữ Liên Thuận (2022), Tăng Bảo là mạng mạch của Phật pháp, ttps://tapchivanhoaphatgiao.com.
18. Thích Đức Quang (2022), Tổ sư Phi Lai – Một đại sĩ hóa thân, nguồn: https://phatgiao.org.vn/to-su-phi-lai-mot-dai-si-hoa-than-d54025.html.