Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ rất sớm cùng với tinh thần hộ quốc – an dân. Phật giáo Việt Nam luôn có truyền thống cao đẹp với tinh thần đồng hành, gắn bó sắt son qua bao thăng trầm của đất nước và dân tộc. Tại vùng đất phương Nam, vào những thập niên đầu của thế kỷ XVII, Phật giáo đã xuất hiện và có sức ảnh hưởng to lớn đến nền văn hoá, phong tục và tín ngưỡng của con người bản xứ, để trở thành một tôn giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của con người nơi đây.
Mặc khác, mỗi nơi Phật giáo có mặt đều mang lại sự an lạc và hạnh phúc cho nhân sinh, trong đó, trách nhiệm của Tăng già là hoằng truyền mạng mạch Phật pháp, làm cho Phật pháp được trường lưu ở thế gian, lợi ích cho hữu tình và tha nhân. Chính vì thế, kế thừa những tinh thần này, vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, tại vùng đất Nam Bộ đã xuất tích những bậc danh Tăng tiêu biểu cùng với các sơn môn, hệ phái đương thời chung sức vào công cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, trong đó tiêu biểu phải kể đến những công đức to lớn của tổ Như Hiển – Chí Thiền và Tổ đình Phi Lai tại vùng núi Thất Sơn (tỉnh An Giang), nơi đây đã minh chứng cho tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền, một bậc danh Tăng tiêu biểu trong tinh thần nhập thế và sự nghiệp đào tạo Tăng tài, góp phần hoằng dương Phật pháp, lợi ích tha nhân.
Nhằm tôn vinh và làm sáng tỏ hơn về công đức và đạo hạnh của Ngài, Nhân lễ tưởng niệm lần thứ 90 năm, ngày Tổ sư viên tịch, để thể hiện trọn vẹn tinh thần Tri ân – Báo ân của người con Phật, nhằm tưởng niệm, kế thừa và tiếp tục phát huy sự nghiệp của Hòa thượng Thích Chí Thiền, Môn phong Tổ đình Phi Lai phối hợp với Văn phòng 2 Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học: Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai “Hội tụ và lan toả”.
Hoà thượng Thích Chí Thiền (1861-1933) là một trong những bậc danh Tăng tiêu biểu ở miền Tây Nam Bộ, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, nơi chốn Tổ Phi Lai, được xem là một trong những cái nôi đào tạo Tăng tài nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ, cùng với những đóng góp to lớn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ngay từ những năm 1930, Tổ đình Phi Lai cũng là nơi xuất phát các hoạt động cho cách mạng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Qua đó, những công đức và sự đóng góp tiêu biểu của Hoà thượng Thích Chí Thiền được gói gọn thể hiện qua ba phương diện: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Về Tài thí: Đã được thể hiện rất rõ qua hai lần Tổ ra tay phát chẩn, cứu vớt những nạn nhân trong hai trận thiên tai lũ lụt lịch sử vào năm 1904 và 1907 tại Nam Bộ và lập đàn cầu siêu cho các vong linh đã mất do lũ lụt; Về Pháp thí: Với chí nguyện muốn hoằng pháp lợi sanh nhằm mục đích “chuyển cái tư tưởng điên đảo của người đời mà đem về cái cảnh giới vô vi thanh tịnh” Tổ là người có nhiều tâm huyết và tinh thần hoằng dương Phật pháp. Tổ đã ra sức trùng tu Tam bảo Phi Lai, tham gia nhiều công tác giáo dục như mở trường đào tạo Tăng tài, mở lớp Gia giáo, khai mở Giới đàn tấn tu cho Tăng Ni và Phật tử, đặc biệt ủng hộ tích cực cho phong trào Chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ do các bậc tiền bối tâm huyết khởi xướng, góp phần to lớn vào công cuộc Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Ngài đã từng đàm đạo với những bậc cùng chí hướng như tổ Huệ Đăng và các bậc danh Tăng đương thời. Ngài vẫn tùy duyên âm thầm giúp đỡ, gặp gỡ và đàm luận với các chí sĩ yêu nước – trong đó tiêu biểu là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc… Từ đó, hình ảnh của vị thầy khả kính đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân phương Nam, làm cho Nhân dân được an cư lạc nghiệp, tu học đạo từ bi, giải thoát và đó cũng chính là hạnh nguyện Vô uý thí của Tổ sư.
Hình ảnh cao đẹp của Hoà thượng Thích Chí Thiền và Tổ đình Phi Lai đã đi sâu vào lịch sử gắn liền với vùng đất con người, quê hương miền Tây Nam Bộ. Và nơi đây, đã hun đúc nên những thế hệ kế thừa, nối tiếp sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp, lợi ích tha nhân của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền.
Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được 26 bài tham luận, bài nghiên cứu và ý kiến phát biểu từ các bậc Tôn túc, nhà nghiên cứu, khoa học, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các học giả đã đánh giá rất nghiêm túc, khoa học và chi tiết về hành trạng của Tổ sư – Hoà thượng Thích Chí Thiền và Tổ đình Phi Lai.
Có thể nói, các báo cáo tham luận mà Ban Tổ chức nhận được có chất lượng rất tốt, đầy tâm huyết có giá trị cao về mặt học thuật và khoa học, đặc biệt trong đó có nhiều tác giả chính là hàng thế hệ pháp tôn trong tông phong kế thừa sự nghiệp của Tổ sư, chứng kiến đối với các sự kiện, nhân vật, hay các hoạt động của Tổ đình Phi Lai và Tổ sư Chí Thiền. Các báo cáo tham luận đã làm rõ quá trình hình thành, phát triển, đặc biệt là đã làm rõ những đóng góp của Hoà thượng Thích Chí Thiền đối với đạo pháp và dân tộc nói chung, nhất là đối với cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài nói riêng. Đồng thời, các báo cáo cũng nêu ra những bài học, những định hướng cho sự phát triển của Tổ đình Phi Lai thời kỳ hiện đại. Qua đây, sẽ là cơ hội cho chúng ta cùng thảo luận để đưa ra những minh chứng mang tính khoa học của lịch sử và nhiều vấn đề cần phải quyết nghị về hành trạng của Tổ sư và Tổ đình Phi lai. Từ những cơ sở các báo cáo tham luận này, chúng tôi có một số nhận xét khái quát và vài gợi ý để cùng tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền. Chúng ta cần tập trung nghiên cứu, phân tích để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp quý báu của Hoà thượng Thích Chí Thiền, đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xương minh Phật pháp, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong công tác đào tạo Tăng tài, từ đó nêu bật lên vai trò và vị trí của tổ Chí Thiền đối với đạo pháp và dân tộc trong một thời kỳ lịch sử cùng những công đức to lớn của Hòa thượng trong tinh thần nhập thế, đặc biệt là công tác từ thiện, an sinh xã hội.
Thứ hai: Vai trò của Tổ đình Phi Lai từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Cần làm rõ yếu tố lịch sử, quá trình ra đời và phát triển của Tổ đình Phi Lai, qua đó cùng xây dựng và phát triển Tổ đình Phi Lai xứng danh là một chốn Tổ của vùng đất Nam Bộ. Đồng thời đánh giá một cách khoa học và khách quan về Tổ đình Phi Lai và Tổ sư Chí Thiền đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân và sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài.
Thứ ba: Hội thảo cần hướng đến những đề xuất, định hướng, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát huy các truyền thống cao đẹp, tính nhân văn của chốn Tổ Phi Lai và Tổ sư Chí Thiền trong công cuộc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời đại mới…
Thứ tư: Trên cơ sở những tiền đề trên, cần làm sáng tỏ hơn về các mối liên hệ giữa tổ Chí Thiền và các bậc danh Tăng đương thời, nhất là trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, qua đó đặc biệt cần chú trọng đến thế hệ hậu bối kế thừa dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ của Tổ, làm rạng danh các đệ tử kế thừa tinh thần từ bi – trí tuệ đã đóng góp tiêu biểu vào trong sự nghiệp ổn định và phát triển qua từng thời kỳ và giai đoạn lịch sử khác nhau của Phật giáo Việt Nam.
Nhiều báo cáo tham luận đã chỉ ra rằng, những đóng góp của Tổ đình Phi Lai và Hoà thượng Thích Chí Thiền là bài học có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, đây là điều có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với các thế hệ Tăng, Ni của Phật giáo Việt Nam hôm nay và mai sau về tinh thần nhập thế, về tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Qua đó, chúng ta cùng thảo luận và làm sáng tỏ được những mục tiêu trên, chúng tôi tin tưởng rằng với những đóng góp tham luận này, đã góp phần phác thảo nên một bức tranh sinh động về lịch sử hình thành và phát triển của Tổ đình Phi Lai và cũng nhằm tôn vinh những công đức, đạo hạnh của Hoà thượng Thích Chí Thiền đã cống hiến to lớn vào sự nghiệp ổn định, phát triển đạo pháp đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.
Hội thảo khoa học: Công đức và đạo hạnh của Tổ sư Như Hiển Chí Thiền – Tổ đình Phi Lai “Hội tụ và lan toả” đây là dịp để chúng ta, thế hệ hậu bối tri ân công lao của các bậc danh Tăng Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước, tô đậm thêm bản sắc hoà quang đồng trần, gắn bó, đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Cuối cùng, xin kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni và toàn thể quý vị thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!