1. Đặt vấn đề
Khải Đoan tự tên chùa do mẹ vua Bảo Đại là bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu đặt tên, tọa lạc ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Chùa là trung tâm sinh hoạt của Phật giáo Đắk Lắk, ra đời và phát triển gắn liền với một bộ phận dân cư thành phố, nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp kỳ thị tôn giáo và các chính quyền tay sai từ năm 1963 – 1975. Về kiến trúc mỹ thuật, chùa có nhiều nét độc đáo, kết hợp hài hòa 2 lối kiến trúc Kinh – Thượng, về lịch sử, đây là ngôi chùa sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn. Kiến trúc của chùa là một minh chứng về sự kết hợp giữa kiến trúc nhà rường Huế và kiến trúc nhà dài Tây Nguyên. Việc triều Nguyễn xiển dương Phật giáo với chức năng đề cao vị thế cho các ngôi chùa sắc tứ, trong đó Khải Đoan tự có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyền lực nhà nước và tính chính danh của chính quyền nhà Nguyễn ở Tây Nguyên lúc bấy giờ (1951). Di sản lịch sử văn hóa kiến trúc Phật giáo khác biệt ở Buôn Ma Thuột cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp cho vùng đất trung tâm của Tây Nguyên.
2. Bối cảnh xã hội ở Đắk Lắk từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1950
Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk là nơi cư trú của nhiều dân tộc trong đó có người Việt. Buôn Ma Thuột xưa chỉ bắt đầu từ một thôn, đó là thôn Nam Bang (xóm người Việt), và một buôn, buôn của Ama Thuột. Năm 1924, họ gọi xóm người Việt di cư đến là Lạc Giao, sau đó người Việt đông dần lên qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Những người Việt này định cư xây dựng quê hương mới ở những thời kỳ khác nhau, nhưng cuộc sống của họ đã ổn định, họ thích nghi được với miền đất mới, với một hệ sinh thái mới và những người bạn mới. Chính điều này đã tạo nên các làng người Việt ở Buôn Ma Thuột như làng Lạc Giao, làng Lạc Sa, trại Trần Hưng Đạo (xóm Cầu chui), xóm ven suối Đốc Học,… người Việt khai thác kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau: trồng hoa, làm vườn, làm nông nghiệp và các nghề thủ công, buôn bán, công chức,… họ đã bám trụ tại Buôn Ma Thuột, coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Năm 1905 và năm 1918 trong bản đồ người Pháp vẽ trung tâm Buôn Ma Thuột đã thấy xuất hiện vị trí của một ngôi chùa và những tụ điểm sinh hoạt khác trên địa bàn Đắk Lắk444. Năm 1928, đồng bào Kinh (Việt) xây dựng đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, Buôn Ma Thuột với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jut, Tây Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, Đông giáp đường Phan Bội Châu. Là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của người Việt đầu tiên lên Đắk Lắk445
Theo bước chân của lưu dân di cư, có những tăng sĩ hòa nhập truyền đạo để hỗ trợ tinh thần, tín ngưỡng, tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX chưa có một tài liệu nào đề cập đến sự có mặt của tăng sĩ Phật giáo ở Đắk Lắk. Thời gian trước năm 1945, vua Bảo Đại lúc mới đến Buôn Ma Thuột chỉ ở nhà sàn bằng gỗ tại hồ Lak (xây dựng trên một ngọn đồi) để làm nơi nghỉ chân của vua Bảo Đại trong những lần săn bắn. Bản thân vua Bảo Đại là tín đồ Phật giáo446 những lần nghỉ chân ở Buôn Ma Thuột, bà Từ Cung và thứ phi Mộng Điệp thường ở trong nhà sàn nhìn ra hồ Lak để niệm Phật.
Năm 1949, một số Phật tử qui tụ thành làng, thành xã, lập ra hội đồng hương, tín ngưỡng, xây dựng 4 căn nhà ở đường Quang Trung, Buôn Ma Thuột làm nơi thờ Phật để chiêm ngưỡng lễ bái, đồng thời trong năm này dấu chân của Thiền sư Trí Nghiễm, pháp hiệu Thiện Minh, đã được GHPGTP giao lãnh trách nhiệm tổ chức công cuộc hoằng pháp ở các tỉnh Trung trung bộ và Tây Nguyên (11,304)447. Cùng năm này (1949) khi phong trào kháng chiến Việt Nam lên cao, thực dân Pháp cố nắm chặt Tây Nguyên với ý đồ lâu dài về sau bằng cách giao cho Nam Triều quản lý Tây Nguyên với tên gọi là “Hoàng Triều Cương Thổ”448. Đồng thời, thực dân Pháp cố tình nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa đồng bào Kinh và Thượng với yêu cầu chính phủ Việt Nam ban hành những quy chế đặc biệt cho đồng bào Thượng với sự thỏa thuận của chính phủ Pháp. Ngày 28/4/1949 Bảo Đại về lại ngôi Biệt điện mà người Pháp xây cho ông từ thuở ông mới lên ngôi (1926). Ngày 15/4/1950 Bảo Đại ra dụ số 6 tổ chức vùng Tây Nguyên thành Bắc và Nam đặt dưới quyền cai trị của vị Khâm Mạng Hoàng triều cương thổ, như người Kinh lên Tây Nguyên vẫn bị hạn chế.
Theo điều 2 sắc lệnh số 3 ngày 25/7/1950, các tỉnh Đắk Lắk, Liang Bian (Lâm Viên), Plei Ku và Kon Tum thuộc quyền độc lập của Chính phủ Bảo Đại, cho đến cuối tháng 5/1950 Bảo Đại tiếp nhận tượng trưng đất “Hoàng Triều Cương Thổ” ở tại Ban Mê Thuột/ Buôn Ma Thuột.
Tính đến năm 1950 có trên 10 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 65%, người Kinh (Việt) chiếm 35%. Tín đồ Phật giáo chiếm 65%, Thiên Chúa giáo 20%, còn lại là dân tộc ít người chiếm 5% là đa thần giáo. Vào những năm cuối 1950, Phật giáo theo những luồng di cư lập nghiệp của người Kinh (Việt), đã lan truyền khắp tỉnh Đắk Lắk với nhiều tụ điểm sinh hoạt tín ngưỡng. Do nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử một số tín đồ Phật giáo được sự che chở của những người trong Hoàng tộc, còn một số đông sinh sống gần nhau lập thành làng thành ấp. Đa số là Phật tử luôn giữ tín ngưỡng của mình, thiết lập bàn thờ tại nhà để thờ Phật với niềm ao ước của họ bằng cách vận động bà con đồng lòng góp công sức xây dựng một ngôi chùa. Tuy nhiên trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp chèn ép không cho phát triển, việc nhờ cậy đến một người trong Hoàng tộc đứng ra xây dựng chùa là một giải pháp cần thiết. Đồng thời bà Mộng Điệp nhận ý chỉ của Đức Từ Cung-Hoàng Thị Cúc (Đoan Huy Hoàng Thái hậu, chữ Hán Nôm: 端 徽 皇 太 后) dùng tiền bán cà phê, thuê người chặt cây rừng dựng một ngôi chùa theo phong cách Huế. Đầu năm 1951, Khải Đoan tự được khởi công xây dựng
3. Phong cách kiến trúc của Khải Đoan tự
Đầu năm 1951 khởi công xây dựng, được tiến hành theo 3 công trình: Ngôi chính điện (chùa), Giảng đường, Nhà thờ Tổ; năm 1953 mới chính thức xây xong. Trong năm 1953 Thái Thượng Hoàng khắc dấu ấn, ấn chỉ để phong sắc Tứ, đó là ấn hiệu quốc gia, chùa được sắc phong “Sắc Tứ Khải Đoan Tự ” vào ngày 15 tháng 12 năm Quý Tỵ (1953). Tên “Khải Đoan” là ghép 2 chữ đầu “Khải Định – Đoan Huy”, Khải Định Vương niên, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Tên “Khải Đoan Tự” không phải ai khác đặt tên do Đức Từ Cung, phía dưới chữ Khải Đoan Tự có dấu ấn 2 chữ “Từ Cung”. Năm 1955, khánh thành chùa Khải Đoan ngày 8/4/1955 lúc 9 giờ sáng, tượng Phật Thích Ca bằng đồng đầu tiên được thỉnh vào chính điện, tượng được Đức Từ Cung đưa từ cố đô Huế vào.
Khải Đoan tự có kiến trúc độc đáo vừa mang kiến trúc nhà rường Huế, vừa mang yếu tố nhà dài Êđê thường xây dựng theo trục Bắc – Nam. Tổng thể công trình cấu trúc theo hình chữ Tam (三). Phía trước là cổng tam quan Đây là kiến trúc tương đối hoàn chỉnh gồm hai tầng với ba vòm cửa, cổng cao 7m, rộng 10,5m, dày 3m, trước tầng trên ghi ba chữ: “Khải Đoan Tự”. Tầng trên cổng, vòm giữa thờ tượng Hộ Pháp, sau cổng tam quan là một khoảng sân rộng trước chánh điện của chùa.
Chánh điện là một công trình chính của cấu trúc chùa, được chia làm ba gian hai chái theo lối cổ, rộng thoáng mát, là trung tâm chính điện, phía trên mang một bảng hoành phi chạm trổ hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, chữ Hán được thếp vàng là bảng tên chùa Vua, bản được viết chữ Hán là “Sắc Tứ Khải Đoan Tự”, chính điện được chia làm 2 phần, nửa phần trước chính điện mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên với kiến trúc cột kèo theo mẫu nhà rường Huế. Toàn bộ cột đặt trên bốn cột đá nâng kiến trúc lên khỏi mặt đất, tạo thành kiểu sàn ở trên cột.
Bên trong toàn bộ giàn trò mới thật sự hết sức độc đáo. Để mở rộng lòng nhà, hàng cột giữa được cắt bỏ và nâng lên thành chồng rường trên bộ khung dài. Hai dãy cột chính lùi vào vách, nối với nhau bằng một xà ngang, lối kiến trúc này đặc trưng cho nhà Tây Nguyên có tác dụng làm cho nhà phát triển theo chiều dài. Nhà rường không có bộ phận đỡ đòn nóc mà là một cột trốn từ đòn nóc đến chính giữa rường, khiến cho ta liên tưởng đến kiến trúc nhà của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, nổi bật là ở Đắk Lắk.
Phần nửa sau được xây theo kiến trúc hiện đại xi măng, bê tông cốt thép, để có thể nới rộng phần chính điện. Chính giữa phần chánh điện dưới nhà sàn gỗ là phần trước chánh điện theo lối kiến trúc nhà dài Tây Nguyên, thì ngay dưới sàn có gạch nối giữa phần trước và sau chính điện theo lối kiến trúc hiện đại.
Phong cách trang trí và thờ tự nơi đây không giống thờ tự các chùa chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng xây dựng chùa Thiên Mụ 1601) thờ Tam thế (Phật quá khứ A Di Đà, hiện tại Thích Ca, tương lai Di Lặc) nơi đây chỉ thờ tượng độc tôn (Phật Thích Ca Mâu Ni), hai bên là thờ hai vị Bồ Tát – Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương. Xung quanh tượng Phật Thích Ca có trang trí nhiều hoa văn: Vòng tròn hai cột đắp hai rồng nổi bằng sứ, tăng thêm vẻ trang nghiêm, theo kiến trúc hoa văn thời Nguyễn. Tượng Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, đài sen bằng gỗ cao 0,35m, phía trên tượng là “Tràng phan bảo cái” tỏa rộng, chạm trổ hoa văn kỳ công, tăng vẻ uy nghiêm hùng dũng.
Đặc biệt chùa không kiến tạo tháp chuông, trống theo kiểu chùa Huế mà đã thay vào những mái nhà Rông đặc trưng kiến trúc Bắc Tây Nguyên. Nơi đây đặt Đại Hồng Chung là một công trình nghệ thuật triều Nguyễn, nặng 380kg do Đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng Thái Hậu), Hoàng thái tử Bảo Long và Hoàng tử Bảo Thăng, phụng cúng. Đại Hồng Chung này đúc tại làng Hưng Đạo, Buôn Ma Thuột do các nghệ nhân đúc đồng Khuôn hội Tịnh độ làng Dương Biều, cố Đô Huế tôn tạo ngày 15/12 năm Quý Tỵ (01/1954). Thân chuông được khắc bằng cả chữ Hán và chữ Nôm chữ Sắc tứ Khải Đoan Tự chung (chuông chùa Khải Đoan) nét hoa văn chạm khắc, quai chuông là đôi rồng liền thân, đúc với kỹ thuật tinh xảo, thân dưới cong, mình đầy vảy, uốn khúc dính chặt vào chuông, hàm răng nhe rộng ngậm hạt châu. Phần trên chuông ghi 4 chữ “Khải Đoan Chung Tự”, dưới thân chuông là hai đường viền hoa văn chạy họa tiết “Lưỡng long chầu nguyệt” với 8 con rồng đuôi quay vào nhau,… mang đặc trưng xứ Huế.
Bên cánh trái chánh điện được tạo dựng năm 1971 rất công phu, tượng Quan Âm Các đứng trên đài sen, đặt giữa hồ tròn, trước có hình “Long mã phù đồ” nối với một chiếc cầu xi măng bắc qua. Bên cánh phải chùa là điện Di Đà, kế tiếp là khu nhà giảng đường tỉnh hội Đắk Lắk được xây dựng năm 1953 cho đến năm 1970 đại trùng tu bề thế. Tiếp giáp là khu vực xã hội gồm trường Bồ Đề Huệ Năng…, tiếp theo là Ký nhi viện Khải Đoan… Phía sau chính điện là nhà Hậu Tổ. Chính giữa thờ Tổ thờ chư vị giác linh Hòa thượng, Thương tọa, Đại đức, những vị hữu công khai sáng, tạo lập, trùng tu… điều đặc biệt thờ Đức Từ Cung và vua Khải Định ở chính giữa, tất cả đều được thờ tự một cách trang nghiêm.
Hai gian hai bên nhà thờ Tổ là thờ các linh của những tín đồ Phật giáo đã mất. Ngày nay, diện tích sử dụng chưa đầy 2ha, nhưng Khải Đoan tự vẫn vang mãi trong lòng người dân Phật tử, một ngôi chùa Lớn, chùa Tỉnh. Trụ sở văn phòng Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Đắk Lắk luôn được đặt tại chùa từ khi khánh thành cho đến nay. Các kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk các nhiệm kỳ cũng đều được tổ chức tại Chùa Sắc tứ Khải Đoan
4. Giá trị của di sản kiến trúc Phật giáo ở Đắk Lắk nói chung và Khải Đoan tự nói riêng
Có thể nói rằng, trong toàn tỉnh Đắk Lắk không còn huyện xã nào là không có chùa, tịnh xá, tịnh thất… Đấy là những nơi trang nghiêm thờ phụng, tín đồ đến đó lễ bái chiêm ngưỡng hàng ngày. Các ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất là các cơ sở hoạt động chủ yếu của đạo Phật ở tỉnh Đắk Lắk. Những cơ sở này là các công trình tiêu biểu, không thể thiếu ở các thôn xóm, buôn làng. Có thể nói, sự có mặt của những ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất đã làm cho đời sống văn hóa tâm linh của người dân Đắk Lắk thêm chiều sâu về giá trị văn hóa vật thể hòa quyện trong những giá trị tâm linh.
Kiến trúc của các công trình Phật giáo tại Đắk Lắk nói chung và Khải Đoan tự nói riêng đã tạo nên một diện mạo mới, làm phong phú và đẹp thêm cho tổng thể kiến trúc các vùng thị trấn, thị tứ và nông thôn Đắk Lắk. Nếu ai đó nói rằng, kiến trúc của các công trình Phật giáo không thống nhất cũng là nói về sự đa dạng của các tông phái Phật giáo ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, đi liền với nó là phong cách kiến trúc của các ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, về cách bài trí, thờ tự mang theo nét văn hóa dân tộc đan xen giữa Kinh, Thượng…
Chùa Khải Đoan, có kiến trúc độc đáo theo phong thuỷ Huế, tám mái chồng diêm, có hình lưỡng long chầu nguyệt…vừa mang nét kiến trúc triều Nguyễn, vừa mang yếu tố miền sơn cước.
Tịnh xá Ngọc Quang với kiến trúc hình bát giác đã trở thành nét đặc trưng vô cùng độc đáo của các tịnh xá đạo tràng, hệ phái Khất Sĩ Phật giáo Việt Nam ở tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những mô hình thể hiện tính kế thừa và sáng tạo của Phật giáo với những đường nét kiến trúc riêng, thể hiện được sắc thái, đặc thù của nghệ thuật, văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống tâm linh của dân tộc và xứ sở, chúng có giá trị như là những viên ngọc quý trong thế gian.
Ngoài những biểu hiện về kiến trúc của các cơ sở thờ tự, chúng ta còn thấy nhiều mô típ hoa văn, các bức hoành phi, câu đối, đồ dùng sinh hoạt bài trí bên trong phản ánh những giá trị tinh thần của truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, các loại nhóm tượng thờ trong chùa, tịnh xá, tịnh thất thể hiện bàn tay tài hoa về nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân dân gian, nhờ có môi trường của đạo Phật mà những giá trị dân gian này được bảo tồn và làm phong phú cho di sản văn hóa của dân tộc.
5. Nhận xét và đánh giá
Văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk là sự hội tụ của văn hóa nhà dài Êđê, nhà trệt Mnông với văn hóa nhà rông Xê đăng, cùng nền văn hóa nhà sàn của các dân tộc thiểu số phía Bắc và văn hóa đình làng của người Việt, thờ mẫu tam phủ, tứ phủ,… song song đồng hành với văn hóa Phật giáo. Nơi đây vừa có luật tục của buôn, vừa có hương ước làng, bản, thể hiện sự gắn bó cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội, gìn giữ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó là văn hóa cồng chiêng khá độc đáo của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk, cồng chiêng của các dân tộc tại chỗ nơi đây đã được thiêng hóa. Nó là công cụ duy nhất để con người thông tin với các vị thần linh trong trời đất, là âm nhạc không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa, trong nghi lễ và lễ hội của các buôn làng. Ngày 25/11/2005, tổ chức UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, càng làm cho văn hóa cồng chiêng của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung được tôn vinh và có giá trị trong đời sống cộng đồng.
Chỉ có ở Việt Nam, mà tỉnh Đắk Lắk, với 49 tộc người cùng cộng cư, gần như là một Việt Nam thu nhỏ, mỗi một người dân nơi đây vừa có thể đến đền, phủ, miếu; vừa có thể đến chùa để cầu mưa thuận gió hòa cầu gia đình yên ấm, quốc thái dân an, việc làm ấy mang ý nghĩa tìm sự thanh thản về tinh thần cho bản thân và cho gia đình, dân tộc, quốc gia. Tại Đắk Lắk, các di tích văn hóa tiền sơ sử không tách rời Tây Nguyên và khu vực, nó có mối quan hệ với các tỉnh khác ở Tây Nguyên “với các văn hóa ở miền Đông Nam bộ, ven biển Trung bộ, với Bắc Việt Nam và với tiền sử Lào và Campuchia, có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam và khu vực”449. Đặc biệt, phải kể tới di tích tháp Yang Prong (huyện Ea Sup, Đắk Lắk), được người Chăm xây dựng vào thế kỷ 13, dưới thời Vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Shiva dưới dạng Mukhalinga, cầu mong sự nảy nở của giống nòi và ấm no hạnh phúc450. Người Chăm ở vùng duyên hải trung bộ, họ là những cư dân thuộc Vương quốc Chăm pa xưa, Phật giáo Đại thừa do những thương gia Ấn Độ du nhập vào Chăm pa từ những năm trước công nguyên, phát triển và hưng thịnh nhất vào thế kỷ thứ IX. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tượng Phật trong các di chỉ vùng Indrapura (Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay), Vijaya (Nhơn Hậu, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay), Kauthara (khu vực đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp từ Phú Yên, Cam Ranh ngày nay), và Panturanka (vùng Phan Rang, Phan Thiết ngày nay). Đặc biệt là các nữ thần phái Mật Tông mà phổ biến nhất là Bồ Tát Prana Paramita, Bồ Tát Avalokitesvara (Bồ Tát Quán Thế Âm) và Lokesvara (Nam Phật) những vị Bồ Tát này là Phật Amitahba hay Adi Đà hiện thân để cứu độ chúng sinh. Vào năm 875 nhà vua Indravarman II cho xây dựng tại Indrapura (Quảng Nam) một tu viện Phật giáo lấy tên là Laskmida Lokeskvara. Đây chính là di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay451 mà ngôi tháp Yang Prong ở Tây Nguyên cũng có những nét tương đồng với ngôi tháp còn lại ở vùng duyên hải Trung Bộ mà người Pháp đã chụp lại vào những năm đầu thế kỷ XX. Như vậy, cách đây khoảng 700 năm, Tây Nguyên không chỉ có người bản địa mà đã có những dân tộc khác cùng sinh sống. Yang Prong là một di tích có ý nghĩa lớn đối với các nhà dân tộc học, lịch sử, kiến trúc…Đây là ngôi tháp duy nhất còn nguyên vẹn ở Tây Nguyên, mặc dù vậy, kiến trúc của Khải Đoan tự lại không có chút gì ảnh hưởng của Yang Prong. Có lẽ, sau khi người Chăm không còn hiện diện ở vùng này nữa vì những biến động lịch sử, ngôi tháp này đã trở nên hoang hóa nhanh chóng. Nguyên nhân của sự hoang hóa này có thể so sánh cùng với nguyên nhân mà người Pháp rời bỏ thủ phủ bản Đôn sau này không? Đây là điều khá thú vị, có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng nó là một trong những bằng chứng để có thể lý giải tại sao nhiều di tích Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên lại trở nên xa lạ với chính những cư dân đã có một lịch sử cư trú lâu đời ở đó như Êđê, Mnông, Cơ tu, Xê Đăng, Bahnar, Jarai, Mạ, Stiêng…với những huyền thoại về Đức Phật.
_Chú thích:
444. Gerald Camnon Hickey (1982), Sons of Mountains, Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954, Yale University.
445. Ngày 2/3/1990 Bộ VHTT ra quyết định số 168 VH/QD công nhận đình Lạc Giao là di tích lịch sử. Ngày
31/8/1990. Tỉnh Ủy, UBND tỉnh, Sở VHTT và bà con làng Lạc Giao đã tổ chức long trọng lễ đón nhận quyết định này.
446. Bảo Đại là tín đồ Phật giáo quy y năm 1928, Bổn sư truyền thọ HT Thích Tâm Khoan. Tài liệu do Đại đức Thích Hải Định sưu tầm.
447. Thiền sư Trí Nghiễm đồng môn với hai Thiền sư Trí Quang và Thiện Siêu tốt nghiệp ĐHPG năm 1943 tại Tổ đình Tây Thiên, Huế. Thiền sư Trí Nghiễm đã xây dựng cơ sở vững chắc cho Hội VNPH tại các tỉnh: Lâm Viên, Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), Khánh Hòa, Phan Rang và Phan Thiết
448. Đắk Lắk, Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), Liang Bian (Lâm Viên), Pieiku và Kon Tum hợp thành một địa phận hành chánh riêng biệt gọi là miền Nam cao nguyên Đông dương (Rigion des platause sud Indochinneois) thuộc Hoàng triều cương thổ.
449. Nguyễn Khắc Sử, Chủ biên (2004), Khảo cổ học tiền sử Dak Lak, Nxb Khoa học xã hội, tr. 370
450. Lương Thanh Sơn (1991), “Tháp Chăm ở Đắk Lắk”, Tạp chí Dân tộc học, số 3.
451. https://phatgiao.org.vn/nhung-chuyen-ky-bi-ve-phat-vien-ngan-nam-tuoi-d29834.html
Tài liệu tham khảo:
- Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa Chăm cổ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
- Nam Hoa (2022), “Ngôi chùa sắc tứ cuối cùng của Triều Nguyễn”, Tạp chí Thế giới Di sản, số 3 (186).
- Henri Maitre (2008) Rừng người Thượng, Vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam, Nxb Tri Thức, Hà Nội
- Gerald Camnon Hickey (1982), Sons of Mountains, Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands to 1954, Yale University.
- Nguyễn Khắc Sử, chủ biên (2004), Khảo cổ học tiền sử Dak Lak, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
- Lương Thanh Sơn (1991), “Tháp Chăm ở Đắk Lắk”, Tạp chí Dân tộc học, số 3.
- Trương Thúy Trinh (2021), “Một số khảo cứu về biển ngạch chùa Sắc tứ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5 (541)
- Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014) Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.