Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương những thành tựu, thách thức và giải pháp (ĐĐ.TS Thích Minh Tấn)

TẢI FILE PDF
—————–

          1. Dẫn nhập

          Với mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ Tăng Ni với đức trí song toàn nhằm kế thừa và phát triển đạo Phật theo con đường giáo dục Phật giáo, qua đó góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, Ban Giáo dục Phật giáo được thành lập từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương. Ban Giáo dục Phật giáo là một trong những ban chuyên trách chủ chốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Từ tiền thân là Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Giáo dục Phật giáo là một trong sáu ban được thành lập ngay từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Như vậy, có thể thấy vai trò và vị trí của Ban Giáo dục Phật giáo đã được chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp khẳng định và xác nhận. Tại Bình Dương, Ban Giáo dục Phật giáo cũng đóng góp một phần không nhỏ vào những thành tựu của Phật giáo tỉnh nhà. Từ những Tăng, Ni học và tu tập theo kinh nghiệm, Ban Giáo dục Phật giáo đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni đúng chuẩn mực của nhà Phật. Trong bài tham luận này tập trung bàn về “Giáo dục Phật giáo: Từ truyền thống gia giáo đến hệ thống đào tạo hiện đại” như là một quy luật tất yếu của sự phát triển trong thời đại ngày nay.

          2. Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương – Chặng đường nỗ lực đào tạo thế hệ Tăng Ni đúng chuẩn mực của nhà Phật

          40 năm kể từ khi thành lập Tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương là cả một quá trình lịch sử hình thành và phát triển bền bỉ vững chắc của Phật giáo tỉnh nhà. Trong quá trình phát triển ấy, ngành Giáo dục Phật giáo là ngành rất quan trọng trong việc đào tạo các vị Tăng Ni đúng chuẩn mực của nhà Phật. Thông qua Trường Trung cấp Phật học tỉnh mà Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương đào tạo thế hệ Tăng Ni kế thừa cho Phật giáo nói chung và Phật giáo tỉnh Bình Dương ngày càng vững mạnh.

          Có thể nói, trải qua 9 nhiệm kỳ, đặc biệt là năm 2022 vừa qua, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc đào tạo thế hệ Tăng Ni từ truyền thống gia giáo đến hệ thống đào tạo hiện đại. Có thể kể đến như:

          Một là, chương trình đào tạo và giảng dạy thực hiện theo chương trình của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đưa ra. Theo chương trình giảng dạy các môn chuyên đề như Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Kim Cang, Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Luật Tỳ Ni, Hán văn Phật pháp, Trích giảng kinh Nikaya, Kinh Trung Bộ trích giảng , Kinh A Hàm, Phật pháp Căn bản, Lịch sử Phật và Thánh chúng, Danh Tăng Bình Dương…. thì nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến các môn học văn hóa – xã hội như: Pháp luật Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tín ngưỡng Việt Nam và Lịch sử Văn học Việt Nam…. theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          Hai là, thành phần Ban Giảng huấn là những vị Giảng sư thuộc Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương và Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương đảm trách, nhằm giúp Tăng Ni sinh vừa học tập kiến thức Phật pháp, vừa có có cơ hội học hỏi kinh nghiệm tu tập và kiến thức từ các bậc Trưởng lão, chư Tôn Thiền đức Giáo thọ sư.

          Ba là, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương đã nỗ lực đào tạo Tăng Ni ngày càng chất lượng cao, mang tính khoa học và chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình hoạt động dạy và học của Tăng Ni sinh trong thời hiện đại. Ví dụ: Trong lúc tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra, nhà trường đã nỗ lực áp dụng công nghệ 4.0 nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cho Tăng Ni sinh đang theo học tại trường. Hay trong mùa An cư kiết hạ, Ban Giám hiệu trường đã trình Ban Thường trực GHPGVN tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng sinh an cư cấm túc tại Tổ đình Hội Khánh và chùa Thiên Chơn, Ni sinh an cư tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng…. nhằm giúp cho Tăng Ni rèn tâm luyện đức, soi sáng tâm tư, thực nghiệm tu chứng trên con đường Bồ-tát đạo.

          Bốn là, nhờ những nỗ lực đào tạo của Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương mà việc học của Tăng Ni sinh không chỉ dừng lại ở đó, mà còn phải tiến xa hơn. Điều này được minh chứng trong lễ Tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học tỉnh của khóa V (2019 -2022) vào ngày 19 tháng 9 năm 2022, số lượng Tăng Ni sinh đạt loại khá giỏi chiếm tỷ lệ cao, có 12 vị Tăng Ni xếp loại giỏi (chiếm 13,6%), 67 vị xếp loại khá (chiếm 77,9%) và 7 vị xếp loại trung bình (chiếm 8,14%). Bên cạnh đó, số lượng Tăng Ni sinh đăng ký theo học khóa VI (2022 -2025) tại trường ngày càng đông đảo.

          Như vậy, chặng đường nỗ lực đào tạo thế hệ Tăng Ni đúng chuẩn mực theo nhà Phật của Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương, đã giúp Tăng Ni sinh từ truyền thống gia giáo đến tiếp thu kiến thức Phật pháp có hệ thống bài bản. Qua đó, còn giúp thế hệ Tăng Ni sinh chuyển hóa những phiền não trong nội tâm, hướng đến một đời sống an lạc. Đây cũng là hành trang để Tăng Ni sinh tiếp tục hướng dẫn nam nữ Phật tử đi theo bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, cùng Phật giáo thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp – Dân tộc, Chủ nghĩa – Xã hội” mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.

          3. Những thách thức và giải pháp đối với Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương

          Với những thành tựu đáng kể vừa nêu trên, bên cạnh những kết quả đáng mừng, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương hiện nay còn khá nhiều thách thức đặt ra: – Trình độ Tăng Ni sinh đến từ nhiều địa phương khác nhau, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, trình độ không đồng đều, chương trình đào tạo từ hệ Sơ cấp Phật học ở một số tỉnh, thành không còn nhiều, mà tuyển thẳng lên đào tạo hệ Trung cấp Phật học. Đây là những khó khăn lớn để Tăng Ni sinh tiếp thu kiến thức ở hệ Trung cấp.

          – Do phải đáp ứng các điều kiện thời gian và chương trình học tại Trường, nên thời gian thực hành, tu tập theo nếp sống phạm hạnh của các em còn hạn chế. Đây cũng là trăn trở của chư Tôn đức trong Ban Giáo dục Phật giáo, bởi lẽ học Phật là phải cần sự thực nghiệm và hành pháp.

          Thông qua những thách thức được trình bày ở trên, chúng tôi mạo muội được trình bày một số giải pháp cần thiết để giải quyết những thách thức và vấn đề tồn đọng như sau:

          – Tiếp tục kiện toàn đội ngũ nhân sự có đầy đủ phẩm hạnh, trình độ sư phạm thế học và đạo học để đáp ứng được nhu cầu đào tạo thế hệ kế thừa, định hướng phát triển thế hệ kế thừa theo biểu mẫu kết hợp giữa: “Giáo dục học đường và Giáo dục tự viện”, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ kế thừa.

          – Động viên Tăng Ni trẻ thi tuyển vào các khóa học Cao đẳng chuyên khoa, Cử nhân Phật học, các khóa sau Đại học do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM đào tạo, tạo điều kiện giới thiệu cho Tăng Ni trẻ có cơ hội du học tại nước ngoài.

          – Để Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương được ổn định và phát triển, cần xây dựng đội ngũ bảo trợ có đủ uy tín và tâm huyết, để ủng hộ tài chánh hỗ trợ cho việc giảng dạy và vận hành của nhà trường.

          – Tổ chức các buổi Hội thảo chuyên đề về ngành giáo dục, để bồi dưỡng và nâng cao tính sư phạm, nghiên cứu trong công tác quản lý, điều hành, giảng dạy trong học đường.

          – Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, khảo sát thực tế, nhằm trau dồi những kiến thức và bài học thực tiễn cho Tăng Ni sinh để việc học đi đôi với thực hành.

          – Lên kế hoạch mở các khóa tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về cách soạn thảo giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng quy trình sư phạm của việc giảng dạy.

          4. Kết luận

          Tóm lại, trên đây là những thách thức và giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Tăng Ni sinh hệ Trung cấp Phật học nói riêng và giáo dục và đào tạo Phật giáo Việt Nam nói chung. Để thực hiện được những phương hướng và giải pháp đề ra đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực rất lớn không chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Tăng Ni, Phật tử mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước Việt Nam, của toàn xã hội./.