Những giá trị của giáo lý Phật giáo với bảo vệ môi trường (SC. Thích Nữ Định Tuệ)

Vấn đề môi trường hiện nay không ai ngoài con người phải chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình. Có nhiều lý do tác động đến môi trường, trong đó con người là yếu tố trực tiếp quyết định. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu từ con người. Là một tôn giáo lấy trí tuệ làm căn bản (duy tuệ thị nghiệp), giáo lý của Đức Phật đã đề cập đến mọi vấn đề liên quan đến nhân sinh và vũ trụ, trong đó  vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng được Ngài quan tâm. Với trí tuệ của một bậc giác ngộ, hiểu rõ chân lý sự sống, mọi loài sống trên trái đất và môi trường thiên nhiên đều có liên quan gắn bó mật thiết với nhau, trong đó mọi sinh vật là chủ thể, còn cảnh giới bên ngoài là khách thể (chánh báo và y báo). Hai đối tượng ấy tồn tại song song gắn bó khắn khít với nhau (y chánh bất nhị). Có cái này thì sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt (lý duyên sinh). Trong mối quan hệ đó, nếu một yếu tố bị cắt đứt, loại bỏ thì sẽ kéo theo yếu tố khác cũng thay đổi, thậm chí bị đảo lộn, dẫn đến tiêu vong hủy hoại.

Đức Phật quan niệm tất cả mọi loài sinh vật đều có sự sống, từ khôn ngoan lanh lợi như con người cho đến các loài vật to lớn như trâu bò voi dê, các loài vi tế côn trùng cũng có sự sống nên cần được thương yêu, tôn trọng và bảo vệ. Vì thế, giáo lý căn bản dành cho những cư sĩ tại gia phải thực hành, tuân theo đó là không được sát sinh dưới mọi hình thức. Trong Bồ tát giới, điều thứ nhất, Ngài đã chỉ định: “Nếu Phật tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết: nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống, đều không được cố ý giết. Là Phật tử lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ tát Baladi tội”. Điều cấm ngăn này mang giá trị nhân đạo rất sâu sắc, tôn trọng sự sống muôn loài vì tất cả chúng sanh đều có tánh giác và đều ham sống sợ chết như nhau.

Đặc biệt, trong giới điều thứ hai mươi của các vị tu hạnh Bồ tát, lấy lợi ích cho tất cả mọi người mọi loài làm căn bản quan niệm rằng tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ, anh em quyến thuộc của chúng ta trong vô lượng kiếp rồi nên ta không được giết hại và phải thường xuyên làm việc phóng sanh, tức là phải bỏ tiền chuộc chúng sanh để thả chúng về môi trường sống. Đức Phật còn khuyến khích hàng đệ tử “phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm”. Như vậy, lời khuyên của Ngài mang tính nhân đạo cao thượng, đồng thời còn mang một ý nghĩa khác đó là bảo vệ môi trường sống cho chính bản thân chúng ta. Việc giết hại chúng sanh bừa bãi sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Trong việc cấm sát sinh, Đức Phật đã giáo hóa, khuyến cáo mọi người trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can thiệp vào tự nhiên một cách thái quá để thỏa mãn mục đích tham lam của mình. Cái gì vượt quá mức độ cho phép cũng không tốt. Vì thế, ngoài giới điều ngăn cấm trọn đời dành cho tín đồ đã lãnh thọ giới pháp (mang tính thường niên), hàng năm Đức Phật còn quy định cho chúng đệ tử xuất gia tu hành phải an cư ba tháng (mang tính định kỳ) vào mùa hạ, ở yên một trụ xứ tu tập, hạn chế không cho đi khắp nơi tránh dẫm đạp chết côn trùng, cây cỏ. Thậm chí người nào không an cư ba tháng không thể gọi là Tăng sĩ Phật giáo. Đó là minh chứng về tinh thần từ bi, vừa là hành động tích cực thể hiện tình yêu thiên nhiên, vừa có tinh thần trách nhiệm với môi trường sống. Có lẽ, Phật giáo đã phát huy tinh thần yêu thiên nhiên triệt để hiếm có.

Việc hạn chế ăn thịt các loài động vật cũng khiến một số loài tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chủ trương ăn chay trường  của Phật giáo Bắc tông đã khởi xướng, tạo nên phong trào ảnh hưởng đến số đông tín đồ tập bỏ dần thói quen ăn thịt thay vào đó ăn các thực phẩm rau quả từ thiên nhiên. Xã hội có thói quen ăn thịt từ lâu, từ bao nhiêu thế hệ nay đều thế, việc bỏ thói quen cũ ấy rất khó, thông qua giáo lý của Đức Phật và sự hiểu biết của bản thân khiến mỗi người tự ý thức về việc ăn chay, mang tính tự nguyện tự phát chứ không ép buộc. Ăn chay có lợi ích thiết thực không thể phủ nhận đó là khiến thân thể nhẹ nhàng khinh an, ít bệnh tật và nhiều lợi ích khác nữa, trong đó có việc bảo vệ được môi trường sống của cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ động vật, thảm thực vật cũng được Đức Phật quan tâm. Ngài răn nhắc các đệ tử thông qua các giới cấm Tỳ kheo không được chặt phá cây cối tự do bừa bãi để làm am thất riêng tu hành, muốn tự làm phải xin phép, hỏi người chủ trách nhiệm khu rừng đó và Ngài chỉ cho phép  Tỳ kheo làm thất am riêng phải đúng lượng theo luật chế không được to lớn quá, hao phí cây cối. Sau này việc xây cất giảng đường, tinh xá cho chư Tăng ở đa phần giao cho cư sĩ xây dựng, còn tu sĩ tham gia chỉ đạo công trình xây dựng là chính. Tuy nhiên, cư sĩ dựng nhà lớn cho  chư Tăng ở và là nơi hội họp cũng phải thông qua sự chỉ đạo cho phép, đúng luật, không được tự ý làm bừa. Ngài cũng không cho đệ tử mình vì ác tâm mà chặt phá, đốt cháy cây cối trong núi rừng đồng nội một cách bừa bãi. Nếu vì lý do khí hậu lạnh cần sưởi ấm cũng phải đốt củi ở khu đất trống, không được đốt ở chỗ cây cối rậm rạp khiến gây hỏa hoạn cháy lan đến nhà cửa, xóm làng hao tài tốn của. “Tất cả chỗ có sanh vật không được cố thiêu đốt. Nếu cố thiêu đốt Phật tử này phạm khinh cấu tội”.

Ngoài ra, Ngài còn đề ra pháp sống thiểu dục tri túc, không cất chứa nhiều tài sản riêng tư, thậm chí chỉ có ba y và bình bát là vật sở hữu. Lối sống đơn giản tối đa khiến cho các tu sĩ rất nhàn hạ, thanh thoát, sống đời phiêu du nay đây mai đó. Có những vị tu hạnh đầu đà không có am thất riêng mà chuyên ngủ ở gốc cây, không quá ba đêm lại đi nơi khác. Bản thân Ngài cũng là một tấm gương về lối sống đơn giản như vậy, cả cuộc đời của Ngài đều gắn bó với núi rừng cây cỏ, từ lúc đản sanh hay lúc thành đạo, nhập diệt cũng đều gắn bó với rừng. Đối với hàng Phật tử tại gia, Ngài cũng dạy sống giản dị, tiết kiệm, cân bằng, góp phần làm giảm sức ép vào môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Qua những hiện trạng trên cho thấy vấn đề môi trường tuy không mới, nhưng mang tính cấp thiết của thời đại. Nếu như con người có bệnh cần được cứu chữa thì môi trường cũng được coi là một hiện tượng bệnh của trái đất, vậy tại sao chúng ta không gấp rút chữa trị? Nếu việc bảo vệ môi trường chỉ thực hiện sau khi xuất hiện tình trạng ô nhiễm thì không khác nào tai họa  ập đến rồi mới tìm cách cứu vãn. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng ai mà là của chung tất cả mọi người trên thế giới. Trên thực tế, sự ô nhiễm không chỉ có vài công ty hay vài người chặt phá rừng mà do phương thức sinh hoạt của con người.

Việc hoằng dương của Phật giáo vì nhân sinh đã góp phần hữu ích cho tín đồ Phật tử. Những quan niệm ấy đã góp phần không nhỏ để giải quyết những vấn đề tồn tại trong xã hội hiện nay. Nhất là với học thuyết Duyên khởi cho ta thấy bất cứ ai không thể tồn tại độc lập mà có mối liên hệ với nhau mật thiết. Phật giáo cũng không thể tồn tại ngoài cộng đồng xã hội, ngoài môi trường thiên nhiên. Môi trường tốt hay xấu đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người và các dạng thức sống khác. Từ đó suy ra một hệ quả tất yếu nếu con người coi thường môi trường, cũng như phá hoại thiên nhiên, coi nó như vật sở hữu của mình tha hồ khai thác sử dụng bừa bãi thì chính là đang hủy hoại tương lai của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *